Đừng đọc theo trào lưu, đọc vì người khác cũng đọc, đọc vì thấy cuốn đó nổi tiếng, đắt hàng, hay đọc vì sách rẻ, đọc sách không quý ở số lượng, mà quý ở “tinh hoa”, quý ở cái mà bạn ngấm, cái mà bạn ứng dụng được ở trong thực tế!
1. Đọc sách là tu hành, đừng quá thực dụng
Đọc sách thực ra cũng là một quá trình khá thực dụng, bởi lẽ chúng ta tìm tới sách đều là vì hi vọng có được những thông tin giá trị từ trong sách, có mục đích chính là thực dụng.
Nhưng một người càng muốn nâng cao kiến thức, càng hy vọng thu được từ trong sách những điều thực sự hữu ích cho sự trưởng thành và sự nghiệp của mình, thì càng nên tìm hiểu kỹ những cuốn sách có giá trị tư tưởng thực sự – thay vì cầm một cuốn sách chỉ được cái mác “thành công nhanh chóng”.
Nếu những cuốn sách bán chạy nhất nào cũng tuyệt vời như vậy, chẳng phải những người đọc chúng đều trở thành người thành công sao? Việc tiếp thu và hiểu kiến thức vốn dĩ là một việc rất khó, mỗi ngày đọc, ghi chép, suy nghĩ, kiểm chứng ở nhiều khía cạnh khác nhau và liên tục điều chỉnh nhận thức của bản thân trong thực tế … có quá trình này, bạn mới thực sự có thể xem trọng thứ mà bạn học được.
Chẳng hạn, giả sử bạn gặp vài vấn đề về tâm lý và cảm xúc, nếu cứ cắm đầu vào tìm tới những “bát súp gà cho tâm hồn”, nhất định sẽ không có tiến triển, trong đầu có cả đống đạo lý, nhưng hành động vẫn chỉ bằng không, cuối cùng lại cảm thán, “hiểu cả núi đạo lý nhưng vẫn sống không ra gì.”
Tịnh tâm lại, đi đọc những cuốn sách nghiên cứu về tư duy con người, chẳng hạn như cuốn “Change”, kết hợp với việc đọc và suy nghĩ mở rộng hơn, bạn sẽ dần hiểu rằng nhiều vấn đề tâm lý và cảm xúc thực ra chỉ là cái bẫy mà bạn giăng ra, nó là sự không hài lòng của bạn với bản thân, với cuộc sống, nhiều cảm xúc sinh ra phần lớn là bởi bạn quá mơ mộng, ảo tưởng về bản thân và thế giới, để rồi khi mọi thứ không được như ý muốn, bạn “vỡ mộng” và suy sụp.
Đi sâu vào những suy nghĩ thực tế đó, bỏ ra một chút kiên trì, đọc kỹ những câu nói có thể khiến bạn cảm thấy khó hiểu, trải qua một chút mài giũa về tư duy, rồi ngoảnh đầu nhìn lại cuộc sống, rất nhiều bối rối, mơ hồ có thể dễ dàng được giải quyết.
Thần kì hơn nữa đó là, khi bạn càng hiểu được nhiều thứ hơn, bạn càng hiểu sâu hơn, cái gọi là “năng lực học tập”, nó thực ra chỉ là một bản chất được tạo ra bởi kiến thức vững chắc và tư duy sâu sắc. Và tất cả những điều này đều đến từ quá trình đọc chăm chỉ và nghiêm túc của bạn.
Khi đọc sách, cố gắng đọc càng nhiều sách đầy thử thách càng tốt – nó không phải là dễ dàng, nhưng cũng không phải là bạn sẽ không bao giờ có thể hiểu được cái gì, hãy leo lên từng bước, rồi cuối cùng, bạn chắc chắn sẽ thu hoạch được điều gì đó.
2. Trong sách chỉ có “gợi mở”, không có “quy tắc”
Muốn hiểu hết được suy nghĩ của tác giả qua một cuốn sách là điều không thể, vì ngôn từ chỉ là công cụ để thể hiện tư duy, khi tư tưởng được thể hiện qua lời nói thì tất yếu sẽ có sự sai lệch và khác biệt.
Ví dụ, khi bạn đã xem xong một bộ phim và muốn bày tỏ ý kiến của riêng mình, bạn sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái “từ ngữ không đủ để diễn tả được xúc cảm” – đây là vấn đề mà ai cũng gặp phải, ngay cả những người hay viết bài phê bình phim cũng thường gặp phải tình huống này, dù có nỗ lực tới đâu cũng không thể đảm bảo rằng họ có thể biểu đạt đầy đủ nhất những gì họ muốn.
Bởi vì mỗi người có một mô thức tư duy và thế giới quan khác nhau nên 1000 độc giả sẽ cho ra 1000 Hamlet khác nhau. 1000 người khi đọc cùng một cuốn sách, chưa chắc đã thu hoạch được một điều đồng nhất, rất nhiều người khi đọc sách, thứ mà họ thu hoạch được nhiều khi chỉ là một vài quan điểm “gợi mở” nào đó, từ đó tìm ra được phương thức tư duy mới để giải quyết vấn đề của mình. Người này thấy ấn tượng với trang thứ 25 và tìm ra được phương thức giải quyết vấn đề cho mình ở trang sách này, trong khi người khác lại tìm thấy yếu điểm và thứ mình cần khắc phục ở trang thứ 100…
Vậy mới nói, đọc sách là để thu hoạch những “gợi mở”, để có được những lời khuyên, chứ không phải nói, bạn đọc cuốn sách này, bạn phải thu hoạch được những tri thức như tôi, đọc xong cuốn sách này, bạn phải cảm thấy giống tôi, giống tác giả, không có bất cứ quy tắc nào khi đọc sách, quan trọng là bạn tìm được gì cho vấn đề mà mình đang hướng đến thông qua cuốn sách mà bạn đọc.
3. Bớt phủ định
Một số người có tư tưởng cậy mình đọc nhiều sách, hiểu biết nhiều hơn nên luôn cho mình hơn người, họ cho rằng rất nhiều người khác hành sự và tư duy rất “ngốc nghếch”, kiểu như ai cũng nên có cái trí tuệ như trong sách thì thế giới này mới thành được thế giới.
Nhưng bản thân kiến thức vốn dĩ có hạn, bất kể là ai, người ở tầng lớp nào, cũng không thể nắm bắt được tri thức ở tất cả mọi lĩnh vực, tri thức của một người luôn có giới hạn, núi cao còn có núi cao hơn, cao hơn núi còn có bầu trời, mỗi người chỉ cần có tư duy và logic hành động theo cái bản sắc riêng của mình, vậy là đủ, và có như vậy thì thế giới nó mới vận hành một cách cân bằng được. Thử hỏi nếu ai cũng có thể trí tuệ, tinh anh, hay triết lý như trong sách, vậy thì thế giới này có còn giàu nghèo, có còn đẳng cấp, hay các tầng lớp xã hội hay không?
Nếu đọc sách không khiến bạn trở nên bao dung và cảm thông với người khác hơn, vậy thì cuốn sách đó, bạn đọc cũng phí công vô ích.
Khi bạn đọc được những thứ hay ho bổ ích nào đó trong sách, khi bạn học hỏi được từ ai đó những kiến thức bổ ích, tuyệt đối đừng lấy chúng ra làm thước đo để đi đánh giá hay phê phán tất cả những gì bạn trông thấy, thay vào đó, hãy học cách phát hiện ra sự đa dạng hóa từ trong đó – khi bắt gặp một thứ gì đó không phù hợp với tư tưởng hay ý niệm vốn có của bản thân, việc bạn nên làm là đi sâu, nhìn vào cái giá trị mới mà nó mang lại, chứ tuyệt đối đừng ngay lập tức phủ định nó.
4. Đọc sách quý ở “tinh”, chứ không ở “nhiều”
Giá trị của tri thức là có hạn, nhưng những cuốn sách thực sự có giá trị luôn mang lại cho chúng ta sự nâng cao về mặt tư duy cũng như hiệu suất, nếu muốn thay đổi bản thân thông qua đọc sách, hãy dành thời gian cho những cuốn sách thực sự có chất lượng và có ích.
Vậy làm sao để biết đâu là cuốn sách tốt với mình? Khi cầm quyển sách lên bắt đầu đọc, bạn phát hiện ra mình không thể đọc nó một cách nửa vời, mà bắt buộc phải tìm một khoảng thời gian riêng, không gian riêng để vừa đọc, vừa ghi chép, vừa nghiền ngẫm, vậy có nghĩa là bạn đã tìm đúng cuốn sách mình cần.
Đối với một người thực sự khao khát đọc sách, thích hành động, thực sự muốn làm mới mình, không khó để tìm thấy những cuốn sách hay mà mình cần trong thư viện hay các công cụ tìm kiếm khác nhau, list sách gợi ý trên mạng tất nhiên chỉ là gợi ý, đọc cuốn nào, cuốn nào hợp với bạn, tất cả phụ thuộc vào bạn. Đừng đọc theo trào lưu, đọc vì người khác cũng đọc, đọc vì thấy cuốn đó nổi tiếng, đắt hàng, hay đọc vì sách rẻ, đọc sách không quý ở số lượng, mà quý ở “tinh hoa”, quý ở cái mà bạn ngấm, cái mà bạn ứng dụng được ở trong thực tế!
Theo Trí Thức Trẻ