Bảo vệ giấc mơ, hữu duyên với Báo NTNN
Từ nhỏ, tôi luôn muốn mình trở thành một phóng viên, một nhà báo. Ước mơ đến cũng là từ xem những bộ phim phóng viên hay nhà báo đi tác nghiệp. Khi xem họ tác nghiệp, khát khao được trở thành họ càng mãnh liệt. Nhiều lúc nhập tâm, cuốn hút có cảm xúc mình đã trở thành nhân vật đó.
Học lên cấp 3, tôi vẫn định vị con đường đã chọn là làm báo. Và tôi đã quyết định sẽ thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tuy nhiên, lần 1 tôi không đủ điểm để thực hiện ước mơ vào trường tôi đăng ký nguyện vọng 1. Không bỏ cuộc, tôi rời nhà từ Hải Phòng lên Hà Nội dùi mài kinh sử, chờ lần 2. Điểm số lần này có cải thiện, tuy nhiên vẫn không đạt đủ điểm số vào trường nguyện vọng 1. Tôi mày mò, tìm hiểu 1 số trường để đăng ký nguyện vọng 2.
Khi lựa chọn được ngôi trường cùng đào tạo ngành báo, ngay lập tức tôi gửi phiếu đăng ký và cuối cùng, tôi đã trúng tuyển nguyện vọng 2 tại trường Cao Đẳng Phát thanh – Truyền hình Trung ương I.
Mẹ biết tin tôi quyết học ngành báo trong khi mẹ muốn tôi ở gần nhà (Hải Phòng). Vì thế mẹ buồn và phản đối. Tôi nói với mẹ: Đây là ước mơ của con. Sau này học xong, trưởng thành và đi làm, con muốn được làm công việc con yêu thích. Con không muốn miễn cưỡng làm việc.
Từng là 1 đứa nhát nhất nhà, không bao giờ rời nhà được lâu để đi xa, nhưng rồi để đạt được ước mơ, tôi đã lên đường, nhập trường với sự đồng hành của anh chị tôi.
Hành trình học tập ngành Báo tại ngôi trường nêu trên cũng cho tôi nhiều trải nghiệm và lợi thế khi ra làm việc thực tế đó là chúng tôi được đào tạo các loại hình báo chí tổng hợp, được đào tạo dựng và sản xuất chương trình, đào tạo cả kỹ thuật truyền hình; vác máy quay đi quay; sắm máy ảnh đi thực tế tác nghiệp.
Năm 2008 tôi tốt nghiệp và ra trường. Tôi tìm hiểu một số tờ báo để xin về làm việc tại quê nhà Hải Phòng. Nơi thì không tuyển nữ. Nơi lại không tuyển phóng viên tốt nghiệp hệ Cao đẳng. Nơi phải có mối quan hệ, chi phí mới có thể có chỗ trú chân. Vậy là cơ hội việc làm chưa có và ngày ngày tôi lại giúp mẹ bán hàng, phụ việc gia đình.
Bỗng một ngày đẹp trời, bạn thân chị gái ruột tới chơi. Chị bảo chị biết chỗ này đang cần người, chị sẽ hỏi rồi hẹn, em sang phỏng vấn xem sao.
Và hữu duyên với Báo Nông thôn Ngày nay bắt đầu ngay sau ra trường. Người mà bạn chị dẫn tôi đi gặp là cô Vũ Thị Hải (Trưởng VP đại diện Báo NTNN tại Hải Phòng). Thời điểm đó cô Hải cũng mới chuyển về Báo được một thời gian ngắn.
Ngay sau cuộc gặp, cô Hải quyết định nhận tôi vào thử việc. Và kể từ năm 2008 cho tới nay, tôi gắn bó với Báo Nông Thôn Ngày nay/Dân Việt. Tôi luôn tự hào với quyết định, lựa chọn của mình.
Báo Nông Thôn Ngày nay đã cho tôi nhiều… lãi
Có rất nhiều người làm phóng viên như tôi nhưng họ đều có kinh qua ở một vài tờ báo, sau đó mới “hạ cánh” cố định ở một cơ quan. Tôi thấy mình vô cùng may mắn, hạnh phúc khi được gắn bó với Báo Nông thôn Ngày nay từ năm 2008 cho tới nay. Đặc biệt, thời điểm tôi vào làm việc có dấu ấn đáng nhớ: Khi đó tờ báo đang hoàn tất thủ tục, nhân sự để thành lập Văn phòng Báo NTNN tại Hải Phòng.
Đã có nhiều người nói với tôi: Sao làm việc ở tờ báo này lâu thế? Sao không thử thay đổi ở cơ quan khác? Khi nhận những câu hỏi như vậy tôi tự hào khẳng định làm Báo NTNN cho tôi nhiều… lãi lắm nên tôi rất biết ơn và muốn gắn bó với nơi này thật lâu.
Tôi may mắn được đầu quân vào làm việc ở VP đại diện của Báo tại Hải Phòng với lãnh đạo tâm huyết với nghề và cũng rất giỏi nghề. Tôi quan sát để học hỏi nghề và may mắn được cô Vũ Thị Hải – Trưởng đại diện VP tại Hải Phòng trực tiếp kèm cặp, chỉ bảo. Đây là cái lãi của tôi trong bước khởi đầu sự nghiệp làm báo.
Lãi tiếp tôi nhận được đó là môi trường làm việc “lành” và “sạch”. Mọi người ở cơ quan tại Hà Nội, các vùng miền hay tại Hải Phòng đều rất phóng khoáng, tình cảm, gắn kết, luôn sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ lẫn nhau cùng tốt lên trong công việc cũng như khía cạnh khác trong cuộc sống.
Làm việc tại Văn phòng đại diện, số lượng người có giới hạn nên PV phải thích ứng với sự đa năng khi làm nghề. Đi cơ sở, chúng tôi chụp ảnh, phỏng vấn rồi tranh thủ sắp xếp thời gian linh hoạt quay video, viết bài, chau chuốt sắp xếp video, lắp ghép thành bài hoàn chỉnh gửi duyệt.
Ngoài nội dung, tôi còn kiêm cả mảng hành chính rồi hỗ trợ anh chị em cùng cơ quan nội dung tuyên truyền.
Từ sự đa năng, linh hoạt trong công việc với nhiều nhiệm vụ khác nhau, tôi có nhiều trải nghiệm thú vị. Trải nghiệm sinh kinh nghiệm. Và lãi của tôi sau nhiều năm tháng đó là lãi tình cảm của anh chị em cùng cơ quan, với bạn đọc, với cơ sở, với khách hàng. Đặc biệt, khả năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống và đưa ra giải pháp của tôi ngày một linh hoạt, nhanh nhạy hơn.
Tôi cũng rất vui, rất tự hào và vô cùng biết ơn môi trường làm việc này để tôi có được những chiếc “Neo xanh” vô cùng tuyệt vời trong nghề cũng như có nhiều cơ hội gia tăng trải nghiệm và có điều kiện giúp người, giúp đời.
Chiếc “Neo xanh” – dấu ấn đáng nhớ trong nghề của tôi đó là tôi cùng đồng nghiệp “gặt hái” Giải B Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX – năm 2014 với tác phẩm: Cử nhân giấu bằng, xin làm… công nhân với nhóm tác giả Minh Nguyệt, Kim Oanh.
Tôi cũng rất tự hào về bản thân khi đã giúp được nhiều bạn đọc giải quyết được vấn đề của họ. Điển hình là một bạn đọc ở Bắc Giang đã tin người, bỏ 1 số tiền lớn chạy việc cho con vào ngành y tại Hải Phòng. Cái kết là con không được làm nghề, tiền không lấy được. Cực chẳng đã bạn đọc phải làm đơn từ và đeo đẳng vụ việc suốt nhiều năm.
Thật may mắn, khi tiếp nhận vụ việc tôi và đồng nghiệp tại Báo Pháp luật Việt Nam đã đeo bám vụ việc tới cùng. Kết quả, bạn đọc nhận lại được tiền chạy việc, đã viết 1 bức thư tay hết sức xúc động cảm ơn cá nhân tôi và Báo NTNN.
Lãi tôi nhìn thấy và nhận được đó là tôi có nhiều cơ hội được đi đây đi đó, được trải nghiệm được đồng hành và có cơ hội giúp đỡ người khác ở nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Đặc biệt là đồng hành, giúp đỡ những người nông dân, đối tượng bạn đọc mà tờ báo luôn hướng tới.
Đó là những điều tuyệt vời và cũng là những cái lãi mà tôi có được khi làm nghề. Tôi biết ơn tờ báo đã cho tôi lãi nhiều thứ và góp phần giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề và trong đời.