4 Ngẫu Tượng Bắt Tâm Trí Làm Tù Binh Của Bacon (P2)

* Ngẫu tượng: là thần tượng hoặc sùng bái thứ gì đó (ngoài Chúa)

3.Ngẫu tượng cái chợ: sự sai lạc do ngôn ngữ gây ra vì tư duy gắn liền với ngôn ngữ. Những nguy cơ từ ngôn ngữ: Khả năng xuyên tạc, lừa dối, thống trị Tư duy gắn liền với việc sử dụng ngôn ngữ mà ngôn ngữ thì đầy rẫy khiếm khuyết do đó cản trở quá trình đi đến với chân tướng sự thật. Ngôn ngữ làm chủ tư duy.

Những ngộ nhận nằm ngay trong cấu trúc và nội dung định nghĩa của những ngôn từ. Có thể nói ngôn ngữ là một loại “phần cứng” quy định ranh giới cho “phần mềm” là những tư tưởng của ta. Ta chỉ có thể suy nghĩ những gì ngôn ngữ chúng ta cho phép, và ta khó đi đến những sự phân loại và phân biệt nào không nằm sẵn trong cấu trúc của ngôn ngữ chúng ta.

Hai con đường dẫn tới sai lầm thông qua ngôn ngữ: – Ta đặt tên cho những sự vật không hề có thực, nhưng lại bị những tên gọi này ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư và cách hành xử của ta. – Mặt khác, ta lại có rất nhiều từ ngữ để đặt tên cho những sự vật có thực, nhưng do sự trừu tượng hóa vụng về hay diễn dịch vội vã từ thực tại, các từ ngữ ấy rất mơ hồ, bất định, không chính xác. Thêm vào đó, ta thường sử dụng nhiều từ ngữ theo quán tính mà ít khi tiến hành quan sát và phân tích nội dung thực sự của chúng. Ta cũng dễ dàng cả tin vào những “huyền thoại” chỉ vì chúng được phát biểu hay trình bày một cách hào nhoáng.

Để tránh ngẫu tượng này: phải làm cho ngôn ngữ được trong sạch và chính xác để làm cho tư tưởng được trong sáng. Xin cảnh giác: tiếng Việt đẹp đẽ và thâm thúy của chúng ta cũng là một ngôn ngữ… rất giàu tính biểu cảm!

4. Ngẫu tượng sân khấu: sự xác tín không bắt nguồn từ suy nghĩ chín chắn, dễ dàng chấp nhận thông tin đầu vào mà không phê phán, phản tư do quyền uy hay do cái bóng quá lớn của nó. Cái thế giới mà Platon mô tả chỉ là một thế giới do ông tạo nên, nó là hình ảnh của Platon đúng hơn là của thế giới.

Ba lề lối đậm nét sân khấu:

1. Giáo điều: ít khi chịu kiểm nghiệm lại phán đoán và kết luận dựa trên kinh nghiệm và thực tế “Họ thường có kết luận từ trước chứ không chịu tham khảo kinh nghiệm mà lẽ ra phải làm, rồi áp đặt vấn đề theo ý muốn của mình, và khi cần viện dẫn đến kinh nghiệm thì cố uốn nắn cho phù hợp với sơ đồ có sẵn”.

2. Duy nghiệm: quá tự tin vào kinh nghiệm, hấp tấp đưa ra những kết luận khi chưa đủ cơ sở

3. Mê tín: trộn lẫn chân lý với thần thoại, kinh nghiệm với hoang tưởng, tri thức với lòng tin.

“Việc đầu tiên là phải phân biệt giữa điều mình biết và điều mình tin. Cái biết có thể nảy sinh từ cảm hứng và sự bừng tỉnh nội tâm, nhưng nó vẫn chưa phải là tri thức cho tới khi được chứng minh và kiểm nghiệm có phương pháp”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *