KHÂM TỪ BẢO THÁNH HOÀNG HẬU – SỐ MỆNH MẪU NGHI THIÊN HẠ TỪ LÚC LỌT LÒNG

Khi đọc về hào khí Đông A của thời Trần, nếu như minh quân Trần Nhân Tông nổi tiếng về tài đức, sau khi xuất gia đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm và được suy tôn là Điều Ngự Giác Hoàng thì vợ của ông – Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu lại được sử sách ca tụng là người  “đức tốt trong cung, rạng rỡ đáng chép”. Đặc biệt, Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu còn nổi danh bởi sự gan dạ, là tấm gương hiếm có trong giới nữ lưu chốn cung đình. Không có nhiều tư liệu về bà, tuy nhiên khi tìm hiểu về cuộc đời của bà sẽ có cảm giác bà sinh ra đã có số mệnh đứng đầu Hậu cung, ngôi vị hoàng hậu chỉ có thể thuộc về bà. 

Ngày nay nếu bạn tìm hiểu tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, một lớp tín ngưỡng có mối quan hệ gần gũi với Đạo Mẫu, ghi nhận giá chầu Đệ Nhất Vương cô Quyên Thanh Công chúa, nhân vật đó không ai khác chính là Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu. Tương truyền rằng Quyên Thanh là tiên nữ giáng sinh, đầu thai xuống làm con nhà họ Trần để đem lại rạng danh cho dòng tộc và vương triều. Ngày tiệc đản của Vương Cô Nhất là 12 tháng Giêng hàng năm khi làm lễ thỉnh cô thường có câu hát rằng:

“Hoa hải đường thần thông Cô Nhất

Phủ Mạc Thư là đất trâm anh”.

Hoặc cũng có khi hát là:

“Đức Thái hậu ban cho mỹ tự

Đệ Nhất Vương Cô đại nữ Quyên Thanh

Kim chi ngọc diệp rành rành

Cung phi nhất phẩm đương triều ai hơn”.

Còn nếu bạn thấy Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu vẫn là cái tên xa lạ thì thêm thông tin cho bạn nhé. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Huyền Trân công chúa mà bạn biết có khả năng là con gái của Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu với Trần Nhân Tông. 

Vậy cuộc đời của bà như thế nào?

Xuất thân của Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu vô cùng hiển hách, bà là trưởng nữ của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, mẹ là Nguyên Từ Quốc mẫu (Thiên Thành công chúa). Khi chưa vào cung, do cha là người có công lao rất lớn nên  tuy không phải con vua nhưng bà vẫn được phong tước vị là Quyên Thanh Công chúa. Lại là cháu nội của An Sinh vương, con trưởng của Thái Tổ Hoàng đế. Bên cạnh đó, Thái Tổ Hoàng đế cũng chính là ngoại tổ phụ (ông ngoại) của bà. Thân phận tôn quý như vậy, từ lúc nhập cung đã định sẵn vị trí mẫu nghi thiên hạ:

Năm Bảo Phù thứ 2 (1274), bà được lập làm Hoàng thái tử phi, trở thành chính thất của Hoàng thái tử Trần Khâm. Hai năm sau (1276), mùa thu, ngày 17 tháng 9, Thái tử phi sinh hạ Hoàng trưởng tôn Trần Thuyên, lập làm Hoàng thái tôn để kế vị, tức Anh Tông hoàng đế.

Năm Thiệu Bảo thứ 1 (1279), ngày đầu của tháng Giêng, Nhân Tông Hoàng đế lên kế vị, Thái tử phi được lập làm Hoàng hậu. 

Sử chép rằng Hoàng hậu là người tính tình nhu mì, thông minh sáng suốt, nhân hậu đối với kẻ dưới nên ai ai cũng quý trọng; lớn lên trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, đức hạnh. Sự sủng ái mà Hoàng đế đối với bà từ lúc ở Đông cung cho đến khi lên ngôi vẫn không suy giảm, lại thêm Hoàng đích Trưởng tử Trần Thuyên – thân phận vừa là con trai trưởng của Hoàng đế, vừa là con trai của chính cung Hoàng hậu – khiến cho địa vị của bà trong chốn hậu cung vô cùng vững chắc.

Không có tư liệu gì nói về bà trong thời gian làm Hoàng hậu nhưng có lẽ cũng dễ thấy rằng, đây là khoảng thời gian viên mãn và hạnh phúc. Bởi lẽ sống cạnh một hiền nhân như Trần Nhân Tông không dễ dàng nhưng cũng không quá khó chịu. Sách cũ có ghi lại rằng, sau khi kết hôn vài tháng Trưởng Hoàng tử Trần Khâm (Trần Nhân Tông sau này) vì quá mộ đạo đã nửa đêm trốn khỏi hoàng cung tới tá túc tại một ngôi chùa trên Yên Tử. Khi phát hiện thấy trưởng nam biến mất, vua Trần Thánh Tông  đã phải vội vàng cho người tìm kiếm, khuyên giải ông về. Trở lại cung rồi Trần Khâm vẫn nằm mộng thấy một đoá sen vàng mọc ra từ rốn mình nên đã ngày ngày ăn chay, cả người gầy guộc. Vua Trần Thánh Tông thấy vậy đau lòng, vừa khóc vừa khuyên ông, ông mới thôi việc ăn chay… Trong tình huống không giản đơn này, Khâm Từ vẫn cam chịu để “tòng phu” đúng đạo và giữ cho quan hệ vợ chồng được tốt đẹp. Bà có thể được tôn vinh như một tấm gương nhẫn chịu vì chồng sáng chói trong lịch sử nước nhà. Thời vua Trần Thánh Tông, khi Trần Nhân Tông chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông xâm lược, bà đóng vai trò hậu phương vững chắc, giúp vua ổn định nội tình nơi cung thất. Không chỉ vậy, tương truyền bà còn trực tiếp sát cánh cùng phụ vương Trần Hưng Đạo xông pha một số trận mạc phù dân vệ quốc. Vì thế ở nhiều đền miếu thờ vị danh tướng kiệt xuất Trần Hưng Đạo đều đặt tượng bà ở cạnh.

Cuộc đời của bà rạng rỡ và vinh hiển như vậy . Điều đáng tiếc nhất, qua những dòng sử chép lại có lẽ là bà qua đời sớm, trước Nhân Tông Hoàng Đế 15 năm. Sau khi Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con mình để làm Thái thượng hoàng không lâu, ngày 13/9/1293, Khâm Từ Bảo Thánh Thái thượng hoàng hậu đột ngột qua đời ở Lỗ Giang, phủ Long Hưng (tỉnh Thái Bình ngày nay). Sau khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông mất vào năm 1308, Khâm từ Bảo Thánh Hoàng hậu được đưa vào hợp táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *