Mở đầu cho việc luyện tập thói quen đọc sách trong năm 2021 của mình là cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của tác giả người Nhật Haruki Murakami. Một sự ngẫu nhiên, mình chọn cuốn tự truyện này để bắt đầu năm mới, mình thật sự đã bị lôi cuốn chỉ bởi những câu chuyện rất đời thường, với giọng kể bình dị mộc mạc, đôi khi lại rất thơ ngay từ những trang đầu tiên.
Những câu văn của Murakami cuốn mình vào thế giới của ông và vào câu chuyện chạy bộ một cách đầy mê hoặc. Bạn có thể bắt đầu cuốn tự truyện này với một tâm thế thoải mái, không trông đợi gì nhiều. Điều cần làm duy nhất chính là thưởng thức quyển sách một cách nhẹ nhàng chậm rãi, như đang xem một thước phim tài liệu đặc biệt về cuộc đời của tác giả Rừng Na Uy.
𝑪𝒖𝒐̂́𝒏 𝒔𝒂́𝒄𝒉 𝒕𝒓𝒖𝒚𝒆̂̀𝒏 𝒄𝒂̉𝒎 𝒉𝒖̛́𝒏𝒈 𝒎𝒂̣𝒏𝒉 𝒎𝒆̃.
Quyển tự truyện không chỉ dành cho những ai là fan của Haruki Murakami. Vì thú thật thì mình cũng không phải là fan của bác này
Nhưng sau khi đọc thì chắc sẽ thành fan haha.
Cũng có thể nói, đây là quyển sách hay dành cho những ai đang tìm kiếm động lực trong cuộc sống. Không như những cuốn sách kỹ năng hay những cuốn sách truyền cảm hứng khác, không giáo điều, không áp đặt, “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” là một cuốn sách thực tế, phản ánh những hiện thực sâu sắc về cuộc sống, là một câu chuyện rất đời và để cho chúng ta tự chiêm nghiệm về những tầng ý nghĩa sâu hơn.
Quyển sách không bắt ép chúng ta phải chạy bộ, phải dậy sớm để thành công
Mặc dù Haruki đã luyện tập và duy trì một lối sống lành mạnh là đi ngủ trước 10 giờ tối và thức dậy trước 5 giờ mỗi sáng.
“Chính vì vậy mà tôi chưa hề khuyên ai chạy bộ. Tôi đã cố hết sức để không bao giờ nói điều gì như Chạy bộ rất tốt. Ai cũng nên thử. Nếu một số người thích chạy cự ly dài, cứ để họ thích, tự họ sẽ bắt đầu chạy. Nếu họ không có hứng thú thì thuyết phục nhiều hay ít cũng vậy thôi.”
𝑵𝒆̂́𝒖 𝒍𝒂̀ 𝒏𝒈𝒖̛𝒐̛̀𝒊 𝒄𝒉𝒂̣𝒚 𝒃𝒐̣̂ 𝒉𝒐𝒂̣̆𝒄 đ𝒂̃ 𝒕𝒖̛̀𝒏𝒈 𝒄𝒉𝒂̣𝒚 𝒃𝒐̣̂ 𝒕𝒉𝒊̀ 𝒍𝒂̣𝒊 𝒄𝒂̀𝒏𝒈 𝒕𝒉𝒂̂́𝒎 𝒕𝒉𝒊́𝒂 𝒉𝒐̛𝒏.
Mình chỉ mới bước vào việc tập tành chạy bộ từ hồi đầu Tháng 10 năm ngoái, chưa quá lâu nhưng cũng đủ để khoái chí hay cười thích thú với cuốn tự truyện này khi đọc đến những đoạn kiểu như:
“Người ta thường hỏi tôi nghĩ đến cái gì trong lúc chạy bộ. Thường thì chính những người hỏi như vậy chưa từng chạy đường dài. Tôi luôn ngẫm nghĩ câu hỏi này. Chính xác là mình nghĩ gì khi chạy? Tôi cũng không biết nữa.”
“Tôi chỉ chạy. Tôi chạy trong sự rỗng không. Hay có lẽ tôi nên nói cách khác như thế này: tôi chạy để đạt được một sự rỗng không.”
Thật sự, đó cũng là một trong những lý do mình cảm thấy thích chạy bộ. Đó không phải là vì thành tích, vì tốc độ, hay để thể hiện bất cứ gì. Chỉ là vì đây là bộ môn mình có thể thực hiện một mình, chỉ cần một đôi giày chạy, và ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Chạy bộ với mình như một kiểu thiền định, như một kiểu khiến đầu óc rơi vào trạng thái rỗng không, không còn sức để nghĩ gì, chỉ tập trung vào hơi thở, và vào từng bước chân chánh niệm.
“Nếu tôi lấy bận bịu làm cái cớ để không chạy, tôi sẽ không bao giờ chạy lại được nữa. Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ cho một ít lý do đó được đánh bóng đẹp đẽ.”
𝑮𝒐́𝒄 𝒏𝒉𝒊̀𝒏 𝒍𝒂̣𝒄 𝒒𝒖𝒂𝒏 “𝒄𝒉𝒖𝒚𝒆̣̂𝒏 𝒓𝒖̉𝒊 𝒉𝒐́𝒂 𝒎𝒂𝒚” 𝒗𝒆̂̀ 𝒗𝒊𝒆̣̂𝒄 đ𝒐̛̀𝒊 𝒄𝒐̛ 𝒃𝒂̉𝒏 𝒍𝒂̀ 𝒌𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒄𝒐̂𝒏𝒈 𝒃𝒂̆̀𝒏𝒈.
Đời thật chẳng công bằng. Một số người phải làm đủ mọi cách mà không bao giờ đạt được cái mình mong muốn, trong khi những người khác thì lại có được nó mà chẳng tốn tí hơi sức nào.
“Nhưng nghĩ kỹ tôi thấy, mình thuộc tạng người dễ tăng cân có khi lại là chuyện rủi hóa may. Nói cách khác, nếu không muốn tăng cân thì tôi phải tập luyện vất vả mỗi ngày, để ý cái mình ăn, và cắt giảm những thứ khoái khẩu […] Nhưng những người vốn dĩ tự nhiên dù thế nào cũng không bị tăng cân thì không cần tập luyện hay theo dõi chế độ tập luyện của mình mà vẫn được thon thả. Chẳng mấy ai trong số họ khi không lại đi áp dụng những biện pháp phiền toái này khi mà họ chẳng cần phải thế. Đấy là lý do tại sao, trong nhiều trường hợp, thể lực của họ suy sút khi họ già đi.”
“Nói cách khác, hãy cùng nhìn thẳng: đời cơ bản là không công bằng. Nhưng ngay cả trong một tình huống bất công, tôi nghĩ vẫn có thể tìm thấy một kiểu công bằng nào đó. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi thời gian và công sức. Và có lẽ xem ra cũng không đáng vậy. Tùy mỗi người quyết định xem nó có đáng hay không.”
𝑺𝒐̂́𝒏𝒈 𝒏𝒈𝒉𝒊𝒆̂𝒎 𝒌𝒉𝒂̆́𝒄 𝒗𝒂̀ 𝒕𝒓𝒐̣𝒏 𝒗𝒆̣𝒏.
Đọc cuốn tự truyện mới thấy thật sự khâm phục sự bền bỉ và kiên trì của Haruki Murakami. Đang là chủ quán bar, sau một trận bóng chày định mệnh, bỗng muốn trở thành tiểu thuyết gia
Nghe có vẻ buồn cười, nhưng đó lại là sự thật. Nó giống như một giấc mơ đã có từ lâu trong tiềm thức, chỉ chờ có cú đập bóng để bật ra. Dù có rất nhiều người ngăn cản, từ việc ngày xưa mở quán rượu đến việc muốn viết tiểu thuyết, Haruki Murakami vẫn làm trọn vẹn những điều mà trái tim mình mong muốn và ông đã thành công. Ông chính là minh chứng sống cho “thái độ hơn trình độ” và là người không bao giờ bỏ cuộc.
“Tôi phàm đã làm gì là cống hiến hết mình. Nếu thất bại, tôi có thể chấp nhận. Nhưng tôi biết rằng nếu mình làm mọi việc nửa vời và rồi chẳng đi tới đâu, tôi sẽ luôn luôn hối tiếc”.
“Có ba lý do khiến tôi thất bại. Tập luyện không đủ. Tập luyện không đủ. Và tập luyện không đủ […] Bức tường phân cách giữa tự tin đúng đắn và kiêu hãnh vô căn cứ khá là mong manh.”
“Mọi người đôi khi cười khẩy những người chạy bộ mỗi ngày, tuyên bố là họ sẽ làm bất cứ gì có thể để sống thọ hơn. Nhưng tôi không nghĩ đó là lý do để hầu hết người ta chạy. Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà là vì họ muốn sống trọn vẹn.”
“Đối với một người chạy như tôi, điều thực sự quan trọng là đạt được mục đích chính mình đặt ra, trong khả năng của mình. Tôi dốc hết sức mình, chịu đựng cái cần chịu đựng, và tôi có thể, theo cách của riêng mình, mãn nguyện. Từ thất bại và niềm vui, tôi luôn cố gắng bước ra sau khi đã hiểu thấu một bài học cụ thể.”
Đọc xong cuốn sách này, mình thật sự cảm giác muốn mang giày vào, lao ngay ra công viên chạy bộ. Không phải chạy marathon gì ghê gớm cả, chỉ đơn giản là chạy chill, chạy theo cách mình thích, cố gắng không để quá sức và không để chấn thương.
Một cuốn sách hay để khởi đầu một năm 2021 đẹp đẽ.
Còn bạn, chúc bạn cũng sẽ tìm thấy được đường chạy của riêng mình
Tú Uyên