HIẾU CHIÊU HOÀNG HẬU – BÀ CHÚA TẰM TANG CỦA ĐÀNG TRONG

Chiêm Sơn là, lụa mỹ miều

Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng

Nương dâu xanh thắm quê mình

Nắng lên Gò Nổi đượm tình thiết tha

Con tằm kéo kén cho ta

Tháng ngày cần mẫn làm ra lụa đời…

Nếu thời Lý có Từ Hoa công chúa nổi tiếng là bà chúa Tằm Tang thì vào thời Nguyễn cũng có bà Đoàn Quý Phi đã mang nghề tơ tằm tiếp nối phát triển và vươn tầm thế giới. Hai bà như thể đã “luân hồi chuyển kiếp” vì thật sự hai bà quá giống nhau từ tính tình tới sự nghiệp tơ tằm. Có thể nói, hai bà là một trong số ít những người phụ nữ thời phong kiến đã giúp ngành thủ công nghiệp của đất nước phát triển, khiến người người nể phục. Tuy nhiên, bà Đoàn Quý phi lại có vẻ được người đời biết đến nhiều hơn là Từ Hoa.

Hiếu Chiêu Hoàng hậu (sinh năm 1601) còn gọi Đoàn Quý phi hoặc Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ phi, là Chánh phi của chúa Nguyễn Phúc Lan và là mẹ của chúa Nguyễn Phúc Tần. Đoàn quý phi tên huý là Ngọc, sinh tại thôn Điện Châu, châu Đông Yên. Bà sinh ra trong 1 gia đình quyền lực, là con gái thứ ba của Thạch Quận công Đoàn Công Nhạn – một hào trưởng có thế lực của vùng Chiêm Sơn và đệ thất phu nhân Võ Thị Thành. Sách Đại Nam Nhất Thống chí có viết: “Bà là người minh mẫn, thông sáng… sáng thơm, tú mị, phép tốt trinh thuần”.

Một lần Huy Tông Hoàng Đế (Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông Hoàng Đế (Thế tử Nguyễn Phúc Lan lúc bấy giờ) theo đi hộ giá. Đến đêm đáp thuyền chơi trăng, câu cá ở Điện Châu, cả hai người đều được thưởng thức tiếng hát trong bèn lấy làm lạ. Sai người đến hỏi mới biết là có một gái họ Đoàn bèn cho vào hầu Chúa ở tiềm để, được yêu chiều lắm”. Sau khi Chúa Sãi băng hà năm 1635, Thế tử Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng. Đoàn Thị Ngọc được phong Đoàn Quý Phi.

Tuy sống trong phủ chúa sung sướng là thế nhưng Đoàn Quý Phi không quên nghề xưa. Bà hết lòng khuyến khích việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ươm tơ, nhờ thế mà nghề tằm tang của xứ Đàng Trong phát triển rực rỡ, không chỉ những làng quê dọc hai bên sông Thu Bồn ở Quảng Nam quê bà, mà còn cả ở kinh đô Phú Xuân. Lúc đó, Hội An cũng trở thành một thương cảng phát triển, mở cửa giao lưu với bên ngoài, trong đó đường bát, lâm thổ sản và nhất là tơ lụa trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Sau này dân xứ Đàng Trong nhớ ơn nên tôn bà là Bà Chúa Tằm Tang. 

Đoàn phu nhân đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích nhân dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nhờ vậy mà nghề tằm tang ở Đàng Trong được mở mang, thời kỳ đó đã sản xuất được nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng như đoạn, lĩnh, gấm, vóc, sa để bán trong nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài qua thương cảng Hội An. Cũng từ đó, cảng thị Hội An dưới thời Chúa Nguyễn đã trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế xuyên đại dương trong thế kỷ XVI – XVII nối liền Tây Âu và Viễn Đông. 

Nói về cuộc sống gia đình, bà sinh hạ được ba công tử, trong đó các công tử Nguyễn Phúc Võ và Nguyễn Phúc Quỳnh đều mất sớm, công tử Nguyễn Phúc Tần là con trai thứ hai, trở thành Thế tử, tức Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế. Còn công chúa út thường được gọi là Nguyễn Phúc Ngọc Dung bị dị tật bẩm sinh cũng đã mất sớm. Tuy là một người phụ nữ “thành đạt” được nhiều người kính trọng nhưng có lẽ khi nói về tình mẫu tử thì bà lại không có duyên làm mẹ với ba người con của chính mình. Chắc đây là niềm đau khổ, mất mát lớn nhất đời bà. Có phải ông Trời đã không thể cho bà một cuộc sống trọn vẹn? Khi con là Thái Tông hoàng đế Phúc Tần lên ngôi Chúa, bà được tôn làm Quốc Thái phu nhân.

Về cuối đời, Đoàn Quý Phi rời Phủ Chúa quay trở về sống ở Dinh trấn Thanh Chiêm cùng với con cháu, bà con trên quê hương mình. Bà mất vào tháng 7 năm 1661 tại Dinh Trấn Thanh Chiêm.

Năm 1744, Nguyễn Thế Tông xưng Vương, truy thụy cho Thần Tông hoàng đế Nguyễn Phúc Lan, và bà cũng được truy thụy thành Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ phi. Năm Gia Long thứ 5 (1806), Thế Tổ Cao hoàng đế đã truy tôn bà là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫu Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu hoàng, phối thờ cùng Thần Tông hoàng đế Nguyễn Phúc Lan ở Thái Miếu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *