Dương Văn Hạnh là 1 trong số các phó tướng tài của Trương Định cùng với Võ Đăng Được và Trương Điền. Năm 1863, khi Trương Định rút về Gò Công để tránh sự càn quét của Pháp, ông cùng với 5 người tình nguyện ở lại cảm tử để cầm chân Pháp giúp cho đội quân Trương Định có thêm thời gian rút quân.
Bị Pháp bắt, ông liên tục cự tuyệt mọi sự dụ dỗ, hứa hẹn của Pháp khiến chúng rất tức giận. Huỳnh Công Tấn – tên phản bội Trương Định bèn nghĩ ra kế bắt mẹ ông để hòng khuất phục ý chí của ông.
Vào một đêm, đội của Tấn đã áp giải mẹ của ông Hạnh đến chỗ ông đang bị trói. Bà cụ tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn còn đủ minh mẫn để nhận ra con mình. Tấn nói:
_ Thưa bà với tư cách là đại diện cho viên chức Phú Lang Sa, con bà đang phạm tội khá nghiêm trọng khiến các quan đây đang muốn xử tử con bà. Tuy nhiên tôi đã xin các quan ngài cho bà được gặp con và nói bà sẽ thuyết phục con bà nghĩ lại mà trung thành với Phú Lang Sa. Vậy bà hãy khuyên đứa con lạc lối của bà đi.
Rồi quay sang nhìn ông Hạnh, Tấn nói:
_ Này sáu Hạnh. Anh cũng học qua Nho giáo chắc cũng biết chữ hiếu quan trọng như thế nào. Mẹ anh nay đã già yếu, anh lỡ lòng nào bỏ mẹ anh sống chết cô đơn một mình hay sao?
Lập tức ông Hạnh quay sang quát Tấn:
_ Đồ phản phúc. Chủ soái (Trương Định) đã hết lòng trọng dụng, ưu ái mày vậy mà mày lại quay giáo làm phản đầu quân cho giặc. Mày chỉ là loại chó săn không hơn không kém.
Nói rồi, ông Hạnh quay sang nhìn mẹ . Mắt ông bỗng rơm rớm nước mắt và nghẹn ngào nói :”Mẹ, con xin lỗi mẹ. Hãy tha tội cho đứa con bất hiếu này!”. Bà cụ không nói gì chỉ đưa tay sờ lên má lau nước mắt cho đứa con trai. Rồi bà nhìn lên thấy lá cờ 3 màu của Phú Lang Sa. Bà nhìn xuống với đứa con và nói:
_ Con ơi ! Chữ trung thì còn có ý nghĩa gì nữa. Nhưng chữ hiếu thì mẹ bằng lòng.
Nói xong bà cắn lưỡi tự tử. Có lẽ bà đã tự hào vì đứa con như Dương Văn Hạnh và biết được lòng hiếu thảo của ông nên đã chọn cách tự tử để ông không vì chữ hiếu mà bán rẻ đất nước cho kẻ thù. Ông Hạnh thấy vậy kêu khóc thảm thiết xót thương cho người mẹ tội nghiệp của mình.
Không thuyết phục được ông, đô đốc Pháp lúc bấy giờ là Bonard đã ký kết tuyên án xử ông chém đầu. Và buổi sáng hôm sau ở bờ sông Soài Rạp, Lý Nhơn, Cần Giờ, ông bị đem ra chém đầu. Thủ cấp của ông bị chúng đem về còn xác ông quăng xuống sông. Chứng kiến câu chuyện cảm động của ông và người mẹ, những người dân ở đây sau đó đã vớt xác ông đem đi chôn bên cạnh mộ người mẹ của ông. Về sau người ta cho xây dựng đền thờ ông gọi là thờ Thần Không Đầu ở chỗ nơi ông bị chém. Dân gian gọi là Bến Đình