Trên chiến trường, yếu tố tốc độ rất quan trong. Quang Trung trong bài dụ các tướng sĩ từng nói: Ở lúc bình thường sự mau lẹ cũng rất cần thiết rồi, đụng chiến sự lại càng cấp bách, bất cứ sự chậm trễ nhỏ nhặt nào cũng có thể ảnh hưởng đến đại sự.
Giả như quân tiếp viện của Liễu Thăng và Mộc Thạnh đến sớm hơn vài tháng, thậm chí chỉ 15 ngày thôi, cuộc chiến có thể đã có những chuyển biến rất khác và sẽ rất bất lợi cho Lam Sơn.
Vậy tại sao quân Minh cần một thời gian lâu như thế cho đạo viện quân thứ hai?
Trước nay trong lịch sử, Trung Quốc luôn được biết đến ở vị thế nước lớn, có thể huy động trăm vạn hùng binh. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một cách nói mà thôi, nước càng lớn càng có nhiều vấn đề phải lo: Nam Man, Đông Di, Tây Nhung, Bắc Địch, cứ ghét thằng nào cũng vác trăm vạn quân ra đập nó thì chỉ có nước bán nhà đi cho sớm. Vì vậy, huy động quân cho mỗi nhiệm vụ là có giới hạn, và cần thời gian chuẩn bị, điều phối binh lực.
Trong lần tiếp viện thứ nhất của Vương Thông, quân Minh đã vét đi gần 10 vạn quân khu vực biên giới, cho nên kể cả khi nhận được tin báo cứu nguy từ Đông Quan gửi về thì cũng cần thêm thời gian để vua tôi nhà Minh cùng nhau bàn bạc, xác định quân số tăng viện, tướng lãnh binh, thời gian huy động quân từ các nơi khác đến, và điều quan trọng: vấn đề hậu cần.
Muốn động binh, lương thảo phải đi trước. Lương thảo lần này do các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây phải đứng ra cung ứng và thiết lập các tuyến dịch trạm vận lương ra tới ải Nam Quan và từ Nam Quan xuống đến nước ta, chuyện này không dễ vì lương thực ở các tỉnh này đã bị vét trước đó không lâu. Cánh quân tăng viện 12 vạn (tính theo Minh Sử) lần thứ hai không chỉ lấy từ các tỉnh miền Nam mà còn phải điểu thêm quân tinh nhuệ từ Nam Kinh, và cả vệ quân ở Vũ Xương, Thành Đô, điều đó khiến công tác chuẩn bị mất khá nhiều thời gian. Và may mắn là quân ta đã tận dụng được vừa đủ khoảng thời gian quý báu đó.
Song song với việc hạ thành Xương Giang, Lam Sơn lúc đó còn phải điều gấp binh lực lên tiến hành đánh chặn 2 cánh quân tiếp viện của nhà Minh tại biên giới, Liễu Thăng tiến qua từ Quảng Tây, Mộc Thạnh tiến xuống từ Vân Nam.
Nói một chút về Liễu Thăng. Kết cục tử trận lãng nhách ở Chi Lăng khiến nhiều người coi thường viên tướng này, tuy nhiên nói sơ một chút về lý lịch: Từ khi còn trẻ nhờ hưởng tập ấm Liễu Thăng giữ chức Yên sơn hộ vệ bách hộ, tới khi xảy ra loạn Tĩnh Nan, Liễu Thăng chọn mặt gửi vàng, gia nhập quân của Chu Đệ, xông pha nhiều trận chiến lớn nhỏ, sau khi Chu Đệ toàn thắng lên ngôi, Liễu Thăng tấn chức Tả quân đô đốc thiêm sự, ngoài chiến sự ở Tĩnh Nan, Liễu Thăng còn có nhiều chiến công như đánh cướp biển Oa Khấu, tham gia Bắc chinh đánh bại thủ lãnh Mông Cổ là A Lỗ Đài và điều đáng chú ý là y từng lãnh binh đánh xuống nước ta, đánh bại nhà Hồ và tóm cổ cha con Hồ Quý Ly đem về. Có thể nói đây là một chiến tướng dù trẻ tuổi nhưng đã có bề dày thành tích khá đồ sộ trên cả chiến trường thủy bộ. Do đó, Liễu Thăng được vua Minh tin tưởng giao cho đội quân chủ lực trong lần xuất chinh này.
Đánh với Liễu Thăng, bộ chỉ huy Lam Sơn chủ trương là dẫn dụ và phục kích. Tướng giữ ải biên giới là Trần Lựu liên tục đụng trận thua chạy từ Ải Nam Quan về tới Ải Lưu rồi chạy đến Chi Lăng, Liễu Thăng thấy thế càng đắc chí thúc tiền quân đuổi theo tách rời khỏi đại quân và lọt vào ải phục kích của Lê Sát ở Chi Lăng và bị phục quân đổ ra chém chết, Lam Sơn thừa thắng xông lên chém gần vạn quân địch.
Các tướng dưới quyền Liễu Thăng là Thôi Tụ, Hoàng Phúc phải nhanh chóng tổ chức lại quân đột phá. Tuy mất tinh thần nhưng dù sao cánh quân ấy vẫn còn nguyên 6 vạn quân tinh nhuệ, Thôi Tụ lúc ấy muốn dẫn quân chạy nhanh đến Xương Giang để xốc lại sĩ khí, chờ hội quân với Mộc Thạnh và liên hệ với Vương Thông tiến hành phản công.
Lê Sát hiểu ý, mở đường cho chạy, lúc này các cánh quân đánh hạ Xương Giang xong cũng được Lê Thái Tổ điều lên tiếp ứng, phối hợp với Lê Sát – Lưu Nhân Chú đè địch ở các trạm mai phục ra đánh, từ Cần Trạm đánh tới Phố Cát, vừa đánh vừa hé một lối cho địch chạy về Xương Giang, địch tiếp tục tổn hao tới 2 vạn quân, phải vứt lừa, ngựa trâu bò lại mà chạy.
Tới Xương Giang, chưa kịp mừng thì biết tin như sét đánh ngang tai, “Xương Giang bị địch chiếm mất rồi anh ơi”, Thôi Tụ tuyệt vọng cho đắp lũy đất phòng thủ, bắn pháo hiệu cầu cứu Vương Thông ở Đông Quan. Người đi cứu người giờ lại phải cầu người mình cứu tới cứu, chẳng biết tâm trạng Vương Thông khi ấy ra sao.
Nhân đó, các cánh quân Lam Sơn lúc này quay lại vây chặt quân địch, Lê Sát Lưu Nhân Chú, Lê Lý, Lê Văn An bám lưng đối phương đuổi theo bọc phía Bắc, Lê Khôi đem thêm quân thiết đột và voi tới, Lê Thái Tổ còn cẩn thận bố trí các đơn vị thủy quân ở sông Thương và Lục Lam phòng địch vượt sông chạy về thành Chí Linh, các tướng sau đó 4 mặt thủy bộ cùng tiến, quân Minh đại bại, cánh quân chủ lực của Liễu Thăng bị tiêu diệt hoàn toàn, Thôi Tụ, Hoàng Phúc bị bắt sống.
Nhưng quân địch qua tận 2 cánh quân tiếp viện, trong lúc quân Lam Sơn và cánh quân Liễu Thăng đang choảng nhau tơi bời thì cánh quân của Mộc Thạnh đang ở đâu?
Trước hết lại nói một chút về Mộc Thạnh, Mộc Thạnh là con trai Kiềm Ninh vương Mộc Anh, khai quốc công thần nhà Minh, thuộc dạng gia đình có máu mặt, và cũng như Liễu Thăng đều đã từng qua Đại Việt, ra trận đánh thắng có thua có, thắng nhà Hồ, thua quân Hậu Trần ở trận Cô Bô nhưng may mắn chạy được. Nếu Liễu Thăng quá thừa cái nhiệt huyết tuổi trẻ, một sự tự tin đến mức tự đại, sự quyết đoán đến mức nóng vội thì Mộc Thạnh lại ở một cực ngược lại, ông ta nhiều thêm một chút thận trọng, thiếu đi một chút quyết đoán.
Chính vì nắm được điểm này, nên Lê Thái Tổ đề ra sách lược đánh với 2 cánh quân một cách khác nhau. Cánh quân của Liễu Thăng thì tận dụng sự nóng vội của địch để dẫn dụ địch vào bẫy, đập “què thượng tướng”, còn ở Mộc Thạnh thì lợi dụng sự thận trọng đến mức bảo thủ của ông ta mà ra lệnh cho Trịnh Khả, Lê Khuyển, Phạm Văn Xảo đặt binh ở Lê Hoa hư hư thực thực để cầm chân địch, và quả nhiên Mộc Thạnh không dám tiến quân mà đợi tin của Liễu Thăng, mất đi thời cơ tiến công. Và đó chính là thời gian quý giá giúp chủ lực của Lam Sơn có thể tập trung tiêu diệt hoàn toàn cánh quân của Liễu Thăng.
Mộc Thạnh chờ hoài tin vui không thấy tới mà bắt được chỉ là hung tin, quân Lam Sơn sau khi đánh tan cánh quân của Liễu Thăng đem cả sắc thư, phù ấn lẫn chỉ huy của địch bị bắt đưa cho Mộc Thạnh, tin thua trận từ cánh quân chủ lực truyền ra khiến Mộc Thạnh hoảng sợ, lòng quân suy sụp.
Chính lúc đó, các cánh quân Lam Sơn hợp binh lại nhất tề xông lên, Mộc Thạnh không thể nào chống nổi, cánh quân tiếp viện thứ hai cũng vì thế mà tan tác.
Nếu Liễu Thăng vì quá chủ quan và nóng vội thiếu ổn trọng mà thất bại thì Mộc Thạnh chính là vì quá cầu ổn mà thất bại.
Một chút so sánh: Quân Lam Sơn khi đó có 35 vạn quân, trong đó chỉ có 5 vạn là tinh binh
Quân Minh nếu tính cả 3 cánh quân: Liễu Thăng 7 vạn (Hoặc 10 như toàn thư), Mộc Thạnh 5 vạn, tầm 10 vạn của Vương Thông và các cánh quân Minh rải rác cố thủ tại các thành.
So ra, quân Lam Sơn không có quá nhiều ưu thế so với địch, thậm chí nếu xét về quân tinh nhuệ thì còn kém, thế nhưng cả 1 chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang, Lam Sơn quét hết 2 đạo viện binh 12 vạn chỉ trong vòng 2 tháng, phải nói rằng đó là một chiến tích cực kỳ huy hoàng.
Sở dĩ làm được như vậy đó chính là nhờ bộ chỉ huy Lam Sơn thực hiện vận động chiến rất khôn khéo để tạo ra ưu thế cục bộ, dùng quân lực tập trung đánh với quân lực phân tán, lợi dụng khuyết điểm của từng tướng lĩnh bên địch mà đề ra quyết sách, khiến cho cả 3 cánh quân Minh từ đầu đến cuối không thấy được mặt nhau, không thể hô ứng cứu viện lẫn nhau, chủ lực của Lam Sơn cứ phân rồi lại hợp đánh tan một cánh quân rồi lại hợp binh đánh tiếp cánh quân khác. Từ đó giành được thắng lợi.
=================================
Mọi chuyện trên đời, nếu muốn tìm cớ đổ lỗi thì dễ lắm, khó khăn ở đâu mà chẳng có. Lê Thái Tổ đâu thể đi đổ là do quân ta quá yếu, lương thảo không có, nước nhà tan hoang không có căn cơ không thể đánh lâu dài, thành quá kiên cố khó phá, địch quân quá cứng đầu máu chó không chịu hàng, vừa đánh 1 đạo viện quân 10 vạn đã muốn hộc máu còn lôi thêm 12 vạn quân nữa, nên thôi buông quách cho xong?
Đề ra chiến lược và chịu trách nhiệm chính là nhiệm vụ của người lãnh đạo, quân lệnh ban xuống tướng lĩnh phải liều chết mà thi hành đó là trọng trách của các chư tướng, vị trí càng cao thì gánh vác lại càng phải lớn. Người đứng đầu phải dám đảm đương thì quân, tướng khắp nơi mới sẽ theo về.
Nhìn ra được thời cơ trong bất lợi, biết tận dụng tất cả những gì mình có để xoay chuyển tình thế, biến bất lợi thành chiến thắng chính là phẩm chất của những con người phi thường, còn những kẻ suốt ngày đổ lỗi thì mãi mãi cũng chỉ là những kẻ tầm thường mà thôi.
Phần 2: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=605737116840215&id=100022117962487