👉Bước 1: Chuẩn bị cho việc luyện cách đọc tiếng Anh
Tại sao lại phải chuẩn bị trước?
Đúng là việc bạn đọc bất cứ cái gì viết bằng tiếng Anh cũng đều được coi là đọc: một dòng status, menu đồ ăn, biển quảng cáo,… Bạn chỉ mất 10 giây hoặc liếc mắt qua để đọc được dòng chữ, nhưng ở đây, chúng ta đang nói đến việc rèn luyện kỹ năng đọc một cách nghiêm túc.
Việc tạo thói quen dành ra 30 phút đọc và ghi nó vào to-do-list mỗi ngày là điều cần thiết. Chúng ta mất 21 ngày để hình thành một thói quen mới. Giữa 21 ngày ấy, giữa bộn bề công việc và hàng ngàn phương thức giải trí hấp dẫn, 30 phút cho việc đọc dễ dàng bị lãng quên. Vì vậy, trước hết cần xác định, bạn nghiêm túc với việc đọc, và cam kết với nó.
Chuẩn bị những gì để đọc hiệu quả nhất?
Đầu tiên, hãy chắc chắn bạn đang ở một nơi yên tĩnh, hoặc một nơi có tiếng ồn vừa phải nếu điều đó khiến bạn tập trung hơn và tránh xa khỏi các phương tiện giải trí.
Chuẩn bị từ điển, một cuốn sổ và bút để ghi chép. Bộ não con người là một công trình tuyệt vời, nhưng nó sẽ không ghi nhớ tốt như bạn nghĩ, thay vì đó, một cuốn sổ sẽ là thứ đáng tin hơn nhiều.
👉Bước 2: Đọc lướt qua để hiểu được ý nghĩa chính của văn bản
Đầu tiên, hãy nhìn vào bất cứ thứ gì có thể cung cấp cho bạn thông tin về bài đọc: mục lục, giới thiệu về câu chuyện, tiêu đề chính, tiêu đề phụ,… Cố gắng tìm những thông tin như:
Văn bản đó thuộc thể loại nào? (truyện cổ tích, báo cáo,…)
Nội dung chủ yếu là các sự kiện hay đối thoại?
Văn bản viết theo thứ tự nào? (thời gian , không gian, logic,…)
Tiếp theo, áp dụng kỹ thuật đọc phổ biến trong tiếng Anh: Skimming (đọc lướt để nắm được nội dung chính mà không cần giải mã ý nghĩa của từng từ).
Chúng ta sẽ đọc nhanh toàn bộ văn bản, tập trung và những nội dung quan trọng mang ý nghĩa bao quát như tiêu đề, câu đầu tiên của đoạn hoặc những cụm từ in đậm. Chỉ dành ra tối đa 2 phút cho một đoạn văn, không đi sâu vào chi tiết và bỏ qua những từ mình không hiểu.
👉Bước 3: Đặt câu hỏi và xác định thông tin cần tìm
Đây là cách chúng ta tương tác với văn bản từ đó nhớ thông tin lâu hơn. Sau khi biết được nội dung của văn bản nên gạch ra những thông tin mình muốn biết.
Ví dụ: Nếu bạn đang đọc một câu chuyện, có thể đặt một số câu hỏi:
Có bao nhiêu nhân vật tất cả?
Các nhân vật có mối liên hệ gì với nhau? Tại sao nhân vật A lại gặp nhân vật B?
Câu chuyện diễn ra bao lâu? Mốc thời gian cụ thể xảy ra sự việc C?
Người viết có mục đích/thái độ gì với câu chuyện? …
Nếu bạn đang làm một bài tập đọc thì hãy đọc trước và ghi nhớ những câu hỏi đề bài đưa ra, và thêm vào câu hỏi của mình nếu muốn.
👉Bước 4: Đọc lướt để tìm kiếm thông tin
Đây là kỹ thuật đọc khác trong tiếng Anh: Scanning. Cũng được dịch là đọc lướt, nhưng chúng ta sẽ chú ý vào những từ khóa để tìm được thông tin cần tìm. Nếu bạn chưa nghe về Scanning bao giờ thì chắc chắn là bạn đã áp dụng nó hàng ngàn lần rồi mà không biết đấy. Bạn có thể đã lướt qua thời khóa biết để biết được cần chuẩn bị sách gì cho ca 3 thứ 4 hay chỉ mất 5 giây để xác định bộ phim Fast & Furious chiếu vào ngày nào trong tuần.
Ở bước này, chúng ta đọc văn bản một cách nhanh chóng, quét những thông tin cần tìm. Để tập trung sự chú ý của bạn rõ ràng hơn, gạch chân (tốt nhất là bằng mực khác màu) những từ khóa quan trọng. Nếu bạn vẫn chưa thể trả lời hết các câu hỏi ở bước 3 vì không hiểu nghĩa của một số từ thì cứ bỏ lại. Hãy hình dung cơ bản những gì đã xảy ra trong câu chuyện tác giả đang kể.
👉Bước 5: Đọc kĩ văn bản và tra cứu từ mới
Đây mới là lúc tập chung vào từng chi tiết để hiểu một cách hoàn hảo từng ý nhỏ của văn bản. Sử dụng từ điển và Google nếu gặp một cụm từ hay cấu trúc mình không biết. Cố gắng hoàn thiện tất cả các câu hỏi mình đã đặt ra và chú ý đến cách viết, cách dùng từ và văn phong của tác giả nhé!
Xem thêm: Gia tăng vốn từ vựng để cải thiện kỹ năng đọc với sách Hack Não 1500 từ tiếng Anh. Cuốn sách tổng hợp 1500 từ tiếng Anh thông dụng nhất, là nền tảng để đọc hiểu tất cả các văn bản thông dụng.
👉Bước 6: Ghi lại từ vựng và ngữ pháp quan trọng
Đây là lúc sổ ghi chú phát huy tác dụng, hãy ghi lại những từ vựng và cấu trúc quan trọng. Bạn cũng nên có cho mình một danh sách từ vựng và những cách diễn đạt, cách nói hay, điều này sẽ giúp ích rất lớn khi luyện viết tiếng Anh đấy! Lưu ý là chỉ ghi lại những gì thực sự cần thiết, và chắc chắn có thời gian ôn lại, việc ghi chú quá nhiều thông tin dễ gây loãng và “ngại học”. Đừng quên thực hành những nội dung học được khi nói/viết để biến chúng thành của mình nhé.
👉Bước 7: Tóm tắt lại văn bản
Bước này thường bị bỏ qua vì đa số người học đều nghĩ hiểu được tất cả các từ của văn bản đã là hoàn hảo. Tuy nhiên, sự thật là bạn chỉ thực sự nắm được văn bản và rèn luyện kỹ năng đọc tiếng Anh khi bạn biết cách diễn đạt lại nó. Bạn có thể diễn đạt bằng bất kỳ phương thức nào: kể lại câu chuyện, viết hay vẽ mindmap,… chỉ cần là bằng tiếng Anh. Đây vừa là cách thực hành những nội dung đã học, vừa giúp chúng ta nhớ thông tin hiệu quả hơn.
👉Bước 8: Đọc lại văn bản một lần nữa
Nhà thơ Ezra Pound đã từng nói: “No reader ever read anything the first time he saw it” – chúng ta chẳng đọc được gì từ một cuốn sách ngay trong lần đọc đầu tiên cả. Đôi khi đọc một văn bản, đặc biệt nếu bạn đọc một cuốn sách tiếng Anh, chỉ một lần là chưa đủ để hiểu nó. Bạn không nhất thiết phải đọc lại ngay lúc đó, có thể là vài hôm sau hoặc thậm chí tuần sau. Đọc lại giúp chúng ta tìm được những gì đã bỏ lỡ, hoặc rất có thể mới thực sự hiểu được ngụ ý của tác giả. Nếu có bất kỳ từ mới nào trong văn bản, bạn sẽ gặp lại chúng mỗi lần đọc lại, đó như là một cách đọc tiếng anh giúp cho bạn như một lần ôn tập và nhớ từ.
Nguồn: stepup