KÈO CĂNG CUỐI TUẦNNỎ THỦ VS CUNG THỦNỏ là thứ vũ khí tối tân nhất thời cổ đại, l

NỎ THỦ VS CUNG THỦ

NỎ THỦ VS CUNG THỦ

Nỏ là thứ vũ khí tối tân nhất thời cổ đại, là vua của các loại binh khí trước khi hỏa khí được phát minh. Chính phát minh quan trọng này đã thay đổi tư duy chiến tranh tại Trung Quốc cổ đại cũng như Châu Âu Trung Cổ. Dưới con mắt của các lãnh đạo quốc gia cổ đại, nỏ có công dụng mang tính chiến lược đối với thế cục của cả cuộc chiến. Góp phần đào tạo nên những đội quân cấp tốc ra chiến trường. So với các binh chủng như kỵ binh, bộ binh trang bị kiếm, giáo, cung,… Nỏ thủ với thời gian đào tạo tính bằng ngày đã lấp đầy các trại lính gần như ngay lập tức, nhanh chóng bù đắp thiệt hại trong các cuộc chiến tranh tổng lực.
Bên cạnh đó,nỏ binh được coi là bắn xa hơn, mạnh hơn, chính xác hơn với cung thủ nên các anh em Nghiên Cứu Lịch Sử mặc định cho rằng: 2 đội quân nỏ thủ và cung thủ đánh nhau. Phần thắng chắc chắn thuộc về đội dùng nỏ.
Nhưng điều này liệu có đúng? Khi xem xét nhiều tài liệu chiến tranh Cổ – Trung đại, mình thấy có rất nhiều mâu thuẫn với kết luận trên của mọi người:
1. Điểm qua hàng loạt các trận đánh trong Chiến Tranh trăm năm Anh – Pháp (1337-1453), nỏ thủ Pháp đông đảo hơn cung thủ Anh. Về lý thuyết thì nỏ Pháp bắn xa hơn, mạnh hơn nhưng tốc độ bắn rất chậm. Trong khi người Pháp chỉ bắn được 1-2 loạt tên/ phút thì người Anh trút 1 trận mưa tên từ 6-10 loạt vào hàng ngũ quân Pháp khiến các nỏ thủ đánh thuê quân Pháp thiệt mạng nhiều vô kể. Quân Pháp bại trận liên tiếp trên chiến trường.
Về sau, nhờ có lực lượng kỵ binh hùng mạnh người Pháp mới giành được lợi thế của mình trên chiến trường.
Cao điểm là tại trận Patay (1429), cung thủ Anh bỏ công sự giao chiến với kỵ binh Pháp trên đồng trống và trân chiến trở thành 1 cuộc thảm sát 1 chiều theo đúng nghĩa đen.
Bên cạnh yếu tố kỵ binh, sự phát triển của lực lượng pháo binh thế kỷ 15 cũng như kinh tế Anh Quốc lâm vào khủng hoảng cũng đã đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của người Pháp trong Chiến Tranh Trăm Năm.
Nếu nói nỏ binh Châu Âu Trung Cổ kém hơn với nỏ Trung Quốc cổ đại cũng không đúng. Vì tốc độ bắn của nỏ Tần – Hán còn lâu gấp 4-5 lần nỏ Châu Âu Trung Cổ. Mũi tên của nỏ Tần Hán bằng đồng khiến cho tầm xa và sát thương yếu đi rất nhiều.
2. Người Cổ Triều Tiên (古朝鮮) với chiến thuật bộ binh nặng kết hợp cung thủ (giống của La Mã) đã khiến nhà Hán điên đảo.
Thời của Hán Vũ Đế (141 tcn-87 tcn) được coi là thời kỳ đỉnh cao về quân sự của nhà Hán với các chiến công đánh Đại Uyển, chinh phạt toàn bộ cõi Giang Nam, đuổi đánh Hung Nô đến tận hồ Baikal.
Nhưng khi tiến đánh Triều Tiên, đội quân kích thủ- nỗ thủ đông đảo, tinh nhuệ nhà Hán đã bị quân dân Triều Tiên đánh cho đại bại đến tận 2 lần. Đến lần thứ 3, phải nhờ số lượng binh sĩ đông hơn gấp nhiều lần, người Trung Hoa mới hạ được thành. Nhà Hán thành công chinh phục vùng bắc Triều Tiên và lập nên 4 quận Lạc Lạng, Chân Phiên, Huyền Thỏ, Lâm Đồn. Chuyện tưởng như đã xong nhưng chưa phải hết…
Chưa đầy 100 năm sau, Đông Minh Thánh Vương Jumong (37 tcn – 19 tcn) lập quốc Cao Câu Ly thành công, quân Cao Câu Ly tổ chức chiến tranh tổng lực với nhà Hán. Họ thực hiện chiến thuật “Vây thành – diệt viện” quen thuộc, cho quân vây hãm nhiều tòa thành khác nhau, dụ quân Hán nơi khác chia quân đến tiếp viện, rồi tổ chức phục kích tiêu diệt từng cánh quân. Quân Hán bị giết rất nhiều, cuối cùng 4 quận nhà Hán thành lập trên đất Triều Tiên trở thành lãnh thổ của quốc gia non trẻ này.
Điều đáng lưu ý, quân đội Cao Câu Ly (Goguryeo) thời gian đầu lập quốc cũng chủ yếu là bộ binh nặng và cung thủ giống Cổ Triều Tiên. Phải đến thời Quang Khai Thổ Thái Vương (광개토태왕) tức thế kỷ thứ 4. Sau 1 thời gian chiến tranh liên miên với nước Tiền Yên thời Ngũ Hồ Thập Lục Quốc và 1 loạt các cải cách mạnh mẽ về quân sự, người Triều Tiên mới có các binh đoàn kỵ binh thiết giáp. Hơn nữa, Cao Câu Ly thời gian đầu cũng có kỵ binh nhẹ, nhưng địa hình Triều Tiên cổ đại, 70% là rừng cây, đồi núi nên khả năng phát huy thế mạnh của kỵ binh là rất kém.
Không thể kết luận: do kỵ Triều Tiên mạnh nên cung nỏ Hán bó tay giống trường hợp chiến tranh trăm năm. Trái lại yếu tố địa hình còn làm lực lượng kỵ binh tinh nhuệ nhà Hán khó mà phát huy hiệu quả tại chiến trường Triều Tiên. Đây là cuộc chiến đơn thuần giữa các nỏ binh tinh nhuệ của nhà Hán với các cung thủ Triều Tiên.
3. Trong sách Thủy Kinh Chú Sớ có ghi chép ở Thời Đông Hán, đã từng có 1 đội quân Lạc Việt vạn người chiến dịch tới tận Ba Thục- Tứ Xuyên.
“Năm Kiến Vũ 19, Mã Viện dâng thư cho Hán quang vũ đế nói: từ Mi Linh ra Bôn Cổ, đánh Ich Châu, thần đem hơn 1 vạn người Lạc Việt, quân lính quen chiến đấu hơn 2000, cung khỏe tên sắc, bắn mấy phát, tên bay ra như mưa, người bị trúng tên thì nhất định chết…”
Nếu như nỏ binh đào tạo cấp tốc và khỏe hơn cung thủ nhiều thì sao người Hán phải tuyển quân tinh nhuệ toàn cung thủ người Việt mà không phát mỗi ông 1 cây nỏ. Có phải đỡ tốn kém và hiệu quả hơn không?
Các học sĩ trong thiên hạ có cao kiến gì về 3 mâu thuẫn trên không?
Liệu kết luận nỏ thủ bao giờ cũng mạnh mẽ, hiệu quả hơn cung thủ bao giờ cũng đúng?
Ảnh minh họa: Cung thủ La Mã là 1 trong những lực lượng cung thủ mạnh nhất thế giới cổ đại khi được trang bị loại trường cung composite sừng dài bất đối xứng. Loại cung mạnh nhất trong các loại cung thời vũ khí lạnh. Lâu nay quan niệm cung thủ La Mã phế vật là 1 ngộ nhận sai lầm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *