Sử TQ viết về người Arab và sự ra đời của Hồi giáo

Cre: Quốc Bảo

***

Trích Cựu Đường thư, quyển 198:

Nước Đại Thực [1] vốn nằm phía tây Ba Tư. Thời Đại Nghiệp (605-617), có người Hồ [2] ở Ba Tư chăn lạc đà, đột nhiên có người sư tử biết nói bảo rằng: “Phía tây núi này có 3 cái hang. Trong hang lớn có binh khí, ngươi có thể lấy. Trong hang cũng có hòn đá đen chữ trắng [3], đọc rồi sẽ dễ lập ngôi vương.” Người Hồ nghe theo lời ấy, quả thấy trong hang có hòn đá và gươm giáo rất nhiều, trên có viết chữ dạy cách phản nghịch. Vì thế tụ họp dân vong mệnh, vượt sông Hằng Hạt, cướp đoạt khách buôn. Bộ chúng đông dần, bèn cát cứ cõi tây Ba Tư, tự lập làm vương. Ba Tư, Phất Lâm [4] cùng khiển binh đánh dẹp, nhưng đều bị đánh bại.

Năm Vĩnh Huy thứ 2 (651), lần đầu khiển sứ đến triều. Vương nước ấy họ là Đại Thực, tên là Đạm Mật Mạc Mạt Nhị [5]. tự nói từ khi có nước đã 34 năm, trải qua 3 đời chúa. Nam nhi nước này da đen nhiều râu, mũi to mà dài, tựa như người Bà La Môn [6]. Phụ nữ trắng trẻo. Nước này cũng có văn tự. Sản xuất lạc đà và ngựa, to hơn các nước khác. Binh khí sắc bén. Tục nước này chiến đấu dũng cảm, thích thờ thiên thần. Đất nhiều cát đá nên không trồng trọt được, chỉ ăn các thứ thịt lạc đà và ngựa. Núi Câu Phân Ma Địa Na [7] nằm phía tây nam nước này, ven biển lớn, vương nước này dời hòn đá đen trong hang đến đặt ở đấy […].

Đầu thời Long Sóc (661-663), [Đại Thực] đánh phá Ba Tư, lại phá Phất Lâm, bắt đầu có nhiều lương thực. Lại cầm binh xâm lăng Bà La Môn phía nam, thôn tính các nước Hồ, binh lính hơn 40 vạn. Trong thời Trường An (701-705), khiển sứ hiến ngựa tốt. Năm Cảnh Vân thứ 2 (711), lại hiến phương vật. Đầu thời Khai Nguyên (711), khiển sứ đến chầu, dâng các thứ phương vật như ngựa và đai khảm. Sứ nước này khi yết kiến chỉ đứng thẳng không bái, Hiến ty muốn hặc tội. Trung thư lệnh Trương Thuyết tâu rằng: “Đại Thực tuy khác tục nhưng mộ nghĩa mà từ xa đến, không thể khép tội.” Hoàng thượng đặc cách cho phép. Rồi lại khiển sứ triều hiến, tự nói nước mình chỉ bái thiên thần, dù gặp vương cũng không có phép bái. Sở ty nhiều lần quở trách, sứ giả bèn xin noi theo phép Hán để bái. Bấy giờ các nước Khang [8], Thạch [9] ở Tây Vực đều thần phục nước này.

Có người nói thời Khai Hoàng nhà Tùy (581-600), trong tộc Đại Thực có giống Cô Liệt [10], đời đời làm tù trưởng. Trong giống Cô Liệt lại có 2 họ: một gọi là Bồn Nê Hề Thâm [11], một gọi là Bồn Nê Mạt Hoán [12]. Hề Thâm về sau có tên Ma Ha Mạt [13] dũng kiện đa trí, dân chúng lập làm chúa, chinh phạt đông tây, mở đất 300 dặm, chiếm cứ Hạ Lạp hay còn gọi là Sam Thành [14]. Mười bốn đời sau Ma Ha Mạt là đến Mạt Hoán [15]. Mạt Hoán giết anh trai Y Tật [16]mà tự lập, lại tàn nhẫn nên thuộc hạ oán ghét. Có Hô La San [17], Mộc Thô Nhân cùng Ba Tất Lâm dấy nghĩa binh, người hưởng ứng đều được lệnh mặc áo đen. Trong mấy tháng lính đã đông mấy vạn, hành quân về tây, bắt sống Mạt Hoán giết đi, rồi tìm được người giống Hề Thâm là A Bồ La Bạt [18] lập lên. Mạt Hoán trước kia gọi mình là “Bạch Y Đại Thực”, từ A Bồ La Bạt về sau đổi thành “Hắc Y Đại Thực”. A Bồ La Bạt mất, lập em trai là A Bồ Cung Phất [19]. Đầu thời Chí Đức (756), khiển sứ triều cống. Đại Tông bấy giờ làm nguyên soái, cũng dùng binh nước này để lấy hai kinh đô [20].

Thời Bảo Ứng (762-763), Đại Lịch (766-779), thường khiển sứ đến. Cung Phất chết, con trai là Mê Địa [21] lập. Mê Địa chết, con trai là Mưu Tê [22] lập. Mưu Tê mất, em trai là Ha Luân [23] lập. Thời Trinh Nguyên (785-805), là kình địch với Thổ Phồn. Quân Phồn hơn một nửa phòng ngự Đại Thực phía tây, nên hiếm khi gây nạn ở biên giới, vì sức không đủ vậy. Năm thứ 14 (798), xuống chiếu lấy 3 người sứ Hắc Y Đại Thực là Hàm Tha, Diên Kê, Sa Bắc cùng làm Trung lang tướng, đều cho về phên dậu.

***

Chú thích:

1. Đại Thực: Là tên sử Trung Quốc dùng để chỉ người Arab, có thể bắt nguồn từ Tayyi, một trong các bộ tộc Arab, hoặc từ người Tajik ở Trung Á.

2. Hồ: tên gọi chung cho các sắc dân sống phía bắc và phía tây Trung Quốc xưa kia.

3. Hòn đá đen chữ trắng: tức hòn đá đen ở ngôi đền Kaaba tại thành phố Mecca ngày nay.

4. Phất Lâm: tức Đông La Mã.

5. Đạm Mật Mạc Mạt Nhị: Có thể là phiên âm từ danh hiệu “Amir al-Mu’minin” của các vị caliph Hồi giáo

6. Bà La Môn: tức Ấn Độ.

7. Câu Phân Ma Địa Na: có thể chỉ thành phố Medina, cũng có thể là địa danh khác vì “madinah” trong tiếng Arab nghĩa là “thành phố”.

8. Nước Khang: nay là Samarkand (Uzbekistan).

9. Nước Thạch: nay là Tashkent (Uzbekistan).

10. Cô Liệt: Quraysh, một trong các bộ tộc Arab.

11. Bồn Nê Hề Thâm: tức Banu Hashim, thị tộc của nhà tiên tri Muhammad

12. Bồn Nê Mạt Hoán: phiên âm từ “Banu Marwan”, “thị tộc của Marwan”. Marwan II (691-750) là caliph cuối cùng của triều đại Umayyad.

13. Ma Ha Mạt: tức nhà tiên tri Muhammad.

14. Sam Thành: “Sam” có lẽ phiên âm từ as-Sam, một tên khác của vùng Syria.

15. Mạt Hoán: caliph Marwan II.

16. Y Tật: caliph Yazid III.

17. Hô La San Mộc Thô Nhân: “Hô La San” ắt hẳn là Abu Muslim Khorasani, thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống triều đại Umayyad từ 747-750. Những tên còn lại không rõ là ai.

18. A Bồ La Bạt: Abul Abbas, caliph đầu tiên của triều Abbasid.

19. A Bồ Cung Phất: caliph Abu Jafar.

20. Lấy hai kinh đô: chỉ việc nhà Đường tái chiếm Trường An và Lạc Dương trong loạn An Sử.

21. Mê Địa: caliph al-Mahdi.

22. Mưu Tê: caliph Musa ibn Mahdi al-Hadi

23. Ha Luân: caliph Harun al-Rashid.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *