Về nội hàm các danh xưng ‘Bách Việt’, ‘Lạc Việt’, ‘dân tộc Việt’

Trao đổi với nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy
Tác giả Hà Văn Thùy vừa có bài viết: “Về nội hàm các danh xưng ‘Bách Việt’, ‘Lạc Việt’, ‘dân tộc Việt’” 1. Cảm ơn tác giả đã góp ý cho bài viết của tôi: “Cần khoa học khi nhận định về nguồn gốc dân tộc Việt”[2]. Về bài viết của tác giả Hà Văn Thùy, tôi xin có vài góp ý như sau:

  1. Các khái niệm Bách Việt, Lạc Việt đã được các tài liệu lịch sử Trung Quốc đã nêu và nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành đã nói tương đối đủ ý “Người Hán gọi tất cả các tộc người ở phía nam Trường Giang là tộc Việt, người Việt (Việt tộc, Việt nhân).” [3]. Để phản biện các luận điểm: “Xét về địa lý, tộc Kinh-Việt Nam sống trên mảnh đất cách xa cộng đồng Bách Việt hàng ngàn dặm, lại có núi và biển ngăn cách, sao có thể là thành viên của cộng đồng ấy được” của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành [3], tôi cũng không cần thiết phải phân tích sâu và dẫn lại các khái niệm trên trong bài viết của mình [2].
  2. Bách Việt là khái niệm của người Hoa Bắc chỉ nhiều nhóm tộc Việt nằm ở nam sông Hán Thủy và phía nam Dương Châu được nhắc đến lần đầu trong Lã Thị Xuân Thu(239 TCN): “Dương Hán chi nam, Bách Việt chi tế” [4]. Tuy nhiên tác giả cho rằng: “Xuất hiện muộn màng, khoảng năm 333 TCN, chấm dứt năm 222 TCN khi Nam Việt bị tiêu diệt, do vậy Bách Việt không thể là nguồn gốc của dân tộc Việt.” [2] là thiếu cơ sở.
    Người Hoa Bắc muốn nói đến nhiều tộc Việt hoặc nhiều nhánh của tộc Việt nên dùng họ từ Bách Việt. Trước năm 333 TCN vẫn có thể có nhiều nhóm tộc Việt và sau khi nước Nam Việt bị tiêu diệt thì nhóm tộc Việt vẫn tồn tại.
    Bách Việt là từ chỉ nhiều nhóm tộc Việt bởi vậy khi tìm nguồn gốc cần tìm rõ nguồn gốc dân tộc Việt Kinh ngày nay là thuộc nhánh tộc Việt cổ nào và việc này cần được nghiên cứu nhiều hơn bằng các phương pháp đa ngành.
  3. Quan điểm của Âu Nhậm Đại trong Bách Việt tiên hiền chí cho rằng Bách Việt có nguồn gốc từ nước Ư Việt dòng dõi Hạ Thiếu Khang là không đúng [5]. Quan điểm trên chỉ bắt đầu ở thế kỷ thứ 12 với phát biểu của Chu Hy trong Chu Tử Lọai Ngữ: 楚破越,其種散,史記。故後號為「百越」Sở đánh bại Việt, con cháu nước Việt tản ra, Sử ký [6]. Cho nên sau gọi là Bách Việt.
    Quan điểm của Chu Hy ảnh hưởng tới Âu Nhậm Đại đời Minh trong Bách Việt Tiên Hiền Chí [5] và Khuất Đại Quân đời Thanh trong Quảng Đông Tân Ngữ [7].
    Tuy nhiên bên cạnh dòng Ư Việt của Hạ Thiếu Khang ở khu vực Giang Nam đến Thượng Hải thì Sử Ký Tư Mã Thiên đề cập đến Dương Việt trải rộng từ Hồ Bắc Trung Quốc tới Việt Nam ngày nay.
    3.1. Sử ký Tư Mã Thiên Sở thế gia chép: “Hùng Cừ (vua Sở) rất được lòng dân miền Giang Hán, liền đem quân đánh các nước Dung, Dương Việt.” [8]
    3.2. Sử Ký của Tư Mã Thiên viết 秦時已并天下,略定楊越,置桂林、南海、象郡. Thời Tần thôn tính thiên hạ, lược định Dương Việt đặt làm các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận [9].
    3.3. Phần“Tự tự” của Thái Sử Công (Tư mã Thiên tự viết bài tựa sách Sử Ký) viết như sau:
    “漢既平中國,而佗能集楊越以保南藩,納貢職。作南越列傳第五十三” . Nhà Hán đã bình được Trung quốc, mà Triệu Đà biết chiêu tập được bọn Dương Việt để bảo vệ bờ cõi phía Nam, chịu nạp cống lễ. [9]
    3.4. Sách Thông Điển của Đỗ Hữu (801) thời Đường có nhắc đến chuyện phương Nam có nước Việt khác nhưng không phải nước Việt dòng Hạ Thiếu Khang. Đỗ Hữu cũng cho rằng không thể quy kết tất cả Bách Việt đều là dòng dõi Hạ Thiếu Khang được [10 ].
    Như vậy trong quan niệm của người Trung Quốc thì tộc Việt Kinh hay Bách Việt không chỉ bắt nguồn từ dòng dõi Hạ Thiếu Khang của nước Ư Việt. Quan niệm của Chu Hy, Âu Đại Nhậm, Khuật Đại Nguyên (cả 3 người đều ở Hoa Nam) chỉ có từ thế kỷ 12, trong hoàn cảnh nhiều người Việt ở Hoa Nam bị đồng hóa. Họ muốn nhận nguồn gốc Hạ Thiếu Khang có thể do họ không muốn bị coi là có nguồn gốc man di, mọi rợ.
    Tác giả Hà Văn Thùy viết rằng: “Sách (sử ký) cũng ghi, khi Việt bị Sở diệt, dân nước Việt chạy xuống Bắc Việt Nam, tạo nên dân cư Việt Nam” cũng là không chính xác.
  4. Tác giả cho rằng: “ Sang thế kỷ mới, khi khảo cứu nhiều di chỉ khảo cổ trên đất Trung Hoa như Lương Chử (Chiết Giang), Giả Hồ (Hà Nam), Ngưỡng Thiều (Sơn Tây), các nhà khảo cổ học phát hiện chủ nhân các văn hóa này đều là người Lạc Việt, mang mã di truyền O3-M122” là không chính xác.
    Cho tới nay, vẫn chưa có nhà khảo cổ Trung Quốc hay quốc tế khẳng định các văn hóa Giả Hồ, Ngưỡng Thiều trên đều là người Lạc Việt. Văn hóa Lương Chử cũng chưa tìm được mẫu DNA cổ có nhóm đơn bội O3-M122.
    Mã di truyền O3-M122 tác giả đề cập đến là nhóm đơn bội Y-DNA được truyền theo dòng cha. Nhóm đơn bội O3-M122 xuất hiện ở Đông Á cách đây khoảng 30.000 năm, không đặc trưng cho dân tộc vì nhiều dân tộc khác nhau, thuộc các chủng tộc khác nhau cũng có nhóm đơn bội này [11] (hình 1).
    Để xác định nguồn gốc dân tộc, nhân học phân tử thường sử dụng SNPs trên toàn hệ gen [12]. Việc xác định hình thái sọ não cũng không giúp xác định thành phần dân tộc (ethnicity) mà chỉ có thể giúp xác định một cách tương đối các chủng tộc (race).
    Việc cho rằng tộc Việt hình thành từ 70.000 hay hầu hết cư dân Đông Á đều thuộc tộc Việt là không có cơ sở khảo cổ, di truyền học, ngôn ngữ học.
  5. Tác giả Hà Văn Thùy nhầm lẫn giữa các khái niệm chủng tộc (race), dân tộc mang hàm nghĩa quốc gia (nation) và dân tộc mang hàm nghĩa tộc người (ethnicity).
    Một chủng tộc (race) thường dùng để chỉ một nhóm người có chung các đặc trưng về thể chất [13]. Các đặc điểm thể chất thường dùng để phân loại chủng tộc là màu da, hình thái sọ não, đặc tính khuôn mặt, màu tóc.
    Khái niệm dân tộc (nation) mang hàm nghĩa quốc gia để chỉ một một cộng đồng người người được hình thành trên cơ sở của một chung ngôn ngữ , lãnh thổ, lịch sử, dân tộc, hoặc chung văn hóa. Khái niệm dân tộc mang hàm nghĩa quốc gia có tính chính trị [14].
    Khái niệm dân tộc mang hàm nghĩa tộc người (ethnic group hay ethnicity) là một nhóm người được đặt tên dựa trên nhận thức về kinh nghiệm xã hội được chia sẻ hoặc kinh nghiệm của tổ tiên. Các thành viên của nhóm dân tộc tự coi mình là người có chung truyền thống văn hóa và lịch sử để phân biệt với các nhóm khác [15].
    Tộc Việt được hiểu là dân tộc mang hàm nghĩa tộc người (ethnic group hay ethnicity).
    Khi cho rằng người Việt là người mang nhóm bội đơn O3-M122 thì tác giả Hà Văn Thùy đang coi tộc Việt là tên của 1 nhóm đơn bội (halogroup). Khi cho rằng người Việt là người người Australoid hay người Mongoloid phương Nam thì tác giả đang cho rằng người Việt là tên của 1 chủng tộc (race). Các cách đặt tên nhóm đơn bội hay chủng tộc của tác giả Hà Văn Thùy là không có cơ sở khoa học và có thể gây khó hiểu cho nhiều người.
    Việc cho rằng dân tộc Việt là dân tộc (nation) mang hàm nghĩa quốc gia cũng không phù hợp. Trong thời Bắc thuộc, dù nước ta bị xâm chiếm nhưng vẫn tồn tại dân tộc Việt. Hiện nay người Việt (Kinh) có thể ở các quốc gia khác nhau và có các quốc tịch khác nhau nhưng vẫn tự nhận chung 1 dân tộc.

    Tóm lại, việc tìm hiểu các danh xưng của tộc Việt cổ cần được nghiên cứu nhiều hơn trên cơ sở các phương pháp đa ngành. Các dân tộc trong quá khứ có quá trình liên kết rồi phân tách bởi vậy cần tìm hiểu nội hàm các danh xưng theo thời gian và phân bố trong không gian. Tuy nhiên việc cho rằng các dân tộc Đông Á đều là tộc Việt từ thời đồ đá cũ là không có cơ sở khoa học.

Tài liệu tham khảo
[1] Hà Văn Thùy (2020). Về nội hàm các danh xưng ‘Bách Việt’, ‘Lạc Việt’, ‘dân tộc Việt’. Dự án nghiên cứu quốc tế.
http://nghiencuuquocte.org/…/bach-viet-lac-viet-dan…/
[2] Nguyễn Trần Hoàng (2020). Cần khoa học khi nhận định về nguồn gốc dân tộc Việt. Dự án nghiên cứu quốc tế.

http://nghiencuuquocte.org/…/can-khoa-hoc-khi-nhan…/
[3] Nguyễn Hải Hoành (2020). Bàn thêm về nước Nam Việt của Triệu Đà và lịch sử Việt Nam. Dự án nghiên cứu quốc tế.
http://nghiencuuquocte.org/…/ban-them-ve-nuoc-nam-viet…/
[4] Lã Bất Vi (chủ biên) (239 TCN). Lã Thị Xuân Thu.
https://ctext.org/lv-shi-chun-qiu/zh…
[5] Âu Đại Nhậm(thời Minh). Bách Việt Tiên Hiền Chí.
https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=718770
[6] Chu Hy (thời Tống). Chu Tử Loại Ngữ. https://ctext.org/zhuzi-yulei/134/zh
[7] Khất Đại Quân (thời Thanh). Quảng Đông Tân Ngữ.
https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=654087
[8] Tư Mã Thiên (thời Hán). Sở thế gia. Sử Ký.
http://www.guoxue.com/book/shiji/0040.htm…
[9] Phan Anh Dũng (2020). Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử. Tạp chí văn hóa Nghệ An.
http://www.vanhoanghean.com.vn/…/13730-khao-sat-ten-goi…
[10] Đỗ Hữu (thời Đường). Thông Chí.
https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=404218
[11] Shi, H., Dong, Y. L., Wen, B., Xiao, C. J., Underhill, P. A., Shen, P. D., … & Su, B. (2005). Y-chromosome evidence of southern origin of the East Asian–specific haplogroup O3-M122. The American Journal of Human Genetics, 77(3), p. 408-419.
https://www.sciencedirect.com/…/pii/S0002929707630213
[12] Hughes, A. L., Welch, R., Puri, V., Matthews, C., Haque, K., Chanock, S. J., & Yeager, M. (2008). Genome-wide SNP typing reveals signatures of population history. Genomics, 92(1), p. 1-8.
[13] Barnshaw, John (2008). “Race”. In Schaefer, Richard T. (ed.). Encyclopedia of Race, Ethnicity, and Society, Volume 1. SAGE Publications. pp. 1091–3
[14] James, Paul (1996). Nation Formation: Towards a Theory of Abstract Community. London: Sage Publications
[15] People, James; Bailey, Garrick (2010). Humanity: An Introduction to Cultural Anthropology

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *