VỤ ÁN THỨ 7: BIỂN SÂU NHÂN TÍNH ĐẰNG SAU MỘT TỘI PHẠM (PHẦN 1/2)
Vì công việc, tôi được cơ quan cử đi bồi dưỡng một thời gian. Trong quá trình học bồi dưỡng, tôi may mắn được tiếp xúc với một chuyên gia tâm lý học nổi tiếng, sau một hồi say sưa nói chuyện, tôi như được mở mang thêm nhiều kiến thức.
Cơ quan yêu cầu tôi phải nộp luận văn sau khóa học bồi dưỡng này. Điều đó đã đem đến cho tôi một suy nghĩ táo bạo, từ những vụ án mà tôi đã phá chọn ra một vụ, để nghiên cứu về tâm lý tội phạm, mượn cơ hội này để viết bài luận văn có liên quan.
Vì vậy tôi đã đến gặp vị chuyên gia tâm lý học có thâm niên kia để xin chỉ giáo, anh ấy bảo với tôi, một điểm quan trọng trong nghiên cứu tâm lý tội phạm là phải tự mình điều tra nghiên cứu, mới có thể đưa ra những nghiên cứu sâu và chi tiết về hành vi tội phạm. Nếu có điều kiện, tốt nhất nên đến nơi mà họ từng sinh sống, từng làm việc, thậm chí là nơi họ đã lớn lên, lắng nghe lời kể của những người đã bước qua đời họ, tiến hành nghiên cứu phân tích một cách toàn diện về những hành vi của họ, từ đó suy được manh mối được sinh ra bởi nhân cách phạm tội.
Đằng sau hành vi cử chỉ nhìn có vẻ không thể ngờ tới của rất nhiều tội phạm, thực ra đều có bóng dáng của những trải nghiệm khác nhau trong quá trình trưởng thành.
“Mỗi sinh mệnh đều có quỹ đạo riêng của nó.” Anh ấy nói: “Tương tự, mỗi linh hồn tội ác đều là biển sâu được hội tụ từ những giọt nước vẩn đục.”
Mang theo câu nói đó, tôi đã lựa chọn một nữ tội phạm từng qua tay mình để làm đối tượng nghiên cứu.
Vụ án của người phụ nữ này, không được tính là vụ án ly kỳ nhất mà tôi từng xử lý, nhưng lại là vụ án khiến người khác khó hiểu nhất. Vụ án đã được phán quyết, do sự thật rõ ràng, chứng cứ xác đáng, nên được xử rất nhanh rồi đưa đi hành hình.
Hay nói cách khác, người phụ nữ này, đã chết.
Vụ án này do tôi phá, cũng là người chịu trách nhiệm ở phiên sơ thẩm, nhưng không tham gia vào quá trình phục hồi tình tiết vụ án sau đó. Kết hợp cảm nhận về cô ấy trong những lần trực tiếp đến hiện trường, đồng thời xem lại đoạn video thẩm vấn sau đó, tôi không khỏi sản sinh một sự say mê hứng thú dành cho cô ấy.
Rốt cuộc là nguyên nhân gì đã thúc đẩy cô ấy sản sinh một sự kích động giết người mà nghe có vẻ rất tùy tiện, để rồi làm ra những hành vi điên cuồng và cực đoan đến thế? Mang theo những nghi vấn này, trạm dừng chân đầu tiên tôi chọn là quê nhà cô ấy, một thành phố thơ mộng ở Giang Nam.
Mẹ cô ấy đã ngoài bảy mươi tuổi, trông vẫn rất minh mẫn, mái tóc bạc gọn gàng sau gáy, hai má gầy gò, ánh mắt rất có sức sống, chỉ có điều nét mặt rất lạnh lùng, xem ra bà cụ không phải là người hòa khí.
Tôi xuất trình giấy tờ và thư giới thiệu do ban ngành có liên quan cung cấp, giới thiệu sơ qua về bản thân. Trước khi vụ án được chuyển giao cho viện kiểm sát, tôi và người nhà cô gái ấy chưa từng gặp mặt nhau, cho nên bà cụ không hề biết tôi. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định không nói mình là người phá án, để tránh gây kích động cho đối diện mà làm gián đoạn cuộc gặp gỡ không dễ gì có được này, chỉ nói mình là một nhân viên nghiên cứu chuyên nghiên cứu về tâm lý tội phạm, muốn nói chuyện với bà ấy về cô con gái của bà.
Lần đầu lấy thân phận nhân viên điều tra nghiên cứu để tiếp xúc với người nhà của tội phạm, tôi rất hồi hộp, sợ bà lão nếu nghe thấy cảnh sát sẽ đuổi tôi ra khỏi cửa. Tuy rằng tội ác của người phụ nữ kia là không thể tha thứ, nhưng dù sao cũng là cốt nhục của người ta, nên rất khó để nói bà lão có trở mặt với tôi ngay tại trận hay không? Theo lời của chuyên gia kia, những người nhà của tội phạm mà chửi thẳng mặt thậm chí là động thủ đánh người anh ấy đã gặp nhiều, cho nên tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý bị cự tuyệt.
Nhưng tôi đã nghĩ nhiều rồi. Bà cụ sau khi xem xong thư giới thiệu, khách khí mời tôi vào nhà, thậm chí không cả hỏi tôi có liên quan gì đến vụ án này, vừa ngồi xuống, bà cụ đã tỏ ra đau thương mà nói: “Anh có thể tới đây, tôi rất vui. Con gái tôi đã mất, tôi cứ tưởng trên đời này ngoài tôi ra thì chẳng còn ai quan tâm đến nó nữa. Dù sao, vẫn có người quan tâm đến nó, trong lòng tôi cũng được an ủi phần nào.”
“Cậu nhìn xung quanh xem, đều trống trơn. Trừ tôi ra thì chẳng còn ai trong căn nhà này.” Bà ấy kể: “Bố con bé thì qua đời rồi. Ngôi nhà này bây giờ lạnh lẽo lắm. Nhắc đến con gái, tôi nghĩ đó là chuyện từ rất lâu rồi. Bắt đầu kể từ hồi nó còn bé đi.
“Điều kiện kinh tế nhà tôi trước giờ cũng được coi là tạm ổn, nên con bé không phải chịu thiệt thòi gì về mặt vật chất. Có thể nói, từ nhỏ con bé đã có điều kiện vật chất tốt hơn các bạn đồng trang lứa. Tôi và bố con bé đều làm công tác trong ngành văn hóa, tôi là giáo viên trung học, bố con bé đảm nhiệm chức phó cho một tòa soạn báo.
Thời còn trẻ chúng tôi mải theo đuổi cuộc sống tự do, nên mãi không có con, vì thế mà khi sinh con bé thì tôi đã lớn tuổi, suýt chút nữa đã mất mạng. Để tỏ lòng cảm kích, chúng tôi đặt tên con bé là Tư Huệ, nghĩa là ghi nhớ ân huệ trời ban.
Tư Huệ từ nhỏ là một đứa trẻ năng động, hiểu chuyện, lanh lợi. Con bé đến với chúng tôi vào cái tuổi xế chiều, nên chúng tôi coi nó như vàng như ngọc, vì thế mà Tư Huệ từ bé đã không phải chịu khổ.”
“Hồi nhỏ cô ấy học hành ra sao, thành tích có tốt không ạ?” Tôi hỏi.
Mắt của bà cụ sáng lên, như lấy lại tinh thần: “Đương nhiên là tốt rồi. Cậu đừng quên, tôi là giáo viên. Tôi rất quan tâm tới việc học hành của Tư Huệ, quản rất chặt. Bố của Tư Huệ tính tình hiền lành, nên hầu như việc dạy dỗ con bé là do tôi làm.”
Bà ấy dừng lại độ vài giây, tiếp tục kể: “Về mặt này, Tư Huệ từ nhỏ đã rất sợ tôi. Quả thực tôi rất sát sao với việc học của con bé, phương pháp cũng có phần cứng rắn. Bây giờ nghĩ lại, nếu như hồi ấy không yêu cầu việc học tập của con bé quá cao, có lẽ tình cảm giữa hai mẹ con tôi sẽ tốt hơn.”
Tôi không nhịn được mà xen vào một câu: “Nói như vậy, tình cảm giữa hai mẹ con bác không được tốt?”
“Không đến mức đó”. Bà lão đáp: “Chỉ là có chút xa cách. Sau này không biết tại sao, con bé về nhà chẳng chịu nói chuyện với tôi, nhưng lại đến thủ thỉ với bố, còn với tôi thì không dám đến gần. Tôi mặc dù cũng mong con bé có thể nói chuyện với mình nhiều hơn, nhưng con người tôi lại không hay gần gũi với người khác, nên cũng chẳng cảm thấy khó chịu lắm. Chỉ là đôi lúc lâu không được gặp, có chút nhớ con bé. Nhưng khi con bé về nhà, tôi lại chẳng biết nên nói gì với nó.”
“Bố cô ấy qua đời khi nào ạ?” Tôi hỏi.
“Khi Tư Huệ lên cấp ba.” Bà lão đáp: “Chính lúc đó con bé bước vào giai đoạn ngỗ nghịch. Năm Tư Huệ học lớp 10, ông nhà tôi bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường, tôi phải chạy ngược chạy xuôi, hầu hạ ông ấy suốt hai năm giời, cuối cùng vẫn không giữ được, ông ấy vì thế mà qua đời. Năm lớp 11, Tư Huệ bướng bỉnh hơn, thường xuyên to tiếng cãi lời tôi, khiến tôi nhiều lần tức giận. Kì lạ ở chỗ, ở bên bố con bé lại rất thỏ thẻ, cứ như là biến thành một con người khác vậy.”
Bà cụ thở dài, tiếp tục kể: “Quan hệ giữa hai mẹ con tôi hoàn toàn rơi vào bế tắc là do vụ phân lớp cấp ba, chúng tôi đều không thể ngờ là con bé lại muốn học lớp Mỹ thuật. Điều đó làm tôi phát điên, học Mỹ thuật thì có gì tốt chứ, học các các môn chính thống khác chẳng phải hơn sao? Vì thế mà tôi đã kiên quyết phản đối. Không ngờ trong lúc tức giận, con bé đã bỏ nhà đi.”
“Sau đó thì sao?” Tôi hỏi: “Cô ấy tự trở về ạ?”
“Đâu có.” Bà lão tiếp tục nói: “Là tôi mời nó về. Nó đang cái tuổi dở dở ương ương, tôi lo nó lại làm chuyện gì dại dột. Con bé này rất ngang bướng, từ nhỏ đã vậy. Có lần tôi đem đồ chơi của con bé tặng con nhà một người bạn, con bé không đồng ý, trước mặt người ta giật lại, sống chết không buông ra. Tôi giận quá, mắng con bé mấy câu, nó vứt đồ chơi xuống đất, giẫm nát.”
“Tôi không nói được nó, chỉ biết nhờ ông nhà tôi khuyên nhủ. Mặc dù ông nhà tôi khi đấy nằm yên một chỗ, nhưng vẫn có thể nói chuyện được, tôi hy vọng bố con bé sẽ khiến nó hồi tâm chuyển ý. Không ngờ sau khi ông ấy hỏi han con bé một hồi, lại quay ra ủng hộ nó. Khi ấy nó dương dương tự đắc nhìn tôi, làm tôi tức phát điên.”
“Sau này con bé được học lớp Mỹ thuật theo đúng nguyện vọng, còn thi đỗ một trường đại học rất có tiếng — Điều này chắc anh biết?” Bà cụ hỏi.
Tôi gật đầu, đáp: “Cháu biết, ở Bắc Kinh, quả thực là một trường tốt.”
“Nói vậy chứng tỏ cô ấy đã rất quyết tâm.” Tôi lấy bút viết vào sổ, nói: “Hai bác giáo dục con cái rất tốt.”
“Cũng không hẳn. Cách giáo dục và đối xử của tôi với con bé khi ấy hẳn còn nhiều thiếu xót, nhưng nếu để mà nói, tôi cũng không biết là chỗ nào chưa đúng, có thể là do chưa quan tâm đến cảm nhận của con cái.” Bà lão có chút xúc động.
Trước khi đến đây, vị chuyên gia kia có khuyên tôi hãy mở đầu câu chuyện bằng một vài câu hỏi, để có thể nhanh chóng tiếp cận được chân tướng, thế là tôi hỏi: “Hồi nhỏ, cô ấy có người bạn nào cực kì thân thiết không ạ?”
“Không có.” Bà lão ngẩng đầu đáp: “Rất lạ đúng không. Tư Huệ từ nhỏ đã thích chơi một mình. Nếu có bạn nào chủ động đến chơi cùng, con bé còn tỏ ra rất căng thẳng. Có thể do tính tôi và chồng đều không thích ồn ào, nên cũng không lấy làm lạ. Nhưng họ hàng làng xóm đều nói con bé có chút kỳ quái, tính cách cô độc, làm gì có đứa bé mấy tuổi nào lại không thích chơi cùng bạn?”
“Khi cô ấy còn bé, hai bác có những tương tác thân mật với cô ấy không? Ví dụ như thơm má, cù kí chẳng hạn?” Tôi hỏi: “Rất nhiều bố mẹ đều trêu đùa con cái mình như thế.”
Sắc mặt bà lão đột nhiên thay đổi.
Gần như trong phút chốc, khuôn mặt bà ấy lộ ta một biểu cảm kỳ quái. Tuy chỉ thoáng qua, nhưng tôi nhận ra ngay có điều gì đó không đúng. Đương nhiên, tôi không thể hiện ra bên ngoài, chỉ dời mắt đi, đợi bà ấy mở lời.
“Không có.” Bà ấy đáp: “Thú thực, đừng nói với con cái, ngay cả với chồng tôi, bình thường chúng tôi cũng rất khách sáo, nên rất ít khi có những cử chỉ thân mật như vậy.”
Tôi nghĩ một hồi, lại hỏi: “Ban nãy bác kể, khi còn bé cô ấy rất hay chủ động tiếp cận bố mẹ, sau này lớn lên thì sao?”
“Rất ít.” Bà lão kể: “Con bé đã thành thiếu nữ rồi, đương nhiên không còn giống hồi nhỏ nữa. Khi bố con bé còn sống, hai bố con rất gần gũi với nhau. Nhưng sau khi ông ấy qua đời, con bé trở nên ít nói và trầm tính hơn.”
“Vậy sau khi bác trai mất, bác và họ hàng có còn qua lại với nhau không?” Tôi hỏi: “Dù sao bác cũng là phụ nữ, lại một mình nuôi con, có nhiều việc không tiện làm, chẳng nhẽ không ai đến giúp bác sao?”
“Không cần thiết.” Bà lão lạnh lùng đáp: “Tự tôi làm được, Tư Huệ rất hiểu chuyện, chúng tôi hoàn toàn có thể sống tốt.” Nói đến đây bà lão đứng dậy, không một nét cười trên khuôn mặt: “Tôi mệt rồi, hôm nay nói đến đây thôi.”
Tôi nhìn bộ dạng tiễn khách của bà ấy, vội cười trừ cáo biệt, cuộc trò chuyện đã kết thúc như thế.
Rõ ràng, bà lão đang che giấu điều gì đó. Trong lòng tôi hiểu rõ, nhưng câu hỏi cuối cùng, đã chạm vào vết thương lòng được chôn giấu tận sâu bên trong trái tim của bà lão, đó mới là nguyên nhân khiến bà ấy muốn nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện.
Đương nhiên, để phác họa được quỹ đạo cuộc sống của Tư Huệ, chỉ dựa vào người nhà cô ấy là chưa đủ, đó là nguyên nhân khiến tôi tìm đến một bạn học cấp hai của cô ta.
Người phụ nữ tên Khương Linh trước mặt tôi là bạn thân hồi cấp hai của Tư Huệ, hiện đang làm nhân viên bán hàng ở một trung tâm thương mại. Sau khi nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm hồi cấp hai của Tư Huệ mà không thu được manh mối nào có giá trị, cô giáo ấy đã giới thiệu Khương Linh cho tôi. Theo lời của cô giáo chủ nhiệm, Khương Linh là người bạn thân duy nhất gắn bó với Tư Huệ như hình với bóng trong suốt những năm tháng trung học. Quan trọng hơn, Khương Linh và Tư Huệ còn học chung một lớp.
Khi gặp mặt, Khương Linh trông rất thận trọng và căng thẳng. Tôi nhấn mạnh nhiều lần là tôi không đến để điều tra, cô ấy mới bình tĩnh lại đôi chút. Nhưng có vẻ cô ấy vẫn chưa rõ mục đích tôi hẹn gặp. Đến khi cuộc trò chuyện kết thúc, chắc cô ấy vẫn chưa hiểu thế nào là “Nghiên cứu tâm lí tội phạm”.
Trên thực tế, Khương Linh tưởng tôi là nhân viên làm án cũng chẳng có gì là không tốt, điều đó khiến cô ấy giữ thái độ tập trung trong suốt buổi trò chuyện, với cả có thể thấy, cô ấy trả lời rất cẩn thận, chỉ sợ nói sai một từ. Có thể cô ấy là một người hướng ngoại, nói chuyện được mấy câu, cô ấy bắt đầu cởi mở hơn, khiến khoảng cách giữa tôi và con người thật của Tư Huệ cũng càng lúc càng gần hơn.
Khi hỏi đến mối quan hệ giữa cô ấy và Tư Huệ, Khương Linh rõ ràng rất lúng túng, dù sao đối phương cũng là một tội phạm giết người. Xem chừng, cô ấy rất khó để mở lời. Cũng may là tôi không hỏi trực tiếp về mối quan hệ giữa hai người, mà chỉ hỏi về cuộc sống cấp hai của họ khi đó. Gương mặt Khương Linh giãn dần ra. Cô gái ngoài ba mươi tuổi này như đang được trở lại quãng thời gian hồn nhiên, chân chất của những năm tháng trung học, mặt mày rạng rỡ.
“Tư Huệ ngày ấy rất được yêu mến.” Khương Linh kể: “Thực lòng tôi có phần ghen tị. Nhưng chẳng làm gì được, Tư Huệ quá xinh — Tôi gọi cô ấy là Tư Huệ, tại nơi này nhỏ, bố mẹ mọi người đều quen biết nhau từ 10 năm trước, có gọi bằng tên mụ cũng chẳng ai để ý, mà còn thân thiết nữa.”
“Rất nhiều bạn nam sau khi tan học lại ra sân bóng để nhìn trộm cô ấy, khi hai chúng tôi bước đi trong trường, còn nghe thấy có người khẽ gọi tên cô ấy.” Nhớ lại những chuyện này, Khương Linh bất giác mỉm cười, chắc là thấy không hợp hoàn cảnh, nên cô ấy lại nghiêm mặt: “Nhưng cô ấy không dừng lại, cứ thế bước về trước, khẽ nở nụ cười. Hồi ấy đẹp biết bao……” Khương Linh không cầm lòng được mà thở dài một tiếng: “Không hiểu sao cô ấy lại thành ra…… thế này. Tôi nghe kể về chuyện của cô ấy mà không dám tin, ngày xưa cô ấy ngoan lắm mà!”
“Tích cách của Tư Huệ hồi đó thế nào, có hòa đồng không?” Tôi hỏi.
“Không hề.” Khương Linh đáp: “Tư Huệ rất ít nói, đôi lúc có cười cười, nhưng không lớn tiếng. Nhất là khi chuẩn bị lên cấp ba, cô ấy như có tâm sự vậy, cả ngày mặt mày cau có, tôi hỏi thì cô ấy không trả lời. Nhưng mà con gái ở độ tuổi này gần như đều vậy cả, bao giờ chả có chút tâm tư. Con gái mà, đôi lúc vì mấy chuyện vặt vãnh mà buồn bã, chẳng làm gì mà cũng khóc.”
“Nghe nói lên cấp ba hai người học cùng lớp?” Tôi tiếp tục hỏi.
“Đúng vậy.” Khương Linh đáp: “Nhưng sau này Tư Huệ mới chuyển đến lớp tôi. Tôi học không được giỏi, bố mẹ cũng chẳng kỳ vọng nhiều, học Mỹ thuật may ra mới đỗ được Đại học, nên vào lớp 10 tôi đăng kí ngay vào lớp Mỹ thuật. Tư Huệ thì khác, thành tích học tập của cô ấy rất tốt, nên khi cô ấy chuyển đến lớp tôi vào năm lớp 11, tôi vô cùng ngạc nhiên, còn đến hỏi riêng cô ấy nữa.”
“Cô ấy trả lời thế nào?” Tôi hỏi: “Tôi cũng lấy làm lạ, cô ấy yêu thích Mỹ thuật đến thế sao?”
“Không phải.” Khương Linh ngó trước ngó sau, như sợ người khác nghe thấy: “Không phải vì cô ấy thích Mỹ thuật đâu. Hai chúng tôi học cùng lớp, lại hay ở cùng nhau, nhưng tôi cảm thấy cô ấy chẳng có chút hứng thú nào với Mỹ thuật cả, nhưng lại rất hứng thú với mấy môn Xã hội. Tôi hỏi cô ấy, nếu đã thích khối Xã hội như vậy, sao lại học lớp Mỹ thuật làm gì.”
“Sau đó thì sao?” Tôi hứng thú hỏi. Rõ ràng, Khương Linh biết nguyên nhân.
“Mẹ tôi rất nghiêm, khi đó bà ấy đã nhắc đi nhắc lại câu này.” Khương Linh hỏi một đằng trả lời một nẻo, “Phải rồi thanh tra, anh đã nói chuyện với mẹ cô ấy chưa?”
“Rồi.” Tôi đáp: “Nhưng tôi thấy mẹ cô ấy không nghiêm lắm, với cả bố Tư Huệ lâm bệnh nặng, chắc mẹ cô ấy cũng không có thời gian để mà quản nghiêm.”
“Anh nhầm rồi.” Khương Linh cau mày: “Tôi thấy mẹ cô ấy rất quái gở và nghiêm khắc. Tư Huệ từng kể với tôi rằng, mẹ cô ấy chưa từng có cử chỉ thân mật nào với Tư Huệ cả, cô ấy bảo người khác về đến nhà là ôm chầm lấy mẹ, ôm vai bá cổ là chuyện hết sức bình thường. Đừng nói con gái, đến con trai làm thế cũng không thấy kỳ. Nhưng mẹ của Tư Huệ thì không như thế, cô ấy về nhà mà có những hành động như vậy là lập tức bị ăn mắng, mẹ cô ấy sẽ dùng những lời nói hết sức khó nghe, kiểu như con gái con đứa mà chẳng ra thể thống gì. Đêm đến, chân Tư Huệ bị lạnh, có lúc rúc vào người mẹ, nhưng đều bị bác ấy dùng chân đẩy ra, anh nói xem thế có phải mẹ ruột không?” Khương Đình tiếp tục nói: “À mà, chẳng phải bố Tư Huệ bị bệnh sao, nên cô ấy thường xuyên đến chăm sóc cho bác trai, nhưng bác gái lại tỏ ra không vui, cứ nói này nói nọ. Mẹ cô ấy có trình độ văn hóa, nhưng lại hay quát mắng, kể cả nói chuyện bình thường cũng có chút khó nghe, anh nói xem thế là thế nào?”
“Tôi nghe ý tứ của mẹ Tư Huệ, có vẻ mối quan hệ giữa cô ấy và bố tốt hơn.” Tôi hỏi: “Là thật sao?”
“Là thật.” Khương Linh nói lớn: “Bác trai thật sự tốt, đừng nói là Tư Huệ, tôi cũng rất quý bác ấy. Dáng người cao gầy, rất nhã nhặn, cũng rất điềm đạm. Lại nói, khi Tư Huệ đăng kí thi vào lớp Mỹ thuật, bác trai đã ân cần hỏi ý kiến của Tư Huệ, sau khi xác nhận cô ấy thật sự muốn học, bác ấy liền ủng hộ! Anh đừng quên, lúc đó bác trai đã nằm liệt giường, phải phụ thuộc vào mẹ Tư Huệ. Mẹ cô ấy không đồng ý thì anh biết rồi, làm vậy khác nào đắc tội với bác gái.”
“Cũng đúng.” Tôi gật đầu: “Nghĩ được vậy, hẳn bố cô ấy là một người sống rất thoáng. Nhưng mà tình cảm giữa hai vợ chồng tốt thế, chắc không đến mức vì ủng hộ con cái mà để bố Tư Huệ phải chịu khổ đâu nhỉ.”
“Chắc không đến mức vậy đâu.” Khương Linh nói: “Có điều làm thế càng khiến bác gái phật ý. Trước đó, tình cảm giữa họ đã không được tốt, mẹ Tư Huệ đặt ra những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt trong việc học tập của cô ấy, nếu không thi được vào top 3 của khối, về nhà sẽ bị phạt quỳ, nghe nói hồi cấp ba cô ấy thi không tốt còn bị ăn đánh. Chuyện này tôi biết từ hồi cấp hai, Tư Huệ còn cho tôi xem vết thương ở đầu gối và trên người, sao lại nỡ làm thế cơ chứ.” Khương Linh lè lưỡi: “May mà tôi không có người mẹ như vậy, nếu không với thành tích học tập của tôi, bị đánh chết từ lâu rồi.”
Tôi hỏi cô ta: “Nhưng cô nói Tư Huệ không thích học Mỹ thuật cho lắm, vậy rốt cuộc tại sao cô ấy lại đăng ký vào lớp Mỹ thuật, sau này cô có tìm hiểu rõ nguyên nhân không?”
Chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Khi câu hỏi vừa dứt khỏi miệng, nét mặt Khương Linh lập tức xuất hiện một biểu cảm kỳ quái, như sự kết hợp giữa khó xử và bất lực, phẫn nộ và chán ghét.
Kì lạ là, đây là lần thứ hai tôi trông thấy thứ biểu cảm hỗn tạp ấy. Lần trước xuất hiện, là ở trên mặt của mẹ Tư Huệ.
[Còn tiếp]