ĐỨC TỪ CUNG HOÀNG THỊ CÚC – TỪ CÔ CUNG NỮ ĐẾN VỊ THÁI HẬU CUỐI CÙNG TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Thương con đau ruột mẹ trăm chìu,

Thao thức canh tàng luống quạnh hiu!

Những lời thơ da diết này là tiếng lòng của một người mẹ gửi gắm trong bức thư viết cho người con trai xa xứ. Người mẹ ấy không ai khác chính là Từ Cung Thái hậu Hoàng Thị Cúc.

Từ Cung Hoàng thái hậu, giản gọi Đức Từ Cung, phong hiệu chính thức là Đoan Huy Hoàng thái hậu, là phi thiếp của vua Khải Định, thân mẫu của hoàng đế Bảo Đại  – vị hoàng đế thứ 13 và cũng là cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, của chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam. Cuộc đời bà trải qua nhiều biến cố, thăng trầm gắn với những dấu mốc đầy biến động trong thời kỳ chuyển giao của lịch sử.

Xuất thân hàn vi

Từ Cung Hoàng thái hậu tên thật là Hoàng Thị Cúc, thuộc dòng họ Hoàng Văn tại làng Mỹ Lợi, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế. Thân sinh của bà là ông Hoàng Trọng Tích,  dù từng đậu Tú tài làm Tri huyện Hòa Đa (Bình Định) nhưng gia cảnh lại hết sức khó khăn. Căn cứ theo gia phả của họ Hoàng Văn, khi bà La Thị Huân – vợ ông Tích hạ sinh cô con gái Hoàng Thị Như, bà La Thị Sơn đã được em rể Tích đón đến phụ giúp việc nhà. Oái oăm thay, chị vợ và em rể lại bén lửa tình, kết quả của mối tình vụng trộm này là bà Hoàng Thị Cúc. Hổ thẹn trước em gái, bà Sơn đã để con gái cho ngài Tri huyện nuôi, còn mình thì về quê, rồi kết hôn với một người đàn ông khác. Ông bà Tri huyện mất sớm, khi Hoàng Thị Cúc còn nhỏ tuổi, phải sống nhờ gia đình người anh trai cả là Hoàng Trọng Khanh. Không may, người anh này lại ham mê cờ bạc, có bao nhiêu tiền đều ném hết vào các chiếu bạc. Nợ nần chồng chất, ông Khanh đã “bán” các em gái cho những nơi quyền quý. Bà Cúc được đưa vào làm cung nữ hầu hai bà Thánh Cung Nguyễn Hữu Thị Nhàn và Tiên Cung Dương Thị Thục – vợ góa vua Đồng Khánh. Cũng từ đây, vận mệnh đổi thay.

Tiên tri ứng nghiệm, phụng hoàng bay cao 

Hầu hạ lưỡng vị Thái Hậu, cô cung nữ dần có cơ hội tiếp xúc và lọt vào mắt xanh của Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con trai cả của bà Tiên Cung, bấy giờ đang là Phụng Hóa Công. Hoàng tử Bửu Đảo lúc này đã có nguyên phối là bà Trương Như Thị Tịnh, con gái đại thần phụ chính Trương Như Cương nhưng cả hai chung sống không hòa thuận và cũng chưa có con cái. Trong một lần vào thỉnh an Mẫu hậu, Hoàng tử Bửu Bảo đã “tư thông” với Hoàng Thị Cúc, kết quả làm cô mang thai, đó là khoảng đầu năm 1913.

Huyết thống hoàng thất là chuyện hệ trọng, đâu thể theo lời của một thị nữ mà vội vã định luận. Chuyện trộm long tráo phụng hòng lên ngôi cao vốn chẳng phải điều lạ trong cung đình các triều đại. Cũng phải nói thêm, có nhiều tin đồn rằng Phụng Hóa Công không ham gần gũi phụ nữ, bởi vậy, tuy chung sống với bà Trương Như Thị Tịnh đã lâu mà vẫn chưa có con. Chính ông, sau này khi đã lên ngôi báu cũng thẳng thắn rằng: “Nội cung của trẫm là một cái chùa, ai muốn vô tu thì cứ vô”. Hai bà Tiên Cung và Thánh Cung đã nhiều lần tra khảo, thậm chí dùng hình bắt Hoàng Thị Cúc nằm úp bụng xuống đất và chịu đòn roi, bắt phải khai đó là thai của ai, sao lại dám đặt điều nhưng bà vẫn một mực khẳng định hài nhi trong bụng là của Hoàng tử Bửu Đảo. Qua được ải này, đứa trẻ trong bụng bà cuối cùng cũng được công nhận, để rồi vào ngày 22 tháng 10 năm 1913, bình an hạ sinh hoàng nam Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại sau này, cũng là người con duy nhất của Phụng Hóa Công Bửu Đảo. Dị nghị về xuất thân của Vĩnh Thụy cũng dần biến mất bởi mọi người trong cung đều công nhận Hoàng tử quả thực rất giống phụ thân. 

Năm 1916, Phụng Hóa Công Bửu Đảo đăng cơ, lấy niên hiệu Khải Định. Nhờ giọt máu rồng, cung nữ năm nào được phong làm Tam giai Huệ tần, sau thăng lên Nhị giai Huệ phi vào năm 1918, đứng thứ hai Hậu cung chỉ sau bà  Ân phi Hồ Thị Chỉ. Tuy đã được tấn phong, có danh phận chính thức nhưng niềm vui với Hoàng Thị Cúc lại chẳng thể trọn vẹn. Tiểu Hoàng tử ra đời chưa bao lâu, mẹ con đã chịu cảnh phân ly khi Tiên Cung Thái hậu quyết định đón cháu nội về bên cạnh, đích thân nuôi dạy. Nguyễn triều đích – thứ phân biệt rõ ràng, tôn ti nghiêm cẩn. Hoàng tử Vĩnh Thụy là huyết mạch duy nhất của nhà vua, tôn quý vô cùng nhưng mẫu thân chỉ là thiếp thất, xuất thân không cao, lại được sinh ra trong cảnh danh không chính, ngôn không thuận, quả thực hành động chia cắt tình mẫu tử này của bà Tiên Cung là có thể lý giải. Bởi đứa trẻ này rồi đây, nhiều khả năng sẽ kế vị ngôi Hoàng đế, nắm trong tay vận mệnh thiên hạ. Mối quan hệ “mẹ chồng – nàng dâu” cũng vì thế mà trở nên căng thẳng.

Năm 1923, nhân vì Vĩnh Thụy được phong Thái Tử, Huệ phi nay tấn lên làm Nhất giai Hậu phi. Năm xưa, tại quê gốc bà Hoàng Thị Cúc, tương truyền rằng một ông thầy địa lý khi thấy mộ phụ thân bà thì đã phán rằng “họ này sẽ phát hậu”. Đến đây, có lẽ đã thực sự ứng nghiệm. 

Hoàng Thái hậu cuối cùng và những xung đột với nàng dâu Nam Phương

Ngày 6 tháng 11 năm 1925, vua Khải Định băng hà. Hoàng tử Vĩnh Thụy được đưa lên kế vị, lấy niên hiệu Bảo Đại. Hậu phi Hoàng thị được chiếu lập làm Hoàng Thái hậu, tới năm 1933 thì được tôn phong Đoan Huy Hoàng Thái hậu sau khi Bảo Đại du học từ Pháp trở về.

Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, ấy là chuyện đương nhiên. Nhà vua trẻ tuổi lúc này ngỏ ý muốn kết hôn với cô Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng hậu) – con gái một gia đình Công giáo giàu có, quen lối sống phương Tây. Điều này quả thực đi trái lệ cũ bao đời của Nguyễn triều, khi hôn phối được chọn lựa cho Hoàng đế, Hoàng tử đều là những cô gái xuất thân vương công, quý tộc, được nuôi dạy theo lễ điều Nho giáo. Chính điều này làm Đức Từ Cung không thể yên tâm bởi bà lo rằng cô con dâu này khó mà đảm đương những nghi thức cúng tế truyền thống của Hoàng gia. Ngược lại, thứ phi Mộng Điệp của vua lại rất được lòng Thái hậu, được bà giao áo mũ thay mặt Nam Phương đứng ra chăm lo việc cúng bái tổ tiên. Lịch sử đã chứng kiến bao mối bất hòa giữa “mẹ chồng – nàng dâu”, thậm chí gay gắt người sống ta chết như Thái hậu Đàm thị và Huệ hậu Trần Thị Dung cuối đời Lý, hay như chính bà Từ Cung và mẫu thân vua Khải Định khi xưa, nhưng xung đột đến từ sự khác biệt trong tư tưởng văn hóa Đông Tây này có lẽ là có một không hai. Ngẫm ra thì, chênh lệch khoảng cách thế hệ, sự trái ngược giữa cũ và mới, giữa truyền thống và tân tiến này chẳng phải rất thường gặp trong các gia đình hiện đại ngày nay sao? Bởi mới nói, sẽ thật thiển cận nếu coi lịch sử là chuyện dĩ vãng, không còn thiết thực trong cuộc sống hiện tại. 

Lá rụng về cội 

Sau Cách mạng Tháng Tám, trải qua bao biến cố, con trai, con dâu, cháu nội đều đã sang Pháp sống lưu vong, Đức Từ Cung vẫn luôn bám trụ lại mảnh đất quê hương, nguyện cả đời ở nơi đây để gìn giữ nơi thờ phụng các bậc tiên đế cùng các bảo vật của triều Nguyễn. Trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt ở cả hai miền Nam-Bắc, tiêu biểu là trận Tết Mậu Thân năm 1968, bom đạn rung chuyển xứ Huế, người ta vẫn thấy bà hằng ngày tụng kinh niệm Phật trong căn nhà 79 Phan Đình Phùng mong cho quốc thái dân an, cũng chưa từng lơ là việc cúng bái tiên tổ, kể cả khi tiền bạc gần như đã suy kiệt. Bà từng nói: “Ta sinh ra ở đâu thì sẽ chết ở đó. Tổ tiên nhà Nguyễn còn ở Huế thì ta còn phải ở lại lo chuyện thờ cúng, chăm sóc lăng mộ các bậc tiền nhân. Nhà Nguyễn đã cho ta hưởng lộc cả đời. Ta có chết cũng chưa báo đáp hết được.”

Năm 1980, Từ Cung thái hậu qua đời, thọ 90 tuổi, được an táng gần Ứng Lăng tại xã Hương Chữ, Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế. 

Bà cả đời trọng đạo Phật, trong ăn uống, sinh hoạt đều lấy giản dị làm đầu, có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo thời Nhà Nguyễn. Thế nhưng số phận trêu ngươi, thói đời bạc bẽo. Thuở bé đã sớm thiếu đi hơi ấm gia đình, khi về già, ở cái tuổi được hưởng hạnh phúc đoàn viên con cháu, Đức Từ Cung lại không có phước phận đó, sống trong cảnh cô quạnh, trong nỗi đau dằn vặt khi chẳng thể gặp lại đứa con trai năm ấy đã liều chết mà bảo vệ.

Làm dâu hoàng gia, với Hoàng Thị Cúc là phúc hay họa? Xa con từ thuở lọt lòng, sống cảnh giường đơn gối chiếc, phu quân lạnh nhạt. Ngày tháng đoàn viên chẳng được bao lâu, con cháu lại mỗi người một phương, cách xa vạn dặm trùng dương, không thể làm tròn đạo hiếu. Bên cạnh bà lúc lâm chung họa chăng cũng chỉ còn người thị nữ thân cận bao năm. 

Trộm nghĩ, sống một đời như vậy trong gia đình đế vương há chẳng bằng gả vào nông hộ thường dân, “hầu chồng dạy con”, có được cái gọi là hạnh phúc điền viên?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *