Nhắc đến những vị anh hùng của dân tộc, thật quả thiếu sót khi không nhắc đến Trương Định – Bình Tây Đại Nguyên Soái. Tuy những câu chuyện về ông tương đối ít ỏi nhưng với lòng tin yêu của dân chúng, những câu chuyện về ông luôn hiện lên sống động tỏ rõ vẻ uy nghi – lẫm liệt của bậc tài tướng.
1. Duyên nợ với mảnh đất Gò Công:
Tuy sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Trương Định gắn bó với nhân dân Gò Công (Tiền Giang ngày nay). Tại nơi đây, ông đã lập gia đình với hai người phụ nữ, vợ đầu là Lê Thị Thưởng và vợ sau là bà Trần Thị Sanh. Với sự giúp đỡ ít nhiều của cả hai gia đình bên vợ, từ năm 1854, theo chính sách đồn điền của Nguyễn Tri Phương, Trương Định đã chiêu mộ dân chúng, khai khẩn đất hoang, lập ra đồn điền Gia Thuận để khai hoang đất đai phát triển sản xuất, chăm lo cho đời sống của nhân dân địa phương, đồng thời chú ý luyện tập quân sự cho dân binh đồn điền, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước. Chính vì lẽ đó, mà Trương Định luôn được nhân dân Gò Công hết lòng tin yêu đến năm 1861, khi Trương Định kháng lệnh triều đình, phát động cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược thì nhân dân Gò Công đã tích cực hưởng ứng và tham gia. Có lúc lực lượng nghĩa quân lên đến 6.000 người, bao gồm các tầng lớp nhân dân Gò Công mà đa số là nhân dân lao động và dân binh đồn điền.
2. Từ chối bổng lộc của triều đình để chiến đấu cùng nhân dân:
Tháng bảy năm Nhâm Tuất (1862), sau khi ký hòa ước dâng cho thực dân Pháp đảo Côn Lôn và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, và Định Tường, triều đình Tự Đức phong Trương Định làm Lãnh binh tỉnh An Giang (theo điều khoản trong hòa ước nhằm loại bỏ các thế lực chống đối Pháp) và ra lệnh cho ông phải chấm dứt cuộc kháng chiến ở Gò Công. Thế nhưng, trước yêu cầu của nhân dân Gò Công, Trương Định đã quyết định ở lại cùng nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
3. Chiến đấu vì dân Nam Bộ:
Đứng trước quyền lợi bản thân và nguyện vọng của nhân dân, ông đã dũng cảm đứng về phía nhân dân quyết định đi cùng với nhân dân chiến đấu. Trên thực tế cuộc chiến đấu của nghĩa quân Trương Định hợp với lòng dân, nên được nhân dân hết lòng đùm bọc che chở và ủng hộ. Chính nhờ đó mà mặc dù tương quan lực lượng có sự chênh lệch lớn có lợi cho thực dân Pháp, nghĩa quân Trương Định vẫn tạo nên những chiến công hiển hách như các cuộc tập kích đồn Rạch Tra (Tây Ninh), Long Thành (Biên Hòa), tấn công 2 chiếc Lorcha tại Bến Lức, pháo thuyền Alarne và trận địa pháo trên rạch Gò Công, đốt chiếc Lorcha số 10 hay tập kích đồn Thuộc Nhiêu, đồn Rạch Kiến…nổi bật là trận tấn công Chợ Lớn – trung tâm kiểm sóat của thực dân Pháp lúc bấy giờ.
4. Kẻ phản bội Huỳnh công Tấn – nuôi ong tay áo:
Theo sử viết gốc gia đinh Huỳnh Công Tấn là người Hoa Minh hương di cư vào Định Tường cuối thế kỉ 17. là người có tật đam mê đàn bà con gái, thường trêu chọc và có những hành vi bất chính với phụ nữ, nên có một lần bị chủ tướng là Trương Công Định tát tai để cảnh cáo, Tấn căm thù để bụng và chờ dịp trả thù. Tấn bí mật liên lạc với một người quen cũ là Nguyễn Hữu Nguồn, đã đầu thú Pháp, để được Nguồn giới thiệu Tấn xin hàng, Nguồn đưa Tấn về Chợ Lớn trình diện với Trung uý Francis Garnier, lúc đó làm tham biện tại đây. Thấy Tấn hăng hái lập công, Pháp cho Tấn làm đội trưởng mã tà. Hai năm sau, Tấn được đề bạt chức “Lãnh binh” là quan võ coi việc quân sự trong một tỉnh thời đàng Cựu. Có chức, có quyền, Tấn vừa tận tuỵ phục vụ chủ mới vừa tìm cách mua điền đất của nhà giàu bỏ chạy để làm của riêng.
Năm 1862, ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường đã mất nhưng Gò Công nhờ địa thế hiểm yếu, rừng rậm âm u, sông rạch chằng chịt, mà Đại tướng Trương Công Định còn cố thủ được thêm 3 năm nữa. Vẫn theo kế sách dùng gián điệp, Pháp tìm cách mua chuộc một người địa phương có thế lực mà dân chúng gọi là “bá hộ Huy”, bí mật hẹn làm gián điệp cho Pháp, nhờ nắm thông tin về địa lí, Pháp tấn công các vị trí hiểm yếu của nghĩa quân, tiến sát rồi bao vây tỉnh Gò Công, bắt sống tri huyện Đỗ Trình Thoại rồi sau đó giết ông (Khi Pháp chiếm Gia Định, Đỗ Trình Thoại cùng Thủ khoa Huân, Trương Công Định chiêu mộ quân ứng nghĩa, chiếm địa bàn Tân An, Gò Công làm căn cứ và cùng nghĩa quân lập được nhiều chiến công).
Đại tướng Trương Công Định giữ Gò Công được 3 năm (1862-1864). Do đó, lần này Pháp quyết tâm triệt hạ Gò Công. Vốn thông thạo địa hình, Tấn bày kế cho Pháp đem mấy tàu chiến chạy vòng trở ra biển, vào Cửa Tiểu, tấn công vào phía Đông tỉnh thành. Pháp đổ quân ở Bến Chùa, vào Cửa Khâu, đánh bọc lên Giồng Nâu, Tân Quân Trung, rồi chiếm thành Gò Công. Đại nguyên soái Trương Công Định gom tàn quân rút về phía rừng Sác, nằm gần biển, gọi là “đám lá tối trời” mất dạng. Trong một lần ruồng bố vào Bình Xuân, Tấn bị thương ở bắp chân, được Pháp ưu ái săn sóc, chở về Sài gòn điều trị. Lành bịnh, Tấn hung hăng đánh phá không ngừng dẫn đến thất bại của khởi nghĩa.
5. Phút cuối đời của Trương Định và những truyền thuyết của nhân dân:
Về phút cuối cùng của Trương Định, nhiều tài liệu Pháp ghi rằng, Ông chết vì một phát đạn trúng vào lưng. Còn sử liệu Việt Nam thường chi ghi vỏn vẹn ngày mất. Thế nhưng, truyền thuyết dân gian không muốn tin người anh hùng chết trận. Nhân dân đã dựng lại tư thế lẫm liệt, đường hoàng của Ông trước làn hơi cuối. Dân gian truyền rằng, sau khi bị thương nặng, biết mình không sống được, Trương Định điểm mặt Tấn rồi đâm vào bụng tự sát. Người dân xã Gia Thuận (Gò Công) còn kể, Đội Tấn khép chặt vòng vây và nói: “Bẩm quan lớn, tôi đem quan lớn về đầu Tây. Gió chiều nào, theo chiều ẩy. Quan lớn đầu hay không đầu cũng bắt!”. Trương Định liền trả lời: “Mày coi tao đầu nè Tấn!”. Và liền rút gươm tử tiết. Có người thì kể rằng, Trương Định bị thương nơi đùi, bèn tuốt gươm đâm vào hông tử tiết. Phía sau ông có Đốc binh Chấn cũng bị thương nơi vai, nhảy đen đỡ Ong lên. Ong tăt hơi trên tay ông Chân .
Trương Định có lẽ chỉ là một người bình thường bằng xương bằng thịt nhưng những đóng góp của ông tuy ngắn ngủi nhưng lại là ngọn cờ đầu thành công nhất trong buổi đầu chống Pháp dưới sự cai trị nhu nhược của nhà Nguyễn. Ông đã hiện lên với những giai thoại lẫm liệt từ lúc sinh thời đến khi nằm xuống. Kết thúc bài viết xin gửi đến các bạn 1 đoạn trích trong số 12 bài thơ và 1 bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu tiếc thương đến Trương Định:
(…)
Trong Nam, tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ
Quả ấn Bình Tây đất vội chôn
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.
(…)
Nguồn:
Việt Nam Sử lược
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Nhà văn Sơn Nam
Văn tế Nguyễn Đình Chiểu
Tổng hợp