GIA CÁT LƯỢNG VÀ TƯ MÃ Ý: TÀI DỤNG BINH AI HƠN AI?

(Nguyễn Đỗ Thuyên)

Gia Cát Lượng chỉ giống như Tiêu Hà, không được như Hàn Tín, chỉ giỏi nội chính, không tường quân sự, dưới tài Tư Mã Ý” đã là thành kiến từ lâu của nhiều người đọc Tam quốc. Nguyên nhân dẫn đến định kiến này thì nhiều, có thể chỉ ra:

+ Một phần chính là vì La Quán Trung trong quá trình hư cấu, sáng tạo Tam Quốc Diễn Nghĩa, đã tôn vinh Khổng Minh lên cấp bậc thần nhân, có thể hô phong hoán vũ, thấu suốt tương lai. Nhiều độc giả ngày nay lại dùng con mắt hiện đại để đánh giá các nhân vật LỊCH SỬ thông qua một tác phẩm VĂN HỌC cách đây đã hơn 500 năm, dĩ nhiên sẽ khó chấp nhận những hư cấu kiểu như thế; dẫn đến việc họ chạy sang thái cực đối diện: anti những hư cấu đó, và thế là anti cả Khổng Minh lẫn nhà Thục (bên được La Quán Trung tung hô nhiều nhất).

+ Một phần là lối tư duy “lấy thành bại luận anh hùng” rất dở hơi nhưng lại xuất hiện ngày càng nhiều ngày nay. Nhiều người không hiểu rằng để so sánh, anh phải cố hết sức đặt hai đối tượng so sánh vào cùng một hệ quy chiếu (dĩ nhiên không thể tuyệt đối nhưng phải cố gắng tiệm cận nó). Thay vào đó, kẻ thắng cuối cùng lại được tôn vinh. Cho nên, khởi đầu trào lưu này là “ủng Tào dìm Lưu“, sau đó fan Tào cũng đấu không lại với fan Tư Mã Ý, bởi “Tam Quốc quy Tấn” mà :)) Trong trào lưu đó, việc sáu lần Bắc phạt nhưng không chiếm được Trường An là luận điểm quá phù hợp cho những người thích “lấy thành bại luận anh hùng” để họ kết luận rằng Gia Cát Lượng dưới tài Tư Mã Ý.

Bài viết dưới đây về chiến dịch Thượng Khuê đã chỉ ra một kết luận hoàn toàn ngược lại. Đó là, binh lược của Gia Cát Lượng cao hơn Tư Mã Ý, hơn nữa, cao hơn không chỉ một cấp.

Trước chiến dịch Thượng Khuê, Thục quân và Ngụy quân đã có ít nhất hai lần đối đầu trực diện. Bắc phạt lần thứ 3, Trần Thức và Gia Cát Lượng phối hợp khiến quân đội của Ung châu Thứ sử Quách Hoài phải tháo chạy, hai tay dâng hai quận Lương châu là Vũ Đô và Âm Bình cho nhà Thục. Bắc phạt lần thứ 4, Ngụy Diên và Ngô Nhất tại quận Nam An tiếp tục đánh bại Quách Hoài và Hậu tướng quân Phí Diệu.

Với bấy nhiêu chiến tích, đã có thể khẳng định điều này: Đường đường chính chính mà chiến, quân đội Thục Hán đều “trên cơ” quân Ngụy?

Nếu như có người còn nghi ngờ, thì lần Bắc phạt thứ 5 chính là câu trả lời đanh thép nhất.

Tháng 2 năm 231, vài tháng sau chiến tích của Ngụy Diên và Ngô Nhất, Gia Cát Thừa tướng lại đem quân ra Kỳ Sơn, lần thứ 5 đánh Ngụy. Xung quanh chiến dịch này có rất nhiều chuyện thú vị. Một là chuyện lương thảo: vì lương mà được nhưng cũng vì lương mà mất. Hai là chuyện thủ hay chiến: quân Ngụy hễ thủ thì còn tạm được, nhưng hễ chiến thì bị đánh cho sấp mặt. Ba là năng lực thống soái của Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý có sự chênh lệch rất lớn. Bốn là vô số những câu chuyện thú vị bên lề khác.

Hãy nói từng chuyện một.

1 – BA QUÂN CHƯA ĐỘNG, LƯƠNG THẢO ĐI TRƯỚC

Lần Bắc phạt thứ 5 này kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7 năm 231 tức là hơn 5 tháng, có thể xem là dài nhất (Bắc phạt lần 1 kéo dài khoảng 2 tháng, lần 2 khoảng 1 tháng, lần 3 không có giao chiến lớn và lần 4 đánh một trận là xong nên sẽ không quá lâu, lần 6 kéo dài hơn 3 tháng). Ai cũng biết chuyện khó khăn nhất của quân Thục chính là vận lương, nhưng lần Bắc phạt này lại có thể cầm cự tận hơn 5 tháng, dĩ nhiên vấn đề lương thảo đã được giải quyết. Thứ nhất, “trâu gỗ” lần đầu tiên xuất hiện giúp chuyển lương dễ dàng hơn. Thứ hai, Khổng Minh nhận được sự hỗ trợ từ một người rất tài cán – nhân vật số hai trên chính trường Thục Hán lúc bấy giờ – Phiêu kỵ tướng quân Lý Nghiêm.

Năng lực điều phối quân lương, chủ quản hậu cần của Lý Nghiêm thật không thể xem thường. Ông ta thời còn ở Kinh châu đã được Lưu Biểu thừa nhận tài năng, đến khi nhập Thục cũng được Lưu Chương coi trọng không kém. Năm 218, khi Lưu Bị dồn hết quân chủ lực để chuẩn bị quyết chiến với Hạ Hầu Uyên ở Hán Trung, ông ta với tư cách Thái thú quận Kiền Vi đã dùng chỉ 5000 quận binh địa phương tiêu diệt được mấy vạn phản tặc, ân uy gồm đủ, lại chiêu dụ nhiều tặc binh quay về làm dân, có thể nói là hữu dũng hữu mưu. Được Lưu Bị bái làm Thượng thư lệnh, lưu thủ Vĩnh An, trở thành một trong hai đại thần phụ chính là sự thừa nhận rõ ràng nhất dành cho Lý Chính Phương; mà trong suốt tiến trình Bắc phạt, Lý cũng luôn nhận được sự tin tưởng từ Thừa tướng Thục Hán.

Khi Khổng Minh binh chỉ Hán Trung, Lý tự mình đến Giang Châu làm hậu đội. Khi ba cánh quân của Tào Chân – Tư Mã Ý – Trương Cáp sắp phạm cõi, Khổng Minh đóng ở Xích Phản đợi giặc cũng là lúc Lý chuẩn bị sẵn hai vạn hậu bị quân đóng ở Hán Trung. Lần Bắc phạt thứ 5 này, Khổng Minh chính là tin tưởng giao cho Lý Nghiêm trọng nhiệm gánh vác phủ Thừa tướng, đốc vận lương thảo. Khác hẳn với lần Bắc phạt thứ 2, mới chỉ công đánh Trần Thương có hơn 20 ngày đã hết lương phải rút; lần này, quân Thục di động từ Hán Trung ra Kỳ Sơn, từ Kỳ Sơn đến Thượng Khuê, lại từ Thượng Khuê kéo về Lỗ thành, bộ quân di chuyển liên tục hàng trăm dặm nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ lương thực. Qua đó có thể thấy được tính liên tục trên tuyến đường tiếp tế, phương pháp điều phối quân lương khoa học cũng như kỷ luật trong đội ngũ dân phu đã được Lý Nghiêm duy trì triệt để.

Tiếc thay, vì nhiều lí do, sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nhân vật đầu triều của Thục Hán đã chấm dứt theo cách rất khó chấp nhận. Khi chiến dịch trôi về cuối hạ đầu thu, mưa dầm xuất hiện gây khó khăn cho việc tiếp vận, thay vì nỗ lực gấp đôi hoặc trình bày rõ khó khăn với Gia Cát Lượng, Lý Nghiêm lại chọn cách làm ngu xuẩn nhất là giả truyền thánh chỉ gọi đại quân quay về. Kết cục là quân Thục phải dừng đà chiến thắng, còn Lý Nghiêm dĩ nhiên chuốc lấy hình phạt. Người yêu nhà Thục ai đọc tới đây cũng phải vỗ đùi than tiếc!

Tuy vậy, những nỗ lực trong giai đoạn đầu của Lý Nghiêm cũng đã giúp quân Thục có đủ cơ sở để đánh một trận lâu dài với quân Ngụy.

Với hơn 5 tháng kéo dài, lần Bắc phạt năm 231 này có đầy đủ diễn biến của một trận thư hùng đặc sắc và phức tạp mà ở đó, tài thống soái, khả năng dùng người, bố trí quân lực, thiết kế hình trận, năng lực tiếp vận lương thảo liên tục… đều phải trải qua thử thách. Và dĩ nhiên, kẻ chiến thắng cũng là người giỏi hơn trong tất cả những khía cạnh đó.

Điều đáng chú ý nhất khi nói về chiến dịch này chính là:Đây là lần duy nhất trong lịch sử Tư Mã Ý dám công khai đối chiến cùng Gia Cát Lượng thay vì cứ “đóng cửa thủ vững”.Cũng vì vậy, nó đã để lại đầy đủ các cứ liệu để có thể so sánh năng lực cầm quân giữa hai nhân vật nhiều duyên nợ này.

Nói là hai bên đối chiến, nhưng mọi chuyện không đơn giản chỉ là cùng nhau kéo hết quân đến bình nguyên rồi xung phong xông lên chém giết vô bổ. Nếu không phải trong tình huống bị ép buộc, chẳng có vị Nguyên soái nào lại muốn tiêu hao binh sĩ vào một trận đánh mà không nắm chắc phần thắng. Vậy thì cuộc đối đầu vào ngày Tân Tỵ, tháng 5 năm 231, có phải Tư Mã Ý đã bị ép phải xuất chiến?

2 – KHỔNG MINH CHỦ ĐỘNG TẠO RA THỜI CƠ

Nói Tư Mã Ý bị ép xuất chiến cũng đúng. Vấn đề là bị ép bởi ai? Bị ép như thế nào?

Trong quân, bọn Giả Hủ, Ngụy Bình liên tục xin đánh, lại còn chế giễu Ý “sợ Thục như sợ cọp”, còn nói đại ý “Ông mà cứ không đánh thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi”.

Họ nói không sai. Hoàn cảnh bấy giờ là: quân Thục đang vây Kỳ Sơn, Tào Chân thì ốm, Ngụy Minh đế Tào Duệ điều Tư Mã Ý từ mặt trận Kinh châu về, phó thác cho Ý việc quân ở phía tây. Tư Mã Ý bèn lưu Phí Diệu, Đái Lăng cùng bốn ngàn quân giữ Thượng Khuê, đích thân dẫn quân đi cứu viện Kỳ Sơn.

Được hoàng đế coi trọng như vậy, hùng hùng hổ hổ đi cứu viện như vậy, nhưng rốt cuộc khi thấy địch thì lại “tịt ngòi”, bọn quân sĩ còn coi Tư Mã Ý vào đâu? Huống hồ, tầm quan trọng của Kỳ Sơn thì không cần phải nói cũng biết, nó án ngữ Kỳ Sơn đạo – con đường từ quận Vũ Đô (của Thục) lên bắc hướng về quân Thiên Thủy (của Ngụy), là con đường tương đối bằng phẳng, cực kỳ có lợi cho công tác vận lương. Quân Thục nếu như chiếm được Kỳ Sơn, lại có nhân tài điều vận như Lý Nghiêm ở phía sau, coi như giải quyết được bài toán lương thảo, có thể yên tâm tác chiến lâu dài, cũng sẽ làm phá sản luôn chiến lược “kiên thủ chờ Thục hết lương” của Tư Mã Ý. Về công hay về tư, từ góc độ chiến lược hay từ góc độ sĩ khí, thì việc xuất chiến để giải quyết quân Thục là điều Tư Mã Ý buộc phải làm.

Có điều, cũng phải nói, chính Gia Cát Lượng cũng đã góp phần tạo ra áp lực khiến Tư Mã Ý buộc phải xuất chiến. Lần Bắc phạt thứ năm này, đích thân Khổng Minh đứng ra kêu gọi, cho nên quân Thục được các thủ lĩnh người Tiên Ti ở Thạch Thành hưởng ứng. Người Ngụy hẳn chưa quên Khương nhân ở Lương châu đã tích oán bao năm với họ kể từ thời Mã Siêu, ngay trong lần Bắc phạt đầu tiên của người Thục, ba quận Lương châu là Nam An, An Định, Thiên Thủy đã trở cờ phản giáo dâng thành cho Thục ngay tức khắc. Rồi trong lần Bắc phạt thứ ba, Gia Cát Lượng không chỉ chiếm được hai quận Vũ Đô – Âm Bình mà còn chiêu hàng được các tộc Đê, Khương.

Tài năng ngoại giao và khả năng thuyết phục người khác của Gia Cát Thừa tướng, thiên hạ này chắc không ai dám nghi ngờ. Tôn Quyền đồng ý bắt tay với Lưu Bị để đánh bại Tào Tháo ở Xích Bích, Mạnh Đạt gật đầu xưng thần với Thục Hán để phản Ngụy ở Tân Thành – đó đều là công lao của Gia Cát Lượng. Tư Mã Ý hiểu rằng, nếu không nhanh chóng tiêu diệt chủ lực quân Thục, để cho người Thục dương uy ngay trên sân nhà, thì các thế lực như người Khương, người Tiên Ti từ các quận Lương châu sẽ tiếp tục lung lay và càng có xu hướng ngả về Thục hơn.

Một áp lực khác đến từ trận thua của Quách Hoài. Tư Mã Ý lúc đầu tuyên bố sẽ đi cứu Kỳ Sơn, đã để Phí Diệu và Đái Lăng ở lại giữ huyện Thượng Khuê. Nhưng sự thật là Ý không dám đi về phía tây để tìm quân Thục (Kỳ Sơn ở phía tây nam của Thượng Khuê), trái lại, Ý cho quân đi về phía đông (vì sau đó quân chủ lực hai bên gặp nhau ở phía đông của Thượng Khuê, tức là Ý lại càng đi xa khỏi Kỳ Sơn chứ không phải tiến lại gần Kỳ Sơn). Chính Gia Cát Lượng là người chủ động tiến đến Thượng Khuê (Vương Bình là người được phân công ở lại tiếp tục vây Kỳ Sơn). Tại đây, bọn Quách Hoài, Phí Diệu hăm he mai phục quân Thục, lại bị Khổng Minh đánh cho tan tác, lại còn nhân đó “gặt hết lúa mạch chín ở ngoài đồng”.

Quân Ngụy lần này “trộm gà không được lại còn mất nắm gạo”, mình thiệt quân mà kẻ địch lại thêm quân lương, mặt mũi mất hết, nếu không đem chủ lực ra giết sạch quân Thục thì sao nuốt trôi được nỗi nhục này? Huống hồ, Tư Mã Ý vẫn là kẻ chịu trách nhiệm chính cho trận thua này. Vì sao? Vì dù quân của Phí Diệu ắt lấy từ trong quân thủ thành Thượng Khuê, nhưng quân của Quách Hoài thì chắc chắn được điều từ trung quân của Tư Mã Ý. Kế hoạch mai phục Gia Cát Lượng có vẻ là Phí Diệu bên trong Thượng Khuê sẽ phát động tấn công, kết hợp với quân đoàn lưu động phía ngoài của Quách Hoài. Một kế hoạch yêu cầu sự phối hợp như thế ắt phải do tổng chỉ huy cao nhất của quân Ngụy điều phối. Ngụy binh thất bại, cho thấy Tư Mã Ý lại tiếp tục chỉ huy sai cách.

Người Tiên Ti trở giáo, quân Ngụy mai phục bất thành, quân Thục có thêm quân lương, uy vọng của tổng chỉ huy đang xuống thấp – một loạt những điểm bất lợi ngày càng dồn dập xuất hiện là lí do khiến Tư Mã Ý chỉ còn cách quyết chiến để cứu vãn. Nhưng Tư Mã Trọng Đạt cũng không ngờ rằng, xuất chiến chỉ càng làm tình hình tồi tệ hơn mà thôi.

Sau 3 tháng hai bên thi triển đủ các loại kế mưu, so đọ mọi khía cạnh cầm binh; thì ngày Tân Tỵ tháng 5 năm 231, Thục Ngụy bình nguyên đại chiến cuối cùng đã nổ ra ở Kỳ Sơn!

Nói thì đơn giản, nhưng để có được trận đại chiến này, hai bên đã dốc hết tâm lực, trí kế. Nếu nói theo trình tự, thì là:

(1) Thục quân vây Kỳ Sơn, chờ đợi viện quân Ngụy kéo đến, hy vọng có thể đánh một đòn vỗ mặt nhằm tiêu diệt chủ lực địch (so đọ trực diện, Thục quân chưa từng ngán Ngụy quân. Mới cách đó vài tháng thôi, trong lần Bắc phạt thứ tư, Ngụy Diên và Ngô Nhất đã đánh tan nát Quách Hoài và Phí Diệu).

(2) Ngụy quân bố trí một bộ phận binh lực giữ Thượng Khuê, còn quân chủ lực của Tư Mã Ý thì miệng nói là đi về hướng tây nam cứu viện Kỳ Sơn, nhưng thực chất là di chuyển ra xa khỏi quân Thục về hướng đông của Thượng Khuê, muốn dụ Thục quân kéo dài tuyến đường hành quân, tăng độ khó cho việc vận lương.

(3) Gia Cát Lượng lưu Vương Bình cùng một bộ phận binh lực tiếp tục vây công Kỳ Sơn, đích thân dẫn quân chủ lực tiến về Thượng Khuê để tìm diệt quân Ngụy.

(4) Quân của Phí Diệu trong thành Thượng Khuê mưu đồ phối hợp cùng quân lưu động bên ngoài của Quách Hoài để tập kích Thục quân. Kết quả: Ngụy quân đại bại, Thục quân lại thu được lúa mạch ngoài thành Thượng Khuê, quân lương sung túc.

(5) Tư Mã Ý không dám giao chiến, cố thủ trong doanh. Đến lượt Gia Cát Lượng cho rút quân từ từ về hướng Lỗ thành. Tư Mã Ý bèn bám theo, như một con sói kiên nhẫn quan sát, chỉ chờ đối thủ sơ hở liền sẽ cho một đòn trí mạng.

(6) Gia Cát Khổng Minh cầm binh vốn là “dừng thì như núi, tiến lui thì như gió”, muốn tìm sơ hở còn khó hơn lên trời. Quân Thục lúc này đã lui về gần Kỳ Sơn. Tư Mã Trọng Đạt bó tay hết cách. Bọn tướng lĩnh Giả Hủ, Ngụy Bình, Trương Cáp nuốt nỗi nhục bại ở mấy ván trước đến uất nghẹn, thảy đều xin đánh.

(7) Các yếu tố bất lợi xuất hiện ngày càng nhiều, Tư Mã Ý quyết định xuất chiến để cứu vãn tình thế!

3 – KHỔNG MINH BINH LƯỢC ÁP TRỌNG ĐẠT

Đúng là Khổng Minh đã chủ động tìm kiếm thời cơ, tạo ra các áp lực cần thiết để buộc Tư Mã Ý phải xuất chiến. Nhưng đừng nghĩ một cách đơn giản rằng Tư Mã Ý xuất chiến trong điều kiện bất lợi. Quân số hai bên tuy không được nêu rõ, nhưng với tương quan dân số và quân số quá chênh lệch (tổng binh lực Ngụy gấp khoảng 4 lần Thục) (*), quân Thục chắc chắn phải ít hơn quân Ngụy. Chưa kể, trận này Ngụy quân “đá ở sân nhà”, vốn có ưu thế về binh lực và lương thảo tiếp tế. Ngoài ra, dàn tướng lĩnh Tư Mã Ý mang theo cũng hết sức hùng hậu, có thể kể ra:

(i) Xa kỵ tướng quân Trương Cáp: tài năng còn sót lại của “Bắc Ngụy Ngũ tử lương tướng”, năng lực không kém Trương Liêu, Từ Hoảng. Trong Bắc phạt lần 1 từng đả bại Mã Tắc ở Nhai Đình.

(ii) Ung châu Thứ sử Quách Hoài: là kẻ “ở tại Quan Hữu hơn ba chục năm, ngoài chinh phạt khấu lỗ, trong vỗ về dân Di, đập tan Liêu Hóa, bắt giữ Câu An”; chưa kể, trong Bắc phạt lần 1 từng đánh bại Cao Tường ở Liệt Liễu.

(iii) Hậu tướng quân Phí Diệu: chuyên gia tác chiến ở vùng rừng núi Lương châu, nhiều lần bình định Khương nhân phản loạn, cũng tham gia đánh lùi quân tiên phong của Thục trong lần Bắc phạt thứ nhất.

Bên kia chiến tuyến, trong tay Gia Cát Thừa tướng, ngoài Chinh tây đại tướng quân, Lương châu Thứ sử Ngụy Diên vốn quân công vang dội, thì các tướng lĩnh còn lại đều có thành tích không được tốt lắm:

(i) Đốc tiền bộ, Hữu tướng quân Cao Tường: chính là bại tướng dưới tay Quách Hoài cách đây 3 năm.

(ii) Đốc hậu bộ, Hậu tướng quân Ngô Ban: một trong những người sống sót sau thất bại Di Lăng.

(iii) Thảo khấu tướng quân Vương Bình: cũng là một chứng nhân của thất bại Nhai Đình.

Ấy vậy mà, với binh lực không nhiều hơn, với tướng lĩnh không nổi trội hơn, Gia Cát Lượng đã cầm Thục quân đánh một trong những trận đặc sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Phía bên kia, Tư Mã Ý cũng không hề đơn giản, đã cho Trương Cáp cầm một nhánh kỳ binh lẻn ra phía sau quân Thục, bất ngờ tấn công vào quân Vương Bình (vốn đang vây thành ở phía nam Kỳ Sơn). Chỉ tiếc, không giống như ở Nhai Đình, Vương Bình lúc này nắm trong tay đội “Vô Đương Phi Quân” thiện chiến, thân giữ chức Vô Đương giám, đã “vững trận bất động”, khiến Trương Cáp không thể tái hiện lại chiến tích 3 năm về trước.

Ở mặt trận chính, chủ lực quân Thục do Ngụy Diên, Cao Tường, Ngô Ban xông thẳng vào trung quân của Tư Mã Ý; với khí thế “dũng mãnh cứng cỏi trùm ba quân” không khác gì trận Định Quân Sơn, đã “cắt quân Ngụy ra làm mấy mảnh rồi bao vây, tiêu diệt” (**). Ngụy quân bại trận triệt để, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục “đóng cửa thủ vững”. Thế cục này được duy trì đến khi Lý Nghiêm “trở chứng”, khiến Thục quân cạn lương buộc phải rút về. Và, cũng tương tự chuyện “Gia Cát chết dọa được Trọng Đạt sống”, lần này, “Khổng Minh rút lui vẫn giết được Trương Cáp truy kích”, khiến cho tổn thất của quân Ngụy lại càng thê thảm hơn.

4 – KẾT:

Cuộc đối đầu vào tháng 5/231 này là bằng chứng rõ ràng nhất để có thể kết luận rằng binh lược của Gia Cát Khổng Minh cao hơn Tư Mã Trọng Đạt không chỉ một cấp. Trong điều kiện bất lợi hơn (viễn chinh, quân ít, lương thiếu), nhưng Gia Cát Lượng đã thắng Tư Mã Ý trong tất cả các ý đồ tác chiến chiến thuật: từ vây thành diệt viện cho đến dụ địch lùi sâu để mai phục, từ công tác tiếp vận đến duy trì sĩ khí, từ phản mai phục cho đến phản tập kích. Từ Thượng Khuê đến Kỳ Sơn; quân Thục đều đánh cho quân Ngụy không thể ngóc đầu lên được, không thể trở mình lại được! Câu nói năm 234 mà Trọng Đạt dành cho Khổng Minh “Thật là kỳ tài thiên hạ vậy!” chẳng phải đã là sự thừa nhận quá rõ ràng rồi hay sao…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tam Quốc Chí – Trần Thọ, Bùi Tùng Chi.

Kể chuyện Tam quốc – Lê Đông Phương.

GHI CHÚ:

(*) Tham khảo tại: https://www.facebook.com/…/a.25727…/2169384263074493/…

(**) Lời bàn của Lê Đông Phương trong “Kể chuyện Tam quốc”.

ẢNH: Tư Mã Ý miệng thì hô “sang tây cứu viện Kỳ Sơn” nhưng chân thì tót nhanh sang phía đông Thượng Khuê.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *