Hiểu đúng về Thế chiến thứ 2

Hiểu đúng về Thế chiến thứ 2

1. Sự ra đời của các động cơ đốt trong dùng nhiên liệu xăng dầu đã tạo nên một bước ngoạt cực lớn trong lịch sử chiến tranh. Một trong những vấn đề lớn nhất dẫn đến thế nan giải của Thế chiến thứ Nhất nằm ở chỗ bên tấn công không thể nào đưa viện binh lên kịp để khai thác tình huống mỗi khi họ phá được phòng tuyến quân địch. Trong khi đó, quân phòng thủ dễ dàng phản công hoặc lấp đầy điểm bị đột phá bằng cách mang viện binh mới lên bằng đường xe lửa. Sự ra đời của xe tăng và đã làm giảm đi sự thống trị của hầm hào, dây thép gai và súng máy, đột ngột làm cho những bước vận động quân vốn bất khả thi trong thế chiến thứ Nhất trở nên khả thi trở lại. Các tàu chiến chạy bằng dầu có vô số ưu điểm so với các tàu chiến chạy bằng than trước đó: tầm hoạt động xa hơn, nhiều khoảng không trên tàu được giải phóng, kín đáo hơn vì không thải ra những cột khói đen to lớn. Nói chung là nhiên liệu đột nhiên trở nên một thứ tối quan trọng trong WW2, bởi vì tầm quan trọng của các loại vũ khí chạy bằng nhiên liệu. Về tác động của công nghệ lên chiến tranh trong lịch sử, tôi sẽ viết một bài trong một thời gian gần.

2. Có một cuộc khủng hoảng đối mặt với Đức Quốc Xã trước và trong Thế chiến thứ 2 mà ít người biết đến. Đó là cuộc khủng hoảng dầu mỏ và lương thực. Cần phải hiểu rằng, những mỏ dầu hiện nay ở Trung Đông và Bắc Phi không hề được biết đến cho đến mãi những năm 1950s. Trước đó, thế giới có hai nước xuất khẩu dầu chính là Mĩ và Venezuela. Người Đức phải dựa vào mỏ dầu ở Romania để duy trì nhu cầu nội địa của mình, nhưng nó vẫn không đủ. Họ phải phát triển công nghệ tổng hợp than thành dầu, nhưng quá trình này rất đắt đỏ tốn kém nên sản lượng cũng không được nhiều. Cuộc khủng hoảng này không những không thuyên giảm mà thậm chí còn trầm trọng hơn khi người Đức chiếm được các lãnh thổ mới như Ba Lan, Pháp, Na Uy, Đan Mạch,… bởi vì nước Mĩ theo Đạo luật Trung lập (Neutrality Act) do Roosevelt đề ra ngừng xuất khẩu dầu cho Đức, trong khi nước Đức phải bao cấp thêm cho nhu cầu dầu của những vùng họ chiếm đóng. Mà kể cả người Mĩ có không ngừng xuất khẩu dầu thì người Đức cũng chẳng có cách nào nhập vào được qua đường biển khi mà đường biển đều bị Hải quân Anh phong tỏa. Thêm vào đó, sức tiêu thụ thời chiến thường cao từ gấp đôi đến gấp rưỡi thời bình. Hitler từng nói: “Nếu tôi không chiếm được những mỏ dầu ở Grozny thì tôi phải kết thúc cuộc chiến này.” Đồng thời, cuộc khủng hoảng dầu mỏ cũng kéo theo cuộc khủng hoảng lương thực bởi vì ngành nông nghiệp cũng cần nhiên liệu để chạy máy móc cơ giới, để vận hành chuỗi phân phối,.v.v.

Người Nga sở hữu một loạt các mỏ dầu lớn vùng Baku, Caucasus, và vựa lúa của châu u là Ukraine cũng nằm và đó là mục tiêu chính của Hitler khi ông ta xâm lược Liên Xô.

3. Người Nhật tấn công Mĩ một phần cũng bởi vì sau khi Đạo luật Trung lập của Mĩ ra đời Mĩ liên tục gây sức ép để bắt Nhật dừng cuộc chiến của họ ở Trung Quốc, đỉnh điểm là cắt xuất khẩu dầu sang Nhật. Người Nhật rơi vào một tình cảnh tối tăm đến mức họ chỉ còn đủ dầu để hạm đội của họ hoạt động trong vài tháng. Đối mặt với cuộc khủng hoảng này, họ quyết định chơi liều: đánh quỵ hạm đội Mĩ ở Thái Bình Dương để rảnh tay tiến xuống Đông Nam Á, chiếm lấy các nguồn tài nguyên dầu mỏ, lúa gạo và cao su từ đây. Phillipine là thuộc địa của Mĩ, Đông Dương là của Pháp, Singapore và Thái Lan là của Anh, họ biết rằng họ không thể nào tiến xuống vùng này mà không phải gây chiến với những thế lực này, nên lựa chọn của họ là đánh quỵ lực lượng duy nhất có khả năng ngăn chặn họ trong khu vực để rảnh tay chiếm lấy những tài nguyên cần cho đế chế của họ. Có thể thấy, chính sách (policy) của Nhật là một chính sách phòng thủ, nhưng để phục vụ chính sách đó thì chiến lược (strategy) của họ là tấn công.

4. Hitler có nhiều mâu thuẫn với các tướng lĩnh của mình, vốn hầu hết xuất thân từ tầng lớp quý tộc quân sự Phổ. Trong một số vấn đề, các tướng lĩnh của ông ta có lý, nhưng trong một số vấn đề khác, họ không nhìn được cục diện chiến lược cùng tầm với Hitler. Trong khi chuẩn bị cho Barbarossa, Hitler muốn trọng tâm của quân đội Đức nằm ở Cụm tập đoàn quân phương Nam, với mục tiêu là chiếm Kiev rồi đánh xuống Caucasus. Nhưng Tham mưu trưởng của ông ta Franz Halder lại không nắm được ý đồ đúng đắn này, ông ta vẫn đi theo suy nghĩ truyền thống về một chiến thắng bằng cách đánh vào Moscow. Ông ta sắp đặt cho mũi nhọn tấn công của Wehrmatch nằm ở Cụm tập đoàn quân Trung tâm, tập trung khối lượng lớn tăng thiết giáp và các sư đoàn cơ giới ở đây. Chỉ sau khi Barbarossa diễn ra và Cụm tập đoàn quân Phương Nam bị trì hoãn ở Kiev, Hitler mới biết chuyện và nó làm ông ta giận dữ điên cuồng. Thế mới có cú đảo quân nổi tiếng từ Army Group Centre sang Army Group South làm gần nửa triệu quân Hồng quân bị bao vây ở Kiev, mà một số người không hiểu chuyện sau này cho rằng Hitler sai lầm, để làm mất thời gian tiến vào Moscow. Kì thực, Hitler mới là người tỉnh táo ở đây.

Cần hiểu rằng: Moscow quả thật có một tầm quan trọng nhất định đối với Liên Xô, nó mang tính biểu tượng cao, là nút giao thông huyết mạch, nhưng suy cho cùng chẳng có lí do gì để người Nga phải dừng chiến đấu khi bị chiếm cả. Nga hoàng Alexander I cũng chẳng đầu hàng khi Napoleon chiếm được Moscow năm 1812. Mặt trận Xô-Đức là một cuộc chiến sống còn đối với cả hai phe vì vậy chuyện ý chí chiến đấu hầu như không cần phải nhắc đến. Cách duy nhất để đánh bại đối phương là nhắm vào khả năng gây chiến (war capacity) của chúng. Về vấn đề trọng tâm chiến lược, tôi sẽ post một bài vào ngày mai.

5. Trận Stalingrad nói riêng và Operation Fall Blau nói chung là trận mang tính bước ngoặt bởi vì nó là cơ hội cuối cùng của Đức Quốc xã để giành lấy nguồn tài nguyên mà họ cần để duy trì cuộc chiến. Chiếm được Stalingrad Hitler mới rảnh tay để khai thác được các mỏ dầu từ phía Nam. Người Nga vào lúc này cũng đang ở vào thế bị kéo căng cực độ về lương thực, nhiên liệu và tinh thần, và nếu họ mất Stalingrad họ sẽ mất một con đường tiếp viện Lend Lease nữa thông qua Hành Lang Ba Tư.

6. Vấn đề thiếu hụt dầu mỏ không phải vấn đề duy nhất, nhưng nó có thể giải thích cho rất nhiều vấn đề khác trong Thế chiến thứ Hai: ví dụ như tại sao người Đức phải tập trung tài nguyên vào sản xuất những loại xe tăng hạng nặng, cầu kì thay vì sản xuất hàng loạt như LX và Đồng Minh; tại sao nền hậu cần của Đức vẫn phải dựa vào sức ngựa kéo, chứ không được cơ giới hóa như Liên Xô và Đồng Minh, tại sao Nhật không hề có tham vọng đánh Liên Xô, tại sao Nhật phải đánh Mĩ, tại sao Hitler dồn toàn bộ lực lượng tinh nhuệ cuối cùng của mình, bao gồm cả SS Leibstandarte Adolf Hitler vào một cuộc tấn công vô vọng để chiếm lại các mỏ dầu ở Romania chứ không phải để bảo vệ Berlin.v.v.

Ảnh: Nguồn cung dầu cho Đức Quốc Xã vào năm 1936

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *