LÊ NGỌC BÌNH: GÁI CHÍNH CHUYÊN CHỈ LẤY 1 CHỒNG ?

“Số đâu có số lạ lùng!,

Con vua lại lấy hai chồng làm vua”

Khi nghe hai câu ca dao này, chúng ta thường nghĩ tới nàng công chúa xinh đẹp bạc mệnh Lê Ngọc Hân, là vợ của vua Quang Trung và theo truyền thuyết thì sau này trở thành vợ vua Gia Long. Tuy nhiên, hai câu thơ này có đúng là dành cho nàng, khi thực chất Ngọc Hân công chúa đã mất từ 1799 còn Đệ Tam cung Đức Phi (người được nhắc đến trong câu ca dao) mất năm 1810 ? 

Để làm sáng tỏ vấn đề này, ta phải đi sâu vào gia tộc nhà họ Lê của công chúa Ngọc Hân. Cha của công chúa, tức Lê Hiển Tông, có tổng cộng 23 người con. Trong số này, Ngọc Hân và Ngọc Bình có nhiều điểm tương đồng nhất. Cả hai bà đều sinh ra ngoài Bắc, và sau này đều là hoàng hậu triều Phú Xuân. Cuộc đời của Ngọc Hân và Ngọc Bình xảy ra tương đối cùng thời điểm, đan xen vào nhau, nên khi lưu truyền lại, truyền thuyết của hai bà thường bị lẫn lộn. Vì vậy, có thể đi đến kết luận rằng, người trong câu ca dao nêu trên là công chúa Lê Ngọc Bình chứ không phải Ngọc Hân như nhiều người lầm tưởng.

Theo một số tài liệu, công chúa Lê Ngọc Bình sinh ngày 22/1/1785, mất ngày 12/9/1810, là con út (thứ 23) của vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Công chúa nổi tiếng xinh đẹp sắc nước hương trời; và hơn thế nữa, dân gian lưu truyền rằng trên người nàng có một mùi hương toả ngát vô cùng quyến rũ. Ngoài nhan sắc diễm lệ, Ngọc Bình còn có giọng nói dịu dàng trong trẻo, dáng điệu thướt tha mềm mại, có thể ví như bông hoa hồng toả sắc rực rỡ.

Năm công chúa khoảng 12 tuổi (1795), Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị đánh đổ, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân muốn hướng Quang Toản về Bắc Hà nên mai mối Ngọc Bình cho Quang Toản. Quang Toản là con trưởng vua Quang Trung, sau khi lên ngôi năm 1792, ông đổi niên hiệu thành Cảnh Thịnh. 

Trở thành vợ vua Tây Sơn, Lê Ngọc Bình sống 6 năm trong cung với danh Chính cung Hoàng Hậu nhưng không sinh được người con nào. Lại nói về quan hệ giữa Cựu hoàng hậu Lê Ngọc Hân và Hoàng hậu Lê Ngọc Bình, cả hai vừa là chị em vừa là mẹ chồng nàng dâu; còn Quang Trung và Quang Toản vừa là cha con, vừa là rể của hoàng đế Lê Hiển Tông. Đây được nhận định là mối quan hệ phức tạp nhất trong lịch sử. 

Lúc này, thực lực của nhà Tây Sơn đang vô cùng suy yếu, Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long sau này) dùng mưu “thí xe bắt tướng”, tấn công thành Phú Xuân, khiến vua Nguyễn Quang Toản phải bỏ chạy ra Bắc. Vì một lí do nào đó, công chúa Lê Ngọc Bình không theo kịp, nên bị kẹt lại cùng một số cung nữ. 

Sau khi truy đuổi và xử chém vua quan triều Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua. Năm đó, Lê Ngọc Bình bị kẹt lại Phú Xuân, khi Chánh tổng Yên Mẫu đem dâng nàng lên, vua Gia Long rất ưng ý, vô cùng say mê bà. Triều thần can ngăn Gia Long, “thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy vợ của giặc”, tuy vậy vua Gia Long bỏ ngoài tai tất cả, quyết lấy cho được mỹ nhân; ông trả lời bề tôi rằng, “Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ tay giặc, cứ gì một người đàn bà ?”. Số phận đưa đẩy, công chúa trở thành Gia Long Đế phi, mang trên mình thân phận vợ cũ Cảnh Thịnh Đế. 

Lê Ngọc Bình và vua Gia Long có bốn người con, là Nguyễn Phúc Cự, Nguyễn Phúc Quân, An Nghĩa công chúa và Mỹ Khê công chúa. Nàng được ban thuỵ là Cung Thận Đức Phi.

Tuy vậy, từ ngày trở thành phi, Ngọc Bình không hề vui vẻ cho lắm. Có lẽ vì số phận éo le của bà, mà dân gian có câu :

“Mất chồng rồi lại lấy chồng

Mặt nào còn sống ở trong cõi đời?”

Đệ Tam Cung Đức phi Lê Ngọc Bình và Thái Hậu Dương Vân Nga là hai người phụ nữ trong lịch sử làm vợ của hai triều đại khác nhau, mà Lê Ngọc Bình lại còn là ái phi của hai vương triều đối nghịch dữ dội nhất là Cảnh Thịnh đế nhà Tây Sơn và Gia Long đế nhà Nguyễn. Tuy cuộc đời của bà không để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, nhưng bà là điểm sáng trong hậu cung vua Gia Long và là sợi dây nối dài giữa ba triều đại nhà Lê – Tây Sơn – Nguyễn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *