Con đường Tâm lí cho các cô bé cậu bé 12

Tuần rồi mình có làm một bài viết rì viu các loại vướng mắc về con đường Tâm lí cho các cô bé cậu bé 12 và được rất nhiều sự đó nhận (và likes, hihi). Với tiêu chí không đâu bằng sân nhà, nay seed lại cho anh chị em cùng đọc để tránh hỉu lầm với ngành này nhé, sẵn cho các pé 12 đọc luôn nếu chưa thấy post kia

“Everyone you meet is fighting a battle you know nothing about. Be kind. Always.” – Robin Williams.

Hồi nhỏ tới giờ mình là đứa xấu xa lắm, phải bị tống đi nghĩa vụ cơ, mà cái loại mình đi nghĩa vụ chắc người ta không cho đâu, chỉ có đi tù thôi. Hên là thi đậu USSH không là ăn bả mít rồi.

Lầm tưởng đầu tiên mà mình muốn đề cập tới: học về Tâm lí học không cho các bạn khả năng như Charles Xavier được, các bạn không thể để hai ngón tay lên thái dương xong bắt đầu suy luận và đọc não người khác được, các bạn cũng không thể nhìn sơ một người xong đoán được những hành động tiếp theo của người đó được. Những câu chuyện đọc vị hay phán đoán dựa vào việc quan sát bên ngoài không đáng tin cậy vì cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Muốn có phép thì phải xài Mana, mà người học Tâm lí chỉ có kiến thức và kĩ năng thôi chứ không có Mana nha (và dĩ nhiên, chúng tôi cũng không thể xem bói).

Kế tiếp, điều tiên quyết mà các bạn cần biết: Tâm lý học là khoa học. Tức là toàn bộ tri thức các bạn học được là tri thức khoa học và nó rất khác so với tri thức thông thường (các thuật ngữ tâm lí, các lí thuyết – trường phái về tâm lí,..) nên các bạn cần chuẩn bị tâm thế để tiêu hóa được những kiến thức này (phương pháp học tập, ghi nhớ, đọc sách, đọc nghiên cứu…)

Biết sơ sơ vậy cho đỡ bở ngỡ nhen.

Về chương trình đào tạo, trong suốt quá trình học, các bạn sẽ được định hướng để phát triển theo một mảng nhất định. Từng trường Đại học hay từng Khoa sẽ có những chương trình đào tạo (CTĐT) với chuẩn đầu ra khác nhau. Những kiến thức nền sẽ được truyền thụ cho các bạn trong những năm đầu tiên, và như mình đã nói, tùy theo CTĐT thì kiến thức nền cũng khác nhau tuốt (nhưng kiến thức ở trường ĐH bao la lắm, muốn tìm hiểu thêm ở ngoài thì thoải mái vô tư luôn). Các bạn sẽ biết mỗi thứ một chút rồi từ đó xây dựng lên “tòa nhà chuyên môn” của mình. Ví dụ như bạn T rất thích con nít và trẻ em, sau vài năm học thì bạn ấy quyết định học một Khoá Nhập môn Phương pháp giáo dục Montessori cho trẻ mầm non và sẽ chuyên biệt hẳn sang mảng đó, không đá động gì tới trị liệu hay bệnh lý tâm thần nữa. Bạn H thì khác, bạn ấy có một mối quan tâm sâu sắc tới trẻ em bị tự kỉ, bạn A muốn gắn bó với công việc tham vấn cho người trưởng thành hay mình thì chỉ quan tâm đến tham vấn hướng nghiệp và cải thiện, tối ưu hóa trải nghiệm của người học trong quá trình dạy học. Cái “tòa nhà chuyên môn” mà các bạn xây nên sẽ caoooo lên và ngày càng cách xa với cái nền thật rộng ban đầu, chuyện ý là rất bình thường, nên đừng tham lam ôm đồm quá nhiều kẻo làm không tới nhé. Dĩ nhiên, năng lực của các bạn không ai nói trước được, các bạn có thể làm rất tốt việc khác nhưng lại không thích làm, kiểu vậy. Các định hướng ở VN hầu như ở mảng tâm lý học đường, tham vấn – trị liệu; can thiệp – hỗ trợ sớm cho trẻ em, giảng dạy kĩ năng,… hoặc bạn nào muốn ôm bộ kĩ năng và chuyên môn của mình để đá trái sân, làm các công việc về nhân sự, quản lí cũng được tuốt, nhiều anh chị của mình cũng vậy lắm. Bật mí một chút là muốn lương cao thì không khó, nhưng phải biết cách nha, và phải giỏi nữa, teehee.

Cũng như các bác sĩ, những người làm nghề (tạm gọi là người thực hành tâm lí) cũng có một bộ quy chuẩn đạo đức về những điều phải làm và không được làm. Dĩ nhiên chúng không bị ràng buộc bởi pháp luật (một số điều thì có) nên không phải ai cũng tuân theo cả, nhưng đã làm nghề thì hãy tuân thủ đạo đức một tí, như mình hay nói cho vui là làm tầm bậy tầm bạ thì tổ nghề về quật chết tươi đấy, teehee.

Đối tượng của các bạn là con người (dĩ nhiên, không phải là động vật, chúng tôi không liên quan gì đến Zoology cả). Vậy nên, để học được tâm lý học, các bạn phải xoay sở được những vấn đề với con người. Nếu các bạn là một người thích sống khép kín, hạn chế giao tiếp, không năng nổ mà chỉ thích đọc sách, làm thơ, nghe nhạc, hướng ngoại hướng nội hay hướng đạo sinh gì đấy và thích ở một mình thì cũng chẳng sao cả. Lầm tưởng của người ngoài ngành thường cho là “em là cán bộ đoàn hội, năng nổ tham gia hoạt động này kia và vui vẻ, hòa đồng, giao tiếp tốt với mọi người thì học tâm lý rất hợp luôn” là chưa chính xác. Đặc biệt trong tham vấn – trị liệu tâm lí, lắng nghe và phản hồi thấu đáo chính là chìa khóa để thân chủ biết được họ đang chia sẻ cho đúng người. Dù cho các bạn có hơi lấn át hay là quá dè dặt trong các mối quan hệ cũng không sao cả, chỉ cần các bạn biết lúc nào nên nghe, lúc nào nên nói, hình dung được sức nặng trách nhiệm trên vai và mục đích sau cùng vẫn là giúp cho thân chủ, vậy là được. Đôi khi đoàn tàu sẽ trật bánh đôi chỗ và kết quả không được như ý hay không muốn nói là rất tệ, tiếp tục chìm đắm trong cái lỗi của mình thì cũng chẳng được gì, chi bằng chấp nhận nó và tiếp tục học hỏi để người thân chủ sau được nhận những session toàn vẹn nhất có thể (kinh nghiệm của mình với trên dưới 25 clients đấy, hầu hết là Call hay chat qua Messenger, lần đầu làm thì sách vở và file PDF thì cứ phải nói là bày hết cả ra, sợ hư bột hư đường thì tội người ta lắm, hihi).

“Don’t lie about it. You made a mistake. Admit it and move on. Just don’t do it again. Ever” – Anthony Bourdain, đầu bếp, ăn bún chả cùng tổng thống Obama tại Hà Nội, tự sát.

Để xử lí được với những vấn đề của con người, các bạn cần có một sự thấu cảm nhất định, và may mắn thay, nếu các bạn yêu cái ngành này, các bạn có thể học được điều đó (cả những kiến thức về tư duy, tất cả các thể loại tư duy nữa, chỉ là các bạn không nhận ra mình đã có nó từ khi nào thui, teehee). Chúng như một hệ thống tư duy mới được cập nhật cho bạn vậy. Nhưng đừng xem đây là một bản update đè lên các phiên bản cũ của con người bạn, nó giống như 2 ứng dụng cùng chạy trên một máy tính hơn. Bạn sẽ không thể thoát khỏi những suy nghĩ cố hữu trong đầu mình, chúng ở đó từ lâu rồi, nhưng ngay khi bạn nghĩ về những thứ sai lệch, định kiến, hệ thống 2 sẽ nhảy ra chặn lại và chỉnh cho bạn ngay, kiểu vậy ấy mà. Học đến đâu bổ đến đấy. Ví dụ liền tay cho xem nè.

“Một người đàn ông đánh vợ như bao cát, ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, mình lúc 18 tuổi sẽ nhanh trí phán ngay đây là một thằng mất dạy, vô học, đánh đập phụ nữ, ưa bạo lực. Mình cũng khá chắc các bạn cũng có suy nghĩ như mình, đúng rùi, người đàn bà hàng chài đấy. Nhưng người thực hành tâm lí nên hỏi rằng liệu ông ấy có chật vật với bạo lực thuở ấu thơ hay không, kết nối của ông ấy với những người thân trong gia đình từng như thế nào, ông ấy có nghiện rượu không, người đàn ông này có cần giúp đỡ không,.. Hay đơn giản mà nói, chúng tôi quan tâm tới lí do “tại sao”?

Người thực hành tâm lí biết liên kết giữa giả thuyết của bản thân với kiến thức có sẵn, đồng thời kết hợp phân tích sau quá trình quan sát, đánh giá đối tượng để cho ra kết quả sau cùng, và dĩ nhiên, cái này các bạn sẽ được dạy. Nhưng hãy nhớ, cho đến khi mọi thứ liên kết rõ ràng, hợp lí và chặt chẽ thì chúng vẫn chỉ là giả thuyết, và chuyện đập bỏ mọi giả thuyết mình đang có và dựng lại cái khác là bình thường, giống như làm thám tử vậy đó, khi giả thuyết không còn kẽ hở, đó mới chính là sự thật. Học đủ nhiều, đọc đủ nhiều, thực hành đủ nhiều, “sự thật” sẽ nhanh chóng lộ diện thui, teehee.

Khoảng 1 tháng trước có một chùm ảnh được share trên Facebook về một câu chuyện được dịch từ tiếng Trung. Tóm tắt nhanh là anh này ra sức tán tỉnh chị kia, chị kia không thích nhưng một thời gian sau thì đồng ý và hai người yêu nhau, nhưng yêu được một khoảng thời gian thì anh này cảm thấy tình cảm không còn và đơn phương chấm dứt. Chị này quặn đau níu kéo, đau khổ khóc ngày khóc đêm và theo như câu chuyện thì kiểu anh này hoàn toàn không còn chút tình cảm gì, cũng chẳng cảm thấy rằng mình là kẻ tệ bạc, đơn giản chỉ là mọi thứ chấm dứt.

Link cho ai muốn xem: https://www.facebook.com/groups/weibovn/permalink/614121739452538/

Đến đây thì 99% mọi người đều sẽ cảm thông cho cô gái và đồng ý rằng thằng này là một thằng tồi tệ, hãm bướm và mất dạy. Sau khi đọc xong câu chuyện, và hãy giả sử nó là câu chuyện có thật, thì mình dự cảm có một hội chứng hay rối loạn vô hình nào đó đang bóp cổ anh này; hay là anh đang vật lộn với cảm xúc của bản thân hoặc bất cứ nỗi đau nào từ thuở ấu thơ đang dằn vặt anh và anh đã vô tình mang nó vào tình cảm và khiến người khác đau khổ. Hơi kì cục và không hợp lí chút nào đúng không?

“Not everything does, not everything has to.”

Cũng như việc ngoại tình là một chuyện đáng lên án trong tình cảm vợ chồng hay các mối quan hệ, nhưng tại sao lại có người đến tìm mình để được tham vấn về tâm lí. Tại sao họ không cản được việc ngoại tình mặc dù biết đó là sai trái? Họ có đang dùng ngoại tình để thu hút sự quan tâm và chú ý của nửa kia không? Bạn tình không đáp ứng được nhu cầu của họ? Họ có vấn đề sức khỏe? Họ từng bị bạo hành rất nhiều? Họ từng bị xâm hại tình dục? Rất nhiều vấn đề khác mà chúng ta đã và đang phán xét quá nhanh trên những chuẩn mực vô hình của xã hội. Dẫu biết người đó làm như vậy là sai, nhưng chúng ta thắc mắc tại sao họ lại sai và giúp họ sửa nó nếu như họ tìm đến mình. Dẫu biết cuộc sống không cho chúng ta thời gian để nghĩ chậm như thế, nhưng đôi khi dành một chút thời gian để nghiền ngẫm cũng được mà, đúng không?

“Everyone you meet is fighting a battle you know nothing about. Be kind. Always.” – Robin Williams, tự sát.

Tuy nhiên, khi các bạn chọn việc theo đuổi ngành Tâm lí, hãy nhớ trong đầu rằng kiến thức ở trường Đại học không bao giờ là đủ. Tòa nhà chuyên môn của các bạn nó phải caooooooooooo thật cao cơ, càng cao thì mọi quá trình đánh giá, phân tích của các bạn sẽ trở nên nhanh và mượt hơn.

Hãy cân nhắc học Master hay PhD ở trong nước hay quốc tế, điều này sẽ giúp ích rất nhiều đó.

Hơn thế nữa, các bạn rồi sẽ có một năng lực thượng thừa mà không ngành nào có thể cung cấp được: hiểu chính mình. Các bạn sẽ tự khám phá được bản thân mình ở một cái level mà không một lớp học kĩ năng nào có thể làm được. Các bạn sẽ tự kết nối, lục lọi trong trí nhớ về tất cả các câu chuyện trong cuộc sống từng xảy ra với mình, tự nghiền ngẫm và xâu chuỗi tất cả những sự kiện đã làm nên chính bạn ngày hôm nay. Tại sao mình lại e dè rụt rè như thế, tại sao mình lại ganh đua, tại sao mình hay đâm chọt cà khịa người ta vậy, tại sao mình hay nghĩ vu vơ, hay buồn hờ hững,… Nhưng để làm được vậy, chí ít hãy xây “tòa nhà” của mình đến được tầng 5 hay tầng 6 gì đã nhé, hihi.

Một điều tâm sự cuối cùng, dù cho các bạn có theo đuổi mảng nào trong tâm lí, dù là làm nghiên cứu, ứng dụng hay bệnh lí tâm thần, đừng từ bỏ niềm tin vào con người, đây là phần “giáo dục” trong chuyên ngành của mình đấy. Cuộc sống của chúng ta tiếp diễn mỗi ngày với những điều tiêu cực chiếm lĩnh. “Đôi khi chúng ta chẳng còn tin vào con người là mấy, nhìn đâu cũng thấy xấu xa, chi bằng kệ cha nó cho rồi, sống chết gì cũng keme.” Đấy là đôi khi mình cũng nghĩ thế, nhưng mỗi khi như vậy thì hệ thống 2 lại nhảy ra cản mình, nó bơm cho mình một loại niềm tin mạnh mẽ rằng kiểu gì con người cũng thay đổi được, họ chỉ cần sự giúp đỡ thôi, và phải giúp thật đúng cách là được. Nếu các bạn đã có hệ thống 2 rồi mà nó làm ăn chưa hiệu quả và chúng ta sắp bắt đầu mạt sát hay chửi rủa ai đó, hãy nhìn lại những cái tên đã có một cuộc đời tươi đẹp mà mình đã ghi ở phía trên, đều là những người mình ngưỡng mộ, ai nào dám nghĩ họ sẽ kết thúc cuộc đời mình như vậy đâu. Vậy nên, đừng tổn thương ai nhé. Be nice – Be respectful. All Lives Matter.

“Who cares if one more light goes out? Well, I do.” – Chester Bennington, Linkin Park,

tự sát.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *