THỔ NHĨ KỲ TRONG THẾ CHIẾN II – KHI SỰ TRUNG LẬP CŨNG CÓ CÁI GIÁ CỦA NÓ

Có thể nói trong thế chiến thứ 2, câu chuyện của Thổ Nhĩ Kỳ là một câu chuyện đặc biệt. Nằm ở vị trí chiến lược giữa 2 châu lục Á-Âu, được chèo kéo bởi cả phe Trục và phe Đồng Minh, việc quốc gia này giữ được sự trung lập cho đến khi cuộc chiến tàn cuộc gần như là một phép màu. Tuy vậy, để đổi lấy sự trung lập, đất nước này cũng phải trả một cái giá khá đắt, cả về mặt kinh tế cũng như chính trị.
· Bối cảnh:

  • Trước thế chiến thứ 2, vị thế của Thổ Nhĩ Kì có thể nói là tệ hại về nhiều mặt:
  • Đất nước này vừa trải qua một giai đoạn dài chiến tranh và xung đột. Từ năm 1875 (cuộc nổi loạn ở Herzegovina) đến năm 1937 (cuộc nổi loạn Dersim của người Kurd với giới tăng lữ Hồi giáo), không năm nào nước Thổ không chứng kiến chiến tranh hay nổi loạn;
  • Quân đội Thổ Nhĩ Kì vừa mới được xây dựng lại sau chiến tranh giành độc lập thành công (1923), trong trạng thái thiếu thốn vũ khí trầm trọng. (Đến năm 1940, chính phủ Anh nhận được báo cáo là quân Thổ đang thiếu súng đạn và cần được cấp 150.000 khẩu súng; chỉ có một nửa không quân nước này được trang bị máy bay hiện đại vào năm 1937, hải quân thì các tàu lớn như tuần dương chiến tuyến Yavuz chủ yếu được đóng từ trước khi nền Cộng hòa thành lập (1923)).
  • Nền kinh tế của đất nước này mới được hiện đại hóa phần nào dưới thời Atatürk, không thực sự phù hợp để duy trì trang bị cho quân đội trong chiến tranh hiện đại. Đặc biệt nước này còn phải chịu gánh nặng về nợ từ thời Ottoman (khoản nợ cuối cùng chỉ được thanh toán hết vào năm 1953).
    Có thể nói, Thổ Nhĩ Kì vào thời điểm này không hề sẵn sàng về mọi mặt trong trường hợp phải tham chiến trong thế chiến. Chính vì lẽ đó nên trong thế chiến II, chính sách của giới lãnh đạo nước này là giữ quốc gia tránh xa khỏi cuộc chiến càng lâu càng tốt (cũng là nhằm tuân theo lý tưởng “hòa bình tại gia, hòa bình trên toàn thế giới” của người cha lập quốc, Mustafa Kemal Atatürk).
    · Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế chiến II:
    Để đảm bảo Thổ Nhĩ Kì có thể đứng ngoài cuộc xung đột trong cuộc thế chiến, chính phủ nước này dưới sự lãnh đạo của tổng thống Ismet Inonu đã tiến hành hàng loạt biện pháp quyết liệt:
  • Quân sự:
  • Chính phủ của nước này đã ra lệnh tổng động viên, huy động gần 2 triệu người dân nước này vào quân đội. (Dân số Thổ Nhĩ Kì đương thời là khoảng hơn 17 triệu người, điều đó có nghĩa là phần lớn nam giới trong độ tuổi lao động của quốc gia này buộc phải tòng quân.) Điều này dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về sản lượng của hầu hết các ngành kinh tế trong nước, khiến cho đời sống nhân dân khó khăn.
  • Đồng thời, một phần khá lớn ngân sách quốc gia cũng được dành để đầu tư cho mở rộng quân đội: đến cuối chiến tranh, cả lục quân, không quân và hải quân nước này đều được trang bị bởi vũ khí từ cả Anh, Mỹ và Đức QX. Cùng với đó, hệ thống phòng tuyến của nước này cũng được cải tạo,nổi bật nhất là phòng tuyến Çakmak ở vùng Thrace, gần biên giới với Bulgaria (chống nguy cơ xâm lược từ Đức).
    => 2 điều này kết hợp với địa hình hiểm trở và diện tích lãnh thổ rộng lớn của nước này (gần 800.000 km2) khiến việc xâm lược nước này trở nên hết sức khó khăn với bất kì phe nào.
  • Kinh tế:
  • Thổ Nhĩ Kì thời điểm này tiến hành huy động nền công nghiệp quốc gia nhằm phục vụ sản xuất thời chiến. Việc này lại không thực sự tương thích với mô hình kinh tế của nước này đương thời (etatism: có thể coi là một hỗn hợp giữa mô hình kinh tế nghiệp đoàn của Ý, tư tưởng tự do của Anh và nền kinh tế kế hoạch của LX). Điều này dẫn đến việc nước này buộc phải phá giá đồng nội tệ (lira), khiến nền tài chính trở nên bất ổn.
  • Để kêu gọi nhân dân đóng góp cho nỗ lực phòng thủ đất nước, chính phủ Thổ áp một loại thuế mới là thuế tài sản (Varlik Vergisi), trong đó mọi người dân đều phải đóng góp, nếu không sẽ bị buộc phải đi lao động cưỡng bức ở vùng núi Kavkaz (nơi được miêu tả là “mùa đông lạnh hơn Moscow” ). Phần lớn doanh nhân không theo đạo Hồi (người Armenia, Hy Lạp,…) bị buộc phải đóng thuế rất nặng, dẫn đến nhiều người cho rằng là thuế này không khác gì thuế ngoại đạo (jizya) mà chính quyền Ottoman áp lên họ trước đây. Cuối cùng, sự phản đối quyết liệt từ Anh và Mỹ buộc nước này phải từ bỏ chính sách trên vào năm 1944.
  • Ngoại giao: Giai đoạn này chính sách của Thổ cũng có thể coi là chính sách cây sậy, xoa dịu tất cả các bên trong khi cố gắng hưởng lợi từ sự trung lập:
  • Với phe Trục: Giai đoạn đầu cuộc chiến, khi phe Trục thắng thế ở châu Âu, Thổ Nhĩ Kì liền kí hiệp ước hữu nghị với Đức QX (18/6/1941), trong đó nước này đồng ý tham gia vào hiệp ước chống Quốc tế cộng sản của Đức trước đó, đồng thời đẩy mạnh thương mại với Đức (bán khoáng sản như crom, bởi nước này là một trong những nguồn crom quan trọng nhất của Đức). Đổi lại Đức QX buộc phải bảo đảm nền độc lập của nước này và cung cấp trang bị cho lực lượng vũ trang Thổ. Quan hệ Đức-Thổ sau đó nhìn chung ổn định, cho đến khi TNK chấm dứt xuất khẩu crom sang Đức đầu năm 1944 và tuyên chiến với Đức tháng 2 năm sau đó.
  • Với phe Đồng Minh phương Tây: ngay từ trước cuộc chiến, chính sách của TNK nghiêng về Anh-Pháp; Inonu từng tuyên bố trước khi hiệp ước Molotov-Ribbentrop được kí là một liên minh Anh-Pháp-Xô-Thổ sẽ có hiệu quả cao nhất trong việc bảo đảm hòa bình cho châu Âu. Tuy vậy đến khi Đức thắng thế, TNK liền khước từ tham gia Đồng Minh và không hỗ trợ cho Hy Lạp khi nước này bị tấn công (dù 2 quốc gia nằm trong khối liên minh Balkan). Churchill và Roosevelt từng cố gắng nhiều lần để lôi kéo nước này tham chiến, nhưng đều vô ích (ai đọc nhật kí Anne Frank đều có thể nhận ra khoảnh khắc thất vọng của gia đình cô bé khi nghe tin Thổ không tham chiến đầu năm 1943). Chỉ đến khi thế trận xoay chiều hẳn vào năm 1944 và lời đe dọa của phe Đồng Minh là không cho các nước trung lập vào LHQ khi cuộc chiến kết thúc thì Thổ mới tham chiến năm 1945, nhưng không hề đưa binh lính ra trận.
  • Với Liên Xô: Khác với các nước Đồng Minh phương Tây, Liên Xô vẫn giữ tham vọng lãnh thổ với Thổ Nhĩ Kì trong giai đoạn này (trong đề nghị của Stalin vào năm 1940 nhằm xây dựng liên minh với Đức QX có đoạn Thổ Nhĩ Kì buộc phải cho Liên Xô thuê đất làm căn cứ trên 2 eo biển Bosphorus và Dardanelles, cùng với đó là các tuyên bố hậu chiến của Liên Xô về lãnh thổ). Điều này buộc TNK phải tiến hành chính sách mềm dẻo với Liên Xô: tuy duy trì hiệp ước bất tương xâm với nước này đã kí từ năm 1925, nhưng họ cũng sẵn sàng hợp tác với Đức QX và sau này, khi hết thế chiến, với Anh-Mỹ nhằm bảo vệ nền độc lập của mình.
    · Hệ quả:
    Các chính sách linh động trên của chính phủ Thổ Nhĩ Kì đã có đóng góp to lớn cho việc quốc gia này giữ được sự trung lập trong phần lớn thế chiến II. (Có một giai thoại kể rằng khi mà tổng thống nước này (Ismet Inonu) ra ngoài đường thì ông bắt gặp một đứa trẻ đang than phiền rằng việc cha của nó phải đi lính đã khiến cho nó không có bánh mì ăn. Thấy vậy, ông ấy đã nói với đứa trẻ rằng: “Tuy ta khiến con không thể có bánh mì ăn, nhưng ta đã không khiến con phải mất cha”.)
    Tuy nhiên, chính Thổ Nhĩ Kì cũng phải trả một cái giá khá đắt về mặt kinh tế cũng như chính trị. Các chính sách huy động nền kinh tế cũng như là thuế tài sản đầy tranh cãi trên khiến cho nền kinh tế của quốc gia này rơi vào khủng hoảng trong cuộc chiến. Điều này khiến cho sự bất bình trong lòng dân chúng gia tăng, và đến năm 1950, đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) thống trị đất nước từ khi nền Cộng hòa thành lập đã bị đánh bại bởi đảng Dân chủ (DP) của các lực lượng bảo thủ vùng Anatolia. Thể chế độc đảng của quốc gia này bị buộc phải nhường cho thể chế đa đảng.
  • Nguồn: tổng hợp từ Wikipedia, ngoài ra từ một số nguồn tham khảo khác:
    -Role of the Wealth Tax Law in the Turkish national bourgeoisie formation process, Enis Kobal;
  • Another Section of the Çakmak Line of Defense in Çatalca Surfaced, Governorship of Istanbul: http://en.istanbul.gov.tr/another-section-of-the-cakmak…
  • Turkish Navy: https://www.naval-encyclopedia.com/ww2/turkish-navy;
    -Quora, Why didn’t Turkey join the Axis in World War II?, https://www.quora.com/Why-didnt-Turkey-join-the-Axis-in…(trả lời bởi Ahmet Faruk Öztürk);
  • Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế III, William Shirer.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *