– Đáp lại câu khen ngợi bằng lời cảm ơn luôn tốt hơn là lắc đầu đổ cho may mắn –
. Nguồn gốc và các nghiên cứu
Hội chứng KẺ MẠO DANH (Imposter Syndrome) bắt nguồn từ suy nghĩ và hành vi của những người cho rằng họ thành công chỉ nhờ “ăn may” chứ không phải bản thân có tài năng hay tự mình đạt được – Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng thực chất có rất nhiều người đang phải chịu đựng hội chứng tưởng chừng vô cùng khiêm-tốn này.
Hội chứng kẻ mạo danh được nhà tâm lý học lâm sàng Pauline Clance và Suzanne Imes phát hiện vào năm 1978 khi họ đặt giả định rằng những người phụ nữ thành đạt đều cùng trải qua một trạng thái tâm lý. Dù có rất nhiều bằng chứng hữu hình chứng minh điều ngược lại, nhưng các phụ nữ này vẫn tin rằng họ không xứng đáng với những thành công đã có được. Thay vào đó, họ gọi thành công của mình là “vận may” hay “gặp thời” mà bỏ qua trí thông minh và nỗ lực tự thân. Từ những phát hiện sơ khai ấy, hội chứng kẻ mạo danh đã được chứng minh có ảnh hưởng tới cả đàn ông và phụ nữ. Nhưng kết quả của một nghiên cứu mới được thực hiện năm 2018 đã chỉ ra hội chứng kẻ mạo danh thường có ảnh hưởng nhiều hơn đến phụ nữ.
Điều này có thể giải thích được bởi những khác biệt trong sự giáo dục mà một bé trai và một bé gái nhận được: Những bé gái sẽ có xu hướng được dạy hoặc tin rằng “không ai thích một đứa khoe khoang cả”; chúng sẽ được dạy phải trở nên “xinh đẹp, tốt bụng, khiêm tốn, nhẹ nhàng”. Sự thật đáng buồn là người ta có xu hướng bài xích những người phụ nữ thể hiện sự hài lòng với thành tựu của bản thân nhiều hơn những người đàn ông với hành động tương tự.
. Hệ quả:
Niềm tin rằng “Tôi không tài giỏi” hay “Tôi làm được vậy là nhờ may mắn” đi đôi với nỗi lo sợ sẽ bị người khác vạch mặt là kẻ dối trá. Tác hại lớn nhất của hội chứng này là nó khiến bạn ngộ nhận những thành công hay thành tựu là kết quả từ sự may mắn và công sức người khác thay vì nỗ lực và tài năng của chính bạn. Nó từ từ vắt kiệt sức lực, dẫn ta tới chỗ cảm thấy mình là kẻ thất bại nếu không cố gắng hơn nữa, luyện tập thêm nữa, tích lũy nhiều hơn nữa hay nhận được nhiều sự ghi nhận hơn nữa.
– Lối thoát nào cho những nỗ lực không nhận được hồi đáp? –
. Tâm sự với bạn bè
Có thể bạn sẽ nhận ra rằng bạn không cô đơn trong cuộc chiến với những lời tán dương này. Việc nghe những người bạn kể về cảm giác mạo danh của họ sẽ khiến bạn cảm thấy những cảm xúc ấy thật kỳ quặc. Hãy lên danh sách những điều bạn cảm thấy mình làm chưa đủ tốt cùng với bằng chứng chứng minh nhận xét ấy. Rủ thêm vài ba người đứa bạn viết thêm ra những điều cả 3 đứa đang làm rất tốt. Sau đó tán dương nhau – ngớ ngẩn nhỉ, nhưng chỉ bằng cách này bạn mới hiểu rằng bạn xứng đáng với mọi nỗ lực và cố gắng mà bạn đã bỏ ra.
. Giữ lại phản hồi tích cực
Chép lại bất kỳ phản hồi tích cực nào bạn nhận được qua e-mail, thiệp hoặc nói miệng, đặc biệt là những dẫn chứng dẫn tới lời khen ấy. Vào những ngày tệ hại, hãy xem lại danh sách, đọc lại dẫn chứng và hân hoan vì hiểu bạn là ai, bạn đã làm được gì và ảnh hưởng tích cực của bạn lên mọi người xung quanh.
. Bảo toàn năng lượng cho bản thân
Thay vì dốc toàn bộ sức lực vào công việc, hãy chỉ đặt mục tiêu 8/10 – bất kể bạn cảm thấy khó chịu vì nó thế nào. Hãy lưu ý và viết ra những ảnh hưởng của lựa chọn này – chúng tích cực hay tiêu cực? Chú ý đến sự thay đổi trong thời gian và năng lượng bạn dành cho mỗi công việc.
– Trích sách: 5C Nâng cấp cuộc đời (tên sách gốc: Change your life in five – Practical steps to making meaningful changes in your life)
