ĐOAN TỪ THÁI HẬU TRỊNH THỊ NGỌC TRINH – MỘT ĐỜI BÌNH LẶNG

Trịnh Thị Ngọc Trinh là con gái thứ của Bình An vương Trịnh Tùng. Khác với người cháu ruột Trịnh Thị Ngọc Trúc, bà là người hiền lành, thậm chí có chút nhu nhược. Vua Kính Tông nhà Lê bị Trịnh Tùng ép phải lấy bà làm vợ bởi mục đích chính trị nhằm củng cố địa vị nhà chúa. Lúc đó Kính Tông còn cần công phù rập của nhà họ Trịnh nên đành phải lấy. Hai người sống với nhau, sinh được người con trai đặt tên là Duy Kỳ, tức vua Thần Tông – ông vua nổi tiếng an phận thủ thường sau này.

Năm Kỷ Mùi, niên hiệu Hoằng Định thứ 20, Kính Tông mưu sự cùng Trịnh Xuân (con thứ ba của Trịnh Tùng) nhằm giết Trịnh Tùng nhưng không thành. Sau khi sự việc bại lộ, Trịnh Tùng bức vua phải tự vẫn. Ông khóc mà nói với vợ: “Ta còn mặt mũi nào mà gặp vương phụ nữa” sau đó thắt cổ khi đương tuổi tráng niên. Riêng Trịnh Xuân bị trăm quan đề tấu cho xử tử. Than ôi! Kính Tông quá nóng vội nên chuốc lấy cái chết thảm, âu cũng là vì lòng mong mỏi giành lại thực quyền mà nên cơ sự này! Tiền triều Duệ Tông vì mong muốn chấn hưng quốc thể mà đem quân sang Chiêm Thành, kết quả thành hồn ma bóng quế nơi đất khách! Quan Vũ bị chém đầu, Trương Phi chết thảm, có cái nào không phải là vì nóng vội mà ra? Bấy giờ thế lực nhà họ Trịnh lên nhanh như vầng dương buổi ngọ, chỉ nhờ vào sức một Trịnh Xuân há có thể lật đổ được thế cục ấy?

Đương lúc rối ren đó, có người khuyên Trịnh Tùng nên lập Cường quận công Lê Trụ lên ngai vàng với tư cách là con của Bản quốc công Lê Bách, cháu đích tôn của vua Anh Tông. Thế nhưng, hoàng hậu Trịnh thị đã khóc mà nói với cha rằng: “Tiên quân có tội, chứ đứa nhỏ có tội gì? Sao lại bỏ con của con mà đi tìm người khác? Nếu phụ vương lập nó, thì đến muôn đời sau kẻ làm vua vẫn là con cháu của phụ vương vậy”.

Hay cho câu: muôn đời sau kẻ làm vua vẫn là con cháu phụ vương vậy! Có thể nói, Hoàng hậu Trịnh thị đã giấu đi cái thông minh sắc sảo của mình vào sâu trong lòng, đúng cho câu: đại trí giả dại. Đằng sau vẻ nhu nhược và yếu mềm là một con người biết tạo cho mình một thế cục an toàn tránh khỏi nguy hiểm.

Sau cái chết của Kính Tông, có thể Trịnh thị đã biết được kết cục của mình nếu không dựa vào nhà họ Trịnh. Duy Kỳ con thị chính là con cờ chủ chốt, là kim bài miễn tử thị giữ lại cho mình. Trịnh thị đã đánh vào tâm lý ham danh lợi, vinh hoa phú quý quyền uy của cha mình – Bình An vương Trịnh Tùng. Thử hỏi nếu Tùng không ham vinh hoa phú quý, hà cớ sao Tùng lại ép vua Lê lập mình làm chúa và giữ mọi quyền hành, mở ra cơ nghiệp mấy đời của phủ chúa “sơn son thếp vàng lộng lẫy”? Dẫn đến việc Kính Tông không cam lòng mà mưu sự mong đoạt lại thực quyền?  u cũng là nhân quả cả.

Kết quả như thế nào, quả nhiên không ai hiểu cha hơn con, Trịnh Tùng cho Duy Kỳ lên làm vua, tôn Hoàng hậu Trịnh thị làm Đoan Từ Hoàng thái hậu, Bình An vương thành quốc cữu dưới một người trên cả vạn người. Thái tử Duy Kỳ, tức vua Thần Tông, cũng học tập theo cách này của mẹ mình mà buông tay rũ áo an nhàn, làm vua chỉ có danh hão. Đứng trước vầng dương đang buổi ngọ, nên đi tìm bóng mát chờ vầng dương qua lúc đứng bóng chứ không phải cố đứng dưới vầng dương gay gắt đó mà chịu tội. Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, Thần Tông đương nhiên biết lẽ đó nên mới có thể bảo toàn tính mạng hưởng hết tuổi trời cho.

Trách sao được nhà họ Trịnh lộng quyền, trách là trách ngay từ lúc mưu sự Đông sơn tái khởi, nhà Lê đã nhờ vào họ Trịnh quá nhiều, dẫn đến dã tâm nhà họ Trịnh càng ngày càng lớn. Có chăng nhà họ Trịnh không lật đổ vua Lê như Đăng Dung nhà Mạc đã làm, bởi danh không chính ngôn không thuận. Hơn hết, dân tâm vẫn còn hướng về nhà Lê ngày nào thì ngày đó không phải là ngày thích hợp để họ Trịnh đăng cơ. Dưới một người nhưng trên cả vạn người, tay nắm thực quyền, đời này còn chuyện gì tốt hơn thế?

Trịnh gia vì một câu nói của Đoan Từ thái hậu mà bắt đầu những cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị hết đời này đến đời khác. Không dừng lại ở việc thâu tóm quyền hành trên tiền triều, nữ tử Trịnh gia cũng trở thành chủ nhân đích thực của hậu cung vua Lê, bắt đầu từ đời của Đoan Từ thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh. Vốn biết thế sự vô thường, nhân sinh lại như ván cờ vây với vô vàn những biến số không thể lường trước, nhưng chính Trịnh thị cũng khó có thể ngờ được một ngày nào đó người cháu ruột của mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc lại tái giá và trở thành con dâu của mình.

Thiên đạo quả nhiên rất biết trêu đùa người khác.

Không sách sử nào chép kĩ về Đoan Từ thái hậu, chỉ có vài dòng nói về bà là mẹ của vua Thần Tông. Cuộc sống bà an phận thủ thường đến mức, thế nhân chỉ biết được qua vài dòng sơ sài, khác biệt hoàn toàn với người cháu gái và cũng là con dâu của bà. Có lẽ, trong thâm tâm của bà, tận mắt chứng kiến người chồng chung chăn gối với mình bị cha ruột ép chết là một điều thật đáng sợ và đau đớn. Thất phu vô tội, Hoài Bích có tội, vậy nên bà và con trai mới quyết định an phận thủ thường như thế.

Đáng tiếc, chính cuộc sống quá an phận thủ thường của bà lại khiến hậu nhân muốn tìm hiểu về bà phải tiếc nuối: không nhàn sự, không gì để lại, chỉ có vài dòng sơ sài như thế…

Nếu cuộc sống của những người con gái Trịnh gia vốn không được sống như bản thân mong muốn, thì mong thượng thiên có thể thành toàn cho kiếp sau được làm con một nhà bình thường, có được một cuộc sống có thể theo đuổi những điều mình hằng ước muốn. Đoan Từ thái hậu một đời bình đạm, bà vốn không mong một đời oanh oanh liệt liệt để hậu thế nhớ đến, chỉ cầu an bình.

Nữ nhân chốn hậu cung ba ngàn giai lệ, liệu mấy ai nghĩ giống như thế? Đoan Từ, Đoan Từ, đoan trang hiền từ, quả thật phong hiệu giống như người…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *