5 LỐI TƯ DUY TIÊU CỰC THƯỜNG GẶP LÀM TÊ LIỆT Ý CHÍ

Dưới đây là những lối tư duy thường thấy khi người ta chần chừ hoặc tỏ ra lười nhác. Có thể bạn sẽ nhận ra mình từng vướng phải một trong số các kiểu suy nghĩ sau:

1. Tuyệt vọng

Khi bạn u sầu, nỗi đau trong thời khắc hiện tại xâm chiếm toàn bộ tâm trí bạn, khiến bạn quên mất rằng trong quá khứ mình từng cảm thấy vui vẻ, và khiến bạn tin rằng trong tương lai mình không thể cảm thấy vui vẻ. Do đó, mọi hoạt động đều trở nên vô nghĩa, vì bạn tin chắc mình đã mất hết động lực, cảm giác bức bối dường như vô tận và không thể xoay chuyển.

Với quan điểm này thì một lời khuyên kiểu như: hãy tìm việc gì đó để làm, để “giúp chính mình” nghe thật lố bịch, vô cảm, chẳng khác nào bảo người đang hấp hối hãy vui tươi lên vậy.

2. Tự gây áp lực cho chính mình

Có nhiều cách để bạn tạo áp lực khiến bản thân đi theo chủ nghĩa lười nhác. Bạn có thể phóng đại việc phải làm tới mức tưởng chừng không cách nào giải quyết nổi. Bạn nghĩ mình phải hoàn thành mọi thứ một lúc, thay vì chia nhỏ nó ra thành nhiều phần, thực hiện từ từ, từng chút một. Rồi có khi bạn vô tình khiến bản thân bị phân tâm vì mải nghĩ đến những việc chưa hoàn thành, thay vì chú tâm làm cho xong việc trước mắt.

Để minh họa cho bạn thấy suy nghĩ này vô lý tới mức nào, hãy tưởng tượng mỗi lần ngồi vào bàn ăn, bạn nghĩ về tất tần tật những loại thực phẩm bạn phải bỏ vào miệng trong suốt cả đời. Hãy hình dung chất đống trước mặt bạn là hàng tấn thịt, rau, kem, cộng với hàng vạn lít nước! Và bạn phải ăn hết từng món trước khi chết!

Giờ hãy tưởng tượng trước mỗi bữa cơm, bạn tự nhủ, “Bữa ăn này chỉ là một giọt nước giữa đại dương. Làm sao mình ăn hết được đống đồ ăn đó? Vậy thì việc ăn cái bánh mì kẹp thịt chiều nay chẳng có nghĩa lý gì cả.” Nghĩ đến đó đủ khiến bạn chóng mặt và mệt mỏi tới mức hết muốn ăn, ruột gan quặn thắt. Khi bạn nhớ tới những thứ bạn chưa hoàn thành tức là bạn đang hành hạ mình y hệt ví dụ trên, chẳng qua bạn không ý thức được thôi.

3. Sợ bị phản đối hoặc chỉ trích

Bạn tưởng tượng rằng nếu bạn thử một thứ mới mẻ, bất cứ sơ suất hoặc lỗi lầm nhỏ nào cũng sẽ kéo theo sự phản đối và chỉ trích mạnh mẽ vì những người bạn quan tâm sẽ không chấp nhận bạn nếu bạn không hoàn hảo. Nguy cơ bị người khác chối từ có vẻ nguy hiểm đến mức: để bảo vệ chính mình, bạn cố càng “bình thường” càng tốt. Không làm thì không thể phạm sai sót!

4. Cảm thấy bị ép buộc và chống đối

Kẻ thù chết người của động lực thúc đẩy là cảm giác bị ép buộc. Bạn cảm thấy phải hành động dưới áp lực – hoặc từ bên trong chính bạn, hoặc từ môi trường bên ngoài. Cảm giác này xảy ra khi bạn tìm cách tạo động lực cho mình bằng những từ “đạo đức” như “nên” và “cần phải”. Bạn tự nói với chính mình, “Mình nên làm cái này,” và “Mình phải làm cái kia.” Rồi bạn cảm thấy bị bắt buộc, có trách nhiệm nặng nề, căng thẳng, chống đối và tội lỗi. Cứ như bạn là trẻ vị thành niên phạm tội đang bị kỷ luật dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cảnh sát. Mọi thứ trở nên khó chịu đến nỗi bạn không thể đối diện được nó. Rồi bạn chần chừ, tự kết tội mình lười biếng, chẳng ra làm sao. Kiểu tư duy này ngày một bào mòn nguồn năng lượng trong bạn.

5. Có cảm giác tội lỗi và tự trách cứ bản thân

Nếu bạn luôn tin rằng mình tồi tệ hoặc khiến mọi người buồn lòng, thì tự nhiên bạn mất hết động lực sống mỗi ngày. Bác sĩ David Burns, giảng viên bác sĩ nghiên cứu lâm sàng bộ môn Tâm thần học và khoa học hành vi đại học Stanford trong một lần điều trị cho một cụ già neo đơn đã chia sẻ lại câu chuyện như sau:

Phần lớn thời gian bà nằm trên giường dù thực tế thì bà cảm thấy vui hơn vào những lúc xách túi đi mua sắm, nấu ăn, hoặc gặp gỡ bạn bè. Tại sao thế? Cụ bà đáng yêu này tự nhận trách nhiệm về bản thân về vụ ly hôn của đứa con gái cách đây 5 năm. Bà giải thích, “Khi tôi đến thăm tụi nó, lẽ ra tôi phải gọi thằng con rể lại, và nói chuyện phải trái với nó. Lẽ ra tôi phải hỏi thăm nó xem chuyện gia đình ra sao. Biết đâu tôi giúp được tụi nó. Tôi muốn giúp, nhưng tôi không nắm lấy cơ hội. Giờ tôi thấy mình đã khiến các con thất vọng.”

Sau khi được ngồi lại phân tích điểm vô lý trong cách nghĩ của bà, ngay lập tức bà lên tinh thần và lại trở nên hoạt bát. Lý do đơn giản thôi, bà là người chứ không phải là thánh, và làm sao bà đoán trước được tương lai, vả lại làm sao bà biết chính xác nên can thiệp thế nào cho phải.

BÍ QUYẾT VƯỢT QUA “CHỦ NGHĨA LƯỜI NHÁC”

Giờ đây bạn đã nhận ra rằng những trạng thái tâm lý như trên có thể là dấu hiệu làm tê liệt ý chí của bạn dẫn đến chủ nghĩa lười nhác – một thứ vô lý và có hại cho bạn. Bạn có biết bất kỳ hoạt động tích cực nào cũng có thể cải thiện tâm trạng của bạn không? Nếu không làm gì hết, đầu óc bạn sẽ ngập tràn suy nghĩ tiêu cực. Nếu làm một việc gì đó, bạn sẽ tạm phân tâm khỏi bài độc thoại tự hạ thấp bản thân trong đầu. Điều quan trọng hơn hết là cảm giác thuần thục sẽ xóa đi những suy nghĩ bị bóp méo khiến bạn trở nên ù lì lúc đầu.

Đã đến lúc bạn cần loại bỏ từ “nhưng” luôn thốt ra trong đầu khiến bạn trì hoãn và lười nhác. Giây phút bạn nảy ra ý định làm việc gì đó hữu ích thì y như rằng bạn sẽ viện lý do để không thực hiện. Ví dụ, “Lẽ ra bữa trưa nay mình ra ngoài chạy bộ, nhưng…” – “Mình mệt trong người quá”; “Mình lười quá”; “Mình không có tâm trạng”, v.v. Nếu bạn thật sự muốn tìm động lực cho mình, bạn phải học cách dẹp bỏ từ “nhưng”.

Thêm vào đó, đã đến lúc bạn cần phải quyết định “đừng ngồi chờ cảm hứng” xuất hiện. Có thể bạn sẽ không biết được rằng nguồn động lực đến từ đâu. Vậy thì theo bạn, điều gì có trước – động lực hay hành động?

Nếu bạn cho rằng động lực có trước thì bạn đã đưa ra một lựa chọn lý trí xuất sắc. Không may là bạn đã sai. Động lực không xuất hiện trước mà là hành động! Bạn phải tự mình khơi nguồn động lực. Từ đó, dần dần bạn sẽ muốn làm việc này việc kia, cảm hứng sẽ tự động tuôn trào. Những ai chần chừ trì hoãn thường nhầm lẫn giữa động lực và hành động. Bạn ngờ nghệch chờ khi nào có tâm trạng thì mới hành động. Vì bạn cảm thấy không muốn làm, nên tự động bạn sẽ dẹp nó sang một bên.

Sai lầm của bạn chính là niềm tin rằng phải có động lực trước đã, sau đó hành động và thành công mới kéo theo sau. Nhưng thường mọi thứ diễn ra ngược lại, hành động phải tiên phong, rồi bạn sẽ thấy động lực xuất hiện.   

Đã đến lúc bạn chấm dứt những suy nghĩ tiêu cực làm tê liệt ý chí dẫn đến chủ nghĩa lười nhác, và cũng đã đến lúc bạn bắt tay hành động để thay đổi bản thân mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *