Hành vi này được gọi là necrophoresis (“khiêng xác”), và nó được sinh ra để phục vụ cho mục đích giữ gìn vệ sinh tổ kiến. Hành vi này không chỉ có ở loài kiến mà còn xuất hiện ở các loài côn trùng có tập tính xã hội như ong chẳng hạn. Nếu bọn kiến cứ để xác chết nằm la liệt trong tổ như vậy, nấm sẽ bắt đầu mọc và những sinh vật phân hủy (*) khác sẽ sớm lây nhiễm hết cả tổ mất. Và bởi vì tuổi thọ của kiến khá ngắn, không gian hạn hẹp của tổ kiến sẽ sớm chất đầy xác chết mốc meo của hàng ngàn hàng vạn con kiến xấu số đấy. Con người chúng ta sống ở những đường phố rộng rãi thoáng mát đã không thích điều đấy rồi, huống gì nếu phải chui rúc trong những đường hầm đông đúc nữa chứ.
T/N: Sinh vật phân giải hay sinh vật phân hủy là các sinh vật phân hủy các sinh vật đã chết hoặc đang thối rữa, và để làm vậy, chúng tiến hành các quy trình phân hủy tự nhiên. Ví dụ: nấm, vi khuẩn, xạ khuẩn,…
HÌNH 1: NECROPHORESIS[1]
Người ta từng nghĩ rằng khi kiến chết đi, sự phân hủy của lipid trên bề mặt cơ thể kiến sẽ bắt đầu hình thành nên mùi axit béo đánh động cho các con kiến khác về cái chết của nó, kích thích kiến thợ đến nhặt xác và đem đi khỏi tổ. Xung quanh tổ kiến có hàng đống phế thải hay còn gọi là “nghĩa địa kiến”, ở đó bạn thế thấy được từng đống từng đống “xác bỏ đi”. Nếu con người có hành vi tương tự, thì mỗi khi có người thân qua đời, chúng ta đơn giản chỉ cần khuân xác họ đến bãi rác và cứ thế thả vào đống thây người chất chồng. Ở các nước châu Âu vào thời Trung Cổ, xác chết của những con người nghèo khổ hoặc phạm nhân bị chém đầu cũng đều được vứt vào những bãi chứa thây người như vậy, và những chỗ đấy nằm ngoài khu vực tường thành.
T/N: Tường thành là khối kiến trúc được dựng lên để bảo vệ một khu vực nào đó. Tường thường được xây cao để tránh sự xâm nhập từ bên ngoài vào. Các vật liệu thường được sử dụng để xây tường thành như đất, vữa, gạch,.v.v.
HÌNH 2: MỘT NGHĨA ĐỊA KIẾN QUY MÔ LỚN, CÙNG VỚI SỰ VIẾNG THĂM CỦA MỘT CHÚ ONG CÓ MƯU ĐỒ GÌ ĐẤY CHƯA RÕ. [2]
“Mùi hương kiến chết” hay “hóa chất tử thần” từng được cho là axit oleic, dựa trên thí nghiệm của E. O. Wilson [3] vào những năm 1950. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2009[4][5] tại trường Đại học California Riverside, lại đưa ra một kết luận khác: những con kiến trong tổ đều luôn mang trong mình loại hóa chất tử thần ấy rồi, nhưng những con còn sống lại sản sinh ra một loại dịch tiết cơ thể (“hóa chất sự sống”) có khả năng che giấu mùi hương chết chóc ấy, hoặc ngăn chặn được hành vi khiêng xác từ những kiến bạn sinh sống cùng tổ. Khi kiến chết, cơ thể nó ngừng tiết ra hóa chất ngụy trang ấy; và chỉ trong một giờ đồng hồ, hóa chất tử thần lại lấn át mà tỏa ra mạnh mẽ; và những kiến thợ đảm nhiệm công việc này lại nhanh chóng xuất hiện. Hay trong tình cảnh đấy ta có thể gọi chúng là kiến thợ vượt trội. Nếu chuyện đúng như kết luận của trường Đại học California Riverside nha, thì tụi kiến phải liên tục tiết ra chất dịch thông báo với đồng loại rằng “Tui chưa có ngủm nhé!” để không bị con khác tới khiêng đi vứt vào nghĩa địa.
Những người nghiên cứu ở Đại học California Riverside cho rằng “hóa chất sự sống” chính là một loại aldehyde có tên là dolichodial và một loại terpenoid có tên iridomyrmecin.