NGUYỄN THỊ LỘ – MÁU ĐẪM LỆ CHI VIÊN

Thảm án Lệ Chi Viên, vụ án đem máu ba đời nhà Nguyễn Trãi nhuộm đỏ vườn Lệ Chi. Người khi ấy được cho là nguồn cơn của toàn bộ thảm án chính là Nguyễn Thị Lộ, một người vợ lẽ của Nguyễn Trãi. Cho dù ngày nay đã có rất nhiều lời phản biện đứng về phía nàng, đưa ra hàng loạt chứng cứ và lý luận chứng minh rằng Nguyễn Thị Lộ hoàn toàn vô tội, thế nhưng, có minh oan cũng chỉ là để hậu nhân tự nhìn nhận, còn đối với bản thân Nguyễn Thị Lộ, điều đó còn thực sự có ý nghĩa sau tất cả những gì nàng đã trải qua?

Nguyễn Thị Lộ xuất thân bình thường, không một chút hiển hách. Cha nàng đi phu không may bị quân Minh đánh chết để lại nàng và mẹ gồng gánh đàn em nhỏ. Trong một lần mang chiếu làng Hới lên thành Thăng Long bán, cô thiếu nữ gặp được một quan nhân, sau mới biết người ấy gọi tên là Nguyễn Trãi. Quan nhân không ngờ cô bán chiếu kia lại là một người đã từng mài mực đọc sách, kiến thức uyên thâm. Say sắc, lại say người, Nguyễn Trãi liền cưới Nguyễn Thị Lộ về làm vợ lẽ.

Sau khi về chung sống, Thị Lộ và Nguyễn Trãi không có với nhau người con nào, song cả hai vẫn luôn đồng hành cùng nhau trên con đường cống hiến cho quốc gia. Vợ chồng Thị Lộ đã góp một phần không nhỏ vào việc cảm hóa thiếu niên ngỗ nghịch trở thành một đấng minh quân (tức vua Lê Thái Tông), lại có công cứu mẹ con bà Ngọc Dao, đứa bé được cứu ấy chính là vua Lê Thánh Tông sau này. Thế mà sau tất cả, cái họ nhận lại là một phán quyết tru di tam tộc không thể kháng cự.

Chuyện bắt đầu vào năm 1433, Thái Tổ mất, Thái tử Nguyên Long lên ngôi, tức vua Lê Thái Tông. Từ lâu đã nghe danh Nguyễn Thị Lộ, Thái Tông cho mời nàng vào cung làm chức Lễ nghi học sĩ, chuyên lo việc giáo huấn các cung nữ và giảng sách cho vua. Ở vị trí này, Nguyễn Thị Lộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, nàng đã cảm hóa Thái Tông từ một thiếu niên ngang tàng ngỗ ngược trở thành một đấng minh quân đúng nghĩa.

Cũng từ đó, người ta lại đồn thổi, Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ tư thông với nhau. Thế nhưng, cũng không nhiều người biết rằng ngày trước, khi mẹ của Thái Tông chấp nhận trở thành tế vật cho thần “Cá Quả” để giúp Lê Thái Tổ dẹp yên giặc Ngô, Nguyễn Thị Lộ cũng đã ở đó. Nàng là người đã từng tiếp xúc và chứng kiến toàn bộ quá trình ra đi của Ngọc Trần ( mẹ Thái Tông). Về sau, Thái tử Nguyên Long được một phi khác nuôi dưỡng nhưng phần nhiều vẫn cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Năm 15 tuổi, Thái Tông gặp được Nguyễn Thị Lộ, nàng như một mối dây duy nhất kết nối giữa Thái Tông và mẹ của ngài, thế nên việc một thiếu niên gần gũi và thân thiết với người duy nhất mang cho đứa trẻ ấy thật nhiều câu chuyện về người mẹ đã mất khi nó vừa 2 tuổi là một chuyện rất đương nhiên.

Nguyễn Thị Lộ có lẽ cũng biết những lời người ta đàm tiếu đấy, nhưng vì nghĩa lớn hơn nên nàng vẫn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Đến năm 1439, Thị Lộ và Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn nhưng một năm sau đó lại được vua mời ra giúp việc nước. Khi trở lại, hai người còn tham gia vào việc bảo vệ mẹ con Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Cái thai trong bụng Tiệp dư khi ấy chính là mối tiềm họa lớn của mẹ con Thần Phi Nguyễn Thị Anh nên Phi đã vu cho Tiệp dư tội dùng hình nhân mưu hại mẹ con mình. Khi ấy, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã hết sức khuyên can, vua đồng ý để cho Tiệp dư theo chân hai vợ chồng bỏ trốn ra An Bang (Quảng Ninh ngày nay), nhờ vậy mà Tư Thành (tức Thánh Tông sau này) mới được toàn mạng an ổn mà lớn lên. Thế nhưng mọi sự cũng từ đó, vợ chồng Nguyễn Trãi đã chính thức kết thù với Thần phi Nguyễn Thị Anh và phe cánh của Thần phi.

Năm 1442, vua Thái Tông đi duyệt võ ở Chí Linh, vợ chồng Nguyễn Trãi nhận lệnh đón vua ở Côn Sơn, nơi cả hai từng lui về ở ẩn. Trên đường về Thăng Long, vua lệnh cho Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Khi về đến Lệ Chi Viên (Gia Bình, Bắc Ninh), vua quyết định dừng chân tại đây. Do tiết trời trở gió, vua đã nhiễm phong hàn, truyền Thị Lộ vào hầu trực cả đêm. Bọn thái giám lúc đó đều thuộc phe cánh của Thần phi, viện cớ đi mời thầy lang gần đấy về xem bệnh cho vua, biến luôn cả một đêm không thấy bóng dáng. Đến sáng ra, Lê Thái Tông băng, mọi tội lỗi đều bị đổ xuống đầu vợ chồng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Vua băng hà, thái tử Bang Cơ lên thay (tức vua Lê Nhân Tông), Thần phi Nguyễn Thị Anh chuyên quyền nhiếp chính. Phán quyết được đưa ra rất nhanh chóng, họ Nguyễn ba đời diệt sạch, riêng Nguyễn Thị Lộ thì bỏ vào cũi dìm nước đến chết.

Nhân Tông lên ngôi chưa được bao lâu, một cuộc đổi ngôi nữa lại diễn ra, đứa bé ngày trước Nguyễn Trãi và Thị Lộ bảo vệ nay quay về, bước lên ngai vàng trở thành Hoàng đế, sử gọi là vua Lê Thánh Tông. Thánh Tông lên ngôi, liền lật lại vụ án Lệ Chi Viên, ra chiếu thư minh oan cho Nguyễn Trãi. Điều nực cười chính là, những nho sĩ thời ấy, vì yếu tố khách quan lẫn chủ quan, sau khi đem cái tên Nguyễn Trãi tẩy sạch sẽ, lại hất hết toàn bộ nước bẩn lên đầu Nguyễn Thị Lộ. Với tư tưởng trọng nam khinh nữ, toàn bộ sử gia thời ấy đều gán cho Thị Lộ cái danh “yêu nữ”, biến nàng trở thành một ví dụ điển hình cho việc mỹ nhân diệt anh hùng. Sử gia Ngô Sĩ Liên cũng nói: “Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó làm thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?”. Người ta còn vẽ ra một câu chuyện “rắn độc báo oán” một cách vô căn cứ để cho rằng Nguyễn Thị Lộ mới là cái họa lớn nhất trong thảm án Lệ Chi Viên kia. Phải đến rất nhiều năm sau nữa, cái tên Nguyễn Thị Lộ mới hoàn toàn được minh oan, trả lại cho nàng danh dự và nhân phẩm chính đáng.

Thảm án Lệ Chi Viên đến nay vẫn còn là một ẩn số, dù có bao nhiêu giả thuyết được đưa ra thì vẫn không có giả thuyết nào có thể chứng minh mình hoàn toàn là chân lý cuối cùng. Thế nhưng, với xuất thân được học hành từ nhỏ của Nguyễn Thị Lộ, với tất cả những việc nàng làm, những điều nàng đã cống hiến cho đất nước và triều đại, chúng ta có quyền tin vào sự trong sạch của người con gái tài sắc vẹn toàn kia. Và ẩn dưới những dòng sử đã vương bụi mờ ấy, ta cũng thấy được rằng, trong nhận thức Nho giáo thời phong kiến, phụ nữ không hề được tôn trọng đúng mức. Hậu nhân không thể thay đổi được sử cũ, ta chỉ có thể nhìn vào đó mà soi lại mình, để biết nhìn nhận đúng đắn và tôn trọng đúng mực tất cả những người phụ nữ, hay rộng hơn là mỗi cá thể sống trên cuộc đời này.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *