#30p_TựViết

Tình cảnh Chí Phèo và sự bất lực của Bá Kiến

Tình cảnh Chí Phèo và sự bất lực của Bá Kiến

Tôi cảm thấy đối với văn học mà nói, triết học rất có tương quan. Lấy ví dụ cụ thể, tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao. Nguyên nhân dẫn chết của Bá Kiến và Chí Phèo là do đâu? Một đằng là tự thân, một đằng do người khác đem đến (tha nhân). Chí Phèo tự tử khi thấy được bi kịch của chính mình, sự phi lí của cuộc đời hắn, nói cách khác, Chí đã “giác ngộ” đạo của Camus: “Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc, đó là sự tự sát.” Mồ côi, bị trao qua đổi lại như một nô lệ, từng có một ước mơ lương thiện, tuổi mới đôi mươi Chí đã gặp ngay bà Ba, thế là được vào tù. Ra tù, mọi người xa lánh. Chí trầm cảm rồi triền miên trong những cơn say cho đến khi gặp Thị Nở, hắn nghĩ hắn có thể làm bạn với Thị thì chắc với mọi người khác cũng vậy. Nhưng không, Thị Nở vốn dở hơi, mà Thị lại vô tư đến mức vô cảm. Hãy đọc đoạn “Một lập luận” của Camus:

“Báo chí thường nói đến những phiền muộn riêng tư hay những căn bệnh nan y. Những giải thích kiểu này là khả thủ. Nhưng người ta cũng nên biết có chăng một người bạn của con người tuyệt vọng kia, trong chính ngày hôm đó, đã chẳng nói chuyện với anh ta một cách quá hững hờ, vô cảm. Có thể chính người bạn ấy là kẻ phạm tội. Vì điều ấy đủ để đẩy nhanh mọi hiềm oán và sự chán nản vốn còn đang treo lửng.” (Thần thoại Sisyphus)

Những hành động sau cùng của Thị chính là giọt nước tràn ly. Chí nhận ra mình bị lừa, gặp phải hàng fake. Vốn là người sống lí tưởng, vậy mà bà Ba đã không hiểu cái lãng mạn ấy ở tâm hồn người thanh niên 20 tuổi để đến nổi anh cảm thấy bị khinh. Đó là cái nhục thứ nhất. Chí không cần một người đẹp, nhưng là một người yêu mình, sẵn sàng gạt bỏ quá khứ đáng buồn để cùng nhau xây dựng một gia đình như anh mơ ước, thế mà không ngờ lại gặp một người như Nở. Nam Cao viết rất rõ: “Thị thấy như yêu hắn: đó là một cái lòng yêu của một người làm ơn”. Nói trắng ra là thương hại. Đây là cái nhục thứ hai. (Bá Kiến lại không cười cho trẹo quai hàm đi, nghĩ thế Chí không tức mới lạ.) Nhục thứ nhất dành cho Bá Kiến, cái nhục thứ hai thuộc về Chí Phèo. Bá Kiến, bấy giờ, ăn tiên chỉ của làng Vũ Đại, tất nhiên Chí phải sợ. Từ khi đi tù, thoát khỏi cái không gian văn hóa làng, ra tù, Chí xóa bỏ qui ước của làng xã, cơ chế sợ hãi dần mất đi như Bá Kiến nhận thấy:

“…Chí Phèo, một thằng hiền lành như đất – tội nghiệp cho hắn, có lần lý Kiến thấy hắn vừa bóp đùi cho bà ba, vừa run run! Bỗng nhiên vùng dậy giở toàn những giọng uống máu người không tanh. Thì ra già néo đứt dây. Cụ tiên chỉ làng Vũ Ðại nhận ra rằng: đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng đi là dại. Mười thằng đã đi ra thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được từ phương xa.

những thằng có máu mặt, vợ đẹp, con đàn chính là những thằng dễ bóp; trái lại những thằng tứ cố vô thân, giết chúng thì dễ, nhưng giết được, chỉ còn có xương…”

Ai đọc qua “Về kí hiệu học các khái niệm ‘xấu hổ’ và ‘sợ hãi’ trong cơ chế văn hóa” của IU.M.Lotman sẽ biết người sợ hãi thường không biết xấu hổ, người xấu hổ thường không sợ hãi. Quan hệ giữa Chí Phèo và Bá Kiến lúc này là quan hệ giữa hai thằng đàn ông, được điều tiết bằng cơ chế xấu hổ. Thị Nở đã làm Chí mất mặt với đám đàn ông, mà xấu hổ nhất với Bá Kiến, vì trước đây bà Ba vợ của lão hãy còn tằng tịu với mình đến nổi lão bị nhục, và đẩy Chí vào tù thì nay, lại bị một con dở hơi nhất làng kiêu ngạo cự tuyệt. Trước đây vì nhục Lão đã cho mình vào tù, thì nay cái nhục này tìm ai mà giải quyết? Các cuộc ái tình chúng ta dễ thấy được, phần lớn đánh ghen toàn đánh tình địch, mấy ai đánh người mình yêu? Điển hình là cụ Bá “Cụ chỉ muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi tù…”, song với bà Tư cụ chỉ “túc lạ!”, và trách yêu “người đâu mà vô tâm”. Chí cũng vậy. Khi bị bỏ rơi, hắn sửng sốt, Nam Cao miên tả tình cảnh thảm hại của hắn: “Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay thị. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khèo xuống sân.” Càng thảm hại hơn nữa, với Thị Nở, Chí làm gì có tình địch nào? Miệng lẩm nhẩm “phải đâm chết nó!” (Dư luận, cũng như báo chí Camus viết ở trên) cứ tưởng Chí muốn đâm chết cả nhà con Nở dở hơi nhưng vô thức lại đến nhà Bá Kiến (Dư luận thì cho rằng “Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm.”). Miệng lẩm bẩm ai cho tao lương thiện nhưng vô thức lại như muốn nói: Chính mày làm nhục tao, làm tao xấu hổ, mày có đến bốn bà vợ còn tao trắng tay. Đúng như Tào Tháo nói: Có nhục thì sau mới có dũng được!

Bá Kiến trước khi chết còn kịp cà khịa Chí một câu:

– Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.

Chí cần lương thiện làm gì? “Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa. Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Ðã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều lĩnh được nữa. Bấy giờ mới nguy! Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện… Hắn băn khoăn nhìn thị Nở, như thăm dò. Thị vẫn im lặng, cười tin cẩn, hắn thấy tự nhiên nhẹ người.”

Rõ ràng Chí không “ngáo” lương thiện như người ta tưởng lắm đâu. Đó chỉ một phương tiện để sống yên thân, một cách thức, một món hồi môn mà bà cô ế già của Thị đòi hỏi để lấy được vợ. Chí ý thức được cái cùng của mình. Một dòng họ có mã hủi còn cảm thấy xấu hổ khi xếp cùng với Chí thì còn gì cùng hơn nữa? Nên Chí phải lương thiện, phải hiền. Nhưng mà khổ nỗi “cái nghề đời hiền quá cũng hoá ngu, ở đâu chứ ở đất này đã ngu, đã nhịn thì chúng nó ấn cho đến không còn ngóc đầu lên được.” Yêu sách của Chí Phèo ngây thơ đến độ làm Bá Kiến bật cười. Đã bất đồng lí tưởng, tuyệt nhiên không thể chung đường. Giá như Bá Kiến tỉnh táo một chút, thu xếp chuyện hôn sự của Chí thì biết đâu hãy còn toàn mạng. Nhưng cụ hãy đang ăn phải giấm chua của bà Tư, Chí lại đang bị Thị Nở bỏ rơi, vô tình tập đoàn Chí – Kiến tan vỡ về tay những người đàn bà: bà Ba, bà Tư, và bà cô Thị Nở.

Truyện ban đầu có tên “Đôi lứa xứng đôi”. Đôi ở đây không phải là Chí Phèo và Thị Nở, mà là cặp bài trùm: Chí Phèo – Bá Kiến. Một người có quyền nhưng “yếu”, một người khỏe mạnh nhưng thiếu quyền lực, cả hai đều cảm thấy bất lực như nhau. Có quyền mà “yếu” vẫn hơn khỏe mạnh mà thiếu quyền lực. Nam Cao nói: “Mọi việc trong nhà, quyền đàn bà.” Buồn thay, họ cần cả sức khỏe lẫn quyền lực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *