Quân Thái Bình ba lần đánh Thượng Hải

Thượng Hải mở cửa thông thương từ chiến tranh nha phiến, tới thời kỳ Thái Bình Thiên Quốc, đã bước đầu phát triển thành cảng khẩu thông thương “hội tụ hàng hóa nước ngoài”. Đối với việc Thái Bình Thiên Quốc định đô Nam Kinh (Thiên Kinh) thì giành được cửa sông Trường Giang không những có thể cắt đứt huyết mạch giao thông đường thủy nam bắc của Thanh đình, còn có thể dựa vào sự thuận tiện, phát triển của bến cảng thông thương để giao thương với các nước phương Tây, thu được nguồn cung cấp vũ khí và vật tư quân sự ổn định từ nước ngoài, đồng thời thu được những lợi ích kinh tế lớn lao.

Mùa xuân năm 1853 (năm Hàm Phong thứ 3, năm thứ 3 Quý Hảo của Thái Bình Thiên Quốc) khi quân Thái Bình vừa chiếm lĩnh Thiên Kinh, sự phòng vệ Thượng Hải là tương đối trống rỗng. Thái đạo Tô Tùng là Ngô Kiện Chương gom góp được một số binh dũng và thuê tàu nước ngoài, nhưng trong số binh dũng có rất nhiều Triều dũng ở Quảng Đông, mà trong số những Triều dũng này lại có tương đối nhiều hội chúng của Tiểu Đao hội, sức chiến đấu là tương đối thấp. Khi Anh và Pháp vẫn chưa thể có được tô giới ở Thượng Hải, mâu thuẫn gay gắt với Thanh đình, và sợ hãi trước những thắng lợi của quân Thái Bình, thường giữ thái độ ngồi xem thắng bại, công sứ nước Anh Samuel George Bonham đã nhiều lần cự tuyệt lời thỉnh cầu “giúp đỡ tiêu diệt” của Ngô Kiện Chương. Lúc này quân Thái Bình nếu như quyết định trước lấy Tô Nam, sau đánh Thượng Hải, xác suất thành công là rất lớn. Nhưng Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh quá lạc quan trong việc đánh giá tình hình, định đô không lâu liền phái số lượng lớn tinh nhuệ đi “tảo bắc”, ý đồ nhất cử công đánh Bắc Kinh, tiêu diệt Thanh đình, ngay sau đó để giải quyết vấn đề lượng thực cho quân phòng thủ Thiên Kinh đã phái quân đi Tây chinh, cướp lấy nguồn lương thực ở thượng du, binh lực còn lại hạn chế, chỉ có thể cố thủ ba nơi Thiên Kinh, Trấn Giang, Dương Châu, không đủ sức tiếp tục đông hạ, làm lỡ mất thời cơ có lợi cho việc đánh chiếm Thượng Hải.

Ngày 7 tháng 9 năm đó, Tiểu Đao hội khởi nghĩa chiếm giữ huyện thành Thượng Hải, trước đó và sau này từng một dạo chiếm giữ các ti, huyện như Gia Định, Thanh Phố, Bảo Sơn, Nam Hội, Xuyên Sa. Sau khi khởi nghĩa không đầy một tháng, thủ lĩnh Lưu Lệ Xuyên đổi qua niên hiệu của Thái Bình Thiên Quốc, cho người chia làm hai đường thủy bộ đưa tấu chương tới Thiên Kinh cho Hồng Tú Toàn, biểu thị muốn phục tùng sự lãnh đạo của Thái Bình Thiên Quốc, nhưng cả hai phong thư đều không thể tới nơi. Trước khi khởi nghĩa, Tiểu Đao hội từng cho người yêu cầu quân Thái Bình đánh Tô Châu, Thường Châu, thời gian vào khoảng tháng 4 năm 1853. Lúc này người chủ trì đại kế quân chính của Thái Bình Thiên Quốc là Đông Vương Dương Tú Thanh nghe nói Tiểu Đao hội khởi nghĩa, bèn viết một bản hịch văn, một mặt chất vấn Tiểu Đao hội vì sao chậm trễ không tiến quân theo kế hoạch hẹn trước, mặt khác khuyên bọn họ quy thuận Thái Bình Thiên Quốc, bức thư này có gửi tới được hay không, không thể nào biết được. Nhưng từ đó cho tới ngày 17 tháng 2 năm 1855, Tiểu Đao hội rút khỏi Thượng Hải, quân Thái Bình từ đầu tới cuối không gửi tới đây một binh một tốt nào.

Quân Thái Bình và Tiểu Đao hội đều có nguyện vọng muốn liên hợp nhưng cuối cùng nguyên nhân chưa thể thực hiện thì có nhiều. Về phần Tiểu Đao hội, bọn họ tuy tôn sùng niên hiệu Thái Bình Thiên Quốc, sử dụng ngọn cờ này, thậm chí trong bố cáo còn trích dẫn ngôn ngữ “Thánh kinh” mà quân Thái Bình thường dùng, nhưng bọn họ vẫn tự xưng là “Đại Minh”, tôn thờ tượng thần và hút thuốc phiện, đây là những điều mà giáo lý Thiên Quốc bất dung; Về phần Thái Bình Thiên Quốc, ngoài những vấn đề chủ quan thì vấn đề khách quan là binh lực không đủ, đại doanh Giang Nam, Giang Bắc của Thanh đình ở ngay sát nách, quả thực rất khó để chia quân chiếu cố phương xa. Tướng giữ Trấn Giang La Đại Cương vốn là hội chúng Thiên địa hội, có quan hệ sâu xa với Tiểu Đao hội, đã từng chuẩn bị 600 chiếc thuyền buồm da ở Nghi Chinh, ý định xuôi dòng đột phá sự kiềm tỏa của thủy sư quân Thanh, chi viện cho thành Thượng Hải, nhưng không lâu sau La bị điều chuyển, việc này đành phải gác lại, quân Thái Bình lại một lần nữa lãng phí cơ hội tốt để có được thành Thượng Hải.

Năm 1856, Thiên Kinh sự biến bùng nổ, một lượng lớn lãnh tụ, tướng sĩ cốt cán quân Thái Bình dưới quyền Đông Vương Dương Tú Thanh nếu không phải là bị giết thì cũng bỏ đi, thế lực của Thái Bình Thiên Quốc suy yếu nặng nề, cương vực mỗi ngày một quẫn bách, đâu còn sức mà nhìn về hướng đông. Mãi đến tháng 5 năm 1860, quân Thái Bình tập trung binh lực, dùng kế “vây Ngụy cứu Triệu đại phá đại doanh Giang Nam của Thanh đình, và trong một thời gian ngắn đánh cuốn chiếu Tô Nam, lúc này việc tranh giành Thượng Hải mới lại được đưa ra trong chương trình nghị sự.

Từ tháng 6 năm 1860 tới tháng 10 năm 1862, quân Thái Bình từng ba lần tấn công Thượng Hải, nhiều lần giao tranh ác liệt với Hoài quân, đội quân súng Tây hỗn hợp Trung Quốc và người nước ngoài cho tới hải lục quân chính quy của Anh Pháp. Ba lần đánh Thượng Hải được tóm lược dưới đây.

Quân Thái Bình tấn công Thượng Hải lần thứ nhất.

Quân Thái Bình ngay sau khi đánh tan đại doanh Giang Nam đã lập tức tiến hành thảo luận phương hướng chiến lược. Anh Vương Trần Ngọc Thành chủ trương đem quân về thượng du, cứu viện cho An Khánh đương bị Tương quân vây đánh; Thị Vương Lý Thế Hiền thì chủ trương tiến đánh Chiết Giang, Phúc Kiến; Còn tổng lý triều chính Can Vương Hồng Nhân Can và công thần lớn nhất trong “vây Ngụy cứu Triệu” lần này là Trung Vương Lý Tú Thành thì chủ trương đánh Tô Nam rồi tranh đoạt Thượng Hải, “một khi lấy được nơi này, sẽ lấy được trăm vạn dùng để mua hai chục chiếc thuyền máy, men sông lên lấy”. Thiên Vương bèn lệnh cho chư vương đông chinh, “hạn trong một tháng quét sạch báo cáo về”. Trung Vương, Thị Vương, Anh Vương lập tức chia đường đông hạ, trong vòng chưa đầy một tháng đã chiếm được phần lớn các châu huyện của hai phủ Thường Châu, Tô Châu và một phận của hai phủ Trấn Giang, Tùng Giang, tiên phong đã hướng về Thượng Hải.

Chuẩn bị trước trận đánh:

Về phía quân Thái Bình:

Ngày 2 tháng 6, quân Thái Bình của Lý Tú Thành công hạ Tô Châu, thành lập tỉnh Tô Phúc, Tô Châu cũng trở thành hậu cứ cho các cuộc tấn công vào Thượng Hải sau này. Ngày 23, bộ tướng của Lý Tú Thành là Lục Thuận Đức, Mai Đông Lương từ Côn Sơn tấn công huyện thành Gia Định. Đây là huyện thành đầu tiên thuộc Thượng Hải ngày nay bị quân Thái Bình đánh chiếm. Ngày 26, rút khỏi Gia Định. Ngày 1 tháng 7, đánh chiếm phủ thành Tùng Giang, chém tri huyện huyện Lâu Biện Nãi Miễn; Ngày 22, thừa thắng tái chiếm Gia Định. Cùng lúc này, một cánh quân Thái Bình khác dưới sự chỉ huy của Lại Văn Quang (thuộc Anh Vương Trần Ngọc Thành) cũng đánh chiếm huyện thành Thanh Phố, thiết lập lô cốt đầu cầu để tiến quân Thượng Hải. Trước đó, đại tướng bộ hạ của Trung Vương là Trần Khôn Thư, Trần Bính Văn đánh chiếm phủ Gia Hưng, hình thành thế bao vây Thượng Hải từ mặt nam.

Quân của Lục Thuận Đức không phải chủ lực, binh lực không nhiều, còn quân của Lại Văn Quang thì đa phần là lính mới, sức chiến đấu càng kém, cả hai cánh quân đều không có sức để tấn công Thượng Hải, mà lúc này chủ lực của Trung Vương Lý Tú Thành lại dừng lại ở Tô Châu những hai tháng. Lý do của việc án binh bất động này, một là trong các khu vực mới chiếm đóng có một số lực lượng vũ trang địa phương lớn như pháo hạm, Đoàn luyện cần phải tiễu trừ và chiêu an; Hai là thời hạn một tháng mà Thiên Vương ban cho đã hết, Anh Vương Trần Ngọc Thành kiên quyết muốn cùng Trung Vương đi Tây viện An Khánh theo ước hẹn, hai người tranh luận không xong, đến mức hạ tuần tháng 6, Can Vương phải chạy tới Tô Châu hòa giải; Ba là trong vòng một tháng, Trung Vương đã thu nạp một số lượng lớn hàng binh, quy mô bộ đội đã phình ra nhanh chóng, đòi hỏi cần có thời gian nhất định để biên chế, huấn luyện mới có thể xuất chiến.

Trong tình hình như vậy, Trung Vương một mặt hạ lệnh cho Lục Thuận Đức tích cực quấy rối, một mặt dùng phương thức chính trị, ngoại giao, ý đồ dùng mưu lược đánh chiếm Thượng Hải. Ngày 23 tháng 6, nhóm 3 nhà truyền giáo người Mỹ Jesse Boardman Hartwell từ Thượng Hải đi thăm Tô Châu, tiến hành hội đàm với Trung Vương trong bầu không khí thân thiện rồi lập tức trở về Thượng Hải. Trong khoảng thời gian tháng 6, tháng 7, nhóm 5 nhà truyền giáo người Anh Joseph Edkins cũng tới được Tô Châu. Do Trung Vương không hiểu tình hình quốc tế, lầm tưởng rằng các nước Âu Mỹ cũng tín thờ Thượng đế giống như Thái Bình Thiên Quốc và cũng giống như bọn họ, quan lại kiêm nhiệm vụ truyền giáo, xem bọn họ là “văn quan nước ngoài”, hào hứng cử người thượng tấu lên Thiên Vương Hồng Tú Toàn, báo cáo “người Tây đến hàng”, và thỉnh cầu Can Vương, người từng sống ở Hương Cảng nhiều năm, có qua lại với người nước ngoài đến Tô Châu “dạy người Tây”. Về phía Thiên Kinh cũng vô cùng hào hứng với việc “người Tây đến hàng”, không những hạ chiếu ngợi khen Trung Vương mà còn đặc biệt khen thưởng cho những người nước ngoài này. Ngày 2 tháng 8, Can Vương một lần nữa tới Tô Châu gặp gỡ Joseph Edkins, người lần thứ 2 tới thăm Tô Châu, do Can Vương từng sống ở Hương Cảng, Thượng Hải, quen biết với mấy vị giáo sĩ truyền giáo nên không khí của buổi hội đàm tương đối hài hòa.

Mấy vị giáo sĩ truyền giáo này khi gặp Trung Vương từng đưa danh thiếp bằng tiếng Anh, điều này khiến sự hiểu lầm của Trung Vương, người không biết ngoại ngữ càng sâu sắc thêm, cho rằng bọn họ là quan chức chính phủ “, liền nảy sinh ý đồ lợi dụng “quan Tây” cũng tín thờ Thượng đế, trước đây từng đuổi vua Hàm Phong ra khỏi thành Bắc Kinh làm nội ứng, tiến chiếm Thượng Hải một cách hòa bình. Từ tháng 6 đến tháng 8, Trung Vương, Can Vương nhiều lần nhờ các giáo sĩ mang thư đến cho công sứ các nước, hi vọng bọn họ ủng hộ, ít nhất là không can thệp khi quân Thái Bình tiến chiếm Thượng Hải. Do trong thời gian này người nước ngoài nườm nượp từ Thượng Hải tới Tô Châu sản xuất đồ quân hỏa và kinh doanh các mặt hàng khác, trong đó có rất nhiều người thản nhiên ca ngợi quân Thái Bình, điều này càng khiến cho Trung Vương cảm thấy người Tây dương chí ít không có ác ý với quân Thái Bình.

Cùng với những nỗ lực ngoại giao, bọn họ cũng tích cực liên lạc với những nội ứng khác. Theo bức thư mà đích thân Trung Vương gửi cho Lục Thuận Đức vào ngày 6 tháng 7, quân Thanh ở Thượng Hải có “hơn ba nghìn” binh dũng Lưỡng Quảng sẵn sàng làm nội ứng. Trên thực tế những kẻ nội ứng là sĩ quan cấp thấp người Quảng Tây bên phía quân Thanh như Dư Nghĩa Chính, Quách Công Đức, tổng số bất quá hơn trăm người.

Sau khi đại thắng, cửa ngõ đã nắm trong tay, người Tây dương ủng hộ, binh dũng làm nội ứng, sự tổng hợp những “nhân tố thuận lợi” này đương nhiên khiến Trung Vương và thủ hạ của ông tràn đầy niềm tin có thể dễ dàng đánh lấy Thượng Hải.

Về phía quân Thanh:

Chủ tướng trấn giữ Thượng Hải lúc này là thay quyền tuần phủ Giang Tô Tiết Hoán, toàn quân không đầy 4000 người, chia ra bố phòng các nơi, giật gấu vá vai. Tiết Hoán từng thỉnh cầu Chiết Giang, Giang Bắc phái quân tiếp viện; Thanh đình tuy rằng chiếu chuẩn, nhưng viện binh chần chừ không tới, thêm nữa trong binh dũng có rất nhiều người là bại binh, sức chiến đấu kém vô cùng. Nhưng Tô Nam vẫn còn có rất nhiều chiến hạm, Đoàn luyện vũ trang địa phương nghe lệnh Thanh đình, tất cả thống nhất nghe sự chỉ huy của tại tịch nội các học sĩ, đại thần đốc biện Đoàn luyện Giang Nam, công cán sự vụ Thường Thục là Bàng Chung Lộ. Các lực lượng vũ trang tạp nham này quấy rối hậu phương của quân Thái Bình, cản trở các tuyến vận chuyển thủy bộ, giết hại các quan binh đi lẻ, hình thành sự kiềm chế nhất định ở bên sườn quân Thái Bình. Nhưng bất luận thế nào, chỉ dựa vào lực lượng của nhà Thanh, tuyệt đối không thể giữ nổi thành Thượng Hải.

Không giống như năm 1853, lúc này các nước Anh, Pháp đã mở tô giới ở Thượng Hải, rất nhiều hiệu buôn, ngoại kiều tập trung đông đảo. Đối với họ, Thượng Hải đã là nơi có lợi ích quan trọng, vì thế bọn họ một mặt khai chiến với Thanh đình ở phương Bắc, một mặt lại hợp tác với quan lại địa phương của Thanh đình ở Thượng Hải. Ngay từ ngày 26 tháng 5, theo lời yêu cầu của Tiết Hoán, Thái đạo Tô Tùng Ngô Hú, tri huyện Thượng Hải Lưu Hoàn Cao, công sứ nước Anh Frederick William Adolphus Wright-Bruce và công sứ nước Pháp Alphonse de Bourboulon liên danh đưa ra thông cáo, biểu thị sẽ dùng vũ lực để bảo vệ tô giới và huyện thành Thượng Hải. Ngày hôm sau, 200 lính Pháp chiếm giữ Đổng Gia Độ, lính Anh thì bảo vệ phía Tây thành và con đường lớn thông tới Tô Châu; Đầu tháng 6, được tin Tô Châu thất thủ, Ngô Hú lại gửi thư cho tư lệnh trú quân Pháp Charles Montauban, hi vọng quân Pháp hỗ trợ phòng thủ Gia Định, Thái Thương, Côn Sơn. Nhưng lúc này hai nước Anh, Pháp vẫn chưa muốn từ bỏ lập trường “trung lập”, chỉ muốn hỗ trợ phòng thủ Thượng Hải, mà chưa muốn tấn công vào sâu. Cuối tháng 6, toàn quyền Anh Ergin và toàn quyền Pháp Jean-Baptiste Louis Gros tới Thượng Hải, lập tức hạ lệnh cho 300 lính Pháp đóng quân ở miếu Thành Hoàng trong huyện thành Thượng Hải, hỗ trợ phòng thủ cửa đông, cửa bắc, phái 25 người khác đến Từ Gia Hối bên ngoài thành để bảo vệ giáo đường Từ Gia Hối do người Pháp xây dựng; 900 lính Anh thì bảo vệ cửa tây, cửa nam của Thượng Hải.Toàn quân hơn 1200 lính, bao gồm hải lục quân Anh Pháp, thủy quân lục chiến hoàng gia Anh và lính đánh thuê người Sikh, do sĩ quan người Anh Kahnick thống nhất chỉ huy. Ngoài ra, trên sông Hoàng Phố còn có pháo hạm “Kestrel” của Anh, tàu chiến “Hongkong” của Pháp và một số pháo hạm tuần tra. Quân phí trong thời gian hai nước Anh, Pháp giữ thành đều do phú thương nổi tiếng, giám đốc Tứ Minh công cở, quyên nạp hậu bổ đạo Dương Phường xoay sở.

Các nước Anh, Pháp xuất phát từ lợi ích của mình, hoàn toàn phớt lờ những biểu hiện thân thiện của quân Thái Bình, thậm chí ngay cả thư hàm của Can Vương, Trung Vương cũng không đọc. Lãnh sự Anh đóng tại Thượng Hải là Thomas Taylor Meadows do bóc xem thư hàm của Trung Vương, bị công sứ Wright-Bruce quở trách, cuối cùng bị điều khỏi Thượng Hải tới Ngưu Trang. Rõ ràng sự hiểu biết của quân Thái Bình về các chính sách của Anh, Pháp là hoàn toàn khác với tình hình thực tế.

Ngay từ năm 1853, Ngô Kiện Chương đã tạm thời thuê tàu chiến dân sự nước ngoài. Nay quân sát biên cảnh, Tiết Hoán, Dương Phường lại giở mánh cũ. Ngày 2 tháng 6, vào ngày Tô Châu bị quân Thái Bình chiếm lĩnh, do Dương Phường xuất tiền, người Mỹ Frederick Townsend Ward phụ trách tuyển mộ, tổ chức một “đội quân súng Tây” toàn quân khoảng hơn 100 người nước ngoài. Sĩ quan đa phần là thủy thủ, lính đào ngũ của các nước Âu Mỹ ở Thượng Hải, binh lính thì về cơ bản là người Manila (tức Philippines), Ward làm đội trưởng, Henry Andres Burgevine, Edward Forrester người Mỹ làm phó đội, đóng ở Quảng Phú Lâm thuộc Tùng Giang. Đội quân đánh thuê này biên chế như Tây phương, toàn bộ được trang bị súng Tây pháo Tây, nhưng số lượng quá ít, ký luật cũng rất kém, căn bản không thể thay đổi tình hình phòng thủ yếu và mỏng của thành Thượng Hải.

Ngoài ra, kiều dân ngoại quốc trong tô giới còn tự phát tổ chức “thương đoàn vạn quốc”, do sĩ quan Anh, Pháp giúp đỡ hướng dẫn và huấn luyện, chỉ phục trách bảo vệ bản thân tô giới. Lực lượng vũ trang mang tính chất dân quân này già trẻ hỗn tạp, quốc tịch đủ loại, chỉ có tác dụng tượng trưng.

Chiến sự ngoại vi:

Quân của Lục Thuận Đức sau khi tới Tùng Giang đã giao tranh và nhanh chóng đánh bại đội quân súng Tây của Ward, Ward sau khi bỏ trốn về Thượng Hải, chiêu mộ được hơn 300 người chỉnh huấn, tạm thời mất đi sức chiến đấu.

Lục Thuận Đức báo tiệp cho Trung Vương và đề xuất kế hoạch trước tiên lấy Bảo Sơn, sau đó sẽ cùng chủ lực của Trung Vương đánh Thượng Hải. Trung Vương hồi âm tán đồng và thông báo tình hình nội ứng trong thành Thượng Hải, hi vọng Lục Thuận Đức phối hợp. Thế là Lục dẫn đại quân ra khỏi cửa bắc vào ngày 15 tháng 7, qua cầu Sinh Sinh ở phía bắc thành tiến về phía đông, muốn đánh Bảo Sơn, tới một dải Tứ Kinh, Thất Bảo, bị dân đoàn địa phương của Tưởng Hạc chặn đánh, buộc phải rút lui.

Khi Lục ra khỏi thành, do chủ quan không đóng cửa thành, cũng chưa do thám ra ở ngòi Hồng Đậu Phụ trên sông Hoàng Phố cách thành không xa có quân của tri phủ Tô Châu Ngô Vân, đội thuyền của đồng châu hậu bổ Ứng Bảo Thời và thị trấn Mễ còn có 80 lính thuộc đội súng Tây của Ward. Ngô Vân do thám biết được trong thành rỗng không, ngay đêm đó chọn 40 người trong đội quân súng Tây làm tiên phong, thủy lục binh dũng mấy trăm người làm hậu đội, tiềm nhập tập kích cửa nam Tùng Giang. Quân giữ thành không kịp phòng bị, từ cửa bắc chạy về Thanh Phố. Lục Thuận Đức nghe tin Tùng Giang đã mất, bèn lui về Tứ Kinh, giữa đường bị dân đoàn chặn đánh, bị tổn thất nhất định, liền chuyển đến Côn Sơn. Ngày 22, lại chiếm được huyện thành Gia Định.

Sự tổn thất ở Thất Bảo của Lục không được ghi lại. Trận đánh trong thành Tùng Giang, Tiết Hoán tấu xưng là giết được hơn nghìn quân Thái Bình, đương nhiên là phóng đại. Binh lực của Trung Vương ở Giang Nam trước khi đại phá đại doanh Giang Nam bất quá 20000, có thuyết nói là chỉ 7000 người, mà Lục Thuận Đức lại không phải là bộ tướng quan trọng, lại chỉ dẫn quân yểm trợ đi trước, chiến sự cấp bách, không thể có được sự bổ sung và mở rộng như chủ lực của Trung Vương được, sở bộ ngay cả quyến thuộc già yếu cũng bất quá hai ba nghìn người, nếu không đã không thể bị dân đoàn ở Thất Bảo chặn lại. Chủ lực đi đánh Bảo Sơn rồi, trong thành khi đó phần lớn là quyến thuộc, già yếu, không có sức chiến đấu, hơn nữa binh lực của quân Thanh đánh thành đơn mỏng cũng tuyệt đối không thể chém được “hơn nghìn đạo tặc”, con số vượt xa số người của mình được. Nên nói là, số binh lực của Lục Thuận Đức bị tổn thất trong trận này không lớn, do đó bọn họ mới có thể nhanh chóng phục hồi nguyên khí tái chiếm Gia Định, tiến đóng trấn Nam Tường, và lập tức phối hợp với quân chủ lực tham gia tiến công huyện thành Thượng Hải.

Nhưng việc Tùng Giang thất thủ đã làm đảo lộn kế hoạch chiến đấu đã định trước của quân Thái Bình. Do Tùng Giang thất thủ, việc tấn công Bảo Sơn đành phải gác lại, quân Thái Bình chỉ có thể tạm thời tập trng binh lực vào việc canh giữ hai thành Thanh Phố, Gia Định. Càng nghiêm trọng hơn là, quân Thanh trong thành đã vô tình chặn bắt được hai bức thư của Trung Vương gửi cho Lục Thuận Đức, do đó biết được chuyện trong thành có nội ứng, và vì thế tăng cường điều tra và giới bị. Điều này đã ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến diễn biến của chiến dịch.

Quân Thanh được khích lệ bởi chiến thắng bất ngờ này, Ngô Hú lập tức phái tham tướng Lý Hằng Tung dẫn binh dũng từ Thượng Hải tới Tùng Giang, cùng đội quân súng Tây của Ward đánh Thanh Phố. Tướng giữ Thanh Phố Lại Văn Quang, vốn là bộ tướng của Anh Vương, do Anh Vương có thái độ tiêu cực với việc tiến công Thượng Hải, lúc này đã điều quân của Lại đi, việc giữ thành do bộ tướng của Trung Vương là Chu Văn Gia tiếp nhiệm. Tước vị của Chu lúc này là Lăng Thiên Dự, là cấp thứ 5 trong 6 tước của Thiên Quốc, địa vị rất thấp, binh lực sở bộ rất có hạn, do đó một mặt cố thủ, một mặt gửi thư về cáo cấp với Trung Vương. Quân Thanh và quân súng Tây bao vây thành trì, thủy bộ vây công, Chu Văn Gia cố thủ, thành không bị hạ.

Ngày 1 tháng 8, Trung Vương được tin Thanh Phố cáo cấp, lập tức dẫn kỵ binh đến cứu. Hôm sau, đại phá quân Thanh và quân súng Tây dưới chân thành, giải trừ được sự bao vây của thành Thanh Phố, Thượng Hải chấn động.

Binh lực của quân Thanh trong trận này, quân súng Tây là 100 lính Âu Mỹ, 200 lính Manila; Binh dũng của Lý Hằng Tung, có ghi là “khoảng vạn người”, rõ ràng là khoa trương, khi đó binh lực của quân Thanh ở cả khu Thượng Hải cũng chỉ có khoảng 4000 – 5000 người. Về phía quân Thái Bình, tướng giữ thành Chu Văn Gia ước tính ngay cả già yếu chỉ có mấy trăm người, mà Trung Vương từ lúc nhận được tin tới khi tới được Thanh Phố, chỉ mất có một hai ngày, là khinh kỵ binh tinh nhuệ, quân số cũng không thể quá đông. Xét tới sau này khi tấn công Thượng Hải cùng với quân của Lục Thuận Đức cũng chỉ “hơn 3000 người”, đội khinh kỵ binh tinh nhuệ này vào khoảng 3000 người, nhưng do đều là kỵ binh tinh nhuệ nên sức chiến đấu phải tương đối mạnh. Sự thiệt hại của quân Thanh, theo như ghi chép của Trung Vương “giết chết lính Tây sáu bảy trăm tên, cướp được súng Tây hơn 2000 khẩu, đại pháo hơn 10 khẩu, đao Tây hơn 300, thuyền hàng trăm chiếc” rõ ràng không phải là sự thật. Theo báo chí của người Tây dương ở Thượng Hải khi đó, đội quân súng Tây tử thương 1/3, Ward trên người chịu 5 vết thương, pháo hạm toàn bộ bị mất, còn tổn thất của quân Thanh không thấy ghi.

Tiết Hoán sau khi nghe tin thất trận thì liên tục thượng tấu về triều đình, hi vọng Tăng Quốc Phiên, đã thay quyền tổng đốc Lưỡng Giang và tướng quân Hàng Châu Thụy Xương, phụ trách quân vụ Chiết Giang phái binh cứu trợ. Tăng Quốc Phiên đang bao vây An Khánh, thoái thác không đi, Thụy Xương thì nhận lệnh Thanh đình phái Trương Ngọc Lương cứu viện Thượng Hải, nhưng quân của Trương bị chặn ở dưới chân thành Gia Hưng, không thể tới được.

Phó đội quân súng Tây Henry Andres Burgevine, Edward Forrester lại chiêu mộ bổ xung được 98 người Tây phương, vào ngày 9 tháng 8 cùng với quân của Lý Hằng Tung tái tấn công Thanh Phố, lại bại trận. Trận này quân súng Tây tổn thất khoảng 100 người, Lý Hằng Tung suýt bị bắt, chạy về thành Tùng Giang, quân Thái Bình thu được số lượng lớn súng pháo.

Trung Vương thừa thắng truy kích về hướng đông, ngày 12 tháng 8, tái chiếm phủ thành Tùng Giang.

Tiết Hoán vội vàng thỉnh cầu Thanh đình điều đội thủy sư của Lý Nhược Châu ở Dương Châu, 30 chiếc thuyền Trường Long của tổng binh trấn Hoài Dương Tăng Bỉnh Trung, và bốn năm nghìn quân Chiết Giang của Thụy Xương đến cứu viện. Thanh đình ra lệnh làm theo, và trao cho Tăng Quốc Phiên thực quyền tổng đốc Lưỡng Giang, hi vọng ông ta nghĩ cách ngày đêm tiến cứu Thượng Hải. Nhưng quân của Tăng Bỉnh Trung do hàng tướng Tiết Thành Lương bỗng nhiên làm phản ở Tô Bắc nên đành kéo dài thời gian hành quân, quân Chiết Giang thì bị thành Gia Hưng ngăn trở, không thể tiến lên được, Tăng Quốc Phiên thì càng bằng mọi cách thoái thác, không gửi đi một binh một tốt. Không còn cách nào, Tiết Hoán đành phải cầu xin Anh, Pháp giúp đỡ phòng thủ thành.

Nhưng trong giai đoạn này, quân Thanh cũng có được thành quả bất ngờ. Do chặn bắt được tình báo nội ứng, quan lại nhà Thanh nhanh chóng do thám được tình hình binh dũng làm nội ứng, rạng sáng ngày 10 tháng 8, gài bẫy giết chết Dư Nghĩa Chính, sau đó bắt giết hơn 100 quan binh làm nội ứng như bọn Quách Công Đức, nhưng phía quân Thái Bình lại không hề biết chuyện này. Ngoài ra, ngày 2 tháng 8, khi 5 người giáo sỹ truyền giáo Joseph Edkins quay lại Tô Châu đã nói với Can Vương rằng lãnh sự các nước căn bản đã không xem thư của ông, và huyện thành và tô giới đã do quân đội hai nước Anh, Pháp hỗ trợ phòng thủ. Tuy rằng Can Vương bày tỏ sự phẫn nộ nhưng lại không thông báo thông tin quan trọng này cho Trung Vương.

Diễn biến trận chiến tấn công và phòng thủ đầu tiên ở huyện thành Thượng Hải.

Ngày 16 tháng 8, Trung Vương bỏ thành Tùng Giang, từ hai nơi Tùng Giang, Thanh Phố cùng lúc tiến quân đến Thượng Hải. Ngày hôm đó chiếm được Tứ Kinh, và đánh tan dân đoàn ở miếu Trần Gia, giết chết thủ lĩnh dân đoàn Trần Viên Bích. Hôm sau, tiến đến Thổ Bảo, Bàn Long, Hồng Kiều, trấn Pháp Hoa. Cùng lúc này, quân của Lục Thuận Đức cũng từ Nam Tường, Giang Kiều tiến đánh Chân Như, tiên phong nhắm thẳng tới Tân Sạp. Binh lực của quân Thái Bình, có ghi là “hơn 10 vạn”, rõ ràng là khoa trương. Tiết Hoán ghi trong tấu báo “một vạn mấy nghìn người” theo bản cung của Dư Nghĩa Chính; Bản bộ của Trung Vương chỉ có hơn 3000 tinh nhuệ, thêm vào quân của Lục Thuận Đức, tổng số vào khoảng 5000, quân Thái Bình có thông lệ hư trương quân số “lấy 2500 thành 10000”, thì ghi chép này có lẽ sát với sự thật.

Quân Thanh do mấy lần xuất kích và bại trận, binh lực phòng bị huyện thành không tới 2000 người, trong lúc vội vàng đã lệnh Án sát sứ Giang Thanh Ký, tham tướng Đường Quốc Đống phòng thủ tường thành, Thiên tổng Vương Tử Long phòng thủ thủy quan ba nơi đông, tây, nam, nhưng trên thực tế sức chiến đấu là cực kỳ thấp; mà con số 2000 người chỉ là trên biên chế, theo như sự quan sát của người nước ngoài ở trong thành khi đó, ngoài cửa tây hai dặm Anh có một trại lính của quân Thanh hiệu xưng 300 người, nhưng trên thực tế chỉ có 50 binh dũng.

Phía Anh, Pháp thấy tình hình nguy cấp, liền bắt tay ngay vào công cuộc chuẩn bị từ cả hai phương diện ngoại giao và quân sự. Trên phương diện ngoại giao, công sứ Anh Wright-Bruce viết một bức thông cáo gửi cho Trung Vương, tuyên bố huyện thành và tô giới Thượng Hải đã do Anh Pháp phòng thủ, và sẽ nổ súng vào lực lượng vũ trang nào có ý định tiếp cận, lệnh cho hai chiếc tàu ngược dòng đưa thư, nhưng không đưa tới nói; Trên phương diện quân sự, thượng tá Anh là Marchi tiếp quản việc phòng ngự Thượng Hải, và ủy phái sĩ quan công binh Budder cải tạo công sự phòng ngự ở các cổng thành, thậm chí nhanh chóng sửa chữa cổng nam, “tới mức ngay cả người Trung Quốc cũng không thể nhận ra”. Pháo thủ đến từ Anh Pháp không những chiếm lĩnh trận địa bắn có lợi, còn tiếp quản luôn vị trí đặt pháo của quân Thanh; Khi quân Thái Bình tới gần, việc phòng thủ các cổng thành cũng phần lớn do binh lính hai nước đảm nhận. Đồng thời, bố trí ba chiến hạm trên sông Hoàng Phố, để yểm trợ cho bên sườn của huyện thành. Tô giới thì do thương đoàn vạn quốc phòng thủ, và ủy nhiệm thượng tá Nier chỉ huy.Do quân Thái Bình chưa tấn công tô giới, trên thực tế tham chiến chỉ có hơn 1200 quân Anh Pháp chính quy và 3 pháo hạm hải quân.

Ngày 18 tháng 8, Trung Vương chiếm đóng Từ Gia Hối, đặt đại bản doanh ở giáo đường thiên chúa; Bộ tướng Thái Nguyên Long, Cáo Vĩnh Khoan tiến đến cầu Cửu Lý cách huyện thành 9 dặm, đánh phá 4 doanh của quân Thanh, thừa thắng ép sát hai cửa tây và nam.

Trung Vương hiểu nhầm rằng người Tây dương “có hẹn”, lại có nội ứng, nên chỉ trước khi tiến quân gửi thư cho công sứ các nước, hi vọng kiều dân trước cửa nhà treo cờ vàng, để tránh bắn nhầm, ước thúc binh sĩ không được tùy tiện nổ súng. Nhưng khi tới tường thành ở cửa tây, lại bị 900 lính Anh đột kích, binh lính không kịp trở tay, thương vong vô số. Quân Thái Bình kiên trì không đánh trả, và tiếp tục kêu gọi trong thành đầu hàng nhưng vô ích, và do hôm đó mưa to gió lớn, không thể đặt chân được dưới chân thành, bèn đành phải lui về Từ Gia Hối, Dục Anh Đường; Hôm sau, một cánh quân Thái Bình vòng tới cửa đông, cắm cờ ở Thiên Hậu Cung, nhưng bị pháo hạm Anh Pháp pháo kích, bị ép phải vòng qua thành nam, lui về thành tây.

Quân Anh Pháp chỉ sợ quân Thái Bình dựa vào sự che chở của thành sương (khu vực sát ngoài cổng thành) để đào địa đạo, nên trong hai ngày18, 19 phỏng hỏa đốt nhà dân hai bên đường, thậm chí tiêu hủy cả Thiên Hậu Cung, những ngôi nhà dân ở bên ngoài hai cửa tây, nam cháy suốt trong 5 ngày đêm.

Ngày 19, Trung Vương lại gửi thư cho công sứ các nước, vẫn không có kết quả, quân Thanh lại thừa cơ lệnh cho Trần Phượng Thái, Chu Định Bang ở ngoài thành phản kích, đánh bại quân Thái Bình ở La Gia Loan (nay là Lư Gia Loan). Lúc này viện binh Thái Bình từ Thanh Phố, Tùng Giang đến, Trung Vương hạ lệnh tiếp tục đánh thành, từ cửa tây chuyển hướng sang cửa bắc, dựng đại kỳ ở bên ngoài Bào Mã Trường 200m, nhưng bị lục hải quân Anh Pháp pháo kích dữ dội, Trung Vương ngồi kiệu chỉ huy, má bị thương do trúng mảnh pháo, bèn lui về Từ Gia Hối.

Hôm đó, Trung Vương gửi thư cho lãnh sự các nước, trách người nước ngoài thất hứa bội tín, nhưng vẫn tuyên bố hi vọng giữ mối quan hệ hữu hảo. Hôm sau, phiên dịch lãnh sự Anh Robert J. Forrest tới doanh trại quân Thái Bình ở Từ Gia Hối để trao thông cáo của Wright-Bruce nhưng không gặp được Trung Vương. Lúc này Trung Vương đã biết quân Anh Pháp trực tiếp giúp đỡ giữ thành, mà nội ứng cũng đã thất bại, lại nhận được tin quân Chiết Giang của Trương Vận Lan đương vây đánh Gia Hưng, nên ngày 24 đã bỏ vây Thượng Hải, qua Tùng Giang, Thanh Phố về cứu Gia Hưng. Lần tấn công Thượng Hải đầu tiên đã cáo chung với thất bại của quân Thái Bình.

Tổn thất trận này của quân Thái Bình, theo như ghi chép từ phía người Anh là hơn tram người hoặc hàng trăm người. Do ngoại trừ hai lần tiếp xúc với quân Thanh bên ngoài thành đều chưa nổ súng cho nên trong thành không có thương vong, Tiết Hoán tấu báo “công thủ quyết liệt, giết địch vô số” là khoa trương tranh công. Bản báo cáo của Wright-Bruce gửi đại thần ngoại giao huân tước Rosell ngày 15 tháng 10 đã thẳng thừng chỉ trích bản tấu cáo tiệp này “từ đầu tới cuối toàn là hư cấu”.

Nguyên nhân thất bại của quân Thái Bình.

Thái độ của nước ngoài đối với quân Thái Bình từng bước thay đổi. Khi quân Thái Bình mới tiến quân vào Tô Nam, những gì họ yêu cầu chỉ là bảo vệ sự an toàn và tài sản của kiều dân, nhưng sau khi cân nhắc được mất, từng bước phát triển tới mức dùng vũ lực để ngăn trở quân Thái Bình chiếm Thượng Hải. Sự đình trệ của quân Thái Bình ở Tô Châu trong hai tháng, đã bỏ lỡ chiến cơ một cách nghiêm trọng là điều không phải nghi ngờ. Đương nhiên điều này có liên quan đến việc những nơi như Thường Thục, Kim Đàn vẫn chưa công hạ được, lực lượng vũ trang phản kháng trong dân còn nhiều, có những nỗi lo về sau.

Trong quân Thái Bình từ Thiên Vương, Trung Vương trở xuống đều thiếu hiểu biết về vấn đề quốc tế, coi những nhà truyền giáo và thương nhân là quan chức chính phủ, từ đó đánh giá sai tình hình; Mà người có chút kiến thức về đối ngoại là Can Vương cũng mắc sai lầm như vậy đem nguyện vọng chủ quan thay thế cho thực tế khách quan, khi chưa gặp gỡ nói chuyện với “quan Tây” đã tán đồng với phán đoán của Trung Vương; Sau khi Trung Vương đã xuất quân, bản thân cũng đã biết sự thật, để bảo vệ uy quyền của bản thân, tuy rằng có ý khuyên can Trung Vương tiến binh nhưng lại che giấu sự thật quan trọng là nước ngoài đã quyết định giúp đỡ giữ thành, do đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phán đoán chiến trận của Trung Vương.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch cụ thể, Lục Thuận Đức lơ là sao lãng, dẫn tới việc Tùng Giang bị số ít quân địch chiếm giữ, không những làm chậm trễ tiến trình của cả trận chiến mà còn bị cướp tài liệu, toàn bộ nội ứng bị mất, khiến cho hai yếu tố chính vốn có thể dựa vào để cướp thành là: người Tây dương trung lập và nội ứng phối hợp, cuối cùng đều mất cả.

Trong chiến đấu, quân Thái Bình vẫn tuân thủ nghiêm ngặt chiến thuật thời vũ khí lạnh, sử dụng tung đội (cánh quân) dày đặc, “trật tự ngay ngắn” tiến vào tầm bắn của quân Anh Pháp; Trung Vương thân là chủ tướng thậm chí còn cắm cờ lớn, ngồi trong chiếc kiệu nổi bật, đích than chỉ huy trận tiền, kết quả là bị tổn thất thương vong đau đớn.

Rất nhiều người chỉ trích Trung Vương điều động binh lực không đủ, nhưng phải thấy rằng, Trung Vương mới định được Giang Nam chưa lâu, số lượng lính cũ có hạn lại phải phòng thủ mọi nơi, lính mới chiêu nạp thì khó mà điều động ngay ra chiến trường; Hậu phương Thường Thục, Kim Đàn vẫn chưa công hạ được, chỉ cách thành Tô Châu không xa, còn có địa bàn của những lực lượng vũ trang Đoàn luyện lá mặt lá trái như Vĩnh Xương, Chu Trang, Đẵng Khẩu, rất khó để điều động them binh lực; Cho dù có điều động, thì lần đầu tiên giao tranh với lục quân chính quy Anh Pháp, quân Thái Bình cũng khó mà thu được kết quả tốt hơn. Ngoài ra, quân Thái Bình không có thủy sư. Sau khi dại doanh Giang Nam thất bại, tuy rằng ngàn dặm phòng ngự trên sông từ Nghi Chinh tới Giang Âm của quân Thanh lúc đông nhất cũng bất quá 142 thuyền chiến, khi ít nhất là 55 chiếc, quân Thái Bình lại không thể tranh hùng ở đường thủy. Như vậy khi tấn công một nơi cận biển gần sông như Thượng Hải thì càng khó khăn.

Quân Anh Pháp trong chiến đấu đã phát huy hết uy lực của hỏa khí cận đại và công nghệ công sự, đồng thời tiến hành đầy đủ hiệp đồng phối hợp trên biển và đất liền. Về mặt chiến thuật cụ thể, kiên trì tấn công đột kích và ngắm bắn chính xác, đồng thời áp dụng chiến thuật pháo binh cận đại, bắn phá vào vị trí ẩn nấp của quân Thái Bình bằng “phương pháp đo lường”, thu được hiệu quả rất lớn, sự thật đẫm máu đã cho thấy khoảng cách rất lớn về sức chiến đấu giữa quân đội của hai thời đại.

Trong chiến dịch này, quân Thanh về cơ bản là dựa vào người khác mà nên, không có gì đáng nói, duy nhất có hai điểm sáng, đó là quân của Ngô Vân đánh úp thành Tùng Giang, và quân lục doanh Chiết Giang của Trương Ngọc Lương tấn công Gia Hưng, nhiều lần phối hợp chặt chẽ với việc phòng thủ Thượng Hải. Còn đội quân súng Tây của Ward, lúc đó vẫn còn trong thời kỳ manh nha, tuy cùng Ngô Vân hợp tác có được một lần đánh úp thành công, nhưng trong chiến đấu ở quy mô chính quy thì chẳng có gì hay đáng để nói, chỉ đánh có hai trận thì trên cơ bản đã mất đi sức chiến đấu, cho tới khi chiến đấu ở huyện thành Thượng Hải thì chỉ có thể đứng ngoài cuộc. Có một số văn bản nói “đội quân súng Tây của Ward đã có tác dụng rất lớn trong việc phòng thủ Thượng Hải năm 1860” là không chính xác.

Frederick Townsend Ward, người sáng lập đội quân súng Tây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *