1.
Người có thể dễ dàng làm thân với người khác, thật sự không có bạn bè.
Bất kể trong cuộc sống hoặc trong công việc, bạn sẽ phát hiện bên cạnh luôn có vài người không thể hoà hợp với bản thân mình.
Giữa các bạn không có những mâu thuẫn lớn lao, cũng chẳng có những tranh chấp về lợi ích.
Nói một cách khác chính là không thể trò chuyện với nhau, cũng chẳng cùng chung một suy nghĩ.
Chỉ cần nói chuyện sẽ cãi nhau, cùng làm việc sẽ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Người này giống như một hạt cát nhỏ kẹt vào mắt bạn, luôn khiến bạn ngứa ngáy trong mắt, trong tim.
Tuy nhiên nếu như xét tổng quát, bạn sẽ phát hiện, ngoại trừ việc không thể hoà hợp với bạn, thì thật sự người này cũng chẳng tệ.
Bạn cũng không nghĩ ra được vấn đề nằm ở đâu, tóm lại đó chính là cái gai trong mắt mình.
Trên thế giới này luôn tồn tại một người như vậy.
Một đời người, luôn sẽ gặp được người mà bạn không thể thích nổi.
Có người yêu thích bạn, thì sẽ có người ghét bỏ bạn; có người ghen tị với bạn, cũng có người sẽ xem thường bạn.
Không phải tất cả những con cá đều sẽ sống trong cùng một đại dương, mỗi người đều có góc độ quan sát và cách nhìn nhận thế giới của riêng họ.
Tôi vẫn luôn cho rằng, giữa người với người đều có một lực hút nhất định, có thể chơi cùng nhau, đó là vì bạn đã tìm được người có từ trường hợp với mình.
Không thể chơi cùng nhau, cũng là do từ trường không đúng, không liên quan đến việc đó là người tốt hay người xấu.
Thế nên, không thể hoà đồng cùng một vài người là chuyện thường tình.
Không nên nghi ngờ bản thân, cũng đừng nên chất vấn người khác.
Trong cuộc sống có vô vàn người yêu thích bạn, tại sao phải luôn giữ trong lòng về những việc và những người khiến bạn mệt mỏi?
Hãy dành cái ôm cho người thật sự quý mến bạn, cho cuộc sống ấm áp này, đừng đau khổ vì những người không quan trọng nữa.
2.
Cuộc sống là của bản thân, không liên quan gì đến kẻ khác.
Trương Quốc Vinh đã hát như thế này trong bài 《Tôi》: “Tôi chính là tôi, là pháo hoa với sắc màu riêng.”
Thế giới có to lớn nhường nào, cái bạn có được, nói cho cùng cũng chỉ có bản thân, bạn vừa là điểm bắt đầu, cũng là điểm kết thúc.
Trên con đường trưởng thành đầy cam go, chúng ta luôn ôm trong mình khát vọng đối với thế giới, muốn được công nhận, muốn có được sự tôn trọng.
Thế nhưng, đến cuối cùng mới phát hiện, cuộc sống này là của bản thân, cùng người khác chẳng có quan hệ gì.
Có một chàng trai trẻ hỏi nhà sư: “Sư thầy, có người khen con là thiên tài, có người mắng con là đồ ngu ngốc, thầy nghĩ thế nào ạ?”
Nhà sư trả lời: “Đừng vội hỏi ta câu này, trước tiên nên hỏi bản thân con.”
Chàng trai nghe xong, cảm thấy mơ màng.
Nhà sư nói tiếp: “Ví dụ như một cân gạo, trong mắt người nội trợ đó là vài chén cơm, trong mắt đầu bếp đó lại là bánh gạo, trong mắt nhà sành rượu thì đó chính là rượu. Gạo vẫn là gạo. Con cũng như vậy, cũng chính là con, sự thành công to lớn nhường nào, quyết định nằm ở việc con nhìn nhận bản thân như thế nào.”
Quá quan tâm đến cách nhìn của người khác rất dễ dàng đánh mất bản thân mình.
Cụ Dương Giáng vào lúc trăm tuổi đã viết ra một đoạn hồi tưởng lại về cuộc đời như thế này:
“Chúng ta đã từng khao khát đến thế trong làn sóng vận mệnh, đến cuối cùng mới phát hiện:
Cảnh tượng đẹp nhất đời người, lại là sự điềm nhiên và tĩnh lặng nơi trái tim sâu thẳm.
Chúng ta từng mong đợi thế giới công nhận xiết bao, đến cuối cùng mới biết: Cuộc sống này là của bản thân, chẳng liên quan gì đến người khác.”
Đời này, không gì tuyệt vời hơn việc đi hết quãng đường còn lại theo cách mà bạn thích.
***
Bạn có quy tắc sống của riêng mình, không bị bất cứ người nào, bất cứ việc gì ảnh hưởng.
Phản ứng không lanh lợi, bước đi chậm chạp cũng chẳng sao, quan trọng đây chính là cách sống mà bạn thích.
Trời cao biển rộng, mỗi người đều là một cá thể riêng biệt, đều có cách suy nghĩ của mình, cuộc sống của mình.
Đừng lấy tiêu chuẩn của bản thân đi đo lường người khác, cũng đừng ép bản thân sống theo yêu cầu họ đặt ra.
Đừng quá để tâm về lời nói của người đời, cũng đừng luôn chỉ tay năm ngón với cuộc sống của người ta.
Ai không nói xấu sau lưng người khác, lại có ai không bị người khác nói xấu sau lưng.
Trước khi qua đời, Carl Gustarv Jung đã nói với học trò mình:
“Khi bị ánh mặt trời rọi vào, phản ứng của mỗi người đều không giống nhau, có người sẽ cảm thấy chói mắt, có người thấy ấm áp, có người thậm chí tránh xa mặt trời.
Hạt giống trước khi nảy mầm đều không có hiện tượng đặc biệt nào, bởi vì thời điểm đó vẫn chưa đến.
Phải luôn tin rằng mình vĩnh viễn là nguồn động lực của chính bản thân.”
Đặt quá nhiều tâm tư vào người khác chỉ càng làm bản thân tiêu hao năng lượng một cách vô nghĩa.
Đối với những người hiểu bạn, bạn không cần phải giải thích; đối với những kẻ không hiểu bạn, lại không đáng để bạn giải thích.
Dù cho bạn có nghe bao nhiêu âm thanh chỉ trỏ đi chăng nữa, cũng không có ý nghĩa bằng việc bạn sống tốt cuộc sống của chính mình.