7 ĐỨC TÍNH CAO QUÝ CỦA 1 VÕ SĨ 🎌🎌
1. Nghĩa: Là tinh thần chính nghĩa, được ví như xương sống của Võ sĩ đạo. Kẻ có tài năng và học vấn uyên thâm nhưng thiếu tinh thần chính nghĩa thì không xứng được tôn xưng là một võ sĩ.
2. Dũng: Là dũng khí để thực thi chính nghĩa. Song Võ sĩ đạo không đề cao sự “hữu dũng vô mưu”, mà thay vào đó là “dũng khí chân chính” để biến lòng can đảm thành hành động có ý nghĩa.
3. Nhân: Là lòng nhân từ, trắc ẩn đối với kẻ yếu, kẻ thua cuộc. Đây là phẩm chất cần có của kẻ đứng trên người khác.
4. Lễ: Cùng với lòng nhân, sự khiêm nhường và tôn trọng cảm xúc của người khác là cội nguồn của lễ. Điều này được thể hiện qua thái độ, cách ứng xử trong đời sống xã hội.
5. Chân thành: Võ sĩ không nói hai lời. Sự dối trá, lọc lừa bị xem là biểu hiện của sự hèn nhát. Vì vậy lời của võ sĩ nói ra chính là lời bảo chứng cho tất cả.
6. Danh dự: Gần với trọng danh dự là biết xấu hổ. Kẻ làm võ sĩ phải sống thanh cao, không hổ thẹn với chính mình.
7. Trung nghĩa: Là lòng trung thành tuyệt đối với chủ nhân. Song đó không phải sự “ngu trung”, mà đối với sai lầm của chủ phải dám nói lên chính kiến của mình.
Khi hiểu về Võ sĩ đạo, chúng ta sẽ hiểu vì sao ngày nay, các công ty lớn ở Nhật vẫn lựa chọn chế độ tuyển dụng trọn đời, đề cao tính trung thành của nhân viên đối với công ty, hay nền giáo dục luôn đề cao sự trung thực trong học hành, thi cử. Là quốc gia luôn hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, sóng thần, núi lửa, thế nhưng Nhật Bản vẫn khiến cho thế giới thán phục bởi các giá trị đạo đức cao đẹp được bộc lộ rõ nét trong thử thách gian lao. Đó là sự hi sinh thầm lặng của các công nhân tình nguyện ở lại để cứu nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong thảm họa kép xảy ra năm 2011, những người được ví như những chiến binh Samurai quả cảm thời hiện đại.