VỆ SINH MŨI – GÓC NHÌN TOÀN CẢNH!

PHÂN BIỆT GIỮA VỆ SINH MŨI VÀ “VỖ RUNG LÍ LIỆU PHÁP”

  • Vì nhiều mẹ còn chưa phân định rõ ràng giữa 2 kĩ thuật này, nên cần làm rõ.
  • Vệ sinh mũi tức là rửa trôi dịch mũi khỏi khoang mũi xoang bằng các dịch rửa. Chỉ vậy thôi. Và mẹ có thể làm được.
  • Vỗ rung liệu pháp (chest therapy) là tổ hợp các kĩ thuật chuyên nghiệp để “long đờm” trong PHỔI, tổng đờm ra đường thở và kích thích ho để đẩy đờm ra ngoài. Đây là kĩ thuật khó, phải là dân chuyên mới làm được, chứ không phải dễ làm như video. Hơn nữa, có thể hình dung rằng, nếu vỗ rung là để long – tống – đẩy đờm ở phổi ra ngoài, thì tức là áp dụng khi viêm đường hô hấp DƯỚI (viêm phế quản, viêm phổi…) – khi đó phổi mới có “đờm” – chứ đâu phải dùng cho viêm mũi họng đâu.
    🤷🏻‍♂️ VỖ RUNG – CHƯA THỐNG NHẤT VỀ QUAN ĐIỂM GIỮA CÁC NƯỚC
  • Nhân tiện nói đến vỗ rung, thì quan điểm của hai cường quốc Pháp (gọi là kinésithérapie), Mỹ (chest therapy) cũng khác nhau, kĩ thuật cũng khác nhau luôn.
  • Còn tranh cãi nhiều lắm về mặt có vỗ hay không vỗ. Và kĩ thuật vỗ – rung – “ép đờm” – kích thích ho là rất khó và nguy hiểm. KHÔNG tự bắt chước ở nhà. Ví dụ: đang ép đờm con ộc nôn ra – không có máy hút tốc độ cao và đồ cấp cứu như ở viện thì khác nào sặc sữa mà ngưng thở.
  • Còn vệ sinh mũi thì rõ ràng là có lợi trong điều trị và là một phần quan trọng trong trị một số bệnh như viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa…
    Vậy là rõ ràng vấn đề vỗ rung KHÁC với vệ sinh mũi rồi nhé!
    😪 CÁCH PHƯƠNG PHÁP VỆ SINH MŨI HIỆN CÓ
  • Dù có vô số đồ bán trên thị trường, nhìn chung chúng gồm 4 loại sau:
  • Ít nước – lực nhẹ (nhỏ mũi)
  • Ít nước – lực mạnh (lọ xịt)
  • Nhiều nước – lực nhẹ (chỉ dựa vào trọng lực, nghiêng đầu cho nước chảy: bình rót qua mũi cổ điển – neti pot, bơm xilanh nhẹ tay không núm, bóng bóp tay)
  • Nhiều nước – lực mạnh (bình bóp như kiểu Dr. Green, bơm xilanh mạnh tay – có núm)
  • Chưa đủ thử nghiệm trên trẻ em, nên không biết cái nào là tối ưu nhất cả.
  • Phổ biến nhất bây giờ là dùng xi lanh, vậy có hiệu quả và an toàn?
    🚿 NẾU DÙNG XI LANH BƠM RỬA MŨI:
  • Nhiều hạn chế bất lợi
  • Nếu không có nút silicon, thì lại dễ xây xước niêm mạc và tiếp xúc đầu xi lanh – lỗ mũi hở nhiều, mất áp lực và chảy mất dịch, vì thế giảm hiệu quả.
  • Nếu có nút silicon ở đầu xilanh, thì áp lực đạt – nhưng có lúc lại CAO QUÁ, dù chưa có nghiên cứu quan sát nào, nhưng nguy cơ tăng áp lực để dịch mũi lên vòi nhĩ gây viêm tai sẽ cao hơn.
  • 10 lần làm, 9 lần đúng, 1 lần sai – mạnh quá: cũng có thể góp phần làm con có thêm biến chứng.
  • Nghiên cứu hiếm hoi trên trẻ em thì có bác dùng xilanh bơm nhẹ 2,5 mL mỗi bên mũi x 3-4 lần mỗi ngày; có bác thì xịt phun sương 4-6 lần mỗi ngày; có bác lại bơm 20 mL mỗi bên mũi x 2 lần mỗi ngày. Chưa có ai tìm ra cách vệ sinh mũi tối ưu nhất.
    💁🏻‍♂️ QUAN ĐIỂM HIỆN TẠI CỦA BS. MON VÀ CỘNG SỰ:
    Với các bằng chứng hiện có, chúng tôi đang áp dụng cơ chế sau vào lựa chọn cách vệ sinh mũi:
    1️⃣ Thông thoáng trước: Để vệ sinh mũi hiệu quả tối đa và ít biến chứng (viêm tai, dư dịch trong các xoang), ta cần THOÁNG MŨI (bằng xì mũi hoặc hút mũi sơ sơ trước hoặc nhỏ thuốc mũi được kê đơn) trước khi XỊT – NHỎ – BƠM mũi – rồi sau đó hút sạch bằng dụng cụ hoặc máy. Vì khi đó: các cuốn mũi là thông thoáng nhất, áp lực được cân bằng giữa 2 bên khoang mũi nhất, hiệu quả rửa trôi và dòng dịch rửa lưu thông tốt nhất. Nếu một bên mũi ngạt, tắc đờm, áp lực một bên có thể không cao hơn, nước sẽ tìm chỗ khác để thoát (lên tai).
    2️⃣ Nâng niu, nhẹ nhàng: Không làm trẻ kích động, sợ hãi quá mức vì sẽ làm nguy cơ dịch lên gây viêm tai cao hơn, trẻ sẽ sợ lây sang bác sĩ, sợ hút mũi hơn. Lâu dài là không tốt.
    3️⃣ Lực nhẹ: Không thể kiểm soát được cữ tay bơm, bóp của bố mẹ (nhất là khi chưa quen).
    🛂 PHƯƠNG PHÁP BS. MON ĐANG HƯỚNG DẪN CÁC KHÁCH HÀNG:
    Vì chưa có phương pháp nào được coi là tối ưu nhất ở trẻ em, hiện tại, với bệnh nhân sổ mũi, viêm mũi và viêm tai giữa (viêm tai muốn khỏi thì cần hết chảy mũi), bác sĩ Sơn đang tư vấn như sau:
  • Với trẻ nhỏ (0-6 tháng):
    • Hút sơ sơ nếu nhiều mũi
    • Cho trẻ nghiêng bên, nhỏ mũi (hoặc bóp nhẹ – chậm chai / tép nước muối nhỏ) mỗi bên 2-5mL
    • Sau đó hút sạch mũi luôn
    • Rồi đổi bên.
  • Có thể dùng xịt mũi phun sương (1-2 nhát mỗi bên) nếu trẻ dễ chịu. Nếu trẻ không quen với xịt sương, lại chuyển về nhỏ mũi.
  • Trẻ lớn và hợp tác: dùng bình bóp xịt nhẹ nhàng với nhiều dịch rửa. Vẫn có thể nhỏ mũi và xịt mũi phun sương.
  • Người lớn: dùng loại gì cũng được.
    💁🏻‍♂️ CÁC CHÚ Ý LẶT VẶT KHÁC:
  • Xì mũi không được bịt một bên mũi.
  • Không dùng xi lanh để bơm rửa. Bác sĩ vẫn nói: hãy quên ngay động tác “bơm” đi. Trừ khi trẻ cực kì hợp tác và đã quen.
  • Nếu bác sĩ kê đơn có thuốc thoáng mũi (Otrivin, Mucome) thì nhỏ thoáng mũi trước rồi mới nhỏ – hút mũi. Sau khi vệ sinh sạch thì xịt các loại chống viêm, kháng khuẩn.
  • Không cố làm nếu trẻ khóc, la hét. Không làm trẻ sợ hãi, ám ảnh, sẽ khổ lâu dài.
  • Có thể mua máy hút nếu con hay bị viêm đường hô hấp trên, kinh nghiệm là cứ mua hàng Tàu cho khoẻ.
    🌀 Trên đây là chia sẻ của bác sĩ Mon về vấn đề vệ sinh mũi dựa trên quan điểm, tìm hiểu y văn của bác sĩ. Đây là phương pháp đang được mình cho là phù hợp cho bố mẹ áp dụng ở nhà, chỉnh sửa dần qua quá trình tư vấn và điều trị cho các bạn nhỏ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *