SAI LẦM THƯỜNG GẶP TRONG BẢN SẮC CÁ NHÂN

Thông thường, nếu bạn được hỏi một câu hỏi rằng “Bạn là ai?”, bạn sẽ trả lời như nào? Câu trả lời của bạn sẽ nói lên cách bạn nhận định bản thân mình, hay nói cách khác đó có thể là bản sắc cá nhân của bạn. Chắc hẳn bạn sẽ thấy có những cách nhận định bản thân sau khá quen thuộc.

Cách 1: Nhận định bản thân với một người. Đây là cách khá phổ biến khi bạn hỏi một đứa trẻ rằng cháu là ai, em bé ấy sẽ nói rằng cháu là con của bố cháu, con của mẹ cháu. Người ta thường nói “Children see, children do”, tức trẻ em là bản sao những gì chúng nhìn thấy từ cha mẹ, ông bà – những người mà chúng được tiếp xúc nhiều nhất và ảnh hưởng nhiều nhất. Trong mắt trẻ em, thì bố mẹ luôn là hình mẫu

Cách 2: Nhận định bản thân với một công việc. Khi trưởng thành, chúng ta thường nhận định như vậy. Ví dụ như tôi là học sinh trường A, tôi là một ca sĩ, tôi là một chủ nhà hàng, tôi là một bác sĩ hay tôi là một doanh nhân thành đạt,… Khi đó, chúng ta nhận định bản thân mình thông qua một công việc, một chức danh. Và đó cũng là cách mà mọi người nhận định về chúng ta.

Cách 3: Nhận định bản thân với một đối tượng. Chẳng hạn một chàng trai lái một chiếc xe đắt tiền và sang trọng có thể nhận định về bản thân mình rằng tôi là chủ của chiếc siêu xe đời mới đó. Hay tôi là chủ của chuỗi nhà hàng ăn nổi tiếng XYZ.

Vậy các cách nhìn nhận trên có điều gì không ổn?

Nếu bạn để ý bạn sẽ thấy rằng những cách nhận định trên đều nhận định chúng ta dựa trên những thứ thuộc về bên ngoài. Mà những thứ thuộc bên ngoài, có thể đến thì cũng có thể đi. Một người xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, họ có thể từng có những lúc rất quan trọng, nhưng cũng có thể có những lúc không còn ở bên cạnh chúng ta, thậm chí có thể thay đổi trở thành một người phản bội. Một chức danh cũng như vậy, nay chúng ta có thể có chức vụ đó thì ngày mai chúng ta có thể không còn sở hữu nó nữa. Cho nên người ta thường hay nói “Quyền lực là thứ trao tay”, nó không thuộc về sở hữu của ai cả, chỉ là ở một thời điểm nào đó bạn nắm giữ quyền lực mà thôi. Tương tự vậy, một đối tượng, một đồ vật thuộc sở hữu cũng có thể sẽ không còn thuộc sở hữu của một người. Nó có thể đến, có thể hỏng, có thể mất, có thể không còn tồn tại.

Khi một người nhận định chính mình (Psychological Identity) dựa trên những thứ thuộc về bên ngoài, thì hiển nhiên nếu nó mất, họ sẽ cảm thấy hụt hẫng, đau đớn, thất vọng, mất niềm tin, đau khổ, mất sự tự tin. Và đó là nguyên nhân sâu sa của những người sau thất bại không thể nào đứng lên được. Có những người sau sự ra đi của một người thân, họ không còn đủ sức mạnh để tiếp tục cuộc sống của họ nữa, bởi vì một cách nào đó trong bản sắc cá nhân của họ, người ấy chiếm vị trí cực kì quan trọng trong cuộc đời họ. Chẳng hạn như tôi là vợ của chồng tôi – một người đàn ông che chở, bảo vệ, bên cạnh tôi. Và giờ đây khi không còn người chồng, người vợ ấy không có đủ sức mạnh để tiếp tục.

Hay như có những người cuộc sống đang rất thành đạt, sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 trước đây, bất động sản đóng băng, kinh tế thay đổi và thị trường thay đổi, cơ hội trôi qua và những thất bại ập đến, họ không còn đủ sức mạnh để bắt đầu làm lại cuộc đời. Chính vì thế, các nhà tâm lý mới đưa ra một khái niệm để mô tả những trường hợp này đó chính là khủng hoảng bản sắc cá nhân (Psychological Identity Crisis).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *