Tại sao Châu Phi lại nghèo khó?

Sự nghèo khó không phải là điều cần phải bàn đến ở đây. Trong phần lớn chiều dài lịch sử, hầu hết mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới luôn phải đối mặt hoặc sống trong nghèo đói. Sự giàu có chỉ xuất hiện khi thỏa mãn những điều kiện hiếm gặp sau:

  • Tình hình an ninh ổn định. Con người chỉ có động lực tích lũy tài sản khi cảm thấy bản thân và tài sản của chính họ được bảo vệ.
  • Ngành nông nghiệp có quy mô lớn. Đây là yếu tố cần thiết để duy trì sự phát triển của các trung tâm đô thị, nơi sự chuyên môn hóa tạo điều kiện cho thương mại phát triển.
  • Cơ sở hạ tầng giao thông phát triển. Bao gồm các con đường, hoặc trước thời hiện đại là tàu thủy để chuyên chở hàng hóa đi xa.

Trong khi đó tại Châu Phi còn tồn tại khá nhiều vấn đề, điển hình như:

  • Canh tác nông nghiệp không hiệu quả. Tại Châu Phi, nông dân phải thực hiện mọi công việc bằng tay vì không có sự trợ giúp của các loại gia súc cày cấy.
  • Vào thời điểm Châu Âu trở nên hùng mạnh, đủ năng lực để chinh phạt Châu Phi thì các đế chế hùng mạnh nhất của lục địa này nằm tại khu vực Tây Phi đã suy tàn và bị thay thế dần bởi các tiểu vương quốc đang đấu đá với nhau để tranh giành quyền lực.
  • Không quen di chuyển và định hướng các khoảng cách xa.
  • Chỉ có một vài con đường thuận tiện cho giao lưu thương mại quốc tế và vận chuyển hàng hóa đường dài.
  • Trong các thế kỷ trước, những khó khăn trong vấn đề tiếp vận khi tấn công các châu lục ở khoảng cách xa như Châu Phi sẽ khiến cuộc chinh phục quy mô lớn của Châu Âu bất khả thi. Tuy nhiên tới thế kỷ 19, người Châu Phi phải bó tay chịu trói khi mà sức mạnh của những kẻ xâm lược đã trở nên vượt trội hơn bao giờ hết, thậm chí chúng có thể chinh phục bất cứ vùng đất xa xăm nào mà chúng nhắm tới.

Với những yếu điểm này, thật dễ hiểu khi lục địa này bị chinh phục một cách dễ dàng, bất chấp những nỗ lực của các nhà lãnh đạo như Samori Ture (phát âm là turay).

Những thuộc địa được thành lập bởi các cường quốc Châu Âu hoàn toàn không phải là kết quả của lòng tốt. Chúng tồn tại vì những lý do sau:

  • Phục vụ cho việc bóc lột và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
  • Tạo nên các thị trường nơi có thể nhập khẩu nguyên liệu thô với mức giá rẻ bèo và xuất khẩu lại vào thị trường này các hàng hóa thành phẩm đắt đỏ.
  • Vinh quang của dân tộc. (Theo mình suy nghĩ, việc thành lập các quốc gia thuộc địa này như một cách để Châu Âu đánh dấu chiến thắng vang dội của mình trong việc chinh phục thành công Châu Phi.)

Đúng là sau cuộc chinh phạt, đã có một nhóm các tông đồ của giáo hội muốn truyền bá và kitô giáo hóa dân chúng, song đó chỉ là một trong những nỗ lực thứ yếu, Bộ máy hành chính khá sơ xài, các thống đốc địa phương được yêu cầu tự giải quyết các vấn đề và cắt giảm nhiều chi phí vận hành.

Dần dần, người dân địa phương cũng được cho phép tham gia vào các hoạt động cai trị thuộc địa. Căng thẳng sắc tộc và tranh chấp giữa các bộ lạc càng làm quá trình chia rẽ và bị xâm châm chiếm diễn ra nhanh hơn. Các căng thẳng này lại càng rõ rệt dưới thời thực dân, khi các thế lực tranh chấp dữ dội để giành quyền thống trị trong mỗi vùng thuộc địa. Các bộ lạc này không có quan hệ về mặt họ hàng, họ sở hữu các phong tục và ngôn ngữ riêng biệt. Những thuộc địa nơi các nhóm bộ lạc này sinh sống giờ chỉ còn là nơi để sống theo đúng nghĩa đen của nó. (The colonies in which they found themselves living were nothing but geographical expressions.)

Nhiều người trong các bộ lạc này được chuẩn bị và đào tạo kỹ lưỡng để trở thành các nhà lãnh đạo trong tương lai. Đối với trường hợp của Pháp, người ta xem sự thống trị ở Châu Phi như một phần lãnh thổ mở rộng tại Châu Âu, một số người “gốc thuộc địa” đã được mời ngồi vào các vị trí tại cơ quan lập pháp quốc gia. Trong đó Senghor (senegal), Boigny (Bờ biển ngà),.. còn làm tới chức bộ trưởng của chính phủ. Dĩ nhiên khi dân chúng bắt đầu kêu gọi giành quyền độc lập và tự quyết, nhiều nhà lãnh đạo trong số đó đã không muốn ngồi vào những chức vụ này. Tuy nhiên, do không thể chống lại các làn sóng này và vẫn giữ chức nên cuối cùng họ phải chấp nhận một cách miễn cưỡng..(trở về ủng hộ phong trào và làm lãnh đạo ở quê nhà)

Tại các thuộc địa của Anh thì điều này có chút khác biệt. Có những người theo chủ nghĩa thuần tiến như J. B. Danquah, khôn khéo chọn cách giải phóng dân tộc theo tiến trình từng bước một. Nhưng cũng có những người thích gây rắc rối như Nkrumah, người muốn giành độc lập theo phương thức đánh nhanh thắng nhanh. Chủ nghĩa đế quốc giờ đây trong mắt con người ngày càng xấu xa hơn, hơn cả những gì mà người ta từng biết về nó. Sau đó, các thuộc địa từng quốc gia một đã được trao trả độc lập.

Điều xây dựng nên một nhà nước so với điều tạo ra một quốc gia là hoàn toàn khác biệt. Những nền chính trị mới độc lập tại Châu Phi là những nhà nước vô quốc gia. Họ bị vây hãm bởi một số vấn đề như:

  • Trình độ hiểu biết thấp. Nó có nghĩa rằng các nhà nước này vẫn phải dựa vào các nước thực dân để duy trì bộ máy hành chính của mình.
  • Sự bảo hộ nền dân chủ trong thời gian ngắn. Tại các quốc gia này, từ trước tới nay chưa từng có tiền lệ về “độc lập tư pháp” và không có quyền lợi từ xa xưa nào của tầng lớp trung lưu được bảo vệ. Cấu trúc nhà nước như vậy sẽ dễ dàng bị dân chủ lợi dụng ngược lại.
  • Kẻ thù chung là những kẻ xâm lược thuộc địa đã biến mất. Điều này có nghĩa là cuộc xung đột sắc tộc giữa các bộ lạc vốn đã lắng xuống vì mục đích đấu tranh giành độc lập nay lại nhanh chóng bùng lên trở lại.
  • Hầu hết các nhà nước này làm kinh tế không có hiệu quả. Trong đó vài nước bị bao quanh bởi đất liền nên nền kinh tế chủ yếu dựa vào sự ưu đãi đối với hàng xuất khẩu từ các nước hàng xóm. Không có ngành công nghiệp, thiếu giáo viên, có rất ít bác sĩ và rất hiếm có sinh viên tốt nghiệp đại học tại Châu Phi. Cơ sở hạ tầng duy nhất tại đây cũng được xây dựng bởi thực dân. Mọi thứ đều hướng tới khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc các sản phẩm nông nghiệp sau đó bán cho các cựu thực dân. Để gọi được một cuộc điện thoại từ Dakar đến Paris còn dễ hơn từ Dakar đến Abidjan. Thực trạng này cũng đúng với vấn đề giao thông vận tải. Điều duy nhất mà những nhà nước này cần phải cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài là tài nguyên thiên nhiên. Và họ đã làm như vậy.
  • Các cựu thực dân muốn bảo vệ những đặc quyền của mình. Họ muốn duy trì sự độc quyền trong các bản hợp đồng ở các địa phương. Các nước này cũng không ngừng lo lắng khi chứng kiến sự lan nhanh của chủ nghĩa cộng sản tại ở Châu Phi. Để ngăn chặn điều này, họ đã thường xuyên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của những nhà nước đã chính thức độc lập bằng phương thức ám sát. Nổi bật như trường hợp của Patrice Lumumba, nhân vật mà cả mọi người từ Bỉ và cả CIA đều muốn cái chết của ông. Ngoài ra, để ngăn chặn sự lan nhanh của chủ nghĩa cộng sản, các cựu thực dân còn tài trợ cho các cuộc nổi loạn và hỗ trợ cho các cuộc đảo chính nhằm hạ bệ những nhà lãnh đạo không tuân theo chúng.

Thực vậy, trải qua quá trình thực dân hóa đã khiến sự phát triển trong tương lai trở nên khó khăn hơn. Châu Phi đã vô cùng nghèo khó ngay trước cả thời kỳ thuộc địa, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác liên tục, và sự độc lập lại dẫn tới suy giảm tính ổn định. Việc tuân theo lời những kẻ da trắng ngoại địa và mê thích công nghệ của anh ta hơn thì đơn giản hơn là vâng lời của những kẻ có làn da đen tương tự như bạn, đặc biệt là có thể sau này bạn lớn lên và biết rằng bộ lạc của mình từng thống trị người da đen đó trước khi người da trắng đến. Điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn xuất thân từ một bộ lạc đã từng bị thống trị bởi một kẻ khác, dù cho có cơ hội thì bạn cũng không còn có ý định lật ngược tình thế chống lại những kẻ áp bức cũ.

Bây giờ tôi sẽ giải thích nguyên nhân tại sao cuộc chinh phạt, thực dân hóa và khai thác thuộc địa của Châu Âu lại gây bất lợi cho sự giàu có. Người Châu Phi đã làm gì sau khi giành độc lập?

Sau khi giành độc lập, trong nước các chế độ độc tài “chui” được thành lập. Các hiến pháp được viết lại hoặc bãi bỏ. Không có một cơ quan nào được lập ra để kiểm tra các nhà lãnh đạo đang khao khát quyền lực nhiều hơn bao giờ hết. Các quan chức lãnh đạo này muốn làm theo ý mình, do đó nếu họ sống trong một hệ thống có sự ràng buộc, họ không thể nào còn làm theo ý mình được nữa. Nhưng, hãy thử tưởng tượng một người đàn ông cai trị một quốc gia, nơi anh ta có thể giải quyết mọi vấn đề theo ý của mình, loại bỏ các phe đối lập mà hoàn toàn không thiệt hại gì. Liệu có ai nghi ngờ rằng một người đàn ông như vậy, thậm chí anh ta có theo chủ nghĩa duy tâm đi chăng nữa, sẽ dần dần trở thành một kẻ độc tài hay không?

Đây là điều diễn ra ở khắp mọi nơi: Có Boigny ( Bờ biển ngà), Nkruma (Ghana), Senghor (Senegal), Banda (Malawi), Nyerere (Tanzania), Kaunda ( Zambia), Sekou Toure (Guinea) và ngoài ra còn nhiều nhà lãnh đạo khác nữa. Tất cả họ đều thiết lập chế độ độc tài và đè bẹp các phe chính trị đối lập.

Đặc biệt là Banda, người nổi tiếng với câu nói: “Tất cả những gì tôi nói đều là luật, đúng vậy, là LUẬT”.

Senghor và Nyerere tự nguyện nghỉ hưu sau khoảng 20 năm nắm quyền. Họ là những nhà lãnh đạo tốt. Boigny và Toure đã chết trong văn phòng, nếu không có lẽ họ sẽ còn trị vì lâu hơn nữa. Nkruma bị lật đổ trong một cuộc đảo chính, còn Banda và Kaunda bị lật đổ bởi thùng phiếu, chỉ vì sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, họ mất đi sự hỗ trợ từ phương Tây, thứ giúp họ duy trì quyền cai trị trong nhiều năm qua của mình.

Vận mệnh của Châu Phi đã được giao phó cho những người đàn ông như thế.

Dân chúng nghèo đói. Điều họ đòi hỏi không phải là một chính phủ tốt, mà là một cơ hội để thoát nghèo. Những gì được thành lập là một hệ thống bảo trợ rộng lớn và có sức lan tỏa, song trong đó quyền lực chính trị lại chỉ đủ khả năng giúp một người trở nên giàu có. Một người làm công chức kỳ vọng sẽ tham ô được của cải của nhà nước và bòn rút một số tài sản cho mình. Không ai quan tâm rằng thực thể được biết đến với tên gọi như Nigeria hay Malawi có phát triển hơn hay sẽ trở nên nghèo hơn. Đó cũng là điều hiển nhiên đối với mọi tầng lớp khác.

về nguyên tắc, một nửa hoặc hơn một nửa ngân sách quốc gia được sử dụng riêng cho lương công vụ. Trong đó các bộ trưởng hưởng lương cao, cấp nhà ở miễn phí và được chính phủ trả toàn bộ hóa đơn. Họ đã rất tham lam, bất cứ công ty nước ngoài nào muốn kinh doanh tại các quốc gia này đều phải hối lộ. Nhờ đó mà các nhà lãnh đạo quốc gia trở nên giàu kếch xù. Có một điều rằng, chính trị không phải là kinh doanh hay giáo dục, mà đó là con đường chắc chắn nhất để trở nên hưng thịnh. Và phần thưởng mà nó được nhận không phải các chính sách chuyên môn mà là lòng trung thành.

Trong những năm thập niên 60 và đầu thập niên 70, hàng hóa duy trì mức giá cao và bền vững đáng kinh ngạc trên thị trường thế giới. Tuy nhiên từ cuối thập niên 70 tới những năm thập niên 80, giá cả thương phẩm sụt giảm mạnh kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống thị trường.

Quốc gia thiếu sự quản lý, mức nợ xấu cao ngất ngưởng, cơ sở hạ tầng phát triển chậm chạp và công nghiệp hóa đã thất bại. Vì nó chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như vậy, hơn nữa chính quyền cũng chưa từng thể hiện sự nghiêm túc khi theo đuổi các chiến lược phát triển kinh tế dài hạn.

Cần phải nhấn mạnh sự quán lý yếu kém này, chúng ta không thể đổ lỗi cho người da trắng thêm nữa. Tất cả những mớ hỗn độn này là do tự chúng ta gây ra.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng có một số hành động của phương Tây đã góp phần vào sự nghèo nàn của các quốc gia trên lục địa này:

  1. Thương mại không công bằng. Chính phủ các nước phương Tây tài trợ cho những nông dân của nước họ nhằm giúp nông dân tại đây sản xuất ra nông sản rẻ hơn so với nông dân địa phương tại Châu Phi, điều này khiến nông dân Châu Phi điêu đứng khi nông sản có giá rẻ hơn đổ vào thị trường các nước này. Các nước Châu Phi cũng không thu lợi được gì từ các quốc gia họ có thể đánh thuế. Bởi vì những quốc gia này cũng chính là những quốc gia từng xảy ra tranh chấp với Châu Phi, và người Châu Phi bị xem là đang mắc nợ họ.
  2. Tổ chức viện trợ lương thực vô cùng tệ hại. Điều nên làm khi xảy ra nạn đói hoặc thảm họa là mua hết các sản phẩm có sẵn tại địa phương trước khi phân phát chúng đi nhiều nơi khác. Điều này thuận lợi cho việc kích thích nền kinh tế địa phương và đảm bảo nông dân châu phi có thể gieo trồng mùa vụ mới trong năm tiếp theo. Nhưng viện trợ lương thực của Mỹ, theo lần gần đây nhất mà tôi quan sát, được thành lập vì lợi ích của nông dân Mỹ. Số sản phẩm lương thực dư thừa mà nông dân Mỹ sản xuất được chính phủ Mỹ mua hết, sau đó bán hạ giá vào thị trường Châu Phi. Điều này có lợi cho người đói nhưng bất lợi cho nền kinh tế địa phương. Vì nông dân địa phương không thể bán được nông sản của mình. Khi điều này xảy ra, nền sản xuất tại địa phương sẽ bị sụp đổ và khả năng xảy ra nạn đói trong tương lai sẽ trở nên cao hơn. Tôi nên đề cập đến điều này, theo lần gần nhất mà tôi quan sát, tổ chức viện trợ lương thực của Châu Âu được cấu trúc giúp mang lại lợi ích cho nông dân Châu Phi.
  3. Các chương trình cải cách cơ cấu. Đó là các biện pháp thắt lưng buộc bụng do Quỹ tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF) và ngân hàng thế giới áp đặt lên nhiều quốc gia Châu Phi trong bối cảnh suy thoái. Những biện pháp này cũng bao gồm việc bãi bỏ các quy định bắt buộc và các rào cản phòng vệ thương mại, điều này đã mở ra cơ hội giúp các quốc gia Châu Phi cạnh tranh với các nền kinh tế mà họ không thể vượt qua trước kia. Trên hết, các biện pháp này cũng bao gồm sự khắc khổ quá mức, thường là giữa thời kỳ kinh tế suy thoái.

Nào hãy cùng tóm tắt lại một chút. Châu Phi nghèo do các nguyên nhân:

  • Sự kém phát triển trước thời thuộc địa do nông nghiệp kém phát triển, cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn và nền chính trị thiếu ổn định.
  • Quá trình thực dân hóa và khai thác thuộc địa.
  • Sự phi thực dân hóa dẫn đến sự bất ổn và xung đột sắc tộc.
  • Các chế độ được thành lập sau thời kỳ độc lập với tỷ lệ tham nhũng cao và khiến cho nền kinh tế ngày càng đi xuống.
  • Phương Tây gây ảnh hưởng tiêu cực bằng cách hỗ trợ các cuộc nổi loạn hoặc áp đặt học thuyết thương mại tự do (free-marketism).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *