Mình đã viết về vấn đề mà nhiều người làm như một thói quen và mặc nhiên tự tin là đúng này, thậm chí lên cả tư vấn trực tuyến để nói. Dưới 2 tuổi (tuổi còn bú mẹ) thì không nên dùng xi lanh để rửa mũi cho con vì:
- Rất dễ làm dịch trào lên tai giữa gây viêm tai giữa.
- Rất dễ gây sặc ở trẻ nhỏ
- Tạo tâm lý sợ hãi cho trẻ, rồi sau này cứ giơ cái gì trước mặt trẻ là trẻ lại khóc ré lên trốn đi
Vấn đề mình phải hiểu thế này:
👉 Hành động rửa là hành động dùng nhiều và mạnh chất lỏng để cuốn trôi chất bẩn. Mũi nhiều thì em rửa mũi. Nghe cũng có lý. Nhưng lại không hợp lý chút nào. Tuổi nào thì nên rửa mũi, tuổi nào thì không. Tình trạng nào thì nên rửa mũi, tình trạng nào thì không. Nhiều vấn đề xung quanh cái mũi lắm.
👉 Mũi trẻ em có đặc điểm là ngắn và nhỏ. Chính vì ngắn và nhỏ như vậy nên dễ bị tắc mũi. Kèm thêm niêm mạc mũi tụi nhỏ khá nhạy cảm. Mùa đông, không khí khô lạnh, thêm tí bụi bẩn của thủ đô ngàn năm văn hiến, niêm mạc bị kích thích và thế là chảy mũi.
👉 Nhiều trẻ chảy mũi ròng ròng, những mũi loãng, có thể chảy ra thì đâu cần phải rửa. Nó có thể tự chảy ra ngoài cơ mà.
💎 Nhưng mũi đặc ? “Con em cứ khụt khịt như con lợn con” => Có cần rửa hay không ?
👉 Trẻ lớn (>2 tuổi), các bạn có thể tự rửa mũi cho con ở nhà.
Nhưng trẻ nhỏ (nhỏ hơn 2 tuổi), các bạn dùng xi lanh rồi đè con ra để bơm như thế, mình không đồng ý. Vì sao ?
Cái tai nó liên quan cái mũi.
👉 Bình thường, tai giữa nối thông với khoang mũi bởi 1 ống. Ống này bình thường thông thoáng. Nhưng khi viêm mũi, thì đầu ra của ống ở khoang mũi có thể bị chèn và tắc, ống này không thoát được các dịch, chất bẩn và thế là “cháu cứ bị mũi xong lại lên tai”.
👉 Ống này ở trẻ nhỏ (< 2 tuổi) thì còn rộng, ngắn và nằm ngang. Thế nên khi các bạn đè nghiêng đầu con ra thì không khác gì các bạn đang đổ nước vào tai con cả. Nếu muốn rửa kiểu vậy, hãy ra phòng khám. Ở đó họ có máy hút liên tục, nước vào mũi bên trên tí nào thì được hút liên tục qua mũi bên dưới tí đó. Còn ở nhà, một là bạn không kiểm soát được lực bơm, hai là bạn hút bằng dụng cụ mũi – miệng của mẹ không phải là hút liên tục, kèm thêm trẻ khóc ré lên, mẹ lại cuống. Đổ nước vào tai con rồi mới bắt đầu hút ra. Không ổn. 👉 Trẻ lớn (> 2 tuổi), ống tai đã dài hơn, hẹp hơn và nằm nghiêng hơn. Việc rửa mũi như kia có thể đỡ nguy cơ hơn. Nhưng nhìn chung vẫn là không ổn.
“Nhưng em rửa mũi cháu xong ra được nhiều mũi lắm” – Đừng lấy việc này làm thành tích, vì trước khi đạt được thành tích này, không biết chuyện gì đã xảy ra đâu 😀
Các bạn có thể sử dụng những thứ áp lực thấp hơn như tép nước muối, nước muối dạng phun sương… để làm loãng dịch mũi rồi hút ra nhẹ nhàng.
Các bạn chỉ sợ tổn thương niêm mạc mũi khi các bạn ra sức hút mà lại chẳng ra gì trong khi đó rõ là nghe tiếng khụt khịt “như con lợn con”. Còn khi dịch mũi đã dễ dàng hút ra thì lại chẳng sợ tổn thương gì cả.
Nhìn chung phải làm mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Phụ nữ và trẻ em có 1 điểm chung là làm gì thì cũng cần nhẹ nhàng các bạn ạ