CÓ THỂ NHẬN THỨC ĐƯỢC “SỬ THỰC” HAY KHÔNG? (Phần 1)

(Nguyễn Đỗ Thuyên)
Tháng 8/2019, trong chương trình Shark Tank Việt Nam, bạn founder của game Sử Hộ Vương từng “gây bão” trên cộng động mạng bởi câu hỏi có vẻ khá “ngược ngạo”: “Trong các anh chị, đã có ai từng nhìn thấy Nguyễn Huệ thật sự chưa?” (*)
Đó cũng là quãng thời gian mà kênh Vlog1977 bắt đầu nổi tiếng, và một trong những clip của họ “Điều gì xảy ra khi cậu Vàng là giống chó Shiba” cũng chứa đựng một câu hỏi tương tự: “Ông đã nhìn thấy cậu Vàng bao giờ chưa?” (**)
Đặt sang một bên những thị phi xung quanh một game thẻ bài lịch sử hay chuyện casting cho vai “cậu Vàng” cho bộ phim chuyển thể từ truyện “Lão Hạc”; thì hai câu hỏi trên thực chất lại là biểu hiện của một trong những khúc mắc lớn nhất trong lý luận sử học: CÓ THỂ NHẬN THỨC ĐƯỢC “SỬ THỰC” HAY KHÔNG?
Trong cuốn sách khá nổi gần đây của Trần Trọng Dương, tác giả trích định nghĩa của Đào Duy Anh (1932) về SỬ THỰC là “những sự thực, những việc xảy ra trong lịch sử”, và cho rằng sử thực là đối tượng cuối cùng mà sử học hướng đến; nhưng “chúng ta không khi nào dám cả quyết về một sử thực tuyệt đối như nó đã từng xảy ra, mà chỉ là những sử thực theo nhãn quan của một số nhóm người nào đó” [1].
Tranh luận về chuyện CÓ THỂ NHẬN THỨC ĐƯỢC “SỬ THỰC” HAY KHÔNG là vấn đề lý luận đã có từ lâu. Hiện tại, xuất phát từ quan điểm “KHÔNG CÓ SỬ THỰC TUYỆT ĐỐI”, đã có rất nhiều người/nhóm người đang kiến tạo nên các sản phẩm liên quan đến lịch sử (sau đây gọi là SỬ PHẨM), mà bất chấp tính đúng sai (so với các sử liệu gốc), thậm chí bỏ qua luôn việc tra cứu lại sử trước khi kiến tạo sử phẩm – dù đó là sách kiểu “kể chuyện lịch sử”, hay đó là game mượn màu sắc lịch sử. “Đằng nào cũng không có sự thật tuyệt đối, vậy sao phải quan tâm đến sử liệu?” – có lẽ họ đã nghĩ như vậy.
Dĩ nhiên, bên cạnh những nhận thức có phần cực đoan đó, những người đọc sử nghiêm túc vẫn có một băn khoăn rất chính đáng, đó là NẾU KHÔNG THỂ NHẬN THỨC ĐƯỢC SỬ THỰC, vậy thì còn đọc sử làm gì? Biết tin vào ai/cái gì? Trong hai kỳ của bài viết này, mình thử tìm tòi một vài tài liệu về các trường phái sử học xưa nay nhằm cố gắng trả lời câu hỏi này.
1 – (i) CHỦ NGHĨA THỰC CHỨNG & (ii) TRƯỜNG PHÁI PHƯƠNG PHÁP
Theo Odanaka Naoki [2], lập trường tư duy cho rằng [Nếu tiến hành phê phán sử liệu dựa trên lý luận sử liệu chặt chẽ thì sẽ đạt được nhận thức đúng đắn] được gọi là “Chủ nghĩa thực chứng”. Những người theo Chủ nghĩa thực chứng “luôn cho rằng tôn trọng tính khách quan là vấn đề được đặt lên hàng đầu” [3].
Đi vào cụ thể, một trong các nhóm gần với Chủ nghĩa thực chứng chính là các sử gia của “trường phái Phương pháp” – trường phái đã xuất hiện và tồn tại ở Pháp suốt giai đoạn Đệ tam Cộng hòa [4]. Trường phái này muốn cách ly hoạt động nghiên cứu khoa học khỏi các tư biện triết học nhằm đạt tính khách quan tuyệt đối trong lĩnh vực sử học. Để đạt tới mục đích, họ áp dụng những kỹ thuật chính xác để xử lý tài liệu, phê phán sử liệu cũng như (xử lý và phê phán – Thuyên chú thích) mọi công đoạn làm sử.
Có ít nhất hai đặc điểm chính khi nói về trường phái Phương pháp.
THỨ NHẤT, trường phái Phương pháp – đúng như tên gọi của nó – có sự “sùng bái” nhất định vào phương pháp và nguồn tư liệu thành văn (điều mà sau này sẽ bị phản bác mạnh mẽ nhờ sự bổ sung đáng kể các nguồn tư liệu khác ngoài nguồn “bút ký”). Các sử gia của trường phái này tin tưởng rằng CÓ THỂ NHẬN THỨC ĐƯỢC SỬ THỰC nếu áp dụng nghiêm ngặt các nguyên tắc về xử lý và phê phán sử liệu. Những đại diện tiêu biểu như Langlois và Seignobos coi “lịch sử chỉ là sự vận dụng các tài liệu” [5].
Vì rất coi trọng sử liệu nên đóng góp lớn có thể kể đến của trường phái này chính là đã đặt ra các quy chuẩn về phê phán sử liệu, chẳng hạn các nguyên tắc của “Phê phán sử liệu bên ngoài” và “Phê phán sử liệu bên trong” (khái niệm mà Nguyễn Phương (1964) gọi là “Khảo chứng ngoại” và “Khảo chứng nội” [6]).
THỨ HAI, các sử gia của trường phái Phương pháp tin rằng KHOA HỌC THỰC CHỨNG CÓ THỂ ĐẠT ĐẾN KHÁCH QUAN VÀ NHẬN THỨC CHÂN LÝ CỦA LỊCH SỬ [7]. Nhiều nhân vật quan trọng của trường phái này như Monod, Seignobos… áp dụng triệt để các nguyên tắc được đưa ra bởi sử gia người Đức Leopold Von Ranke như:
+ “Không có sự phụ thuộc nào giữa chủ thể nhận thức (nhà sử học) với đối tượng nhận thức (sự kiện lịch sử). Bằng việc giả định là nhà sử học thoát ra khỏi mọi khuôn phép xã hội; nó cho phép nhà sử học trở thành vô tư trong tri giác của mình trước các sự kiện”.
+ “Nhà sử học ghi lại các sự kiện một cách bị động, giống như tấm gương phản chiếu hình ảnh của một đối tượng, giống như một chiếc máy ảnh ấn định đúng dáng, vẻ của một phong cảnh”. [8]
Ở đây, Ranke đã áp đặt các giả định rằng sử gia HOÀN TOÀN KHÁCH QUAN trong việc ghi lại sự kiện – “Nhà sử học không có phận sự phán xét quá khứ và cũng ko phải để giáo dục cho những người cùng thời với mình; mà đơn giản là trình bày, thuật lại, phân tích cái đã qua một cách thực sự” [9]. Ông cũng cho rằng “Nhiệm vụ của sử gia là tập hợp một số lượng sự kiện vừa đủ, dựa trên những tài liệu chắc chắn, từ những sự kiện này, từ chính nó, câu chuyện lịch sử được thiết lập, chính lịch sử tự giải thích tất cả” [10]. Vai trò của sử gia của trường phái Thực chứng, vì vậy “chủ yếu là hiểu và giải thích, chứ không phải khen ngợi hay lên án” [11].
2 – NHỮNG Ý KIẾN PHẢN ĐỐI TRƯỜNG PHÁI THỰC CHỨNG: (i) “THUYẾT HIỆN DIỆN”, (ii) “TRƯỜNG PHÁI BIÊN NIÊN” VÀ (iii) “CHỦ NGHĨA CẤU TRÚC”
Thuyết hiện diện” xuất hiện chủ yếu tại Anh và Mỹ giai đoạn 1930 – 1940 có quan điểm trái ngược với trường phái Thực chứng khi cho rằng một nhà sử học sẽ không bao giờ “bị động”, mà sẽ luôn tích cực và sáng tạo.
Charles Oman trong cuốn “On the writing of history” khẳng định: [SỬ HỌC KHÔNG PHẢI LÀ MỘT KHOA HỌC HOÀN TOÀN KHÁCH QUAN, SỬ HỌC LÀ CÁCH MÀ SỬ GIA XỬ LÝ VÀ XẾP ĐẶT MỘT LOẠT CÁC SỰ KIỆN VÀO TRONG MỐI QUAN HỆ” [12]. George Collingwood khi viết cuốn “The idea of history” cũng cho rằng trong các khối sự kiện lịch sử, các sử gia sẽ tiến hành một sự lựa chọn có suy nghĩ; vì vậy, quá trình miêu tả quá khứ này sẽ phụ thuộc vào hiện tại [13].
Trường phái Biên niên” – trong quá trình vận động nghiên cứu theo hướng bỏ qua sự kiện đơn lẻ mà tập trung vào chuỗi thời gian dài – cũng phần nào cho thấy quan điểm ngược lại với trường phái Thực chứng.
Về mặt sử liệu, phái Biên niên đề nghị không nên chỉ câu nệ sử dụng sử liệu dạng bút ký, mà có thể mở rộng ra các tư liệu của khảo cổ học, nghệ thuật, cổ tiền học… [14].
Về tính khách quan của nhận thức lịch sử, mặt dù cùng chia sẻ ý định đạt tới sự hiểu biết khách quan với phái Thực chứng, nhưng phái Biên niên (đại diện tiêu biểu như Marc Bloch) cũng có quan điểm khá gần với “thuyết Hiện diện” khi cho rằng “Phải hiểu quá khứ từ hiện tại” [15]. Ảnh hưởng của “hiện tại” đến nhận thức về quá khứ được Lucien Febvre nhấn mạnh rõ hơn: “Nhà sử học… xuất phát khi luôn có trong đầu ý đồ rõ ràng, các vấn đề cần làm rõ, các giả thuyết cần phải kiểm chứng. Từ những lí do như thế mà LỊCH SỬ QUẢ THẬT LÀ SỰ CHỌN LỰA” [16].
Những người tin vào “Chủ nghĩa cấu trúc” diễn giải rõ hơn sự đối nghịch quan điểm với phái Thực chứng. Theo Lévi Strauss, “Lịch sử được tiến hành qua sự trừu tượng và qua sự lựa chọn các sự kiện lịch sử (vốn được định nghĩa là vô hạn), và biến thành vô số các hiện tượng cá nhân. Nhà sử học phải lựa chọn để tránh khỏi bị lộn xộn với những phân tích vô cùng phân tán chạy theo những số phận riêng biệt” [17]. Bởi vì mỗi con người đều thuộc về một thời đại/địa phương/tập đoàn xã hội (bối cảnh) nhất định và chịu sự tác động từ bối cảnh ấy đến cách cảm nhận, lối suy nghĩ; cho nên trong phần lớn trường hợp, chúng ta đều nhìn/cảm nhận/suy nghĩ MỘT CÁCH CÓ LỰA CHỌN về những sự vật xảy ra trong bối cảnh ấy. Theo Uchida Tatsuru, “những sự vật bị tập đoàn xã hội (mà bản thân ta nằm trong đó” loại bỏ đi một cách vô thức, thường sẽ không lọt vào tầm nhìn của ta. Vì thế nó cũng không chạm vào cảm nhận của chúng ta và cũng không trở thành chủ đề tư duy của chúng ta” [18].
3 – TẠM KẾT
Chúng ta đã thấy được Chủ nghĩa thực chứng đã bị phản đối như thế nào vào thế kỷ 20. “Sử thực” đứng trước nguy cơ không thể được nhìn nhận một cách khách quan. Liệu có thể tồn tại “nhận thức đúng đắn” đối với lịch sử – cái đã diễn ra hay không? Mời các bạn đón xem phần tiếp theo nhé!
HÌNH: Nguyễn Đỗ Thuyên vẽ lại từ cách phân loại của Nguyễn Phương (1964).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trần Trọng Dương. (2019). Việt Nam thế kỷ X – những mảnh vỡ lịch sử. NXB Đại học sư phạm.
2. Odanaka Naoki. (2016). Lịch sử học là gì?. NXB ĐHQG TP.HCM.
3. Trần Phương Hoa. (2006). Nhận thức lịch sử – Quan điểm của các học giả châu Âu và Việt Nam. Nghiên cứu châu Âu, 4(70), 55-62.
4. Guy Bourdé & Hervé Martin. (2001). Các trường phái sử học. Viện sử học Việt Nam.
5. Nguyễn Phương. (1964). Phương pháp sử học. Viện Đại học Huế.
6. Guy Thuillier & Jean Tulard. (2002). Các trường phái lịch sử. NXB Thế giới.
GHI CHÚ:
[1] Trần Trọng Dương, sách đã dẫn, tr.89.
[2] Odanaka Naoki, sách đã dẫn, tr.72.
[3] Trần Phương Hoa, bài đã dẫn, tr. 61.
[4] Guy Bourdé, sách đã dẫn, tr.238.
[5] Guy Bourdé, sách đã dẫn, tr.249.
[6] Nguyễn Phương, sách đã dẫn, tr.82.
[7] [8] [10] Guy Bourdé, sách đã dẫn, tr.276.
[9] Guy Bourdé, sách đã dẫn, tr.275.
[11] Guy Thuillier, sách đã dẫn, tr.32.
[12] Guy Bourdé, sách đã dẫn, tr.279.
[13] Guy Bourdé, sách đã dẫn, tr.280.
[14] Guy Bourdé, sách đã dẫn, tr.299.
[15] Guy Bourdé, sách đã dẫn, tr.304.
[16] Odanaka Naoki, sách đã dẫn, tr.73.
[17] Guy Bourdé, sách đã dẫn, tr.420.
[18] Odanaka Naoki, sách đã dẫn, tr.76.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *