THEO DÒNG DRAMA TRỊNH SẢNG NHỜ NGƯỜI ĐẺ THUÊ: HIỂU RÕ VỀ MANG THAI HỘ VÀ ĐẺ THUÊ

Hôm qua đến giờ có chiếc drama đẻ thuê xứ Trung làm dân tình khắp mạng xã hội kê điện thoại hóng. Tuy nhiên, đẻ thuê cũng có thuê this và thuê that, thuê that được gọi với cái tên nhân văn hơn là mang thai hộ. Và về mặt pháp luật thì cả 2 hình thức này hoàn toàn khác nhau. Tại Việt Nam, đẻ thuê được xem là vi phạm pháp luật còn mang thai hộ nếu làm đúng thủ tục và quy định thì hoàn toàn hợp pháp.
Về cơ bản, đẻ thuê và mang thai hộ đều là hình thức mang thai và sinh con cho người khác, nhưng sẽ khác nhau ở mục đích.
Theo bài phỏng vấn của Luật gia Huỳnh Thanh Phúc trên báo Dân Trí:
“Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Đẻ thuê hay dùng thuật ngữ chính xác hơn là mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.”
ĐỂ ĐÚNG VỚI QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT, NGƯỜI MANG THAI HỘ CẦN PHẢI ĐÁP ỨNG ĐỦ CÁC YÊU CẦU SAU:

  • Thực hiện việc mang thai dựa trên cơ sử tự nguyện.
  • Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.
  • Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần.
  • Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.
  • Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
  • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
    VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI VỢ, CHỒNG NHỜ NGƯỜI MANG THAI HỘ LÀ:
  • Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
  • Vợ chồng đang không có con chung.
  • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
    Còn đối với đẻ thuê, chủ yếu sinh con để kiếm tiền, mỗi phi vụ khoảng hơn 500 triệu nên họ thường làm theo đường dây, trái pháp luật, không đảm bảo sức khỏe và tính minh bạch.
    Hành vi đẻ thuê là hành vi trái đạo đức và khá phổ biến trong xã hội hiện nay nên pháp luật hình sự quy định khá nghiêm ngặt về hành vi đẻ thuê, tại điều 187 BLHS 2015:
  1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
    a) Đối với 02 người trở lên
    b) Phạm tội 02 lần trở lên
    c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức
    d) Tái phạm nguy hiểm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
    Trước hết, phải khẳng định cho phép “mang thai hộ” không phải là cho phép “đẻ thuê”. Cho phép “mang thai hộ” đối với một số đối tượng có chỉ định để bảo đảm quyền làm mẹ chính đáng của mọi phụ nữ và người mang thai hộ không vì mục đích lợi nhuận. Mang thai hộ là một thành tựu của y học, có thể nói là một tiến bộ vượt bậc để biến mơ ước không thể làm mẹ của rất nhiều phụ nữ được trở thành hiện thực. Mặt khác, dưới phương diện sinh học thì trong trường hợp mang thai hộ, đứa bé ra đời từ mang thai hộ mang gen di truyền của người phụ nữ có trứng thụ tinh chứ không phải của người mang thai. Nếu hiểu khái niệm huyết thống đồng nhất với khái niệm gen di truyền (ADN) thì quan hệ huyết thống là quan hệ giữa người phụ nữ có trứng và đứa trẻ.
    NHỮNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CÓ THỂ XẢY RA VỚI NGƯỜI MANG THAI HỘ:
  • Có thể có người mang thai hộ trong quá trình mang thai sẽ nảy sinh tình cảm và yêu quý đứa trẻ, sau khi sinh con thì giấu không muốn trao con cho cha mẹ nhờ mang thai hộ.
  • Việc mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người mang thai hộ trong quá trình mang thai, sinh con, thậm chí có thể gây tử vong cho người mang thai, hoặc đứa trẻ bị dị tật, người mang thai hộ bị xảy thai.
  • Mang thai hộ không nhằm mục đích thương mại nhưng có thể sẽ là một lý do để sau khi mang thai người mang thai hộ đòi hỏi tiền hoặc lợi ích vật chất từ người nhờ mang thai hộ.
  • Có thể sẽ có tranh chấp phát sinh về ai là cha mẹ thật.
    Còn đối với đẻ thuê, vấn đề lớn nhất mà người tham gia đường dây phải đối mặt là Pháp luật, bên cạnh đó là có thể gây tổn hại đến cơ thể vì lợi ích của người khác. Việc mang thai và sinh đẻ liên tiếp làm suy yếu cơ thể và ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của người phụ nữ. Hơn nữa, đây còn là nguy cơ cho việc bóc lột và thương mại hóa người đẻ thuê.
    Kết: Mang thai hộ là một phương pháp y học rất có ý nghĩa, giúp cho nhiều phụ nữ không thể sinh con có thêm cơ hội làm mẹ. Tuy nhiên, đẻ thuê lại lợi dụng yếu tố nhân đạo này mà phát triển là hình thức thương mại trái pháp luật. Tuy là mang thai hộ hay đẻ thuê thì người phụ nữ cũng sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe rất lớn sau mỗi lần sinh nở. Do đó tốt nhất là phụ nữ dưới 35 tuổi, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì mới nên mang thai hộ cho người khác.
    Nguồn: Dân Trí và website Bộ Y Tế

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *