3 Khía Cạnh Của Nỗi Thất Vọng

Quán chiếu thật kỹ về sự thất vọng, bạn sẽ nhận thấy chúng có ba khía cạnh. Đầu tiên là sự suy diễn về một viễn cảnh tồi tệ (trong tương lai) khiến ta thất vọng và lo lắng. Thứ hai là cảm giác thất vọng phát khởi vào thời điểm tình huống tồi tệ xảy ra, và cuối cùng là chúng ta để những tàn dư hay hậu quả của sự thất vọng phiền não đeo bám trong tâm trí.

Có rất nhiều điều chúng ta tự suy diễn, tưởng tượng và tự chuốc lấy thất vọng bực bội nhưng trên thực tế không xảy ra. Khi bắt đầu lo lắng về sự việc có thể xảy ra trong tương lai, bạn hãy quan sát tâm bạn, xem sự sợ hãi ‘tấn công’ bạn ra sao. Bạn có thể nhận ra rằng nỗi sợ hãi cực kỳ vô nghĩa, điều trớ trêu là nó thường chiêu vời những năng lượng tiêu cực khiến chính những điều bạn sợ hãi dễ xảy ra hơn.

Đương nhiên, một chút lo lắng cũng có lúc cũng cần thiết. Nếu không lái xe cẩn thận bạn có thể gây tai nạn, hoặc bạn cần phải đề phòng khi ai đó đe dọa mình.

Nhưng nỗi lo sợ thường trực trong tâm chẳng hề giúp ích gì mà chỉ giam hãm và kìm kẹp bạn. Nó khiến chúng ta quen sống trong trạng thái thường xuyên lo sợ, thất vọng chỉ bởi vì bạn sợ đau khổ. Nghệ thuật sống an lạc là buông bỏ sự sợ hãi, ngờ vực, sẵn sàng đối diện bất kỳ chuyện gì xảy ra với động cơ chân thành, tử tế, sống thật với con người mình.

Vậy bạn phải làm thế nào khi cảm thấy thất vọng? Điều đầu tiên là bạn cần tỉnh táo nhận diện nó. Trong thực hành thiền quán, hành giả luyện tập chú tâm vào từng hơi thở hay mỗi âm thanh xuất hiện, đó là một cách rèn luyện tâm, giúp chúng ta có thể an nhiên đối diện với khó khăn, nghịch cảnh.

Rèn luyện tâm đòi hỏi kỷ luật quân đội, nếu bạn không cố gắng rèn luyện để tâm an trú trong hiện tại và có thể vượt qua những cơn sóng nhỏ của xúc tình phiền não thì cuộc sống của bạn rồi sẽ bị nhận chìm trong khổ đau, mất phương hướng khi giông bão xuất hiện.

Khi một điều việc bất như ý xảy đến, chúng ta có thể an trú trong hiện tại, nghĩa là để tâm rộng mở đón nhận trải nghiệm. Không né tránh, chối bỏ hay kìm nén, mà nhận ra rằng “Ồ, đây là một cảm giác thất vọng. Nó có hình hài không? Nó ở đâu trong thân thể mình? Xúc tình này đang lớn lên hay thu nhỏ lại?” Hãy mở lòng chấp nhận cảm xúc ấy, để nó lướt qua tâm trí,và tiếp tục hành trình của mình mà không bị trói buộc bởi nỗi phiền não ấy. Đức Phật dạy rằng bản chất của mọi trải nghiệm đều là tính không.

Chúng ta cần nhận ra rằng tất cả những đau khổ, phiền muộn mà chúng ta vẫn dính mắc trong tâm thực ra không hề kéo dài mãi mãi. Chính tâm bám chấp là nguồn gốc mọi đau khổ bất mãn trong cuộc sống.

Có một điểm khác biệt tinh tế quan trọng giữa nỗi buồn (đau khổ) và phiền não (thất vọng), nỗi buồn là cảm xúc phát khởi tự nhiên khi mất mát, nhưng phiền não là sự kháng cự, không sẵn lòng chấp nhận sự thật, nó đeo bám và phóng đại nỗi đau.

Chúng ta thường có xu hướng biến những điều bất như ý thành câu chuyện lâm ly dài kỳ, thay vì chấp nhận sự thật rằng đó chỉ là một sự kiện đơn lẻ. Thứ nhất, điều này bắt nguồn từ quan niệm sai lầm về một cái tôi chắc thật và bất biến, liên tục được củng cố bởi câu chuyện ta tô vẽ nên. Bằng cách nhìn lại mình, bạn sẽ nhận ra rằng đó chỉ là ảo tưởng, ‘cái tôi’ ấy thực ra chỉ là một tổ hợp không ngừng biến đối của các tính cách, thói quen, khuynh hướng hành xử.

Thứ hai, thói quen suy diễn, suy tư miên man của chúng ta khiến cho trải nghiệm bất như ý dường như luôn ‘tươi mới’ trong khi thực ra nó đã trôi qua từ lâu rồi. Kết quả là, chúng ta bị mắc kẹt trong tâm trạng thất vọng, đau khổ, không thoát ra được.

Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu, nhận biết những cảm xúc phiền não để không mắc phải sai lầm này. Đau khổ của bạn dù có nặng nề thế nào thì cũng đã qua. Vạn vật không ngừng biến đổi, mọi thứ đến rồi đi, sinh rồi diệt. Cảm xúc của chúng ta cũng vậy. Đó là bản chất của cuộc sống. Hãy học cách chấp nhận và buông xả và cho phép mọi trải nghiệm dù khổ đau hay hạnh phúc tan biến theo dòng chảy của thời gian. Khi đó, nó trở thành chất liệu nuôi dưỡng những điều tốt đẹp bạn đang có trong cuộc sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *