HOẠN THƯ – TRĂM NĂM MANG TIẾNG, MẤY AI THẤU CHO?

Chắc có lẽ ai trong chúng ta từng một lần nghe đến cái tên Hoạn Thư, hay Hoạn tiểu thư. Mỗi khi nhắc đến nàng, điều đầu tiên mà ta nhớ đến sẽ là một chữ “GHEN” cay nghiệt đỏ tươi như màu máu. Thế nhưng, cái ghen của Hoạn Thư có thật sự cay độc và tàn nhẫn như những gì mà miệng đời vẫn thường bàn tán hay không?

“…Dễ dàng là thói hồng nhan

Càng cay nghiệt lắm càng ngang trái nhiều…”

Hoạn Thư gả cho Thúc Sinh, dù đôi nơi xa cách nhưng nàng vẫn chọn tin vào chồng mình. Niềm tin của nàng đặt vào Thúc Sinh, không hẳn là sai nhưng có lẽ cũng chưa đúng. Không sai vì Thúc Sinh không hẳn là một người chồng tồi, thời điểm đó năm thê bảy thiếp là chuyện không hiếm. Nhưng Thúc Sinh lại không phải là một người đàn ông đủ trưởng thành và bản lĩnh để nàng có thể dựa vào.

Sinh ra là đàn bà, trời định sẵn chữ ghen chảy xuôi dòng máu. Đã biết yêu thì biết ghen, là bản năng của con người. Thế mà, cái ghen của Hoạn Thư lại không phải cái ghen nhỏ mọn tầm thường. Nàng hiểu, nàng chấp nhận, vài chuyện nhỏ nhặt này nàng không chấp nhất.

“…Dại chi chẳng giữ lấy nền

Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình…”

Nhưng sự tin tưởng của nàng lại là điều mà bất cứ người phụ nữ nào trải qua cũng đều sẽ cảm thấy tổn thương:

“…Từ nghe vườn mới thêm hoa

Miệng đời đã lắm tin nhà thì không…”

Điều nàng cần không hề xa xỉ, chỉ một lời thông báo, một câu thú nhận trong trái tim Thúc Sinh có một hình bóng khác là Kiều, nàng sẽ chấp nhận nạp Kiều làm thiếp cho chồng mình. Hoạn Thư cũng biết mình là chính thất nhưng vẫn chưa thể sinh cho Thúc gia một đứa con nối dõi nào. Nàng không thẳng thắn nói chuyện tiểu thiếp với chồng, chỉ vu vơ nhắc nhở, chỉ là người ấy lại không thể, hoặc chưa từng hiểu lòng

nàng.

Có lẽ ngọn lửa ghen trong lòng Hoạn Thư đến lúc này mới bắt đầu bùng cháy. Vì cái gì mà một chính thất như nàng lại không có quyền biết chuyện thê thiếp của chồng mình? Vì cái gì lại phải giấu diếm như vậy? Ngọn lửa ghen của Hoạn Thư bùng cháy từ những cô đơn trong rất nhiều năm trước đó, từ sự thờ ơ đến bạc tình của Thúc Sinh và tự sự ganh tị tầm thường nhất của một nữ nhân bình thường nhất. Và có lẽ là bất kì một nữ nhân nào, sống ở bất kỳ thời đại nào, nếu phải trải qua những điều mà Hoạn Thư phải trải qua, đều sẽ bùng lên một trận lửa ghen thật vượng, thậm chí còn cháy vượng hơn cả Hoạn Thư nữa.

Thế nhưng, Hoạn Thư khôn ngoan là ở chỗ:

“…Nghĩ rằng: ngứa ghẻ lòng ghen

Xấu chàng mà có ai khen chi mình…”

Dù ghen nhưng cái ghen lại trong âm thầm. khi có người báo lại chàng Thúc ở phương xa nạp thêm tiểu thiếp, nàng đã lệnh cho hạ nhân phạt roi và bẻ răng từng người nhằm thị uy với các nha hoàn khác. Dẫu nàng có tổn thương, lửa ghen đã bùng cháy, nhưng một mực không để ai coi thường hay chính trượng phu của mình.

Hoạn Thư âm thầm bắt cóc Kiều về nhà, dựng hiện trường giả khiến Thúc Sinh đau khổ thì đấy chỉ mới mở đầu. Nàng luôn biết kiềm chế cảm xúc, trước mắt vẫn cười nói như thường, trong dạ là thù sâu hận tuyệt, lần duy nhất Hoạn Thư nổi giận và mắng Kiều là khi Kiều vừa mới bị bắt cóc. Đứng trước kẻ đã chia cắt hai chữ vợ chồng, thử hỏi nhân gian có được mấy người có thể bình tĩnh.

“…Mắng rằng: Những giống bơ thờ quên thân

Con này chẳng phải thiện nhân

Chẳng phường trốn chúa cũng quân lộn chồng

Ra tuồng mèo mả gà đồng

Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào

Đã đem mình bán cửa tao

Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này…”

Lời chửi như chửi vào tự tôn ả, chửi để ả không còn có lấy một tí nhân phẩm nào, đàn bà cay nghiệt cũng đến thế là cùng. Tuy nhiên thu nhận Kiều, Hoạn Thư lại không hề hành hạ nàng, mà còn dò hỏi về tài nghệ đàn hát của nàng và từ đó công việc cũng giảm cho vài phần. Nàng chỉ muốn cho đôi “gian phu dâm phụ” kia hiểu được cảm giác của nàng, hiểu được những tổn thương mà nàng đã phải chịu đựng. Nàng muốn họ phải bị giày vò bởi chính tình cảm và lương tâm của mình.

“…Làm cho chẳng nhìn được nhau

Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên…”

Giây phút Kiều gặp lại Thúc Sinh thật trái ngang biết mấy, mất đi người đã từng yêu mình và cũng không thể bảo vệ người mình yêu. Thúy Kiều cũng phần nào thấm thía nỗi đau khi niềm tin bị chà đạp, hiểu được phận đã định là ti, sẽ chẳng thể nào trở thành tôn được. Còn Hoạn Thư giờ đây là một bụi tầm gai độc, là một đóa hoa bỉ ngạn nở rộ rực rỡ.

Mãi về sau khi Kiều được đưa đến Quan Âm Các, Hoạn Thư cũng đã không còn quan tâm đến Kiều. Sở dĩ Thúy Kiều chỉ là một ả lầu xanh tầm thường được chồng mình say đắm rồi chuộc về, cho một chút danh phận cùng tình cảm. Vậy mà vẫn ngựa quen đường cũ, lúc vắng nhà mà đến nơi cửa Phật tâm tình. Nàng biết, nàng đã sớm biết, nhưng chọn cách vờ quỷ không biết thần không hay, hỏi Thúc Sinh: “…Chàng mới ở chốn nào lại chơi…”. Nàng có biết cũng vờ như không, chính là muốn thách thức tự tôn của Kiều, nhắn nhủ nếu Kiều còn tự trọng thì hãy tự rời khỏi. Kiều đã hiểu và đã thực sự rời đi như ý nàng. Tuy kế hoạch trả thù của Hoạn Thư không rầm rộ, không oán thán, nhưng cay nghiệt. Từ đầu đến cuối, Hoạn Thư chưa từng khiến cho mình phải mang tiếng đánh ghen, ngược lại còn là một chính thất khoan dung và độ lượng, kết cục này chỉ có người trong cuộc mới hiểu, nàng đã rót độc dược vào mạch máu của kẻ thù như thế nào.

Hoạn Thư là một người phụ nữ thâm hiểm, cay độc và bản lĩnh, đó là điều không hề chối cãi. Nhưng cái ghen của Hoạn Thư xét cho cùng cũng không sai, nó xuất phát từ sự thờ ơ của người chồng và những tổn thương từ rất lâu trước đó, Kiều chỉ là một lí do để nàng bày tỏ điều đó mà thôi, kết cục này đương nhiên là không thể tránh khỏi đối với một người chồng như Thúc Sinh, một cô gái như Kiều và một người như Hoạn Thư. Thế nhưng xét cho cùng, một người như Hoạn Thư lại đáng thương hơn là đáng ngưỡng mộ. Vì sinh ra là phụ nữ đáng lẽ nàng phải được nâng niu và chiều chuộng, thế nhưng nàng lại phải tự mình đấu tranh, tự mình sống cho chính mình, nàng chưa từng làm điều gì trái với đạo nghĩa vợ chồng nhưng cuối cùng lại phải nhận một kết cục như vậy, có phải ông trời cũng “quen thói má hồng đánh ghen” với nàng hay không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *