“Những cô gái nhà Ghibli: Cậu đi đâu, tớ theo cậu đến đó” – Thảo luận về Ponyo như một nhân vật nữ chính

Tại một thời điểm nào đó trong quá trình trưởng thành, cuộc sống thúc đẩy (ép buộc) các cô gái vào trạng thái phải làm ra vẻ nghiêm trang, lễ độ đến mức việc “thể hiện những mong muốn của bản thân” rõ ràng đã trở thành điều mà chúng ta chỉ có thể học (lại) được ở các lớp kỹ năng và trị liệu hàng thập kỷ sau đó.

Ponyo mở đầu bằng cách nói với cả thế giới mà không chút nao núng nào rằng em yêu một cậu bé tên là Sosuke – và em cũng yêu giăm bông.

Miyazaki đã tạo ra Ponyo vì ông không thể chấp nhận tiền đề của Andersen rằng một nhân vật chính mười lăm tuổi tuổi như nàng tiên cá [trong nguyên tác chưa được đặt tên] lại không có linh hồn. Vậy nên ông bắt đầu tạo nên một con cá vàng năm tuổi vô cùng hoạt bát tên là Ponyo, ngôi sao của bộ phim dành cho trẻ em năm tuổi.

(T/N: Trong nguyên tác của Andersen, tiên cá có tuổi thọ 300 năm nhưng không có linh hồn vĩnh cửu, khi chết sẽ trở thành bọt biển, hoàn toàn biến mất khỏi thế giới. Đúng là bác già lấy cảm hứng từ hình tượng tiên cá của Andersen để tạo ra Ponyo nhưng thông tin bác già không chấp nhận chuyện không có linh hồn thì chưa rõ tính xác thực)

Ở tuổi lên năm, trẻ con được dẫn đường chỉ lối theo linh hồn của chúng – tụi nhỏ chẳng hề được dạy rằng không được làm những điều như thế này:

Giống như [Ariel], Ponyo cũng khao khát được khám phá bờ biển phía trên – điều mà ông bố phù thủy của em vẫn luôn cấm đoán, và dường như em chẳng thể chia sẻ về sự tò mò ấy với những anh chị em của mình. Ponyo vô cùng khác biệt và thích ở một mình, em chẳng cần bất cứ phụ tá nào cả. Trong cuộc phiêu lưu đơn độc chẳng rõ mục đích ấy, Ponyo bị kẹt trong một bình thủy tinh và trôi dạt vào bờ biển nơi mà Sosuke năm tuổi đang vui đùa. Với bản năng thuần túy, Sosuke đập vỡ chiếc bình, cứu thoát Ponyo khỏi bị ngạt thở và giúp con bé tỉnh lại; Ponyo đáp lại bằng cách dùng phép thuật chữa lành vết thương trên ngón tay của Sosuke. Vào khoảnh khắc ấy, có lẽ là lần đầu tiên trong đời Ponyo và Sosuke “lớn lên” và làm những điều mà tụi nhóc thấy bố mẹ chúng đã làm: những câu thần chú là thói quen của bố Ponyo, và Sosuke đã đến thăm mẹ Lisa ở viện dưỡng lão nơi mẹ đang làm việc.

Ponyo và Sosuke không hề cố gắng tạo ra sức mạnh cho nhau, tụi nhỏ chỉ đơn giản là giúp nhau mở khóa tiềm năng của từng đứa một. 

Nhưng làm việc theo trái tim và theo đuổi giấc mơ đều có cái giá của nó – kể cả khi bạn mới chỉ năm tuổi: mong muốn “biến thành con người và sống cả đời bên Sosuke” được thúc đẩy bởi linh hồn của Sosuke đã phá vỡ sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên. Bố của Ponyo đã ngăn cản con bé bằng chính những kinh nghiệm sống của ông ấy: với tư cách một kẻ từng là con người, phản ứng của ông đối với mong muốn trở thành con người của Ponyo đã củng cố một nhận định rằng “những người thay đổi phe phái rồi sẽ trở thành kẻ thù nghiêm trọng nhất” – và rằng nếu thuận theo bản năng thì vô thức, những bậc phụ huynh sẽ luôn đáp trả con cái dựa trên chính những kinh nghiệm sống của họ. 

Miyazaki đã dành ra gần mười lăm phút trên màn ảnh để truyển tải thông điệp của Ponyo về sự bất chấp nhân danh tình yêu: Con bé, theo nghĩa đen, đã dâng nước biển lên và kéo mặt trăng ra khỏi quỹ đạo vốn có để đạt được “mong muốn” của mình. Ngay từ đầu, Miyazaki đã nói rõ rằng: thứ nhất, sử dụng phép thuật là không hề dễ dàng; thứ hai, phép thuật cần phải có thời gian; và thứ ba, không phải lúc nào phép thuật cũng đẹp đẽ. Ponyo, với đôi chân của con gà và đôi mắt trố ấy, đã chăm chỉ chạy về phía mục tiêu của mình – Sosuke, mặc kệ việc hai đứa khác biệt với nhau đến thế nào, cũng kệ luôn chuyện hai đứa đang cách nhau cả một vùng biển.

Tóm lại: Ponyo chạy như bay trên những con sóng giữa trận sóng thần – mà chính con bé đã gây ra – là bởi vì em đã sắp trở thành người và được đến bên cạnh Sosuke (Lưu ý: vẫn cần phải có được sự trợ giúp từ gia đình và ban bè – trong trường hợp của Ponyo là thuốc thần của bố và sự hỗ trợ từ “cộng đồng” của con bé, ấy chính là đại dương). Và đỉnh điểm của phân cảnh này là cái ôm xúc động nhất trong lịch sử điện ảnh.

Nếu để so sánh với Ariel, thì đây là những điều Ponyo đã thực sự làm thay vì hát một bài hát về việc trở thành một phần của thế giới khác. Từ khóa “ước mơ” trong Ponyo không chỉ thể hiện mong muốn của con bé mà còn thể hiện cách em đã đạt được điều đó – và tôi tin rằng những cô gái cho dù ở bất cứ lứa tuổi nào cũng nên xem những thứ như vậy nhiều hơn.

Ngoài ra, Ponyo đã đạt được mục tiêu của con bé chỉ trong nửa tiếng đầu tiên của bộ phim…

Những cô gái nhà Ghibli thường có xu hướng làm tốt hơn người ta mong đợi (và tôi yêu điều này). Những bộ phim của Miyazaki mạnh dạn để những cô gái có thể “mong muốn” sớm và luôn đứng ở vị thế chủ động. Chính cấu trúc này đã mang đến cho trẻ con một lộ trình hướng dẫn cách chúng xử lý cuộc phiêu lưu của những điều chưa biết, xử lý những khía cạnh mà có lẽ tụi nhỏ chưa từng nghĩ đến: ôm bạn trai kia giữa cơn bão là được rồi, nhưng sau đó thì phải làm gì? Xin nhắc lại: đã có một trận sóng thần – trận sóng thần do chính Ponyo gây ra khi chạy theo những điều con bé muốn với tốc độ tối đa. Những lựa chọn khó khăn và sự hy sinh vẫn còn đang ở phía trước – trên thực tế, hậu quả và những bài học mới là điều Ponyo đạt được nhiều nhất (chứ không phải cái ôm hoành tráng của hai đứa).

Trong khi Sosuke sống và học hỏi, Ponyo lại trải qua một quá trình biến đổi. Con bé biết được điểm giới hạn trong sức mạnh của mình và đưa ra quyết định thực sự đầu tiên: chọn ở bên cạnh gia đình khiến con bé hạnh phúc thay vì gia đình nơi con bé được sinh ra. Đây có lẽ là bài học tôi thích nhất từ Ponyo, điều mà Sosuke thể hiện ra rất nhiều lần (và Ponyo đã tự khám phá ra): không cần phép thuật để có thể tiến lên và hoàn thành công việc. 

Lớn lên như một cô gái đã khó khăn rồi, khi mà cái gì cũng phải tự làm. Nhưng Ponyo đã khám phá ra một niềm hạnh phúc bắt nguồn từ sâu trong tâm hồn và chẳng liên quan gì đến việc trở thành một công chúa rằng: đôi khi một cô gái chỉ muốn ôm chầm lấy bạn mình và ăn một chút giăm bông. Và đôi khi tình yêu đáng giá vài con sóng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *