Thiên lệch giới tính trong trò chơi điện tử

Những trò chơi điện tử thời kỳ đầu, ví dụ như Pong, Breakout hay Space Wars có xu hướng dành cho cả hai giới, không mang màu sắc phân biệt giới tính. Thậm chí, vào thời điểm ban đầu này, các trò chơi điện tử phần lớn đều được quảng cáo là dành cho cả gia đình cùng chơi. Tới năm 1983, các nhà phát hành đã trở nên tham lam và tung ra thị trường một loạt những trò chơi có chất lượng thấp trên nền tảng Atari 2600 (I want my mommy, Lost a luggage, ET, v.v.) Điều này khiến cho hầu hết những người trưởng thành không còn hứng thú nữa, và khiến cho thị trường trò chơi điện tử suýt bị sụp đổ (đây còn gọi là cuộc khủng hoảng trò chơi điện tử 1983).
Năm 1985, Nintendo cho ra mắt nền tảng chơi game Nintendo Entertainment System (NES), và họ đã phải đề ra một chiến lược để đương đầu với cuộc khủng hoàng này. Thay vì bán NES ở khu vực đồ điện tử trong các trung tâm thương mại, Nintendo đã chọn các quầy hàng đồ chơi. Tuy nhiên, ở các quầy đồ chơi này, một vấn đề khác đã tồn tại từ lâu: các mặt hàng ở đây được phân chia rạch ròi cho trẻ nam và nữ. Vậy là Nintendo phải đưa ra một lựa chọn, họ đã chọn quầy đồ chơi cho các cậu bé. Và từ đó họ cũng đưa ra những chiến dịch quảng cáo lớn nhắm vào đối tượng khách hàng là trẻ em nam.
Sau sự thành công của nền tảng NES, các nhãn hiệu khác cũng theo chân Nintendo và sản xuất ra những trò chơi dành riêng cho trẻ em nam, cũng như liên tục quảng cáo nhắm tới đối tượng này. Vậy là sau hàng thập kỷ với các chiến dịch marketing như vậy, giờ thì trò chơi điện tử được mặc định cho là dành riêng cho nam giới. Sẽ ra sao nếu ngày đó Nintendo quyết định bày bán NES ở quầy đồ chơi nữ? Nếu thế thì hẳn là các quán net ngày nay sẽ được sơn toàn màu hồng và treo đầy gương soi để chị em tút tát lại makeup sau mỗi trận game nảy lửa?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *