Mua đồ giá rẻ, mua sắm khi đang đói bụng, ham mê đồ giảm giá… là ba trong tám thói quen xấu phổ biến về tiền nhiều người mắc.
Các chuyên gia tại NetVoucherCodes, Anh, chia ra tám thói quen xấu phổ biến về tiền bạc bạn có thể mắc phải. “Nhiều người tìm kiếm các thủ thuật để cắt giảm chi phí, nhưng lại hoàn toàn bỏ qua thói quen chi tiêu vốn thực sự làm kiệt quệ tài chính”, chuyên gia nói.
Dưới đây là 8 thói xấu về tiền bạc và theo các chuyên gia có thể dễ dàng thay đổi thói xấu này.
1. Mua đồ giá rẻ
Bạn có xu hướng mua đồ rẻ, nhưng đồ rẻ thường đi cùng với chất lượng, thẩm mỹ. Rất nhanh bạn sẽ bỏ món đồ này. Mua sắm đồ chất lượng sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn khi dùng trong thời gian dài.
2. Mua sắm khi đói bụng
Đừng nên đi mua sắm khi đói vì bạn sẽ mất tỉnh táo, mua nhiều hơn nhu cầu thực tế của gia đình. Lên lịch đi mua sắm khi bạn thoải mái, có thời gian và nên lập danh sách các món đồ cần mua.
3. Tiêu nhiều vào đồ giảm giá
“Thật dễ dàng bị lôi kéo bởi một bảng hiệu giảm giá. Mặc dù có vẻ hàng giảm giá giúp bạn tiết kiệm tiền, nhiều khả năng bạn sẽ chi tiêu vào món đồ không cần thiết”, chuyên gia nói.
Bạn vẫn có thể mua đồ sale nếu đã để ý sản phẩm đó từ lâu và chỉ chờ cơ hội nó giảm để mua. Nhưng đừng mua khi nổi hứng và chỉ vì lý do nó sale.
4. Tiêu trước tiết kiệm sau
Nhiều người không để ý đến tiết kiệm ngay từ đầu mà thường chi tiêu trong tháng, sau đó còn bao nhiêu mới tiết kiệm. Hãy làm ngược lại, ưu tiên tiết kiệm trước. Ngay thời điểm lương về, hãy chuyển một phần sang tài khoản tiết kiệm.
5. Mua hàng hiệu
“Nhiều các sản phẩm chỉ khác biệt về hình thức bao bì, còn chất lượng, hiệu quả thì như nhau, song nếu là hàng thương hiệu bạn có thể phải bỏ số tiền đắt hơn gấp 2-3 lần”, các chuyên gia tiêu dùng cho biết.
Vì thế đôi khi hãy tìm một sản phẩm chất lượng, chứ không phải các thương hiệu lớn, sẽ giúp bạn tiết kiệm.
6. Mua cà phê
Nhiều người đang chi tiền mua cà phê. Khoản này nhìn qua không đáng kể, song sẽ tăng lên nhanh chóng khi bạn uống hàng ngày. Thay vào đó, hãy pha cà phê tại nhà rồi mang đi. Bạn sẽ thực sự ngạc nhiên vì số tiền tiết kiệm được.
7. Lãng phí thức ăn
Đồ ăn nên nấu vừa phải, bữa nào hết bữa đó. Nếu ngày hôm nay bạn vẫn đang ăn đồ thừa ngày hôm qua và thường xuyên diễn ra tình trạng này thì có nghĩa bạn đang hoạch định bữa ăn chưa tốt.
Để giảm thiểu, hãy dành chút thời gian cuối tuần lên thực đơn cho những bữa ăn trong tuần.
8. Không đặt mục tiêu tài chính dài hạn
Bạn cần có lý do đang cố gắng tiết kiệm tiền để làm gì? Đó là mua nhà, ôtô, du lịch hay tiết kiệm về hưu.
Khó khăn lớn nhất khi tiết kiệm chính là những cám dỗ. Nhiều người dành dụm được một vài tháng nhưng đến tháng thứ ba là tiêu sạch những gì đã tích cóp được. Đặt một mục tiêu rõ ràng, dài hạn cho phép bạn có động lực để kiên trì.
Bảo Nhiên (Theo Metro)