Đọc hiểu là một trong bốn kỹ năng quan trọng đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh. Rất nhiều người chia sẻ với tôi rằng đọc nhiều sách tiếng Anh, nhưng trình độ vẫn không khả quan hơn. Nguyên nhân có thể họ chọn sách khó hơn trình độ hoặc chưa biết phương pháp đúng để học đọc tiếng Anh.
1. Dành thời gian đặc biệt
Chúng ta có thể đọc sách bằng tiếng mẹ đẻ bất cứ lúc nào hoặc bất cứ đâu, nhưng khi ở những nơi ồn ào, đông người thì chưa chắc hiểu rõ hay ghi nhớ nội dung. Điều này có nghĩa là để đọc sách tiếng Anh, người học cần dành thời gian tập trung và nghiên cứu, tránh làm nhiều việc cùng lúc hoặc đọc trong tư thế không thoải mái. Bạn có thể thử một số hoạt động sau trong thời gian đọc sách:
– Biến quá trình đọc sách tiếng Anh thành thói quen.
– Tìm nơi yên tĩnh, có nhiều ánh sáng, vị trí ngồi thoải mái.
– Chuẩn bị sẵn bút, sổ ghi chép, từ điển để ghi chép, tra cứu nếu cần và đồ ăn nhẹ nếu bị buồn ngủ hoặc đói bụng.
– Quy định thời gian đọc sách: Trước khi đọc, bạn nên quyết tâm dành ra ít nhất 30 phút để đọc vì đây là quãng thời gian hợp lý. Trong khi đọc, bạn sẽ mất thời gian đầu để nhập cuộc với nội dung sách. Vì vậy, 30 phút là không quá dài nhưng cũng không quá ngắn để tiếp thu ngôn ngữ mới.
– Tắt âm các thiết bị điện tử hoặc đặt thiết bị điện tử xa tầm với: Việc dùng điện thoại thông minh để tra cứu từ điển đã trở thành hành động phổ biến nhưng tôi vẫn khuyên bạn nên sử dụng từ điển (tốt nhất là từ điển Anh – Anh) để tránh bị phân tâm, xao lãng trong quá trình đọc.
2. Chọn sách phù hợp
Khi chọn sách đọc, bạn nên nhớ hai tiêu chuẩn sau: Đề tài mà bạn quan tâm và trình độ ngôn ngữ của bạn. Bạn nên đọc về những chủ đề yêu thích, chọn những cuốn sách khó hơn trình độ tiếng Anh của bạn một đến hai bậc. Điều này vừa khiến bạn không bị chán nản khi gặp từ mới, vừa nâng cao khả năng, trình độ học.
Nếu không biết tìm sách ở đâu, bạn có thể tham khảo đầu sách trên Goodreads, Listopia, những diễn đàn dành cho người yêu sách. Ngoài ra, có hai ứng dụng tìm sách và cho đọc thử 10% nội dung sách để người đọc tham khảo là Jellybooks và Thatbooks. Bạn cũng có thể tìm những cuốn sách cùng thể loại hoặc là phần tiếp theo của những cuốn sách đã đọc và cảm thấy phù hợp với trình độ.
Một gợi ý nữa dành cho những người bắt đầu học tiếng Anh hoặc có trình độ vừa phải là tìm đọc sách Young Adults. Đây là tiểu thuyết dành cho độc giả từ 12 đến 18 tuổi nên các tác giả thường dùng từ đơn giản, dễ hiểu, lối viết ngắn gọn, súc tích.
3. Chuẩn bị trước và sau khi đọc
Đọc sách tiếng Anh không đơn giản là đọc các từ, tra cứu từ mới. Với hoạt động học này, bạn sẽ nhanh chóng quên đi những gì vừa đọc. Vì vậy, trước, trong và sau khi đọc, bạn cần chuẩn bị một số hoạt động đi kèm để hiểu nội dung văn bản sâu sắc hơn và thực sự học được nhiều hơn.
Trước khi đọc, bạn nên lướt nhanh qua nội dung của văn bản mà không phải đọc từng từ. Hoạt động này giúp bạn hiểu sơ lược về nội dung sắp đọc, từ đó xây dựng cái nhìn ban đầu và cách thức tiếp cận văn bản.
Bạn có thể tham khảo một số câu hỏi dưới đây và cố gắng tìm câu trả lời cho chúng khi đọc lướt.
– Có từ in nghiêng, in đậm nào không?
– Tiêu đề hoặc chú thích?
– Có nhiều đoạn hội thoại không? Dung lượng trung bình của đoạn ngắn hay dài?
Khi đọc xong, hãy tạm thời rời bỏ cuốn sách. Sau đó, dành thời gian tóm tắt những gì bạn nhớ hoặc hình dung nội dung, chủ đề chính của văn bản. Bạn hãy viết ra giấy một số câu, từ khóa mô tả nội dung của văn bản. Một số câu hỏi bạn cần trả lời sau khi đọc như:
– Những tình tiết quan trọng, ý chính của văn bản?
– Điều gì làm bạn bối rối, ngạc nhiên hoặc ấn tượng?
– Phần nào bạn chưa hiểu?
Nghiêm túc suy nghĩ về những gì đã đọc sẽ cho thấy bạn hiểu được bao nhiêu phần trăm nội dung văn bản. Nếu chỗ nào chưa nắm rõ hoặc còn khúc mắc, bạn có thể đọc lại.
4. Đọc trôi chảy
Bạn có bao giờ đọc từng từ rồi dừng lại tra cứu từ điển? Đây là cách học đọc thông thường của người học ngôn ngữ nhưng chắc chắn sẽ nhanh cảm thấy nhàm chán. Việc đọc của bạn đang bị ngắt mạch, đứt đoạn và bạn không thể hình dung tổng quát về nội dung văn bản.
Vì vậy, trong lần đọc đầu tiên, bạn hãy đọc liền mạch văn bản, không dừng lại ở từ khó hiểu, không cố gắng tra cứu từ. Như vậy, bạn có thể đọc trơn tru văn bản, các từ xuất hiện và chảy trong đầu bạn mượt mà như cách bạn nói. Hoặc bạn có thể chọn văn bản thấp hơn trình độ để luyện tập. Từ đó, dù không thể hiểu hết nội dung, bạn sẽ nắm được đại ý của tác phẩm, quan trọng hơn là hình thành khả năng đọc trôi chảy.
5. Đọc chậm rãi
Sau khi đã đọc tiếng Anh trôi chảy hơn, bạn hãy đọc chậm rãi để bắt đầu suy nghĩ về từng tiểu tiết và học từ mới. Một cách tuyệt vời để đọc chậm là đọc thành tiếng. Bạn sẽ không chỉ thực hành đọc hiểu mà còn học cách phát âm, nghe và nói. Hãy tập trung vào việc phát âm tốt từng từ, thậm chí nói đi nói lại đến khi phát âm chuẩn xác một từ.
Nếu không muốn đọc to, bạn có thể đọc ngắt quãng từng đoạn một để thực sự nắm rõ nội dung, từ và cách dùng câu của từng đoạn. Và đừng quên ghi chép lại những từ khó, từ mới, thành ngữ, tục ngữ hoặc cách dùng câu thú vị của tác giả.
6. Đặt câu hỏi
Khi đọc, hãy cố đặt thật nhiều câu hỏi, càng nhiều câu hỏi bạn càng nắm được ý nghĩa của văn bản. Đặt câu hỏi cũng là cách để bạn luôn “chất vấn” bản thân về khả năng tập trung của mình, giúp bạn hiểu rõ hơn những gì đang đọc. Hãy đặt câu hỏi như “Điều gì đã dẫn đến chi tiết này?”, “Tại sao nhân vật lại làm vậy?”, “Nhân vật suy nghĩ gì khi làm điều đó?”…
Khi đặt câu hỏi, bạn không nhất thiết phải trả lời luôn mà hãy viết ra giấy hoặc viết ra tờ ghi chú, dán vào chi tiết bạn tò mò. Sau khi đọc, hãy quay lại trả lời những câu hỏi để kiểm tra xem bạn nắm nội dung đến mức nào.
7. Đọc đi đọc lại
Đôi khi người đọc chỉ mất một lần để hiểu một văn bản nhưng nếu bạn phải đọc văn bản tiếng Anh khó hơn trình độ thì không thể. Vì vậy, bạn phải đọc đi đọc lại cho đến khi hiểu được gần như toàn bộ nội dung.
Việc đọc đi đọc lại còn giúp bạn có cái nhìn mới về văn bản, tìm ra những từ mới mà có thể đã lãng quên hoặc phớt lờ khi đọc.
8. Đọc đa dạng
Ở phần đầu, tôi khuyên bạn nên đọc đề tài yêu thích nhưng khi đã xây dựng vốn từ và trình độ nhất định, hãy cố gắng mở rộng chủ đề đọc. Ngày nay, chúng ta không chỉ đọc sách, đọc báo mà có rất nhiều nguồn tài liệu hay để học như blog, mạng xã hội, tạp chí. Hãy đọc tất cả những gì bạn tìm thấy, tất cả những gì bằng ngôn ngữ bạn đang học, chắc chắn bạn sẽ khám phá ra rất nhiều điều hay ho về ngôn ngữ ấy không chỉ dừng lại ở ngữ pháp.
——
Nguồn: sưu tầm