Ai cũng biết, sau khi thái tử Sảm của nhà Lý chạy nạn đến Hải Ấp, nương nhờ nhà Trần Lý. Suốt quãng thời gian dài họ Trần giúp đỡ nhà Lý dẹp phản loạn, ổn định lại tình hình chính trị thì hai nhân vật nổi bật nhất là Trần Tự Khánh và Tô Trung Từ. Còn sau khi nhà Trần có được ngôi báu từ tay Lý Chiêu Hoàng, thì hai nhân vật lớn nhất và có quyền hành thực sự chính là Trần Thừa và Trần Thủ Độ. Chúng ta đều có một cách nhìn là Thủ Độ dàn xếp ép Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh, sau đó ép chết Huệ Tông, phối hôn của Chiêu Thánh với Trần Cảnh, rồi từ đó chuyển giao quyền lực sang cho nhà Trần. Song khi nhà Trần được ngôi báu thì người được lợi nhiều nhất là ai. Trần Cảnh lên ngôi khi còn nhỏ, Trần Thừa là cha nên được tôn làm Thượng Hoàng. Nhưng sách An nam tức sự của sứ giả nhà Nguyên ghi Thừa đã đoạt ngôi nhà Lý và dẫn thêm một bài minh trên một quả chuông ở Bạch hạc có ghi vua Thái Tông là đời vua thứ hai của nhà Trần, đó cũng là lý do Trần Cảnh được đặt hiệu là Thái Tông chứ không phải là Thái Tổ như các vua khai triều khác.
Nói qua Trần Thừa thì ông là con cả của Trần Lý – nguyên tổ họ Trần, ông bắt đầu được nhắc đến qua các cuộc tranh đấu với các thế lực khác nhau sau cái chết của ông cậu Tô Trung Từ nhưng luôn không nổi bật như người em Thủ Độ của mình. Trần Thừa lúc trẻ được khắc họa là người trực tiếp tham gia vào tất cả các hành động của họ Trần, là một người có trí có dũng nơi sa trường, nhưng ông chấp nhận ngồi sau lưng người em của mình, để người em làm nhân vật chính còn mình từng bước, từng bước tạo dựng thế lực và chỗ đứng trong gia tộc. Từ những điều đó dần dần cho thấy vì sao Trần Cảnh là kẻ được chọn để nối ngôi và chưa chắc Trần Thủ Độ là “đạo diễn chính” của màn nhường ngôi đó, như cách nghĩ phổ biến lâu nay. Trần Thừa là người kín đáo, có lúc hành quân bên ngoài, nhưng chức vụ chính là Nội thị Phán thủ, kiểm soát việc kín trong cung điện. Trần Tự Khánh làm thái úy cả chục năm, nhà Lý vẫn còn. Thừa lên thay Khánh làm thái uý được có hơn một năm mà nhà Lý mất, nhà Trần lập.
Phải chăng, màn kịch nhường ngôi đã được chuẩn bị từ trước bằng sự suy tính của Trần Thừa và sau cùng đẩy cái tiếng soán nghịch cho Trần Thủ Độ, còn mình ngồi sau màn trướng định việc của cả gia tộc? Cần nhớ, lúc đó Trần Thừa đang nắm chức Phụ quốc Thái úy còn Trần Thủ Độ mới chỉ là Điện tiền chỉ huy sứ. Nếu Trần Thừa không đồng ý, liệu Trần Thủ Độ có dám làm? Chúng ta không thể không nhớ đến lời Trần Thủ Độ về sau: “Ta cũng chỉ là chó săn cho anh em nhà chúng mày thôi”. Như vậy, Trần Thủ Độ có thể coi là một Luca Brasi của gia tộc họ Trần – một tay sát thủ trung thành, ít học nhưng luôn liều mình sống chết cho gia tộc. Ông chủ thực sự của họ Trần phải là “bố già” Trần Thừa – kẻ đã dùng mọi kinh nghiệm sống qua những năm tháng thăng trầm của tuổi trẻ để bảo vệ gia tộc.
Nguồn : Comet Withouse