Một người nói tiếng Anh hiện đại có thể giao tiếp với những cộng đồng văn hóa tiếng Anh cách ngày nay bao lâu?

Một người nói tiếng Anh hiện đại có thể giao tiếp với những cộng đồng văn hóa tiếng Anh cách ngày nay bao lâu?

Chuyên mục: Language
———————————–
Những thay đổi trong ngôn ngữ không phải chuyện một sớm một chiều, mặc dù nhiều từ lóng được đưa vào sử dụng tương đối nhanh, và có những từ mới được phát minh trong khi những từ khác ngày càng ít được sử dụng. Các quy tắc ngữ pháp bạn được học ở trường giống hệt những gì cha mẹ bạn được dạy và con cái bạn sẽ (hoặc đang) sử dụng. Một vài từ mới được bổ sung mỗi năm để duy trì cho ngôn ngữ một vị trí đáng được chú ý (bạn còn nhớ tình thế náo động khi “ain’t” được thêm vào từ điển không?)
Sự chuyển tiếp từ tiếng Anh cổ sang tiếng Anh trung cổ và tiếng Anh hiện đại không phải một sự kiện. Đó là một quá trình. Các quy tắc ngôn ngữ không thình lình thay đổi vào ngày 24 tháng Năm năm 1503. Trước khi người Norman xâm chiếm nước Anh vào năm 1066, người dân Đảo Anh sử dụng tiếng Anh cổ, hay tiếng Anglo-Saxon. Một số từ ngữ của thời kì đó vẫn được duy trì đến ngày nay — chúng bao gồm vài trong số những từ chửi thề. Tiếng Anh cổ quá không giống tiếng Anh hiện đại, thậm chí chẳng có gì bất hợp lí nếu ta coi nó là một ngôn ngữ nước ngoài. Ví dụ, đây là những dòng thơ mở đầu của Beowulf [1]:
“Hwæt! Wé Gárdena in géardagum
éodcyninga rym gefrúnon
hú ðá æþelingas ellen fremedon.”
Tôi hoàn toàn chịu thua. Chắc là cái gì đó về một khu vườn, nhỉ?
Và đây là bản dịch sang tiếng Anh hiện đại:
“Listen! We — of the Spear-Danes in the days of yore,
of those clan-kings — heard of their glory,
how those nobles performed courageous deeds.”
(“Nghe đây! Chúng ta — vì người Danes của những ngày xưa cũ,
vì những vị vua thị tộc kia — đã nghe tới niềm vinh hiển của họ,
rằng những chiến tích kia được thực hiện đáng phục cùng can đảm nhường nào.”)
Thậm chí còn chẳng liên quan gì đến khu vườn.
Hãy chuyển đến cuối thế kỉ XIII – đầu thế kỉ XIV, sinh thời của Chaucer. Trong thời kì này, tiếng Anh trung cổ đã được đưa vào sử dụng. Những câu chuyện ở Canterbury [2] đã mở đầu thế này:
“Whan that Aprill, with his shoures soote
The droghte of March hath perced to the roote
And bathed every veyne in swich licour,
Of which vertu engendred is the flour”
Việc đọc những câu này cũng chẳng dễ gì, nhưng chí ít nó không vô vọng như tiếng Anh cổ Anglo-Saxon.
“When April’s gentle rains have pierced the drought
Of March right to the root, and bathed each sprout
Through every vein with liquid of such power
It brings forth the engendering of the flower”
(“Khi những cơn mưa dịu dàng của tháng Tư đâm xuyên cơn hạn hán,
Mưa khởi nguồn từ tháng Ba, tắm mát mỗi chồi non
Chất lỏng nồng nhiệt xẹt qua từng gân lá
Giục nụ đơm hoa.”)
Vấn đề thực sự sẽ nảy sinh khi nói — tất cả những âm câm ngày nay đều được phát âm vào thời kì ấy, và điều này sẽ biến ước mơ giao tiếp hiệu quả trở thành một giấc mộng khó thành. Một cuộc trò chuyện đơn giản rất có thể sẽ là điều khả dĩ — với sự trợ giúp từ một ai đó khác — nhưng những cuộc đàm luận trí tuệ thì miễn bàn.
Tiếng Anh trung cổ được phân biệt với tiếng Anh hiện đại bằng Đại Biến đổi Nguyên âm (Great Vowel Shift). Điều này đã mang đến một sự thay đổi cực kì to lớn trong việc phát âm các nguyên âm dài giữa thời đại của Chaucer và của Shakespeare. Ví dụ, trong những năm 1300, từ “sheep” sẽ được phát âm gần như “shape”. Chúng ta có thể cho đó là một rắc rối nhỏ, nhưng hãy thử đọc to những câu dưới đây…
“I sat and read what he had to read”
Hoặc là:
“A rough-coated, dough-faced ploughman strode through the streets of Scarborough, coughing and hiccoughing thoughtfully”
…trước khi thông qua các phán xét về lối phát âm vô nghĩa của các bậc tổ tiên thời Trung cổ của chúng ta.
Nhưng việc đọc tiếng Anh Trung cổ vẫn dễ hơn nhiều so với việc duy trì một cuộc hội thoại với một người nông dân thời ấy, hoặc thậm chí với một công tước. Những người thuộc các làng khác nhau có thể hiểu và phát âm một từ duy nhất theo những cách khác nhau. Khi cộng đồng dần coi trọng việc giáo dục và số người biết chữ tăng lên, nghĩa của từ dần trở nên thống nhất giữa các vùng, nhưng cách phát âm và giọng điệu vẫn rất đa dạng.
Chúng ta thống nhất hoàn thành hệ thống phát âm như hiện tại vào khoảng những năm 1500. Đây cũng là cột mốc được nhiều người chấp thuận là bình minh của tiếng Anh hiện đại. William Caxton, thợ in đầu tiên của nước Anh, đã viết những dòng này vào những năm cuối thế kỉ XV, và việc đọc hiểu chúng cũng không còn quá khó khăn:
“For we Englysshe men ben borne under the domynacyon of the mone, whiche is never stedfaste but ever waverynge, wexynge one season and waneth and dyscreaseth another season. And that comyn Englysshe that is spoken in one shyre varyeth from a-nother …”
Dịch lại như sau:
“For we Englishmen are born under the domination of the moon, which is never steadfast but ever wavering, waxing one season and waning and decreasing another season. And that common English that is spoken in one shire varies from another …”
(“Đối với chúng ta, người Anh được sinh ra dưới sự chi phối của Mặt Trăng, thứ hay chập chờn và chẳng bao giờ cố định, cứ đầy rồi lại khuyết. Và thứ tiếng Anh thông tục kia ở mỗi vùng khác nhau lại được nói theo các cách khác nhau…”)
Không quá xa vời so với tiếng Anh của hiện tại, nhất là khi so sánh với tiếng Anh cổ.
Giao tiếp với Shakespeare có vẻ là một việc đơn giản. Bạn có thể sẽ phải gãi đầu đôi chút, nhưng cả hai sẽ gần như hiểu hết các ý chính của nhau.
Chúng ta có thể sẽ hiểu được lời của Shakespeare, nhưng liệu chúng ta có thể hiểu được lời của người hàng thịt hay thợ rèn không? Và có bao nhiêu phần trong khả năng nghe hiểu ấy xuất phát từ việc chúng ta bị buộc phải học các tác phẩm của ông khi ở trường?
Có lẽ sau Shakespeare, bạn sẽ không gặp rắc rối gì nữa. The Bard [3] đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình ngôn ngữ tiếng Anh và cách biểu đạt của từng người, đồng thời phát minh ra nhiều từ ngữ và hình tượng thông dụng trong giao tiếp ngày nay.
Do đó, chúng ta có thể trở về những năm 1500 và giao tiếp với những người nói tiếng Anh đương thời — và họ có thể trò chuyện với chúng ta. Dĩ nhiên, mức độ thành công sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm trình độ học vấn của mỗi bên, phương ngữ (một số vùng có phương ngữ dễ nghe hiểu hơn những vùng khác) và chủ đề của cuộc nói chuyện (hãy chọn những chủ đề quen thuộc với tất cả mọi người. Đừng nói về PC, Macs hay bất kì chủ đề nào có thể khiến một người Anh dưới thời Tudor trở nên đần độn trong mắt bạn).
Tất nhiên, khoảng cách thời gian càng ngắn, mức độ hiểu biết lẫn nhau càng cao. Một cuộc trò chuyện với Ben Franklin chắc chắn dễ dàng hơn so với Sir Thomas More. Đương nhiên, trừ khi bạn khoác lên mình bộ áo vải tóc của thầy tu và lựa chọn con đường khổ hạnh cực đoan, thì tôi có tư cách gì mà phán xét bạn?
———————————–
[1] Beowulf: trường ca tiếng Anh trung đại bao gồm 3182 dòng thơ lặp âm dài, lấy bối cảnh ở Scandinavia. Đây là anh hùng ca tồn tại lâu đời nhất của tiếng Anh cổ và do đó thường được trích dẫn là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Anglo-Saxon, và cũng có thể coi là tác phẩm văn học Anh bản địa sớm nhất.
[2] Những câu chuyện ở Canterbury (The Canterbury Tales): một tập hợp gồm 24 truyện, kéo dài hơn 17000 câu thơ, sưu tầm và viết lại bởi Geoffrey Chaucer trong những năm 1387 – 1400 bằng tiếng Anh trung cổ.
[3] The Bard: tác phẩm thơ của Thomas Grey vào thời điểm Edward I tiến hành cuộc chinh phạt xứ Wales. Bài thơ lấy cảm hứng từ những nghiên cứu của ông về lịch sử và văn học trung cổ cùng những khám phá về nhạc đàn hạc xứ Wales. Bài thơ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nội dung sáng tác của các nhà thơ và họa sĩ sau này, được nhiều người cho là sản phẩm sáng tạo đầu tiên của thời kì Phục hưng Celtic và là gốc rễ của trào lưu lãng mạn ở Anh.
———————————–
How Far Back in Time Could a Modern English Speaker Go and Still Communicate? by @crankypantskat https://link.medium.com/VABe6y2IV5

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *