HUY NINH CÔNG CHÚA: QUẢNG HÀN CUNG LÝ NHẤT CHI MAI…

Huy Ninh công chúa hay còn gọi là Thánh Từ hoàng hậu, là chính thất của vua Hồ Quý Ly. Bà là một hoàng hậu có xuất thân vô cùng cao quý và cũng là người đầu tiên trong hoàng tộc nhà Trần lấy người ngoại tộc. Mối nhân duyên của bà với Quý Ly được người đời ca ngợi là thiên tình sử đẹp nhất Việt Nam…

Công chúa là con gái của vua Trần Minh Tông, mẹ ruột của Khâm Thánh hoàng thái hậu (vợ của vua Trần Thuận Tông, mẹ của vua Trần Thiếu Đế) và Hoàng đế Hồ Hán Thương.

Phần nhiều ngày xưa, việc thay ngôi đổi chủ bảy tám phần là ngoại thích cướp ngôi, phần ít là dùng chiến tranh để có được. Nhà Hồ cũng không phải là một ngoại lệ trong việc làm ngoại thích để có được ngôi báu.

Từ nhà Lý đã có Lê Thị Phất Ngân lấy Lý Công Uẩn, thời Trần thì Thuận Thiên công chúa và Chiêu Thánh công chúa lấy Trần Cảnh. Và giờ đến nhà Hồ có Huy Ninh lấy Hồ Quý Ly.

Những sự sắp đặt ấy vô hình chung lại tạo nên những mối nhân duyên vô cùng đẹp đẽ. Có những chuyện tình rất hạnh phúc, êm ấm nhưng lại có những chuyện tình dang dở và đẫm nước mắt. Có lẽ trong 2 loại trên Huy Ninh thuộc diện hạnh phúc, nhưng để có được nó là cả một chặng đường dài của 1 nàng công chúa mạnh mẽ…

Công chúa không rõ tên thật, chỉ biết hoàng tộc hay gọi bà là Nhất Chi Mai. Từ nhỏ bà đã được vua cha xây cho cung Quảng Hàn để sống, rất ít người biết tới. Khi trưởng thành bà được ban hôn cho Nhân Vinh, một người trong hoàng thất họ Trần. Nhưng không may trong biến Hôn Đức công năm 1370, chồng bà bị Dương Nhật Lễ giết chết. Không rõ thời điểm này bà đã có con hay chưa…

Sau đó bà dọn trở lại cung Quảng Hàn để sinh sống. Tưởng chừng như người con gái ấy sẽ phải gồng mình để vượt qua những ngày tháng cô đơn, những mất mát trong cuộc đời, một mình cứ thế chịu đựng tất cả mọi nỗi đau. Nhưng không! Hồ Quý Ly xuất hiện như một tia sáng mới, xua tan đi mây mù u ám.

Giai thoại kể rằng Quý Ly thuở hàn vi thường theo đường biển đi buôn. Một hôm thuyền chở hàng của ông ghé vào bờ, thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát câu thơ: “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” (tức trong cung Quảng Hàn có một cành mai). Quý Ly liền nhẩm thuộc lòng câu ấy.

Sau này, đến khi được làm quan, một hôm ông hộ giá vua Trần Nghệ Tông đi chơi, nửa chừng ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử, nơi trước điện có hàng ngàn cây quế. Nhà vua nhân hứng, liền ra một vế đối: “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế”. Các quan đi theo đang lúng túng chưa biết đối lại vua ra sao thì Hồ Qu‎ý Ly đã nhanh chóng nhớ lại câu thơ trên bãi biển năm xưa, bèn buông lời đối: “Quảng Hàn cung l‎ý nhất chi mai”. Cả 2 câu ghép lại thành đôi vế đối nhau rất chỉnh, tạm dịch là: Trước điện Thanh Thử ngàn gốc quế/Trong cung Quảng Hàn một cành mai.

Nghe xong, các quan đều bái phục tài văn chương của Hồ Qu‎ý Ly. Vua Trần vừa phục, vừa thấy lạ lùng bởi nhà vua có một nàng công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai. Nàng ở trong cung cấm không ra ngoài nên kể cả các quan gần gũi cũng rất ít người biết.

Vua hỏi Hồ Qu‎ý Ly tại sao lại biết được việc kín trong cung, rồi chuyện tòa lầu của công chúa ở là cung Quảng Hàn do chính vua đặt tên? Hồ Qu‎ý Ly cứ thật tình tâu bày chuyện câu thơ năm xưa trên bãi biển.

Nhà vua ngẫm rồi nói đó quả thật là duyên trời run rủi định trước. Bởi vua có một người em gái tên Nhất Chi Mai (công chúa Huy Ninh) dựng cung Quảng Hàn riêng để ở. Hoàng đế cho rằng đây là chuyện lạ, bèn gả Nhất Chi Mai cho Hồ Qu‎ý Ly. Lúc đó nhằm vào tháng 5 âm lịch năm 1371. Về sau họ sinh ra 2 người con là Hồ Thánh Ngâu và Hồ Hán Thương.

Đó là theo giai thoại mà Chử Nhân Hoạch đời nhà Thanh soạn, sau được Lê Quý Đôn dẫn lại trong Kiến văn tiểu lục. 

Theo chính sử, do Hồ Quý Ly có 2 cô đều làm cung nhân của Trần Minh Tông; bà Minh Từ hoàng thái phi sinh ra Trần Nghệ Tông; bà Đôn Từ hoàng thái phi sinh ra Trần Duệ Tông. Do đó, Trần Nghệ Tông mới lên ngôi rất tín nhiệm Quý Ly, nhân đó đem em gái mới góa chồng là Huy Ninh công chúa gả cho.

Trước lúc lấy Hồ Qu‎ý Ly, công chúa Huy Ninh đang để tang chồng là Phó kỳ lang Trần Nhân Vinh mới bị giết. Tuy nhiên, cuộc “lấy lại” kỳ lạ này đều được cả chính sử và dã sử cho rằng đó là mối tình lạ, một thiên tình sử mà người đời rất ngưỡng mộ. Bởi lẽ, ngoài duyên cớ như là trời định sẵn kia thì cuộc hôn nhân này đã bất chấp cả quy chế đặt ra từ đời Trần Thủ Độ đó là người trong hoàng tộc nhà Trần không được lấy người họ khác.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *