Dịch từ: Serious Trivia
PHẦN CUỐI: TAM VƯƠNG HỖN CHIẾN
Trong phần trước, Thành Đô Vương (成都王) Tư Mã Dĩnh (司馬穎) đã chọn rút về Nghiệp Thành sau khi được phong làm Thái đệ nối ngôi và nhiếp chính, để cai trị. Với quyền lực lớn như vậy, sự tự cao của ông càng ngày càng thể hiện rõ, Tư Mã Dĩnh chỉ lo ăn chơi không màn chính sự, khiến những mưu sĩ và tướng quân trước đây giúp ông gây dựng sự nghiệp dần chán nản. Khi các mưu sĩ này đến khuyên ông, Tư Mã Dĩnh lại cho rằng mình đã nắm giữ triều chính nên mặc kệ họ.
Trong vài tháng sau đó, sự ủng hộ Tư Mã Dĩnh bị suy giảm nghiêm trọng, mở đường cho Đông Hải Vương (東海王) Tư Mã Việt (司馬越), lúc này đang ở kinh thành tiến đánh. Ông viết hịch nói rằng Tư Mã Dĩnh coi thường Hoàng đế vì sống xa hoa hơn Tư Mã Trung (司馬衷) và xin Tấn Huệ Đế đem quân đánh Tư Mã Dĩnh, phế ông khỏi chức Thái đệ. Biết rằng mình không có tiếng nói với các tướng lĩnh và Vương địa phương, Tư Mã Việt xin Hoàng đế đứng ra chỉ huy quân đội để lực lượng địa phương cùng tham gia. Kế hoạch thành công và nhiều vị Vương khác cũng đem quân đến Lạc Dương để cùng Hoàng đế thảo phạt.
Vì vậy vào tháng 7 năm 304, Tư Mã Việt đem 10 vạn quân từ Lạc Dương tiến đánh căn cứ của Tư Mã Dĩnh ở Nghiệp Thành, với Hoàng đế Tư Mã Trung dẫn đầu. Khi Tư Mã Dĩnh biết được tin anh trai Tư Mã Trung định thảo phạt mình, ông hoảng sợ và định bỏ Nghiệp Thành rút lên phía bắc. Nhưng các mưu sĩ lúc đó can ngăn, nói rằng không chỉ chúng ta đông quân hơn, mà quân sĩ dưới trướng cũng vô cùng tinh nhuệ sau nhiều năm chinh chiến xa trường. Tư Mã Dĩnh sau khi bình tĩnh suy xét lại thì sai tướng là Thạch Siêu (石超) đem 5 vạn quân ra chặn đánh. Chỉ trong một trận đánh duy nhất, 10 vạn quân ô hợp từ các quân phiệt địa phương của Tư Mã Việt và Tư Mã Trung nhanh chóng tan rã. Thạch Siêu sau đó bắt giữ được Hoàng đế Tư Mã Trung, lúc này đang bị thương nặng do dính 3 mũi tên và bị quân lính bỏ mặc trên chiến trường. Với Hoàng đế giờ bị bắt giam và Tư Mã Việt chạy bán sống bán chết về đất được phong là Đông Hải, Tư Mã Dĩnh đã có một chiến thắng quyết định.
Quay trở lại với phía tây, chúng ta lại tiếp tục quên mất Hà Gian Vương (河間王) Tư Mã Ngung (司馬顒), người là đồng minh thân cận với Tư Mã Dĩnh. Sau khi nghe tin Tư Mã Việt mang quân đến đánh Tư Mã Dĩnh, ông sai tướng Trương Phương (張方) đem 2 vạn quân đến Nghiệp Thành hỗ trợ Tư Mã Dĩnh. Khi Trương Phương gần đến kinh thành, tin về chiến thắng của Tư Mã Dĩnh truyền đến tai ông, Trương Phương liền chủ động cho quân lính đánh chiếm Lạc Dương, lúc này không ai bảo vệ. Sau khi chiếm được Lạc Dương, Trương Phương lại hạ lệnh cho quân đội đốt phá và cướp bóc khắp kinh thành, cảnh tượng vô cùng khủng khiếp.
Ở Nghiệp Thành, sau khi Tư Mã Dĩnh tiêu diệt được quân đội của Tư Mã Việt, ông chuyển hướng tiến công lên phía bắc vào U Châu, biên cương phía bắc của Trung Hoa, gần nơi ở của ngoại tộc Ngũ Hồ. Ở thời Loạn Bát Vương, U Châu được trấn thủ bởi tướng quân Vương Tuấn (王浚), trước đây ủng hộ Triệu Vương (趙王) Tư Mã Luân (司馬倫) nên gây thù chuốc oán với Tư Mã Dĩnh, nhưng do Vương Tuấn đóng quân quá xa ở phía bắc, Tư Mã Dĩnh không có thời gian thảo phạt ông, trước đây sau khi diệt được Tư Mã Nghệ (司馬乂) thì có cử bộ tướng là Hà Diễn (何眼) và mua chuộc các bộ tộc phương bắc để cùng hợp binh giết Vương Tuấn, nhưng do trời mưa quá lớn nên tiến độ quân bị chậm lại, đồng thời ngoại tộc cho đây là dấu hiệu không lành nên phản lại Tư Mã Dĩnh, giết chết Hà Diễn và gia nhập Vương Tuấn.
Chiến thắng của Tư Mã Dĩnh làm thay đổi hai thứ. Thứ nhất là Hoàng đế đã bị bắt giữ ở Nghiệp Thành và không còn mối đe dọa nào ở phía nam. Thứ hai là em trai của Tư Mã Việt là Tư Mã Đằng (司馬騰) cũng đóng quân ở phía bắc, sợ rằng Tư Mã Đằng sẽ liên minh với anh trai, Tư Mã Dĩnh quyết định sai tướng là Vương Bân (王斌) đưa quân lên thảo phạt cả Vương Tuấn và Tư Mã Đằng. Vương Tuấn bèn liên minh với các ngoại tộc phía bắc như Tiên Ti và Ô Hoàn để đánh Tư Mã Dĩnh, do kỵ binh của các bộ tộc này quá mạnh, quân của Vương Bân chưa đánh đã bỏ chạy. Vương Tuấn thấy vậy lại bắt đầu lên kế hoạch nam tiến chiếm Nghiệp Thành, Tư Mã Dĩnh cử tướng Thạch Siêu, vừa đánh bại Tư Mã Việt xong, đến cố thủ nhưng vẫn không chống nổi kỵ binh Tiên Ti.
Vì quân đội gần như đã bị tiêu diệt, Tư Mã Dĩnh bỏ Nghiệp Thành, đem tàn quân còn lại cùng Hoàng đế Tư Mã Trung chạy về Lạc Dương, Vương Tuấn và bộ lạc Tiên Ti mặc kệ không thèm truy đuổi, mà lo cướp bóc, đốt phá, thảm sát Nghiệp Thành. Mặc dù chiến dịch này không phải là cuộc chiến giữa Bát Vương với nhau, nhưng đây là mầm móng cho giai đoạn “Ngũ Hồ loạn Hoa,” mở ra thời kỳ Thập Lục Quốc sau này. Các sử gia coi Loạn Bát Vương là giai đoạn trung gian giữa thời kỳ nhà Tấn bắt đầu sụp đổ và thời kỳ Ngũ Hồ Thập Lục Quốc. Nhưng chúng ta phải biết là không phải tự nhiên mà các ngoại tộc phương bắc xuống tấn công nhà Tấn bị suy yếu, mà chính là do các vị Vương tham gia loạn mời những bộ tộc này xuống phía nam để làm “lính đánh thuê” thay cho quân đội bị suy yếu của mình, dẫn tới sau này các tộc Ngũ Hồ nam tiến và xâm lược nhà Tấn.
Trở lại với câu chuyện, sau khi Tư Mã Dĩnh bắt Tư Mã Trung chạy về Lạc Dương, ông mới phát hiện kinh thành đã bị Trương Phương đốt phá, Tư Mã Ngung sau khi thấy quân đội của Tư Mã Dĩnh đã bị tiêu diệt, hết giá trị lợi dụng, ông sai Trương Phương bắt Tư Mã Dĩnh và Tư Mã Trung làm con tin, phế luôn chức Thái đệ của Tư Mã Dĩnh. Trương Phương sau đó cho quân lính cướp bóc luôn Hoàng cung, rồi hạ lệnh cho quân đội giết hết người dân ở Lạc Dương và bắt Hoàng đế về Trường An. Nhưng Lư Chí (盧志) lúc đó đi cùng Tư Mã Dĩnh xin Trương Phương tha cho người dân ở kinh thành, nói rằng nếu làm vậy, sử sách sẽ ghi nhận ông là Đổng Trác (董卓) thứ 2. Trương Phương sau khi suy tính thì đồng ý tha cho người dân, với điều kiện là Hoàng đế và tức cả quan chức phải dời về căn cứ của Tư Mã Ngung ở Trường An. Tư Mã Dĩnh giờ đây trở thành con cờ cho Tư Mã Ngung sau khi mất hết quân đội.
Hành động đốt phá ở kinh thành và bắt Hoàng đế về Trường An của Trương Phương giúp Tư Mã Việt có cớ để một lần nữa viết hịch kêu gọi lực lượng quân phiệt ở phía đông hợp binh đánh Tư Mã Ngung, sau khi ông thành công xây dựng lực lượng quân đội mới ở Đông Hải. Liên quân Tư Mã Việt thành lập gồm ông và 3 em trai là Tư Mã Đằng, Tư Mã Lược (司馬略), Tư Mã Mô (司馬模) cùng em họ là Tư Mã Thành (司馬城), liên quân tôn Tư Mã Việt làm chỉ huy và đem quân tây tiến.
Chiến dịch tây tiến đã gặp khó khăn ngay từ ban đầu, Thứ sử Vũ Châu lúc đó là Lưu Kiều (刘钊) ban đầu ủng hộ Tư Mã Việt, nhưng Tư Mã Việt muốn em họ ông là Tư Mã Thành giữ Dự Châu, nên sai Lưu Kiều đến trấn giữ Nghiệp Thành. Lưu Kiều không muốn mất vùng Trung Nguyên nên đổi phe và ngăn chặn đường tiến quân của Tư Mã Việt.
Trong khi Tư Mã Ngung đang bàn bạc với các tướng lĩnh nên làm gì tiếp theo, Trương Phương lúc đó nói với ông rằng mặc dù họ có ít quân lính hơn, Trương Phương vẫn có thể giữ chân liên quân nếu có 10 vạn quân, ông khuyên Tư Mã Ngung cho ông đưa Hoàng đế thiểu năng về Lạc Dương để liên minh không có cớ đánh tiếp và đưa Tư Mã Dĩnh về Nghiệp Thành để làm phân tán lực lượng của Tư Mã Việt.
Tư Mã Ngung tuy nhiên rất lo sợ về Trương Phương, ông không muốn đưa hết quân độ và Hoàng đế cho vị tướng quân này, sợ rằng Trương Phương sẽ phản bội ông và làm những việc không ngờ tới như tự phong mình làm nhiếp chính. Vì vậy Tư Mã Ngung lấy cớ là Lưu Kiều đã đổi phe rồi nên không cần lo lắng, đưa một lực lượng nhỏ tới giúp Lưu Kiều chặn đường tấn công và chỉ đồng ý một phần kế hoạch của Trương Phương là trả Tư Mã Dĩnh về Nghiệp Thành xây dựng quân đội để làm phân tán lực lượng của Tư Mã Việt.
Ban đầu thì quân đội của Lưu Kiều và viện quân của Tư Mã Ngung khá mạnh, khiến quân của Tư Mã Việt thua liên tục. Tuy nhiên, sau khi Tư Mã Việt liên minh với Vương Tuấn cùng các bộ tộc Tiên Ti, quân của Tư Mã Việt nhanh chóng mạnh lên và tiêu diệt được Lưu Kiều cùng viện quân của Tư Mã Ngung.
Tàn dư quân đội của Tư Mã Ngung bỏ chạy về Lạc Dương, vừa đúng lúc Tư Mã Dĩnh cũng tới kinh thành trên đường đến Nghiệp Thành. Nhận thấy rằng tiếp tục tiến lên phía bắc là tự sát với đội quân khổng lồ của Tư Mã Việt, Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh cùng tàn dư quân đội quyết định tiếp tục chạy về căn cứ Trường An của Tư Mã Ngung.
Biết được tin về lực lượng lớn mạnh của liên minh Tư Mã Việt, Tư Mã Ngung vô cùng tức giận, cho rằng vì Trương Phương đốt phá kinh thành và ép Hoàng đế về Trường An nên mới xảy ra chuyện. Nên ông cho người bí mật ám sát Trương Phương, tướng quân giỏi nhất của mình và dùng thủ cấp của Trương Phương đưa cho Tư Mã Việt để cầu hoà. Nhưng Tư Mã Việt khi thấy tướng địch giỏi nhất đã chết thì không những từ chối mà còn thúc giục quân lính tiến nhanh hơn.
Hối hận vì quyết định của mình, lại không còn quân đội để giữ Trường An, Tư Mã Ngung bỏ thành và chạy lên núi trốn. Tư Mã Việt sau đó cho phép tộc Tiên Ti cướp phá Trường An như là phần thưởng đã giúp đỡ mình, khiến hơn 2 vạn người chết. Tư Mã Việt chiến thắng và bắt được Hoàng đế, đưa Tư Mã Trung trở về Lạc Dương.
Tuy nhiên, câu chuyện của Tư Mã Ngung chưa kết thúc, bởi lúc này ở Trường An có nhiều người trung thành với ông, họ ám sát Thái thú Trường An do Tư Mã Việt cử tới và mời Tư Mã Ngung quay trở lại, tuy nhiên, do còn quá ít quân đội, Tư Mã Ngung chỉ có thể cố thủ Trường An trước sự bao vây của các Thái thú được lệnh Tư Mã Việt đến giết ông. Tư Mã Ngung mặc dù giữ được Trường An nhưng không còn ảnh hưởng để mở rộng địa bàn ra ngoài thành nữa.
Một vị Vương khác cũng lên núi trốn là Tư Mã Dĩnh, ông sau đó định tìm đường trốn về Nghiệp Thành, để cùng những tướng lĩnh trung thành mở một cuộc nổi loạn khác. Nhưng ông bị quân của Tư Mã Thành, em họ của Tư Mã Việt bắt ở Nghiệp Thành. Tư Mã Thành quyết định tha mạng cho ông, vì dù sao vẫn là người trong gia đình. Đáng buồn thay, Tư Mã Thành không lâu sau bị bệnh mất, và được Lưu Dư lên thay, Lưu Dư sợ Tư Mã Dĩnh có quá nhiều tướng lĩnh trung thành tại Nghiệp Thành sẽ nổi binh làm loạn, nên liền cho người siết cổ chết Tư Mã Dĩnh cùng 2 người con.
Quay trở lại kinh thành, Tư Mã Việt được phong làm Thái phó và nhiếp chính cho triều đình. Nhưng ông chứng tỏ mình có gan hơn nhiều so với các tất cả các Vương trước đây, ít lâu khi trở về Lạc Dương, Hoàng đế Tư Mã Trung đã băng hà do bị đầu độc chết. Mặc dù sử sách không ghi nhận lại bất kỳ bằng chứng nào, nhiều người cũng nghĩ và biết rằng đây là âm mưu của Tư Mã Việt. Mặc dù giờ Tư Mã Trung đã băng hà, Tư Mã Việt cũng không thể làm Hoàng đế do họ hàng quá xa với Tư Mã Trung. Thay vào đó, Tư Mã Xí (司馬熾), con trai thứ 25 của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm (司馬炎), tức em trai Tư Mã Trung được lựa chọn nối ngôi, Tư Mã Việt vẫn giữ chức thái phó và nhiếp chính.
Để ăn mừng đại lễ đăng quang, Tư Mã Xí viết Thánh chỉ cho phép tha tội cho tất cả các tội phạm khắp Trung Hoa. Tư Mã Ngung cũng được ân xá và được mời về Lạc Dương làm quan. Mừng rỡ trước việc này, Tư Mã Ngung cùng 3 người con tới kinh thành để nhậm chức, nhưng trên đường đi, em trai của Tư Mã Việt là Tư Mã Mô có tư thù với ông nên chặn đường và siết cổ chết 4 người.
Với cái chết của Tư Mã Ngung, Loạn Bát Vương cuối cùng cũng kết thúc và Tư Mã Việt trở thành vị Vương duy nhất còn sống sót, trở thành Thái phó và nhiếp chính cho Hoàng đế mới là Tư Mã Xí, người mà ông sẽ nhanh chóng nhận ra là khó kiểm soát hơn nhiều so với anh trai Tư Mã Trung. Mặc dù Tư Mã Việt là người chiến thắng cuối cùng, ông chỉ còn sống thêm được 4 năm nữa trước khi lâm bệnh do quá mệt mỏi và căng thẳng trong công việc, vì trong 4 năm liên tục vừa phải đảm đương triều chính, vừa phải củng cố quyền lực, vừa phải chống lại các cuộc xâm lược từ những ngoại tộc phương bắc. Chưa đầy 1 năm sau khi Tư Mã Việt chết, tộc Tiên Ti từ phía bắc do Lưu Thông (刘聪) chỉ huy đã đánh chiếm Trung Hoa, chiếm được Lạc Dương và bắt Hoàng đế Tư Mã Xí làm nô lệ, kết thúc nhà Tây Tấn.
Triều đại mà Tư Mã Viêm ước mơ sẽ kéo dài như nhà Hán chỉ tồn tại 51 năm, và hai thế hệ Hoàng đế. Bởi mâu thuẫn nội bộ giành quyền kiểm soát Hoàng đế thiểu năng Tư Mã Trung đã làm suy yếu trầm trọng vương triều này. Về phần Tư Mã Trung mặc dù bị thiểu năng, ông lại là người được sống hưởng thụ nhất trong thời loạn lạc giữa các vị Vương trước khi băng hà ở tuổi 48 do bị đầu độc. Đối với bản thân Bát Vương, 4 người bị xử trảm, 2 người bị siết cổ chết, 1 người bị thiêu sống, và ngay cả người chiến thắng là Tư Mã Việt cũng không sống được bao lâu trước khi quá mệt mỏi với công việc. Chúng ta cũng không thể không nhắc đến số quân lính và dân thường chết trong giai đoạn này là nhiều vô số kể, có thể lên đến 1 triệu người.
Và đó, là kết thúc của Loạn Bát Vương.
Phần 7: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1156518528032782?sfns=mo