Không cái tên nào trong lịch sử thế giới gợi nên nhiều quen thuộc hơn Alexander Đại Đế. Người đàn ông có một sự nghiệp huy hoàng, chinh phục một vùng lãnh thổ rộng lớn và cắm cờ chiến thắng lên nhiều vương quốc và đế chế. Đế chế của ông trải dài từ Hy Lạp cho tới Ấn Độ — một trong những đế chế rộng lớn nhất lịch sử. Nhưng đạt được thành tựu như vậy thì không biết phải đổ bao nhiêu máu và thời gian để chinh phục các vùng đất. Tuy nhiên, Alexander chưa bao giờ bị đánh bại trong bất kỳ trận chiến nào — và được coi như vị chỉ huy quân sự tài năng nhất từng xuất hiện. Chiến thắng của ông thì nhiều nhưng hôm nay chúng ta chỉ tập trung vào trận đánh thành công nhất của ông — Trận Gaugamela.
Đây là chiến thắng quan trọng của Alexander Đại Đế trước Đế chế Achaemenid, giúp ông bành trướng lãnh thổ và thu thập vô số tài nguyên. Đây là một trong những chiến thắng hoàn hảo nhất của ông và là một thất bại cay đắng cho người Achaemenid và nhà cai trị Darius III.
HOÀN CẢNH XẢY RA TRẬN GAUGAMELA — MỘT THẾ LỰC CẦN ĐỐI PHÓ
Khoảng thời gian trước khi xảy ra Trận Gaugamela là những chiến thắng dồn dập cho lực lượng của Alexander Đại đế. Ông đã giáng một thất bại nặng nề cho người cai trị của Đế chế Achaemenid là Darius III trong Trận Issus năm 333 trước Công Nguyên — một trong những chiến thắng quyết định trong các cuộc chinh phạt của Alexander. Ngay cả khi Darius cắt đứt cuộc hành quân xâm lược của Alexander và gây nguy hiểm cho đường tiếp tế của ông, Alexander vẫn đánh bại được đối thủ một cách rõ ràng.
Đây là một thất bại cay đắng cho Darius — sau trận đánh vợ ông, mẹ, và hai con gái đều bị bắt. Ông nhanh chóng rút lui về phía Đông tới thành Babylon, nhường cho Alexander quyền kiểm soát các khu vực phía Nam vùng Tiểu Á và cơ hội tập trung vào các mục tiêu khác. Sau khi chinh phục thành công thành phố Tyre và Gaza sau các cuộc vây hãm kéo dài vào năm 332 trước Công Nguyên, Alexander quyết định phục hồi sức khỏe và tới Ai Cập để bổ sung nguồn lực.
Sau khi nghỉ đông ở Ai Cập, Alaexander tập trung vào Chiến Dịch Babylon, nhắm tới việc thâm nhập sâu hơn về phía Đông và đối mặt với Darius III một lần nữa. Darius đã cố gắng tránh xung đột với Alexander bằng cách gởi các sứ giả với đề nghị hòa bình. Alexander từ chối họ vài lần. Vào tháng 4 năm 331 trước Công Nguyên, Alexander Đại Đế và đội quân đông đảo của ông lại một lần nữa hành quân dọc theo bờ biển. Từ đó, họ tiến vào đất liền và băng qua sông Euphrates.
Khi đó Darius phục hồi sau thất bại tại Trận Issus và một lần nữa ông huy động được một lượng quân đáng kể. Ông tập hợp quân đội từ nhiều đồng minh của mình và các “satraphy” (thống đốc) bị khuất phục, bao gồm lính đánh thuê Hy Lạp, người Bactria, người Cadusia và người Scythia, người Cappadocia và người Armenia. Các sử gia hiện đại ước tính rằng quân đội của Darius có thể lên tới 10 vạn người — bao gồm bộ binh, kỵ binh, chiến xa, voi chiến, lạc đà vận tải và cung thủ. Con số này rất đáng kể đối với thời đại đó và khiến Gaugamela trở thành một trong những trận đánh lớn nhất của Thế giới Cổ Đại.
Ngay từ đầu, Darius đã mắc phải một số sai lầm. Ông dự kiến rằng Alexander sẽ hành quân dọc theo thung lũng sông Euphrates và thẳng tới Babylon. Để đối phó, ông cho thực hiện chiến lược tiêu thổ — điều mà người Ba Tư đã làm nhiều lần trước đây. Thung lũng Euphrates màu mỡ đã bị san bằng để ngăn Alexander tận dụng nguồn cung cấp. Nhưng Alexander được gọi là “Đại Đế” đều có lý do của nó. Ông thậm chí còn không tính tiếp cận Euphrates mà chọn một con đường khó khăn hơn về phía Bắc.
Ông vượt sông Tigris và xuôi dọc theo bờ sông. Đây là một chuyến hành quân vượt núi khá khó khăn, nhưng Alexander đã cố gắng đạt được tiến độ. Đúng lúc, các trinh sát của Darius báo cáo tình hình và người cai trị Đế chế Achaemenid phải nhanh chóng hành động.
Ông lập tức hành quân về phía Bắc để chạm trán và ngăn chặn Alexander vượt sông Tigris. Đội tiên phong của ông thất bại trong nhiệm vụ này và Darius biết rằng một cuộc xung đột đang bùng phát. Trong nỗ lực để biến nó thành một trận chiến toàn diện, Darius chọn một vùng đất bằng phẳng gần làng Gaugamela và đóng quân ở đó.
CHUẨN BỊ CHO TRẬN ĐÁNH — KẺ THÙ ĐỐI MẶT LẦN NỮA
Ngay sau đó, Alexander và quân của ông đã tới được địa điểm và nhận ra rằng kẻ thù của họ tình cờ đang đóng quân gần đó cách 30 km (18,64 dặm). Một trận chiến đang đến gần. Ngay từ đầu, Alexander đã chiếm lợi thế. Cánh đồng trước Gaugamela có thể dễ dàng quan sát được từ một ngọn đồi cao. Ngọn đồi này được đội vệ binh Achaemenid trấn giữ, nhưng họ sớm bỏ vị trì khi trông thấy đội quân khủng bố của Alexander hành quân.
Ngọn đồi giúp Alexander có được tầm nhìn chiến lược để quan sát toàn chiến trường và kiểm soát tình hình, lên kế hoạch. Nhưng ngoài ra, Alexander vẫn bị vượt trội về quân số. Các sử gia chi chú quân số của Alexander chỉ vào khoảng 4 vạn 7 ngàn người.
Đa phần trong số đó là bộ binh và rất ít kỵ binh. Bộ binh vào khoảng 4 vạn — đa số là bộ binh hạng nặng, với một số ít bộ binh hạng nhẹ. Quân của Alexander hầu hết là quân đội Macedonia và người Hy Lạp ở Paeonia, và người từ Thracia. Cuối cùng, Alexander không chọn tập kích vào ban đêm mà ông quyết định chờ tới khi trời sáng.
Cảnh tượng những người lính của Alexander trông thấy vào buổi sáng ngày 1 tháng 10 năm 331 trước Công Nguyên mới thật kinh hoàng. Khoảng 10 vạn chiến binh dàn đội hình, sẵn sàng liều chết bảo vệ “Vạn vương chi Vương” của họ. Trọng tâm là đội vệ binh hoàng gia, tinh hoa trong tinh hoa, đội “Bất Tử” khét tiếng. Cả hai bên đều có kỵ binh — lên tới 3 vạn kỵ sĩ. Có tài liệu còn nhấn mạnh rằng có sự xuất hiện của 15 con voi chiến và vô số chiến xa có gắn lưỡi dao ở bánh xe — loại vũ khí đáng sợ mà Darius nhận được từ người Ấn Độ ở biên giới với người Bactria.
Mặc dù vậy, Alexander và những người lính của ông vẫn hành quân mà không hề e ngại khi bước vào địa ngục trần gian. Họ triển khai lực lượng vào khoảng giữa trưa. Alexander nhận thức rõ về khả năng bị bao vây khi đối mặt với một kẻ địch vượt trội về quân số, vì vậy ông cho dàn đội hình với hai bên sườn hơi cong vào trung tâm và gia cố bằng kỵ binh. Ở trung tâm là những chiến binh giỏi nhất của ông với đội hình phalanx khét tiếng. Đây là những người lính bộ binh hạng nặng di chuyển theo hình chữ nhật — được trang bị những ngọn giáo “sarissa” cực dài có chiều dài lên tới 6m (19,69 ft.). Điều này khiến phalanx trở thành một đội hình đáng gờm — một rừng giáo chật cứng khó xuyên thủng.
Tuyến hai của Alexander bao gồm bộ binh hạng nhẹ người Thracia và Illyria. Đơn vị này có nhiệm vụ gây rối phòng tuyến địch, được trang bị giáp nhẹ hoặc không cần giáp, lao, khiên nhỏ và cả ná cao su.
Darius phát động tấn công đầu tiên. Khi thấy Alexander nỗ lực kéo dãn đội hình về phía bên phải, ông gởi một phần kỵ binh tấn công vào cánh phải của đối phương. Alexander đáp trả bằng cách thân chinh ra đối đầu và tiêu diệt được một cơ số lính Achaemenid.
Thấy vậy, Darius quyết định ngay lập tức đưa ra vũ khí hủy diệt của ông — chiến xa có gắn lưỡi dao. Tất cả các đội quân gặp phải chúng đều vô cùng sợ hãi. Chiến xa này bao gồm một thùng xe có hai bánh có thể chứa hai người lính do hai con ngựa kéo. Trên trục bánh xe có hai lưỡi dao dài nhô ra.
Một khi những chiến xa này gia nhập trận địa, chúng có thể cắt nát đầu gối và phần thân dưới những người chạm phải. Nhưng Darius lại ngạc nhiên khi thấy các chiến xa này không đe dọa được lính của Alexander. Họ tránh khỏi đường đi khi những chiến xa này chuẩn bị tông vào họ, trong khi vẫn giữ nguyên hàng ngũ và nhìn các chiến xa này tông vào những tảng đá trên chiến trường.
Bước tiếp theo của Darius là điều cánh phải, dưới quyền chỉ huy của Mazaeus, thắng tiến tới cánh trái của đội quân Alexander. Vị chỉ huy đáng tin cậy của Alexander, Parmenion, chỉ huy cánh trái chặn đứng đợt tấn công dữ dội của người Achaemenid với một tổn thất đáng kể.
KHÁM PHÁ ĐIỂM YẾU — ALEXANDER VƯỢT CƠN SÓNG DỮ
Đây là thời điểm then chốt để Alexander bộc lộ kỹ năng của một vị chủ huy quân sự cũng như Darius III đã phạm phải một sai lầm chí mạng. Trong khi Parmenion bị bao vây bên cánh trái thì Alexander cùng đội kỵ binh ở bên cánh phải, trung tâm và các chiến binh phalanx đã vào vị trí. Nhưng suốt thời gian đó, Alexander liên tục dãn đội hình cánh phải, và những gì Darius nhìn thấy là một tuyến giữa bị mỏng đi với một khoảng trống dễ bị khai thác.
Nhưng đó chính xác là những gì Alexander muốn. Ngay từ đầu trận đánh, ông nỗ lực căng ngang bên cánh phải để tạo ra điểm yếu này. Vô tình, Darius ra lệnh cho đội quân tốt nhất của mình — đội quân “Bất Tử” đáng sợ — xông vào trung tâm và khai thác khoảng trống đã hình thành. Do đó ông đã mắc một sai lầm quan trọng.
Sau khi đội quân “Bất Tử” tấn công vào đội hình phalanx, Alexander đã phát hiện ra những gì ông muốn — Darius và trung tâm đội hình bị phơi bày. Trong một hành động táo bạo — chỉ phù hợp với những chỉ huy táo bạo nhất — Alexander điều một phần lớn kỵ binh từ cánh phải và tấn công vào đội hình bị lộ ra của Darius. Và đây là bước ngoặt của Trận Gaugamela.
Darius hoảng sợ, cũng giống như ở Trận Issus. Việc kỵ binh của Alexander tấn công bất ngờ và dữ dội vào các vị trí trống khiến ông không hay biết, và ngay sau đó đội hình của Darius bắt đầu tan vỡ. Ông quay đầu và bỏ chạy khỏi trận chiến, đội quân cốt cán của ông cũng bỏ chạy theo.
Alexander cố gắng truy đuổi bằng mọi cách, nhưng đội quân của ông vẫn tham chiến phía sau ông. Đặc biệt, Parmenion đang bị bao vây và ngay sau đó đội hậu cần của ông cũng đang bị đe dọa. Theo lời khuyên của các chỉ huy, Alexander quyết định không truy đuổi Darius và quay lại để giải vây cho cánh trái.
Ông chỉ huy đội kỵ binh tấn công vào Mazaeus từ phía sau, gây ra tổn thất nặng nề cho người Achaemenid và giải vây cho Parmenion. Đội hình của Mazaeus nhanh chóng tan vỡ và phải tháo chạy. Còn đội quân “Bất Tử” ở trung tâm phải đối mặt với rừng giáo từ đội hình phalanx và sự quấy rối của các bộ binh hạng nhẹ.
Ở cánh phải quân của Alexander, những kỵ binh còn lại vẫn giữ nguyên vị trí đối phó với tàn quân Achaemenid. Quân đội của Darius III hoàn toàn bị nghiền nát chỉ sau vài giờ giao tranh ác liệt và đẫm máu.
Kết quả cuối cùng là thất bại nặng nề của người Achaemenid. Sự chênh lệch thương vong giữa hai phe là rất lớn. Người Achaemenid tổn thất khoảng 4 vạn người và rất nhiều người bị bắt, trong khi lực lượng của Alexander chỉ có 1500 thương vong.
Dù bằng cách nào, chiến thuật siêu việt của Alexander, nhuệ khí cao của binh lính và đội hình quân sự vượt trội đều có lợi cho ông, khiến số lượng thương vong khổng lồ của quân Ba Tư là một con số rất chính đáng. Alexander cầm quân một cách thông minh, sự kiên nhẫn và bình tĩnh trước nhiệt độ của trận chiến, cũng như sự nhanh trí và khả năng phát hiện và khai thác những điểm yếu quan trọng của Alexander trong trận chiến, đã giúp ông giành chiến thắng tại Gaugamela. Đây được coi là một trong những chiến công xuất sắc nhất của ông.
SỰ SUY TÀN CỦA NGƯỜI ACHAEMENID
Sau thất bại tại Trận Gaugamela, Đế chế Achaemenid dần suy tàn. Darius bỏ chạy về Bactria, nhưng sau đó lại bị ám sát bởi một trong các chỉ huy của mình là Bessus. Cái chết của ông, bị đâm sau lưng và bỏ mặc trong sa mạc, còn xa lắm mới được gọi là “trong danh dự”.
Alexander biết được điều này và rất buồn khi mất đi một kẻ thù đáng kính trọng như vậy. Ông bắt giữ Bessus và trừng phạt nghiêm khắc trước khi hành quyết hắn. Sau trận chiến, Alexander dành được quyền kiểm soát Babylon, các phần lãnh thổ Ba Tư và toàn bộ vùng Mesopotamia.
Ông đã lập được một chiến công chưa từng có khi đưa Đế chế Achaemenid sụp đổ trong vòng chưa đầy 5 năm. Alexander cho thấy một ý thức quan tâm về hậu cần và quản lý để giữ cho quân đội của mình luôn sẵn sàng và nâng cao sĩ khí trong suốt các cuộc chinh phục. Ông thực sự là một vị chỉ huy đi trước thời đại rất nhiều.