Tại sao con người lại lảng tránh những sự thật hữu ích?

Trong thời đại thông tin phát triển như hiện nay, nhấc đầu ngón tay là đã có thể tiếp cận được khối lượng thông tin khổng lồ. Chúng ta có thể xét nghiệm mã gen của những đứa trẻ chưa chào đời để chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất, chúng ta tầm soát ung thư và giám sát sức khỏe chỉ với điện thoại và các thiết bị trên cổ tay, và chúng ta còn có thể biết được dòng dõi tổ tiên và khuynh hướng di truyền chỉ cần một nhúm nước bọt.

Tuy thế, có một vài thông tin mà nhiều người không hề muốn biết. Một nghiên cứu trên 2000 người ở Đức và Tây Ban Nha bởi Gerd Gigerenzer và Rocio Garcia-Retamero đã cho thấy 90% trong số họ, nếu có thể, không hề muốn biết bạn đời của mình sẽ ra đi khi nào và nguyên nhân là gì, 87% không muốn biết ngày tháng mình sẽ mất, và 86% không muốn biết thời điểm li hôn của bản thân.

Nghiên cứu trên đã đi đến một kết luận chung rằng: chúng ta thường tránh né những thông tin có thể làm chúng ta đau khổ, bởi thế nên con người lẩn tránh những thông tin có liên quan đến sức khoẻ mặc dù nếu họ nhận biết những thông tin này thì có thể tìm được phương pháp trị liệu phù hợp, và triệu chứng bệnh càng nghiêm trọng thì con người lại càng né tránh nhiều.

Khi Gigerenzer và Garcia-Retamero hỏi hơn 2000 người tham gia khảo sát rằng liệu họ có muốn biết về những sự kiện tích cực trong đời của họ không và đa số đã nói không. Hơn 60% bày tỏ họ không muốn biết về quà Giáng sinh sắp tới của họ là gì, 37% không muốn biết trước giới tính của đứa con chưa ra đời. Có lẽ kết quả này có liên quan gì đó với (nỗi lo) khả năng bị thất vọng (do mong đợi nhiều), nhưng vấn đề lớn hơn ở đây mà nghiên cứu đã chỉ ra chính là: con người rất thích thú với sự hồi hộp.

Tránh né thông tin có thể bất lợi, tất nhiên, nếu chúng ngăn chúng ta đến với những lựa chọn sáng suốt hơn (ví dụ như về sức khỏe hoặc tài chính chẳng hạn), nhưng việc từ chối tiếp nhận thông tin này lại cho phép chúng ta quay lưng lại với sự đau đớn khi phải biết trước những điều tồi tệ tương lai sẽ tới – và tận hưởng cảm giác hồi hộp mà những dịp vui vẻ mang lại. Xem ra cũng khá diệu kỳ ấy chứ.

_____________________

Link Reddit: https://redd.it/hl6s4m

_____________________

u/Stoggy333 (4 points)

Cách đây không lâu tớ cũng ở trong tình huống thế này, khi mẹ tớ được chẩn đoán sơ bộ là đã mắc ung thư, và mẹ tớ đã từ chối được chăm sóc y tế hoặc kiểm tra chính xác đó là bệnh ung thư gì. Mẹ chỉ bảo, không, mẹ không bị ung thư và nếu có bị cũng không muốn biết, cho dù có một khối u càng lúc càng lớn trên cổ và mẹ cũng có những triệu chứng bệnh kì quặc nữa. Thời điểm đó tớ chẳng thể hiểu được. Bài báo hay lắm.

_____________________

u/Zaptruder (306 points)

Để mà thay đổi thì rất đau đớn, bởi vì xét theo một nghĩa nào đó, thay đổi chính là chấp nhận mất đi – mất đi nhân dạng, mất đi cái tôi – thay đổi chính là thừa nhận bản thân đã sai, cần phải sửa, thừa nhận bản thân ngốc nghếch phải cần đến những thông tin từ luồng ngoài để giúp thay đổi bản thân – dù đây là một điều hữu ích. Hệ thống cảm xúc của chúng ta được điều chỉnh để tránh những mất mát nếu có thể, bất kể những mất mát đó có thể được hình dung là gì. Và nó hoạt động đa phần trong tiềm thức, nên trừ khi chúng ta tập luyện xem xét nội tâm của mình, chúng ta sẽ không nhận thức hoặc hiểu được nguồn cơn của bức tường phòng thủ trong chúng ta.

Mặt khác, không phải thay đổi nào cũng là tốt, những kẻ khôn ngoan có tiềm thức ngăn chặn việc tiếp nhận thông tin xấu/giả thì những kẻ ngốc cũng có cái tiềm thức tương tự ngăn họ cải thiện bản thân – cho nên không có gì là không thể hiểu được khi chúng ta e ngại tiếp nhận những thông tin mới, có thể có ích, có thể không có ích bao nhiêu.

Vậy, mấu chốt ở đây là hãy có cho mình những công cụ nhận thức (đơn cử như tư duy phản biện/critical thinking, và những kiến thức học được trong quá trình đó) giúp cho chúng ta sàng lọc thông tin, và luôn đặt thông tin trong sự căng thẳng (nghi ngờ) theo xác suất – thay vì cứ gắn chặt bản thân vào một điều gì đó và bác bỏ hoàn toàn những điều còn lại.

_____________________

u/HiImAbighail (3 points)

Bài này khiến mình nhớ khi mình nói cho ba mẹ biết về chứng OCD của mình, ba mình kêu mình đừng có tiêu cực quá, đó chỉ là thói quen sống mà thôi.

Ba cũng nói corona là hậu quả của các nghi lễ tà giáo và do con người không chịu tin vào tôn giáo, mỗi lần mình cố nói sự thật để chứng minh thì ba gạt đi và nói, ba lớn tuổi hơn nên biết nhiều hơn.”

_____________________

u/Puffin_fan (1 point)

Đây chủ yếu là một hiện tượng xã hội. Nhìn chung mọi người thà mắt điếc tai ngơ nếu như họ sẽ gặp nguy hiểm nếu biết được điều gì đó đi ngược lại với các tư tưởng về dân tộc, độc tài, chuyên chế hoặc chủ nghĩa yêu nước thái quá (jingoism). Một ví dụ rõ cho vấn đề này là những “người Đức tốt bụng”, hoặc thái độ của người Anh thời Victoria với người Úc và Tasmania.

Nhưng tất nhiên là người ta sẽ muốn biết liệu cái khoảng đầu tư bán lẻ cà phê của họ bên Trung Quốc có tăng trưởng hay không rồi.

_____________________

u/Drayger83 (1 point)

Mình từng trò chuyện với hai đứa bạn mấy tháng trước như thế này, mình hỏi bọn nó, hãy tưởng tượng tụi nó được đưa một viên thuốc màu xanh và một viên thuốc màu đỏ giống như trong phim Matrix, nếu uống viên màu xanh thì mọi thứ vẫn như cũ, nếu uống viên màu đỏ thì sẽ bị kéo xuống một con đường nơi chúng ta nhận ra tất cả mọi sự tồn tại đều là ảo ảnh, nhưng nhờ thế sẽ hiểu được sự thật về thực tế cuộc sống.

Cả hai đều chọn viên thuốc màu xanh, bởi vì họ sợ hãi trước việc mọi hiểu biết về thực tế (và mối quan hệ của họ) sẽ bị thử thách. Bạn mình rất thông minh, nhưng đôi khi thà là ngu dốt, sẽ ít đáng sợ hơn phải đối mặt với thực tại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *