#Chích_quái_Toàn_thư
Không có bụi tre ngà hay ngựa biết bay nào cả.
Truyền thuyết về Đổng Thiên Vương, hay còn gọi là Phù Đổng Thiên vương, Thánh Gióng, sớm nhất được ghi chép bằng văn bản còn lưu giữ được tới nay là Lĩnh Nam chích quái, thời nhà Trần. Thời nhà Lê, vua Thánh tông sai sử quan Ngô Sĩ Liên sưu tập sách vở các đời để chép bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Truyền thuyết về Thánh Gióng cũng được Ngô sử gia đưa vào chính sử, nhưng rút gọn rất nhiều:
Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: “Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì.”
Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái tổ phong là XungThiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng).
(hết trích)
—
Bài không có trong sách mới #Thương_Hải_Tang_Điền mà em đang crowdfunding. Nhân thể tái bản #Ngàn_Dặm_Quan_San ạ. Rất mong các bác ủng hộ để sinh viên nghèo tiếp tục ngày ngủ 3 tiếng rồi chạy grab tối luận sử.
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=616405389065468
—
Lĩnh Nam chích quái mở đầu câu chuyện bằng vấn đề Nam Bắc: “Hùng vương cậy nước mình giàu mạnh, mà chểnh mảng việc triều cận [Bắc phương][1]. Vua nhà Ân mượn cớ tuần thú sang xâm lược.”
Đọc qua có thể thấy tương tự như trong truyền thuyết Lạc Long quân, Chích quái luôn có tâm thế coi nước ta là chư hầu của phương Bắc, phải vào chầu (triều cận), và khi vua phương Bắc có quyền tuần thú phương Nam. Toàn thư bác bỏ hoàn toàn, không nhắc tới giặc Ân, và tuyệt không nhắc tới triều cận hay tuần thú; chỉ đơn giản là “trong nước có việc nguy cấp – nguyên văn: quốc nội hữu cảnh”.
Chích quái kể tiếp: “Có người phương sĩ tâu rằng: sao không cầu Long Vương đưa quân âm lên giúp!”
Tiếp nối câu chuyện cha rồng mẹ tiên, coi năm mươi người con theo cha xuống thủy phủ không phải loài người, Chích quái cho Long vương (tức nòi Lạc Long quân) điều khiển quân âm giúp đỡ (nguyên văn: dĩ âm tương chi). Yếu tố này không hợp với tinh thần Kinh Trại chung gốc của nhà Lê nên Toàn thư lấy lý do yếu tố thần quái[2] mà lược bỏ.
Dĩ nhiên Ngô Sĩ Liên là bậc đọc nhiều hiểu rộng, ông biết thời Ân Thương, chúng ta (và cả thế giới) chưa tiến vào thời kỳ đồ sắt, nên “một ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh kiếm sắt dài bảy thước, một roi sắt vàmột nón sắt” mà Chích quái đề cập bị Toàn thư lược bỏ. Chỉ đơn giản “một con ngựa và một thanh gươm”[3].
Quá trình chiến đấu của Thánh Gióng với giặc lại là một điểm nhấn khác biệt giữa Toàn thư với Chích quái. Chích quái kể rằng vua sai người ban ngựa, gươm, roi, mũ tới cho Thánh Gióng, rồi gia đình và hàng xóm cung đốn đồ ăn thức uống để Thánh “lên rất nhanh” và “ngựa chồm lên, hí dài một tiếng mà phi như bay, nháy mát đã tới trước quân vua, vỗ kiếm đi trước, quan quân đều theo sau, tiến sát đồn giặc. Quân giặc bỏ chạy, còn lại tên nào đều la bái kêu lạy thiên tướng rồi cùng đến hàng phục. Ân vương bị chết ở trong trận.”
Toàn thưnếu một vấn đề khác: “Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả.”
Câu chuyện mà Toàn thư kể không nhắc tới việc làm sao Thánh Gióng lớn lên, như một cách phủ nhận vai trò của nhân dân trong việc nuôi dưỡng được một vị thiên tướng. Đồng thời không nhắc tới địa điểm ban gươm và ngựa, muốn người đọc liên tưởng tới việc bái tướng trước trận tiền, rồi Thánh Gióng dẫn đầu đạo quân của vua mà xông ra giết địch. Cốt truyện này dẫn tới cách nhìn Thánh Gióng như một sản phẩm hoàn toàn do vua tạo ra hoặc trời ban cho vua, nhận ân điển của vua, lĩnh quân của vua. Bên cạnh đó, chi tiết “quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau” lại tạo cho ta cảm giác thành phần hỗn tạp của quân giặc chứ không chỉ thuần một đám “giặc phương Bắc”.
Phiên bản cổ tích Việt Nam đi theo một chiều hướng trái ngược hẳn. Khác với Chích quái và Toàn thư viết Thánh Gióng sinh trong một gia đình “phú ông” thì cổ tích mô phỏng Thánh Gióng như một phiên bản của Lý Thái tổ, với bà mẹ đơn thân, dẫm vào vết chân khổng lồ mà mang thai[4], do mẹ và hàng xóm cung cấp cơm rượu mà thành khổng lồ, quần áo trên người do hàng xóm góp vải lụa. Thánh Gióng một mình xung trận, gươm (vũ khí vua ban) gãy, ông nhổ bụi tre làm vũ khí đánh tan quân giặc. Một Thánh Gióng hoàn toàn thuộc về nhân dân, mà vai trò của vua không hơn gì một thanh kiếm gãy.
Thật khó để nói phiên bản cổ tích có xuất hiện trước thời Ngô Sĩ Liên chép Toàn thư hay không? Nhưng dù thế nào đi nữa, một sản phẩm hoàn toàn mang tính bình dân (như Thánh Gióng trong truyện cổ tích) hay nửa phần bình dân (như Chích quái) sẽ không thể được lưu giữ trong chính sử. Thánh Gióng của Toàn thưlà một hình ảnh của Lê Thái tổ với thanh gươm Thuận Thiên, là một phần tử của triều đình với việc bái tướng và chỉ huy quân đội, và kẻ thù xâm lược nước ta khi ấy, không phải giặc Ân mà chính là giặc Minh cùng đám ngụy quan ngụy binh theo giặc. Chính bởi thành phần hỗn tạp ấy, nên khi quân Thánh Gióng xuất hiện, ngụy binh “tự quay giáo” theo quân triều đình, đánh lại giặc Minh.
—
[1] Bản dịch thêm hai chữ “Bắc phương” vào cuối câu, nguyên văn không có. Cổ tích Việt Nam không nhắc tới vấn đề “triều cận”, nhưng ghi rõ là giặc Ân. Mặc dù Toàn thư không chép rõ, nhưng liền sau câu chuyện về Xung Thiên Thần vương thì chép tới việc đời Thành vương nhà Chu, nên có thể ngầm hiểu thời gian xảy ra sự tích Thánh Gióng tương ứng với nhà Ân Thương của Trung Quốc.
[2] Vin vào “yếu tố thần quái” là một nhận định mang tính cá nhân của người viết, nhân bởi trong Toàn thư đã lược bỏ hầu hết các yếu tố thần thánh như ngựa sắt biết bay, ăn thùng uống vại, vươn vai khổng lồ…
[3] Tại sao ngọn roi bị lược bỏ? Tôi tin rằng Toàn thư muốn hướng tới biểu tượng thanh kiếm Thuận Thiên của Lê Thái tổ được lưu truyền trong dân gian và được ghi chép bằng văn bản với Lam Sơn thực lục.
[4] Toàn thư chép Lý Thái tổ “mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa”.
—
hình: Thánh Gióng trong Lĩnh Nam Chích Quái thần thánh của họa sĩ Tạ Huy Long
—
PS: Loạt bài so sánh Toàn thư với Chích quái này không liên quan gì tới việc bình luận về yếu tố thần quái, hư huyền trong Toàn thư, mà muốn đi vào khía cạnh vua Lê Thánh tông và Ngô Sĩ Liên đã vận dụng Chích quái như thế nào khi đưa vào chính sử, và để nhắm tới mục đích gì.
Mọi ý kiến chê bai Toàn thư hư cấu này khác, xin còm ở các bài hoặc chủ đề khác có liên quan hơn.