Đây là bức họa ‘Susanna and the Elders’ của họa sĩ Rembrandt van Rijn, vẽ năm 1647, minh họa cho câu chuyện xảy ra trong trọn vẹn chương 13 sách ngôn sứ Đanien trong Kinh Thánh Cựu ước.
Đằng sau câu chuyện này là một vấn đề nổi cộm giữa Hội Thánh Công giáo và Tin Lành: vấn đề quy điển Kinh Thánh Cựu Ước, hay còn gọi là vấn đề Đệ nhị quy điển. Nhưng trước hết, tôi mời các bạn theo dõi câu chuyện về cuộc phân xử của thiếu niên Daniel giữa thiếu phụ Susanna và hai kỳ mục, theo bản dịch Kinh Thánh của nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ, câu chuyện như sau:
NỖI OAN KHIÊN CỦA THIẾU PHỤ SUSANNA
“Có một người ở tại Ba-by-lon, tên là Giô-gia-kim. Ông lấy vợ tên là Su-san-na. Bà là con gái ông Khen-ki-gia; bà rất xinh đẹp và kính sợ Chúa. Cha mẹ bà là người công chính, đã dạy dỗ con gái theo Luật Mô-sê. Ông Giô-gia-kim là người rất giàu, ông có một khu vườn bên cạnh nhà. Người Do-thái thường đến nhà ông, vì ông có thế giá hơn mọi người. Năm ấy, người ta đặt hai kỳ mục chọn trong dân làm thẩm phán. Đấng Chí Tôn đã phán về họ rằng: “Từ Ba-by-lon, đã phát xuất sự gian tà do những kỳ mục, những thẩm phán có vẻ như cai trị dân.” Những kỳ mục này thường lui tới nhà ông Giô-gia-kim. Tất cả những ai có việc gì cần xét xử thì đến gặp họ.
Giữa trưa, khi dân đã rút lui, bà Su-san-na vào đi dạo trong vườn của chồng. Hai kỳ mục thấy bà mỗi ngày vào đi dạo, thì sinh lòng ham muốn. Họ để tâm trí ra đồi bại, quay mắt đi để khỏi nhìn lên trời cao và chẳng nhớ đến những phán quyết công minh của Thiên Chúa. Cả hai người đều đắm đuối say mê bà, nhưng họ không cho nhau biết vết thương lòng của mình, bởi vì họ xấu hổ không dám tỏ bày lòng ham muốn chiếm được bà. Ngày ngày, họ nôn nao rình rập, mong nhìn thấy bà. Một hôm, họ nói với nhau: “Đến giờ ăn trưa rồi, ta đi về nhà thôi! ” Thế rồi họ bước ra và chia tay. Nhưng sau đó, ông nào cũng trở lui và cả hai lại gặp nhau ở chỗ cũ. Khi đôi bên gạn hỏi nhau, họ mới thú nhận lòng ham muốn của mình. Và bấy giờ họ đồng lòng tìm dịp gặp bà lúc bà ở một mình. Họ đang nóng lòng chờ dịp thuận lợi, thì một hôm, bà Su-san-na đi vào vườn như các ngày trước, chỉ có hai tớ gái theo hầu. Vì trời nóng, bà muốn tắm trong vườn. Ở đó, chẳng có ai, ngoại trừ hai kỳ mục đang ẩn núp và rình xem. Bà bảo các tớ gái: “Đem cho ta dầu và thuốc thơm, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm.” Các tớ gái làm như bà nói: các cô đóng cửa lại, đi ra phía cửa hông để lấy những thứ bà yêu cầu. Nhưng các cô không biết là các kỳ mục đang ẩn núp trong vườn.
Các cô vừa ra khỏi đó, thì hai kỳ lão liền chồm dậy, nhào tới chỗ bà và nói: “Này cửa vườn đã đóng; chẳng ai thấy chúng ta đâu. Chúng tôi thèm muốn bà, bằng lòng trao thân cho chúng tôi đi! Nếu không, chúng tôi sẽ làm chứng tố cáo rằng có một thanh niên ở với bà, và vì thế bà đã cho các tớ gái đi khỏi đây.” Bà Su-san-na thở dài não nuột và nói: “Tôi bị khốn tứ bề! Quả thật, nếu làm thế, tôi sẽ phải chết; còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà không làm gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa! ” Bà Su-san-na liền kêu lớn tiếng và hai kỳ lão cũng la lên để hại bà. Một ông chạy ra mở cửa vườn. Khi nghe tiếng kêu trong vườn, các gia nhân đổ xô vào cửa bên hông, để xem sự gì đã xảy ra cho bà. Và sau khi các kỳ lão kể lại chuyện đó, các tôi tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì chưa bao giờ nghe nói như thế về bà Su-san-na.
Hôm sau, dân chúng tụ họp ở nhà ông Giô-gia-kim chồng bà. Hai kỳ lão kia cũng đến đó, lòng đầy gian ý hại bà, để làm cho bà phải chết. Họ nói trước mặt dân chúng: “Hãy sai người đi tìm Su-san-na, con gái ông Khen-ki-gia, vợ ông Giô-gia-kim.” Rồi người ta cho người đi tìm bà. Bà cũng đến đó với cha mẹ, con cái và tất cả thân nhân. Bà Su-san-na rất là duyên dáng, nhan sắc mặn mà. Vì bà che khăn, nên các tên khốn kiếp đó bắt phải lột khăn ra để ngắm nhan sắc của bà cho thoả. Mọi người thân cũng như tất cả những ai thấy bà, đều khóc. Từ giữa đám dân, hai kỳ lão đó đứng dậy đặt tay lên đầu bà. Còn bà thì vừa khóc vừa ngước mắt lên trời, vì bà đầy lòng trông cậy vào Chúa. Các kỳ lão nói: “Chúng tôi đang dạo chơi một mình trong vườn, thì mụ này đã vào với hai tớ gái, đóng cửa vườn lại, rồi cho các tớ gái đi ra. Một gã thanh niên núp sẵn ở đó, đến bên mụ và nằm với mụ. Lúc ấy, chúng tôi đang ở một góc vườn, thấy chuyện đồi bại, liền chạy tới. Chúng tôi thấy chúng ăn nằm với nhau, nhưng không tóm được gã thanh niên, vì hắn khoẻ hơn chúng tôi, và đã mở cửa chạy mất. Còn mụ này, chúng tôi bắt được và hỏi mụ ta xem gã thanh niên kia là ai. Nhưng mụ không chịu nói cho chúng tôi. Chúng tôi xin làm chứng về những điều ấy.” Nhưng bà Su-san-na kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng am tường những điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi chúng xảy ra, Ngài biết là họ đã làm chứng gian hại con. Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì trong những điều họ đã vu cho con.”
Chúa đã nghe tiếng bà kêu. Trong lúc bà bị điệu đi hành hình, Thiên Chúa đã đánh động tâm trí thánh thiện của một thiếu niên tên là Đa-ni-en. Thiếu niên đó kêu lớn tiếng rằng: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người phụ nữ này! ” Toàn dân đều quay về phía cậu thiếu niên và hỏi: “Lời cậu vừa nói có nghĩa gì? ” Cậu đứng giữa họ và nói: “Các người ngu xuẩn đến thế sao, hỡi con cái Ít-ra-en? Các người đã lên án một người con gái Ít-ra-en mà không xét hỏi và cũng không biết rõ sự việc ra sao! Hãy trở lại nơi xét xử, vì những người kia đã làm chứng gian để hại người phụ nữ này.”
Toàn dân vội vàng trở lại đó, và các kỳ mục nói với Đa-ni-en: “Đến đây, hãy ngồi giữa chúng tôi và cho chúng tôi biết ý kiến, vì Thiên Chúa đã cho cậu được khôn ngoan như bậc lão thành.” Đa-ni-en nói: “Hãy tách riêng họ ra, rồi tôi sẽ xét hỏi.” Sau khi họ đã bị tách ra rồi, Đa-ni-en gọi một trong hai kỳ mục lại và nói: “Hỡi con người già đời trong đường gian ác, tội lỗi xưa ông đã phạm, nay lại tái diễn: ông đã xử bất công, kết án người vô can, tha bổng kẻ đắc tội, bất kể lời Chúa dạy: “Ngươi chớ giết người vô tội và người công chính. Vậy bây giờ, nếu quả thật ông đã thấy bà kia, thì hãy nói ông đã thấy họ thông gian với nhau dưới cây nào? ” Người ấy đáp: “Dưới cây trắc.” Đa-ni-en nói: “Ông đã nói dối trắng trợn khiến ông phải mất mạng, vì thiên sứ của Thiên Chúa đã nhận được án lệnh của Người là chặt ông làm đôi.” Sau khi cho người này ra, Đa-ni-en truyền dẫn người kia vào, rồi nói: “Hỡi nòi giống Ca-na-an, chứ không phải nòi giống Giu-đa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho ông ra hư hỏng. Các ông đã hành động như thế với các con gái Ít-ra-en. Vì sợ, họ đã thông gian với các ông. Nhưng người con gái Giu-đa này đã không chịu nổi sự gian tà của các ông. Vậy bây giờ, hãy nói cho tôi biết ông đã bắt quả tang họ thông gian với nhau dưới cây nào? ” – Người ấy đáp: “Dưới cây dẻ.” Đa-ni-en mới bảo: “Cả ông nữa, ông cũng nói dối trắng trợn khiến ông phải mất mạng, vì thiên sứ của Thiên Chúa, tay cầm gươm, đang chờ để xẻ ông làm đôi nhằm tiêu diệt các ông.”
Bấy giờ toàn thể cộng đồng lớn tiếng reo hò và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng cứu những kẻ trông cậy vào Người. Rồi người ta quay lại chống hai kỳ lão, vì Đa-ni-en đã dựa vào lời chính miệng các ông nói mà thuyết phục họ là các ông đã làm chứng gian. Theo luật Mô-sê, người ta giáng cho các ông hình phạt mà các ông định bắt người khác phải chịu, đó là giết các ông. Ngày ấy, máu người vô tội khỏi bị đổ oan. Vợ chồng ông Khen-ki-gia cùng với con rể là Giô-gia-kim và mọi người thân thuộc đều ca ngợi Thiên Chúa về bà Su-san-na, con gái của họ, vì người ta đã không thấy điều gì bất xứng nơi bà. Từ ngày ấy trở đi, cậu Đa-ni-en nên cao trọng trước mặt dân.” (Đn 13, 1-64)
Một câu chuyện thật là hấp dẫn và thú vị, thế nhưng, đáng tiếc là câu chuyện trên chỉ tồn tại trong Kinh Thánh Cựu Ước của Công Giáo chứ không có trong Sách Thánh của người Do Thái hay bản Kinh Thánh Cựu Ước của Tin Lành.
Tại sao lại như vậy?
MỘT CÂU CHUYỆN BỊ LOẠI RA
Lý do rất đơn giản. Khi người Do Thái chiến bại trong ‘Cuộc chiến Do Thái’ năm 70 trước người Rome, tuy họ không bị Rome lưu đày đi nơi đâu cụ thể, nhưng với việc mất đi Đền thờ và việc Tế tự, họ thấy mình đứng trước nguy cơ bị phân tán đi khắp nơi, bị chia rẽ thành nhiều nhóm, và họ cũng cảm thấy sức ép từ nhóm Kitô hữu đang ngày càng lớn mạnh. Do đó, vào khoảng các năm cuối thế kỉ thứ nhất, một nhóm rabbi tập hợp ở Jamnia đã quyết định khép lại Quy điển Sách thánh, và trong quy điển của họ, không có chương 13 của sách Daniel.
Trong sáu thế kỉ trước đó, kể từ thời Lưu đày, đã xuất hiện nhiều sách do các rabbi và các thầy tư tế Do Thái biên soạn, một số cuốn nhanh chóng được nhìn nhận là Sách Thánh, tức là được Linh hứng, nhưng một số sách thì bị đặt nghi vấn, nhất là những sách và những đoạn được viết bằng tiếng Hy Lạp. Vào khoảng năm 200BC, bản Sách Thánh Do Thái được dịch ra tiếng Hy Lạp tại thành Alexandria, đó là bản LXX nổi tiếng. Ngoài 39 cuốn được dịch từ tiếng Hebrew, trong bản LXX còn có 13 cuốn khác được viết bằng tiếng Hy Lạp, tức toàn bản văn là 52 cuốn. Bản LXX được dùng rộng rãi trong cộng đồng Do Thái hải ngoại ‘diaspora’, do lúc đó tiếng Hy Lạp là một ‘lingua franca’ của thế giới Địa Trung Hải. Nhưng bản LXX thực sự đã gây ra một sự lúng túng cho giới tinh hoa Do Thái, vì họ cho rằng Thiên Chúa chỉ nói với họ, tức là chỉ nói bằng tiếng Hebrew, nên chỉ có sách viết bằng tiếng Hebrew mới là Sách Thánh, sách ghi lời Thiên Chúa.
Tại các trường rabbi ở Jamnia những năm cuối thế kỉ 1, các rabbi Do Thái đã đưa ra quyết định cuối cùng của họ về vấn đề quy điển. Họ chỉ nhận các sách trọn vẹn viết bằng tiếng Hebrew, và trong những sách được viết bằng cả tiếng Hebrew và Hy Lạp, họ loại bỏ những phần bằng tiếng Hy Lạp. Chỉ có một ngoại lệ dành cho các đoạn văn được viết bằng tiếng Aram, mà cụ thể là các đoạn Er 4,8-6,18; 7, 12-16; Gr 10, 11; Đn 2, 4-7,28, là được giữ lại trong quy điển Do Thái, do thực tế là từ sau Lưu đày, tiếng Hebrew và tiếng Aram đã được sử dụng song song trong đời sống: tiếng Hebrew trong phụng vụ và tiếng Aram trong thường nhật.
Thế còn các Kitô hữu thì sao?
QUY ĐIỂN KINH THÁNH CỦA HỘI THÁNH
Ban đầu, các Tông đồ nhắm tới rao giảng cho dân tộc mình, nhưng khi người Do Thái chống đối Tin Mừng, các tông đồ quay qua dân ngoại. Người đi đầu hẳn nhiên là thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại, chính ngài là tác giả văn phẩm Tân Ước đầu tiên, thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalonica, viết vào năm 51. Trong khoảng 80 năm sau đó, lần lượt 26 sách khác thuộc bộ Tân Ước được viết xuống, và tất cả đều được viết bằng tiếng Hy Lạp, thứ tiếng mà tất gần như tất cả các tân tín hữu đều hiểu. Như đã nói, tiếng Hy Lạp lúc đó đang là ‘lingua franca’, một ngôn ngữ quốc tế của vùng Địa Trung Hải, nhưng nó thuộc thời kỳ thứ hai của tiếng Hy Lạp, nên về câu cú ngữ pháp có đôi chỗ khác biệt với thứ tiếng Hy Lạp dùng để viết các tác phẩm của Homer, Plato và Aristotle. Còn về các bản văn mà người Do Thái gọi là Sách Thánh còn các Kitô hữu gọi là Cựu Ước, đơn giản là các Kitô hữu không việc gì phải ngồi dịch lại bản Sách Thánh Hebrew ra tiếng Hy Lạp, nhất cử lưỡng tiện, các Kitô hữu thời đó lấy luôn bản LXX làm Kinh Thánh Cựu Ước cho mình.
Đến cuối thế kỷ thứ 4 đầu thế kỉ thứ năm, thánh Jerome được Đức Giáo Hoàng Damasus I ủy thác cho công việc san định và dịch thuật Kinh Thánh sang tiếng Latin, và ngài đã sử dụng cả hai bản tiếng Hebrew và Hy Lạp cho bản dịch Cựu Ước. Sau hàng chục năm làm việc miệt mài trong hang Bethlehem, ngài đã cho ra đời công trình vĩ đại là bản Kinh Thánh bằng tiếng Latin, tức là bản Vulgata. Trong bản Vulgata của thánh Jerome, người ta thấy ngài sử dụng một quy điển không theo Sách Thánh Do Thái (39 cuốn) lẫn bản LXX (52 cuốn), mà ngài lại sử dụng một quy điển gồm 46 cuốn, hẳn nhiên là chính quy điển mà Hội Thánh Công Giáo sử dụng ngày nay.
Trong quy điển mới này, so với Sách Thánh Do Thái, người ta thấy có thêm 7 sách bằng tiếng Hy Lạp là Tôbia, Giuđitha, 1 Macabê, 2 Macabê, Khôn ngoan, Huấn ca, Barúc cộng với ba đoạn sách đã bị công đồng Jamnia đục bỏ ra khỏi Sách Thánh của họ, là Et 10,4 – 16,24; Đn 3,24 – 90; 13 – 14, những sách và đoạn này được ngài lấy từ bản LXX. Như vậy, câu chuyện về ‘cuộc phân xử của thiếu niên Daniel giữa thiếu phụ Susanna và hai kỳ mục trong chương 13 của sách Daniel có trong bản LXX vốn đã bị công đồng Jamnia loại bỏ do họ cho là đoạn sách viết bằng tiếng ngoại bang, nay lại được thánh Jerome nhận vào quy điển của ngài.
Hẳn nhiên, việc lựa chọn sách nào được đưa vào quy điển Kitô giáo không phải là phụ thuộc vào nhận định và ý chí của một mình thánh Jerome. Quy điển mà ngài lựa chọn phản ánh đức tin chính thống của các giáo đoàn Kitô hữu kì cựu và quan trọng. Đức Giáo Hoàng Damasus I đã nhanh chóng công nhận quy điển của thánh Jerome, kể từ đó bản quy điển Cựu Ước bằng tiếng latin gồm 46 cuốn được sử dụng rộng rãi trong Giáo hội Tây Phương. Cũng cần nên biết thêm là hiện nay, trong một số Giáo Hội Đông Phương sử dụng một quy điển Cựu Ước hơi khác với Công Giáo, họ có thêm Tv 151, 3Er, 3Mcb, Lời cầu nguyện của Mơnase.
Mọi việc chưa được khép lại ở đó hay chưa?
MARTIN LUTHER VÀ VẤN ĐỀ ĐỆ NHỊ QUY ĐIỂN
Tiếc thay là chưa, vì vào những năm 1520, ở Tây phương đã diễn ra việc Tin Lành tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo Rome. Trong một cuộc tranh luận về vấn đề luyện ngục, khi vị diễn giả Công Giáo đưa ra đoạn văn ‘Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.’ (2Mcb 12, 43-46), Martin Luther công nhận rằng vị diễn giả đã trích dẫn đúng, nhưng ông không công nhận bản văn được trích dẫn là được Linh hứng. Tức là, Martin Luther đòi đặt lại vấn đề về tính quy điển của Kinh Thánh Công giáo.
Martin Luther tuyên bố công nhận quy điển Tân Ước, nhưng với Cựu Ước, ông muốn loại bỏ quy điển Vulgata mà trở lại với quy điển Sách Thánh Do Thái, và ông gọi những phần Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp: bảy sách Tôbia, Giuđitha, 1 Macabê, 2 Macabê, Khôn ngoan, Huấn ca, Barúc cộng với ba đoạn sách Et, 10,4-16, 24; Đn 3,24-90; 13-14 là ‘mạo thư’. Sau đó, Sixtus thành Siena (1520-1569) đặt ra thuật ngữ ‘Đệ nhị quy điển’ để gọi khối văn liệu Kinh Thánh viết bằng tiếng Hy Lạp này. Thuật ngữ ‘Đệ nhị quy điển’ là một cách gọi không thích hợp vì tên gọi này có thể gợi lên ý nghĩa cho rằng sách được xếp vào loại này không có cùng một thế giá như các sách khác. Sự thực không phải như vậy. Sự phân biệt này không hàm nghĩa rằng các sách thuộc ‘Đệ nhất quy điển’ có thế giá về độ linh hứng, tính chính thống hay được đưa vào quy điển trước các sách ‘Đệ nhị quy điển’, mà nó là kết quả của sự nhập nhằng vào nhau tất cả các sự kiện mà tôi đã trình bày ở trên.
MINH GIẢI VÀ ẤN ĐỊNH
Để chấn chỉnh và canh tân Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Phaolo III đã triệu tập công đồng Trento vào năm 1545 để bàn thảo rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề xác định quy điển chính thức. Trong những tài liệu đúc kết ban hành vào năm 1563, Đức Giáo Hoàng Pio IV cùng với các nghị phụ đã xác quyết chung cuộc về việc chân nhận chính thức Quy Điển Kinh Thánh Cựu Ước của Công Giáo có 46 cuốn, gồm:
-5 cuốn Luật: Sáng thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân số, Đệ nhị luật.
-16 cuốn Lịch Sử: Giô suê, Thủ lãnh, Rút, 1 Samuel, 2 Samuel, 1 Vua, 2 Vua, 1 Sử biên niên, 2 Sử biên niên, Étra, Nơkhe mia, Tôbia, Giuđitha, Étte, 1 Macabê, 2 Macabê.
-7 cuốn Khôn Ngoan: Gióp, Thánh vịnh, Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca, Khôn ngoan, Huấn ca.
18 cuốn Ngôn Sứ: Isaia, Giêmêria, Aica, Barúc, Edêkien, Đanien, Hôsê, Giôen, Amốt, Ôvadia, Giôna, Mikha, Nakhum, Khabarúc, Xôphônia, Khácgai, Dacaria, Malakhi.
Việc làm này của Công Đồng Trento đã khép lại một quá trình tranh luận đã kéo dài hơn 2000 năm về việc trong những văn phẩm xuất hiện trước Chúa Giêsu, văn phẩm nào được Linh hứng, tức là được Thiên Chúa dùng các tác giả nhân loại để viết ra những điều đem lại Ơn Cứu Độ.
Công Đồng Chung Vatican II, trong số 11 Hiến chế Dei Verbum, đã nói rõ hơn về vấn đề Linh Hứng như sau: “Để viết ra các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong tài năng và sức lực của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thật tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó thôi”.
Lạc Vũ Thái Bình
Huế, 12-2020
Tham khảo:
-Các văn kiện Công Đồng Vatican II, bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
-Phạm Hữu Quang – Dẫn nhập Thánh Kinh