Câu chuyện chưa kể: Người Triều Tiên ở Kazakhstan

Câu chuyện chưa kể: Người Triều Tiên ở Kazakhstan

Nằm tận sau trong thảo nguyên Trung Á xa xôi, ít người biết rằng có một cộng đồng hàng trăm nghìn người Triều Tiên, vốn không có nhiều quan hệ lịch sử với vùng đất này, vẫn đang sống với những nét văn hóa riêng biệt của mình.

Họ được gọi là Koryo-saram. Koryo-saram (tiếng Nga: Корё сарам; tiếng Hàn: 고려 사람) là tên mà người Triều Tiên ở Trung Á dùng để tự gọi mình. Thuật ngữ này bao gồm hai thành phần: “Koryo”, một trong những tên của Triều Tiên cổ, và “saram”, có nghĩa là “người”. Khoảng nửa triệu người Triều Tiên đã sống ở Liên Xô, chủ yếu ở các quốc gia Trung Á. Ngoài ra còn có các cộng đồng Hàn Quốc lớn ở miền nam nước Nga (xung quanh Volgograd), vùng Caucasus và miền nam Ukraine.

Từ “Koryo” trong “Koryo-saram” có nguồn gốc từ tên của triều đại Goryeo (Koryŏ) trong lịch sử Triều Tiên. Tổ tiên của người Triều Tiên có lãnh thổ mà nay gồm bán đảo Triều Tiên, vùng Đông bắc Trung Quốc và Viễn Đông Nga. Trải qua lịch sử, phần lớn vùng đất của người Triều Tiên đã nằm bên đất Mãn Châu của Trung Quốc. Đến thời kì nhà Thanh của Trung Quốc suy yếu, nhiều vùng đất Mãn Châu đã bị đế quốc Nga thôn tính.

Những người Triều Tiên đầu tiên trong Đế quốc Nga là 761 gia đình có 5.310 người, đã thực sự di cư đến lãnh thổ nhà Thanh nhưng vùng đất họ ở được nhượng lại cho Đế quốc Nga năm 1860. Nhiều nông dân Triều Tiên coi Siberia là một vùng đất màu mỡ nơi họ có thể sống tốt hơn nên đã di cư đến đó. Đầu năm 1863, 13 hộ gia đình Triều Tiên được ghi nhận gần Vịnh Novukorut. Những con số này tăng lên đáng kể, và đến năm 1869, người Triều Tiên chiếm 20% dân số của tỉnh Maritime. Trước khi hoàn thành tuyến đường sắt xuyên Siberia, người Triều Tiên đông hơn người Nga ở vùng Viễn Đông của Nga. Cuộc Tổng điều tra của Đế chế Nga năm 1897 đã tìm thấy 26.005 người nói tiếng Triều Tiên (16.225 nam và 9.780 phụ nữ) trong toàn bộ nước Nga.

Vào đầu thế kỉ 20, có khoảng vài trăm nghìn người Triều Tiên sống ở vùng Viễn Đông của đế quốc Nga và sau này là Liên Bang Xô Viết. Con số này tăng lên nhanh chóng trong những năm sau đó. Nguyên nhân lớn nhất là do người Triều Tiên ồ ạt di cư sang Nga sau khi đất nước họ bị Nhật Bản thôn tính. Tuy vậy, sau khi kết thúc Chiến tranh Nga-Nhật năm 1907, nước Nga bại trận phải ban hành luật chống Triều Tiên theo lệnh của Nhật Bản. Theo đó đất đai và tài sản của nông dân Triều Tiên bị tịch thu và người Triều Tiên bị dồn vào các khu vực hẻo lánh. Dù vậy làn sóng di cư ngày càng mạnh mẽ hơn do người Triều Tiên coi Nga là vùng đất duy nhất còn chào đón họ. Kể cả khi cách mạng năm 1917 diễn ra khiến Đế quốc Nga sụp đổ, Liên bang Xô Viết thành lập cũng không thể ngăn nổi người Triều Tiên tìm đến Nga. Ngoài ra, còn một cộng đồng khác khoảng 10.000 người, gồm những người Triều Tiên bị Nhật Bản bắt di cư đến đảo Sakhalin chiếm của Nga vào đầu thế kỉ 20 để khai thác tài nguyên. Tuy nhiên những người này không nhận mình là Koryo-saram.

Từ năm 1931 Liên Xô đã buộc những người Triều Tiên di cư hiện tại phải nhập quốc tịch Xô viết. Sau đó họ thực hiện chính sách korenizatsiya (bản địa hóa) để đồng hóa các dân tộc thiểu số với người Nga. Theo đó, người Triều Tiên bị buộc phải nói tiếng Nga, các trường học tiếng Triều Tiên bị đóng cửa, trở thành trại tập trung (gulag) và sách vở tiếng Triều Tiên bị đốt sạch. Đến năm 1937, lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã ký Nghị quyết 1428-326 vào ngày 21 tháng 8, trong đó trục xuất toàn bộ người Triều Tiên từ Viễn Đông sang Trung Á. Theo báo cáo của Nikolai Yezhov, 36.442 gia đình Triều Tiên với tổng số 171.781 người đã bị trục xuất vào ngày 25 tháng 10.

Người Triều Tiên không phải dân tộc duy nhất bị cưỡng bức di cư trong dai đoạn này. Người Ba Lan, Romania, Ukraine, Baltic,…cũng bị chính quyền Liên Xô trục xuất đến Siberia và Trung Á. Ngược lại, người bản địa Trung Á vốn đã ít dân, lại bị chết do nạn đói, bị trục xuất đến Kavkaz và Ural, khiến họ trở thành dân tộc thiểu số trên chính quê hương mình. Đối với người Triều Tiên, họ bị đưa đi quãng đường 4000 cây số đến vùng đất Trung Á xa lạ đầy khắc nghiệt. Người Triều Tiên bị trục xuất phải đối mặt với những điều kiện khó khăn ở Trung Á: hỗ trợ tài chính do chính phủ hứa hẹn đã không được thực hiện, khí hậu khắc nghiệt, đường xá xa xôi, đa số người bị trục xuất là nông dân trồng lúa và ngư dân, không thể trồng trọt trên đất thảo nguyên và sa mạc,… Số liệu thống kê dân số cho thấy hơn 40.000 người Triều Tiên bị trục xuất đã chết vào năm 1937 và 1938 vì đói rét, bệnh tật, tai nạn hay bị hành quyết.

Ở các khu định cư mới Trung Á, người ta đã xếp họ vào ở tạm các khu chăn nuôi gia súc của các nông trường. Người Triều Tiên đã phải tổ chức lại cuộc sống từ con số không. Dù khó khăn, người Triều Tiên vẫn giữ được đức tính lao động cần cù, kiên nhẫn, chịu đựng và kỷ luật phi thường. Người Triều Tiên đã đi lên từ việc tổ chức các nông trang chuyên trồng hành và dưa hấu. Hành và dưa hấu của họ rất chất lượng và dần dần có tiếng toàn Liên Xô. Ngoài ra, người Triều Tiên đã phát triển thêm món kim chi truyền thống và các biến tấu khác của món này. Nhờ hương vị độc đáo, món kim chi Triều Tiên đã được toàn thể người dân Liên Xô ưa thích. Các công nhân Triều Tiên cũng nổi tiếng chăm chỉ và kỉ luật. Nhiều người Triều Tiên được nhận huân chương lao động của Liên Xô nhờ thành tích xuất sắc của mình. Người Triều Tiên dần dần đã tạo được cho mình thương hiệu trong Liên Bang Xô Viết, tạo được điều kiện cho bản thân và con cái họ học hành. Họ thậm chí có mức sống và trình độ phát triển cao hơn nhiều dân tộc khác trong khu vực. Từng bước, họ đã vươn lên trở thành một thành phần không thể thay thế trong mọi lĩnh vực ở Liên Xô. Nhiều người có điều kiện hơn đã di cư vào các vùng khác của Liên Xô gồm Nga (xung quanh Volgograd), vùng Caucasus và miền nam Ukraine. Họ cũng được các dân tộc khác ở Trung Á, kễ cả người bản địa lẫn người di cư bao bọc, giúp đỡ. Họ vẫn kể cho nhau câu chuyện về năm 1937, ở Uzbekistan có nạn đói nhưng người Uzbek vẫn dành lương thực của mình giúp đỡ người Triều Tiên. Người Uzbek chết vài nghìn người nhưng không có một người Triều Tiên nào chết đói. Qua thời gian, người Triều Tiên kết hôn với các sắc dân khác như Kazakh, Uzbek, Turk, Tajik, Nga, Ukraine,…. khiến nhiều đứa trẻ Triều Tiên sinh ra da trắng, tóc vàng như người châu Âu. Tuy vậy đa phần họ vẫn giữ được mái tóc đen và đôi mắt một mí, vẫn ăn tương, xì dầu, đậu phụ và kim chi trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên tiếng Triều Tiên thì rất ít người biết do không được phép dạy.

Giống như các dân tộc khác trong Liên Bang Xô Viết, khi Chiến Tranh vệ quốc vĩ đại diễn ra, các Koryo-saram cũng đã lên đường gia nhập Hồng quân. Khoảng 30.000 Koryo-saram đã tham gia chiến đấu trong Hồng quân trong tổng số hơn 200.000 người Triều Tiên chiến đấu cho Liên Xô (số còn lại gồm người Triều Tiên Sakhalin và tù binh Triều Tiên trong quân đội Nhật Bản bị Liên Xô bắt làm tù binh). Họ cũng chiến đấu dũng cảm như bao người lính Xô Viết khác và góp phần vào chiến thắng phát xít. Sau chiến tranh, hàng trăm người Triều Tiên đã được phong huân chương và danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Ước tính vài chục nghìn người Triều Tiên trong quân đội Liên Xô đã chết trong thế chiến, chủ yếu là ở mặt trận Ukraine năm 1943, đặc biệt là trong trận Kharkov.

Với những đóng góp to lớn của mình, vai trò của người Triều Tiên trong Liên Xô ngày càng được thừa nhận và củng cố, và có nhiều người Triều Tiên đã làm vang danh nước Nga. Đầu tiên là Nellie Kim (1957) một vận động viên thể dục dụng cụ người Nga gốc Triều Tiên. Nellie Kim đã vinh danh nước Nga bằng 5 danh hiệu vô địch Olympic, 5 danh hiệu vô địch thế giới và 2 danh hiệu vô địch Châu Âu. Bà hiện là Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật của Liên đoàn Thể dục Quốc tế nữ, và sống tại Minneapolis. Thứ hai là Viktor Tsoi (1962-1990), người trong một khoảng thời gian rất ngắn (bắt đầu hoạt động như là một nhà thơ, họa sĩ, ca sĩ và nhà soạn nhạc từ 1978) đã trở thành nhà thơ, nhà soạn nhạc và ca sĩ nhạc rock huyền thoại. Ông là người sáng lập và lãnh đạo nhóm nhạc rock “Kino” (1984-1990) lừng danh. Trong nhóm này, Viktor Tsoi là ca sĩ chính, ông cũng vừa chơi guitar, vừa làm thơ và soạn nhạc cho nhóm. Những bài hát của Viktor Tsoi đến nay vẫn được rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ưa chuộng. Ông được dựng tượng kỷ niệm và tên ông được đặt cho đường phố ở nhiều thành phố ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Có thể nói người Triều Tiên là một trong những cộng đồng nhập cư và không phải Nga hội nhập thành công nhất ở nước Nga hiện nay. Họ là một trong số không nhiều cộng đồng dân tộc ở Nga, được người Nga đối xử thực sự tôn trọng, thân thiện và bình đẳng.

Ngày nay, khoảng nửa triệu người Triều Tiên đang sống ở các quốc gia hậu Xô Viết, dù không phải tất cả đều là Koryo-Saram. Họ bao gồm 198.000 người ở Uzbekistan, 125.000 người ở Nga, 105.000 người ở Kazakhstan, 19.000 người ở Kyrgyzstan, 13.000 người ở Ukraine, 6.000 người ở Tajikistan, 3.000 người ở Turkmenistan, và 5.000 ở các nước cộng hòa cấu thành khác. Phần lớn Koryo-saram ở Trung Á cư trú tại Uzbekistan và Kazakhstan. Các cuộc tổng điều tra Kazakhstan ghi nhận dân Koryo-saram tăng dần đều, từng có lúc đông ngang ngửa người Kazakh do người Kazakh chết rất nhiều do nạn đói từ năm 1919 đến 1933. Người Triều Tiên ở Kazakhstan đặc biệt nhiều ở các đô thị. Năm 1940, 30% dân số thủ đô Almaty là người Nga, 24% là người Triều Tiên trong khi chỉ có 21% là người Kazakh. Ngược lại, dân Triều Tiên Uzbekistan phần lớn nằm rải rác ở các vùng nông thôn. Nhờ vậy họ sống sót qua nạn đói ở Uzbekistan trong khi nhiều người Uzbek chết đói. Tuy vậy, sau sự độc lập của Uzbekistan, do sự thù ghét người Nga của người Uzbek, nhiều người Triều Tiên gặp khó khăn vì chỉ nói được tiếng Nga. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa 2 nước rất tốt đẹp. Kiều hối của lao động Uzbekistan ở Hàn Quốc gửi về lên đến 100 triệu USD mỗi năm.

Ngoài ra còn có một cộng đồng nhỏ của Hàn Quốc ở Tajikistan. Họ sống chủ yếu ở thủ đô Dusanbe. Giống như người Triều Tiên ở các vùng khác của Trung Á, họ thường có thu nhập cao hơn so với các nhóm dân tộc khác. Tuy nhiên, với sự khởi đầu của cuộc nội chiến ở Tajikistan vào tháng 5 năm 1992 dẫn đến sự bài trừ người nói tiếng Nga, nhiều người Triều Tiên đã bỏ chạy khỏi đất nước. Đến năm 1996, dân số của họ đã giảm hơn một nửa xuống còn 6.300 người. Bạo lực tiếp tục ngay cả sau khi kết thúc nội chiến; vào năm 2000, các thành viên nhóm khủng bố Hizb ut-Tahrir đã cho nổ một quả bom trong một nhà thờ Thiên Chúa giáo của người Triều Tiên ở Dushanbe, giết chết 9 người và làm bị thương 30 người, nhưng chủ yếu là người Tajik.

(Theo Untold Stories: The Koreans of Kazakhstan – phóng sự đạt giải báo chí của Magnum Photos năm 2016)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *